Chuyện dài “học thật, thi thật và nhân tài thật”
Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số yêu cầu đối với ngành, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là “học thật, thi thật và nhân tài thật”.
Áp lực “100%”
Năm học nào cũng vậy, thường cuối kì, cuối năm học, phụ huynh luôn được “đền đáp” với bảng điểm 9, 10 của con. Các nhà trường cuối năm học luôn là thành tích năm sau cao hơn năm trước…
Mới đây, câu chuyện một số học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp không đọc được chữ một lần nữa gây xôn xao dư luận. Đây cũng không phải là lần đầu tiên có hiện tượng học sinh THCS không biết đọc, viết.
Ngay những ngày này, khi cuộc đua vào lớp 10 đang nóng bỏng, nhiều phụ huynh và cả giáo viên bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng có hiện tượng học sinh được “tư vấn” không thi lớp 10 công lập do sợ kết quả thi kém, ảnh hưởng lớn tới uy tín của trường THCS nơi em đó học… Hoặc một số phụ huynh cho biết con mình học chậm, gia đình sẵn sàng cho con “học đúp” cho chắc nhưng kết quả con vẫn được lên lớp…
Nhóm GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam đã thực hiện cuộc khảo sát tại các nhà trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), tại 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, là thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Trị. Theo khảo sát ở 222 giáo viên và các cán bộ quản lý các nhà trường về có “ bệnh thành tích” trong giáo dục và đào tạo không và mức độ như thế nào thì 97,74% người khẳng định là “có bệnh thành tích”, chỉ có 2,3% ý kiến cho rằng không có hiện tượng này.
Video đang HOT
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của các hiện tượng gian lận, lừa dối trong dạy và học là “Quan niệm 100%” (tức là mọi việc cứ phải đạt 100%, hoặc gần 100%) đã gây áp lực không tốt cho các nhà trường, cho các cán bộ quản lý giáo dục, cho các giáo viên.
Nguyên nhân thứ hai quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có những khiếm khuyết, kẽ hở dễ tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa dối trong đánh giá, thi cử có điều kiện xuất hiện.
Tiếp đến là ý thức chung của toàn xã hội và của các bậc cha mẹ học sinh thấp, đôi khi chủ động gây ra áp lực hoặc tòng phạm, đồng lõa với các hành vi gian lận trong đánh giá, thi cử. Đối với học sinh, về các áp lực trong học tập, qua khảo sát các em cho rằng đã bị áp lực mạnh nhất từ các cha mẹ của mình, kế đó là áp lực từ các thầy cô giáo.
Và “lỗi” từ các kỳ thi
PGS Chu Cẩm Thơ – Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng quá nhiều kỳ thi ở phổ thông đang lấy đi cơ hội rèn luyện những phẩm chất, năng lực khác của học sinh. PGS Chu Cẩm Thơ chia sẻ:
“Khoảng 3 năm gần đây, nhóm chúng tôi có tham gia những nghiên cứu để giải thích nguyên nhân cho bệnh thành tích ở Việt Nam. Trong nhiều tiêu chí đánh giá chất lượng, tiêu chí “thứ hạng cao” quyết định “chất lượng” của một cơ sở giáo dục, là điều kiện để được khen thưởng. Rồi nếu đạt thành tích cao thì học sinh được cộng điểm, được ưu tiên trong những đợt tuyển sinh… Vì vậy, không ít học sinh tham dự kỳ thi vì “phần thưởng”.
Cùng với đó, ngày nay có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi học sinh đều có thể tham gia, dẫn đến có những học sinh lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài ngàn đô để đóng “lệ phí” cho con tham dự các cuộc thi.
Chúng ta hẳn còn nhớ vụ scandal nổ ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2005: có tới bảy học sinh trong cùng một đội tuyển, dù có bài làm rất tốt, xứng đáng nhận những giải cao nhất, nhưng tất cả các bài thi này đã bị hủy vì “rất giống nhau”; rồi sự việc đau lòng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Hay chuyện truyền miệng về những học sinh được “đầu tư” để trở thành thành viên của đội tuyển thi sáng tạo, khoa học kĩ thuật hay lập trình…, vì chỉ cần đội tuyển đạt giải nhất, các thành viên sẽ được tuyển thẳng vào trường chuyên, vào đại học…”.
Ở một khía cạnh khác, chưa có một kết quả nghiên cứu nào khẳng định thành tích thi cử tốt tỉ lệ thuận với sự hài lòng trong cuộc sống của người học ở thời điểm học thi, cũng như sự thành công và hạnh phúc về sau của người đó. Cái cần là học thế nào, năng suất học cao không, khả năng vận dụng trong công việc, cuộc sống thế nào. Học bị ép để đạt điểm cao thì vô dụng, người bị ép sẽ vứt bỏ ngay khi hết ép, đấy là hậu quả. Cuộc sống và sự phát triển của bản thân và xã hội cần nhiều hơn những thứ đó. Và gần nhất ở đây là động cơ học tập và động cơ làm việc sau này. Do đó, thay vì dùng công cụ thi tập trung tạo áp lực học tập thì hãy chú trọng để đánh giá trong quá trình học tập, giúp việc dạy tử tế, học tử tế được diễn ra, PGS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam:
Phải xử nghiêm gian lận bệnh thành tích
Điều trước tiên là phải xử lý nghiêm các hành vi tòng phạm, bao che dung túng cho các việc làm gian lận lừa dối trong giáo dục. Một thầy cô giáo nào đó mắc phải hành vi gian lận, trong một mức độ nào đó, người hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải chịu hình phạt liên đới. Giải pháp này cũng góp phần giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm pháp lý của các cán bộ quản lý các nhà trường. Chúng ta đã thừa nhận, “bệnh thành tích” trong giáo dục về thực chất đó là các hành vi việc làm gian lận, lừa dối. Bởi vậy những vi phạm gian lận trong giáo dục, đào tạo nếu ai đó mắc phải cần phải được xử lý ngay, xử lý công khai, nghiêm minh, đúng mức độ để làm gương cho người khác.
Đặc biệt, đã có gian lận, lừa dối thì việc xử lý các hành vi gian dối này phải trả về cho các chế định luật pháp. Trong điều kiện hiện nay rất cần có sự rà soát lại các văn bản luật pháp, thông tư, nghị định đang hiện hành liên quan đến dạy và học, đánh giá chất lượng người học, tổ chức thi cử, bổ sung kịp thời những quy tắc, chế định mới do cuộc sống đã có sự phát triển, thay đổi để giúp có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dạy và học một cách khách quan tốt nhất. Và các nhà giáo, nêu cao phẩm chất liêm, chính của người thầy, xây dựng ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Bệnh thành tích và sản phẩm giả trong nhà trường
Việc một số học sinh lớp 6 trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) mà đọc, viết vẫn khó khăn khiến dư luận băn khoăn. Phải chăng bệnh thành tích đã tạo nên những "sản phẩm giả" của giáo dục?
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn vì "thương học trò" nên các thầy cô đã cho các em lên lớp, bất kể học trò có học được hay không. Thương học trò hay "tự thương mình" vì sợ lớp có học sinh lưu ban thì sẽ bị đánh giá, bị trừ thi đua. Nhiều người cho rằng, gốc rẽ việc này bắt nguồn từ "thảm họa" bệnh thành tích.
Có lẽ nhiều người đã quên vào năm 2016, ở Sóc Trăng, có trường hợp học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo. Năm 2019, một trường THCS ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dù đạt chuẩn quốc gia nhưng có đến 5 em học sinh từ lớp 6 lên lớp 7 đọc viết còn kém.
Nói như ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp, thì hiện tượng này dù chỉ có ở một vài nơi, nhưng rất có thể nơi khác chưa bị lộ ra. Ông Tùng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Trước hết chính là bệnh thành tích trong giáo dục. Tiếp đó là sự vi phạm đạo đức nhà giáo của một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Và còn có nguyên nhân từ việc chưa thực sự quyết liệt, triệt để trước hiện tượng "ngồi nhầm lớp" không phải xảy ra lần đầu tiên của các cấp quản lý giáo dục.
"Ngồi nhầm lớp" hay là "sản phẩm giả" của giáo dục, nói cách nào cũng được vì nó đều là hậu quả của những gì tệ hại, không thể chấp nhận. Ở đây, không nói đến các em được thầy cô cho "ngồi nhầm lớp" dẫu rằng học lực kém; quan trọng hơn phải "mổ xẻ" từ phía người thầy.
Có người cho rằng, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì không thể không biết các em đọc chưa thông viết chưa thạo. Đúng, nhưng không đủ. Vì rằng từ lớp 1 cho tới lớp 6 là cả một quá trình mang tính tiếp nối liên tục, một học sinh học lực kém mà "vượt qua tất cả các cửa" để năm nào cũng lên lớp thì còn phải nhìn nhận nguyên nhân khác.
Nếu như giáo viên chủ nhiệm (trong trường hợp có cả giáo viên bộ môn) cố tình "đẩy" các em lên, thì không lẽ Ban giám hiệu nhà trường không hề hay biết? Điều đó là vô lý. Họ biết cả đấy nhưng lờ đi. Đó có thể coi là hành động rất tệ trong môi trường giáo dục, vì làm hỏng học trò. Nếu như hết lớp 1, em đó chưa đọc, chưa viết được thì cho ở lại lớp 1 năm chắc chắn sẽ biết đọc biết viết để chuyển lên lớp 2. Còn bằng không, cứ "đẩy lên" thì kiến thức của các em đã bị hổng từ đầu sẽ tiếp tục hổng mà không có cách gì cứu vãn, trừ phi đưa trở lại lớp 1. Mất bao nhiêu thời gian.
Xã hội đã nhiều sản phẩm giả, dẹp mãi chưa hết thì học đường không nên "làm ra" những sản phẩm giả. Xin được nhắc lại một điều xưa cũ: Sản phẩm của nhà trường chính là con người. Vì thế càng không được phép.
Tật xấu "con gà tức nhau tiếng gáy" khiến học sinh lớp 6 đọc, viết như lớp 1 "Bệnh thành tích rất dễ lây lan, không chỉ xảy ra ở một cấp, một ngành, do đó cần xử lý nghiêm khắc, quy trách nhiệm cụ thể", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh. Ngày 14/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo...