Chuyên gia ASEAN: Nhiều công việc biến mất, học sinh trường nghề lên ngôi
Nhiều công việc thường ngày đang dần biến mất, do quá dễ dàng để số hóa. Vì vậy, những học sinh được đào tạo nghề đầy đủ sẽ có cơ hội kiếm việc làm tốt bởi con đường học thuật không phải là duy nhất.
Ông Andeas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng, Cố vấn đặc biệt về Chính sách giáo dục cho Tổng thư ký tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khẳng định như vậy tại phiên họp nhóm chuyên gia về “Xây dựng Chương trình học tập ứng dụng trên cơ sở việc làm nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức ngày 18/12.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với đại diện Bộ Giáo dục của 10 nước ASEAN. Tại điểm cầu Việt Nam có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại sứ quán các nước ASEAN, đại diện UNESCO và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Khích lệ học sinh theo con đường học nghề
Phát biểu chào mừng và chỉ đạo phiên họp qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp qua hình thức trực tuyến
“Chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và thành viên ASEAN tại hội thảo sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình học tập ứng dụng trên cơ sở việc làm, chủ yếu tập trung vào các ngành Khoa học và Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Kế toán và Du lịch, nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực ASEAN.
Từ những chia sẻ đó định hướng xây dựng một bộ công cụ giáo dục, kết hợp với việc ứng dụng CNTT để sử dụng trong giảng dạy và học tập các chương trình nói trên”, Thứ trưởng cho biết.
Chủ trì phiên họp, PGS TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực dồi dào nếu không đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường lao động và công việc sẽ là trở ngại lớn. Vì vậy, những kinh nghiệm chia sẻ trong phiên họp sẽ hướng tới trang bị cho người học những kỹ năng có thể chuyển giao.
Mở đầu phần tham luận, ông Andeas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng, Cố vấn đặc biệt về Chính sách giáo dục cho Tổng thư ký tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã trình bày kinh nghiệm triển khai giáo dục trên cơ sở việc làm từ về tiếp cận toàn cầu.
Ông Andeas đưa ra bức tranh toàn cảnh về những giải pháp thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cùng biện pháp duy trì học tập suốt đời trên thế giới.
Theo một đo lường kỹ năng của người lớn, kết quả cứ 10 người thì có khoảng 1 người có thể thành công về công nghệ mới ngày nay. Trong khi đó, nhiều công việc thường ngày đang dần biến mất, do quá dễ dàng để số hóa. Vì vậy, những học sinh được đào tạo nghề đầy đủ sẽ có cơ hội kiếm việc làm tốt.
Video đang HOT
Đây là cơ sở để khích lệ học sinh theo con đường học nghề nhiều hơn, bởi con đường học thuật không phải là duy nhất. Vì vậy, ông Andeas cho rằng, rất cần những giải pháp mạnh mẽ cho giáo dục nghề nghiệp.
Cảm ơn những nỗ lực trở thành cầu nối của Việt Nam qua phiên họp này, đại diện Ban Thư ký ASEAN đã đưa ra những ý tưởng, dự thảo ban đầu về kế hoạch hành động 2020-2026, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của CNTT, văn hóa học tập suốt đời trong giáo dục các nước ASEAN.
Trường cao đẳng trung tâm dạy nghề sẽ định hướng trở thành chuyên gia hàng đầu
Đại diện Philippines chia sẻ, học sinh và giáo viên nước này nhận nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau để phát triển toàn diện những kỹ năng thiết yếu. Các môn ứng dụng cốt lõi có trong chương trình giáo dục từ cấp mầm non đến lớp 12, để người học chuẩn bị sẵn sàng trước những nghề nghiệp tân tiến và thách thức trong tương lai. Ví dụ như học sinh cấp 3 được học các môn về công nghệ, quản trị, thể thao, nghệ thuật, thiết kế,…
Sau khi tốt nghiệp, các em có thể học đại học nếu có nhu cầu hoặc sẵn sàng đi làm và tiếp tục cải thiện kỹ năng ở các cấp độ tiếp theo để đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai.
Các em sẽ có giai đoạn hòa nhập, học tập dựa trên người tuyển dụng. Việc học tập sẽ diễn ra ở nơi làm việc hoặc giả lập môi trường làm việc, với các môn được thiết kế riêng để thực hành chuyên môn, thể hiện kỹ năng. Đại diện Philippines cũng đưa ra một số phương án nhà trường có thể lựa chọn để giảng dạy cho các học sinh khác nhau.
Đại diện Brunei cho biết đã thành lập hội đồng lên kế hoạch gắn kết nguồn nhân lực với lĩnh vực việc làm, giải quyết vấn đề việc làm hiệu quả, minh bạch và thiết thực nhất, tập trung 3 lĩnh vực: Nguồn cung, nhu cầu, những động lực để có thể thực hiện.
Phía Malaysia chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình đào tạo học tập dựa trên công việc, và cho rằng, cần nâng cao nhận thức về mô hình này và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Phạm Quang Hưng và Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh chủ trì tại điểm cầu Hà Nội
Từ kinh nghiệm thiết lập mối quan hệ đối tác công tư (PPP), đại diện Thailand cho biết, thời gian tới, sẽ thúc đẩy sáng kiến mô hình ưu việt, dành cho giáo viên, sinh viên và các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lại lao động.
Theo đó, các trường cao đẳng trung tâm dạy nghề sẽ định hướng trở thành chuyên gia hàng đầu chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Đồng thời, điều chỉnh chương trình, quy định, đánh giá, nhằm nâng cao chuẩn nghề nghiệp và chuẩn đầu ra, cũng như đưa ra chương trình đồng cấp chứng chỉ giữa một số nước, đơn vị liên kết, mở cơ hội rộng lớn hơn cho dịch chuyển lao động trong khu vực và thế giới.
Về phía Việt Nam, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, người lao động Việt Nam có truyền thống hiếu học, tuy nhiên, giữa học tập thực tế và học tập lý thuyết có sự khác nhau.
TS Phương đề xuất cần có sự kết nối giữa bên đào tạo với nhà tuyển dụng trong xây dựng chương trình giáo dục; chú trọng chia sẻ tài nguyên giáo dục đào tạo để chọn lựa tài liệu tốt nhất để giáo dục đạt giá trị cao;…
Kết luận phiên họp, PGS Lê Anh Vinh khẳng định, các ý kiến cho thấy tầm quan trọng của học tập dựa trên công việc, tuy bối cảnh các nước khác nhau nhưng có thể học tập lẫn nhau để tìm ra cách thức hiệu quả nhất. Học tập dựa trên công việc là một thành phần bổ trợ việc học tập.
Phiên họp đầu tiên này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng để các quốc gia trong khu vực tiếp tục thảo luận, xây dựng kế hoạch lâu dài, đồng thời, đưa ra cam kết mạnh mẽ, chia sẻ tài nguyên, tài liệu với nhau nhằm đảm bảo tương lai tốt nhất cho học sinh và cho sự phát triển chung của khu vực.
Khoảng cách học tập của học sinh tiểu học thành phố và nông thôn đã thu hẹp
Đây là thông tin được phân tích từ kết quả báo cáo tại Hội nghị trưc tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO ngày 1/12).
Ảnh minh họa: TTXVN
Hội nghị trực tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) được tổ chức tại 7 đầu cầu trực tuyến đặt tại 7 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Philippines và trụ sở Ban thư ký tổ chức SEAMEO tại Bangkok - Thái Lan. Lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước chủ trì tại các đầu cầu trực tuyến.
Đầu cầu Việt Nam có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Văn Phúc; lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT; Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF tại Việt Nam - bà Simone Vis.
Dự Hội nghị tại trụ sở Ban Thư ký SEAMEO tại Thái Lan có Giám đốc khu vực phụ trách về giáo dục của UNICEF - bà Karin Hulshof; Giám đốc toàn cầu phụ trách giáo dục của Ngân hàng thế giới (WB); Giám đốc Unesco tại Bangkok; Giám đốc ban Thư ký SEAMEO; Trưởng ban chương trình SEA PLM; Tham vấn giáo dục khu vực của UNICEF.
Tại Hội nghị trực tuyến, tổ chức SEAMEO đã cung cấp kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019. Trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.
Cụ thể ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ, thì học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%.
Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.
Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.
Ở lĩnh vực Toán học SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.
Phân tích kết quả chi tiết của Việt Nam cho thấy, kết quả học tập của học sinh nữ Việt Nam tương đương với học sinh nam ở lĩnh vực Toán học và Đọc hiểu nhưng ở lĩnh vực Viết, học sinh nữ thành thạo hơn học sinh nam, sự khác biệt khá lớn theo thống kê ở các mức điểm cao nhất (mức 5, 6 và 7).
Trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của con em. Cụ thể, cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì kết quả học tập của các con càng tốt.
Khoảng cách học tập của học sinh thành phố và nông thôn theo đánh giá của SEA PLM đã thu hẹp, gần như không còn sự khác biệt. Tuy nhiên, học sinh miền núi, vùng sâu xa vẫn còn khoảng cách khá xa với kết quả học tập của học sinh của các vùng khác.
Năm 2019, Việt Nam khảo sát chính thức SEA PLM với tại 150 trường với 832 giáo viên, 4837 học sinh và 4160 phụ huynh học sinh.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, đánh giá cao sáng kiến xây dựng một chương trình đánh giá kết quả học tập chung cho các nước ASEAN (SEA PLM). Chương trình này không chỉ mang đến cho các quốc gia một thang đo đánh giá chất lượng giáo dục khách quan, công bằng, mà còn tạo cơ hội để các quốc gia tìm hiểu lẫn nhau, chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách chiến lược để phát triển giáo dục nước mình và cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.
Từ kết quả đánh giá và phân tích dữ liệu đánh giá của SEA PLM, Bộ GD&ĐT Việt Nam xác định các chính sách, chiến lược trước mắt và lâu dài để phát triển giáo dục Tiểu học. Trong đó, một số giải pháp dài hạn trọng tâm là tiếp tục các chính sách đầu tư cụ thể, thiết thực để phát triển giáo dục cho học sinh miền núi, vùng sâu xa; hỗ trợ trẻ em dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược nâng cao trình độ học vấn cho cha mẹ học sinh một cách bài bản; xây dựng các tài liệu và các chương trình tập huấn cho phụ huynh học sinh để họ có phương pháp giáo dục con trong gia đình tốt hơn. Hoạt động này sẽ ưu tiên các bậc cha mẹ miền núi, vùng sâu xa, hoàn cảnh khó khăn.
Việt Nam cũng sẽ có chính sách đầu tư nhiều hơn đến học sinh nam, để các em được tăng cường kỹ năng sống và cải thiện kỹ năng viết. Việc trang bị cho đội ngũ Hiệu trưởng, giáo viên các phương pháp, kỹ năng quản lý nhà trường, lớp học; các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giáo dục hiện đại cũng sẽ được chú trọng để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam.
Cùng với các giải pháp lâu dài và ngắn hạn khác, Việt Nam tin tưởng sẽ nâng cao hơn chất lượng giáo dục Tiểu học và tiếp tục tham gia SEA PLM trong những năm tới.
SEA-PLM (The Southeast Asia Primary Learning Metrics) là chương trình đánh giá cấp khu vực do ASEAN khởi xướng năm 2011 nhằm hỗ trợ các nước thành viên SEAMEO đo lường tốt hơn và hiểu sâu hơn tình hình học tập của học sinh Tiểu học theo tổng thể chung và từng nhóm riêng; từ đó giúp các nước nâng cao chất lượng giáo dục.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng những công dân được trang bị tốt và tích cực hòa nhập vào thế giới.
Chương trình SEA-PLM đánh giá mức độ mà học sinh cần phải đáp ứng được theo mục tiêu của chương trình giảng dạy chung của khu vực. Các lĩnh vực được đánh giá gồm: Đọc hiểu (tiếng mẹ đẻ); Viết (tiếng mẹ đẻ); Toán học và các kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21.
Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô: Tư cách, đạo đức ấy còn dạy được ai? Những người dùng bằng giả của đại học Đông Đô không còn đủ tư cách, trình độ để đứng trên bục giảng hay xưng danh trong giới học thuật. Liên quan đến vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các...