Chuyện cảm động về người thầy luôn phải soạn sẵn “hai giáo án” đứng lớp
Mặc dù giảng dạy ở nơi khó khăn, thiếu thốn, quanh năm phải trải qua cái lạnh thấu xương nhưng thầy giáo Đoàn Văn Tuyền luôn tìm thấy niềm vui và xem đó là quãng thời gian ý nghĩa của tuổi trẻ…
Do là lớp ghép nên các em học sinh ngồi xoay lưng lại với nhau, một bên học Toán, bên học môn Tiếng Việt. Ảnh: Đức Huy
Lớp học trên đỉnh Ngọk Brel
Thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi, điểm trường Điek Tà Âu, Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem, xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum) dù còn trẻ nhưng đã có thâm niên 7 năm cắm bản gieo chữ cho học sinh vùng cao. Cũng trong chừng ấy năm, thầy Tuyền đã 3 lần chuyển trường. Tuy nhiên, mỗi lần chuyển đến nơi khác giảng dạy thì sự khó khăn, vất vả lại tăng lên gấp bội.
Cách TP Kon Tum 100km, chúng tôi phải mất tới 4 giờ đồng hồ mới có mặt tại trung tâm xã Ngọk Tem. Vậy nhưng, để đến được điểm trường Điek Tà Âu, chúng tôi còn phải di chuyển thêm 20km đường đất ngoằn ngoèo nữa. Dẫn đường cho chúng tôi có thầy Lê Văn Thức, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Ngọk Tem. Nhiều đoạn đường lầy, bánh xe bị lớp bùn dầy gần như “nuốt chửng” không nhúc nhích nổi. Vượt qua những đoạn đường sình lầy, dốc cao thì ai nấy trong đoàn đều lấm lem bùn đất, mệt nhoài.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ “vật lộn” với màn sương và thời tiết lạnh buốt, thầy Thức ra hiệu cho chúng tôi dừng xe. Thầy Thức nói: “Mọi người nghỉ ngơi vài phút rồi gửi xe lại đây thôi. Đoạn đường phía trước xe không leo nổi đâu. Ngay cả người dân bản địa cũng chịu”.
Cả đoàn gửi lại xe cùng một số đồ dùng không quan trọng rồi cuốc bộ leo dốc. Điểm trường Điek Tà Âu nằm chênh vênh trên ngọn núi Ngọk Brel. Cả điểm trường chỉ có một phòng học mới được tu sửa lại, nhưng không chắn nổi các đợt gió lạnh. Các em học sinh lớp 1 và lớp 2 ngồi xoay lưng lại với nhau chăm chỉ nghe thầy giáo giảng bài. Do là lớp ghép nên một bên các em học Toán, bên còn lại học môn Tiếng Việt.
Thầy Tuyền với thân hình mảnh khảnh, đôi chân thoăn thoắt di chuyển quanh lớp để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Vừa hướng dẫn các em lớp 2 làm Toán xong, thầy Tuyền lại xoay người theo dõi, cầm tay cho các em lớp 1 tập viết và đọc. Lũ trẻ với bộ quần áo mỏng tanh, bờ vai đôi lúc run lên vì gió lạnh nhưng vẫn chăm chú nghe thầy giáo giảng bài. Khoảng 11h, học sinh ở 2 lớp ghép thu dọn sách vở ra về.
Lúc này, thầy Tuyền mới có thời gian tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình. Theo đó, thầy Tuyền sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Tuyền vào Kon Tum dạy học. Trong quá trình công tác tại đây, thẩy Tuyền đã nhiều lần chuyển đến các điểm trường khác nhau. Đến ở bất cứ nơi đâu, người thầy giáo trẻ này luôn được các đồng nghiệp và học trò yêu quý.
Từng phải động viên học sinh đến lớp
Các em học sinh ở điểm trường Điek Tà Âu với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trước khi chuyển công tác lên điểm trường Điek Tà Âu, thầy Tuyền đã được đồng nghiệp kể về những khó khăn nơi đây. Tuy nhiên, do yêu nghề, thương các em học sinh nên thầy Tuyền chẳng mảy may suy nghĩ. Ngày mới lên, thầy Tuyền rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đem từ quê vào. Vượt qua mấy quả đồi, qua nhiều bản làng mới tới được điểm trường. Khi thầy tới nơi trời cũng đã tối mịt, quần áo lấm lem bùn đất. Điểm trường cũng chỉ là một dãy phòng học nhỏ, thô sơ.
Ngày đầu lên lớp, thầy Tuyền dạy các em nhỏ vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt. Dần dần lũ trẻ quen và bớt mặc cảm bởi hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn, thầy mới bắt đầu dạy con chữ. Do người dân khó khăn về giao thông, nước sạch thiếu thốn nên cuộc sống còn nhiều lạc hậu, nghèo đói. Chính vì vậy, việc tiếp thu kiến thức của các em còn chậm hơn so với các vùng khác. Các em cũng quen phụ giúp gia đình công việc nương rẫy nên nhiều em lười đến lớp. Khi đó, thầy Tuyền phải đến từng nóc nhà, có khi lên tận nương rẫy để vận động các em ra lớp. Dần dần, sĩ số của lớp đã được cải thiện, các em học sinh cũng tự giác đến trường.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Tuyền cho hay, khó khăn nhất là các em phải học theo lớp ghép. Do đó, mỗi ngày thầy phải soạn 2 giáo án khác nhau. Nếu lớp 1 học Tiếng Việt thì lớp 2 phải học Toán để tránh lẫn lộn kiến thức với nhau. “Các em học sinh nơi đây mặc dù tiếp thu chậm nhưng rất ngoan. Đây cũng là niềm động viên mình cố gắng trong công tác giảng dạy. Mình chỉ mong nơi đây có con đường mới, mùa mưa không còn sình lầy nữa để người dân phát triển kinh tế để “con chữ” đến với các em học sinh cũng bớt gian nan hơn”, thầy Tuyền chia sẻ.
Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem cho biết, trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn, buôn xa xôi, đường đi lại khó khăn. Trong đó, điểm trường Điek Tà Âu là một trong những điểm trường khó khăn nhất với 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đầy thầy cô giáo không chỉ dạy kiến thức cho các em học sinh mà còn tuyên truyền, vận động bà con trong suy nghĩ và lối sống văn hóa.
Đức Huy
Theo giadinh.net.vn
Nỗ lực dạy trực tuyến, thầy cô vừa làm vừa điều chỉnh
Để học sinh không bị sao nhãng việc học trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, nhiều trường ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức dạy và học trực tuyến.
Từ khi virus corona bắt đầu lây lan, một số trường đã lên kế hoạch soạn giáo án để giảng dạy trực tuyến online. Do đã được chuẩn bị từ trước nên khi học sinh phải nghỉ học, các trường đã nhanh chóng áp dụng chương trình này vào việc giảng dạy. Nhờ vậy mà việc học tập của các em không bị sao nhãng.
Trong tư thế chủ động bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn ĐÌnh Chiểu (TP. Đà Nẵng), cho biết: "Giáo viên nhà trường soạn giáo án, bài vở, các câu hỏi để học sinh có thể tự học ở nhà nếu như UBND Thành phố tiếp tục cho nghỉ học".
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Thanh Hòe, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Đà Nẵng), học tập và giảng dạy trực tuyến là chương trình hoàn toàn mới đối với nhà trường. Vì vậy, nhà trường gặp không ít khó khăn.
"Không có thiết bị để phục vụ cho việc dạy học, chương trình có nhiều biến động, trường phải vừa làm vừa điều chỉnh" - bà Hòe chia sẻ.
Mặc dù vậy, qua những lúng túng ban đầu, thì việc dạy học trực tuyến giờ đây cũng khá đơn giản, học sinh chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là có thể xem được các bài giảng của giáo viên. Phương tiện giảng dạy cũng không cần phức tạp, giáo viên chỉ việc ngồi trước màn hình điện thoại là có thể giảng dạy.
Với hình thức dạy học này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với các thầy cô đang nỗ lực đưa kiến thức đến học sinh, khi các em không thể tới lớp.
"Đó là điều khiến chúng tôi bất ngờ, trước đây phụ huynh chúng tôi không nghĩ rằng vì tránh dịch bệnh mà các thầy cô lại phải bận tới mức này để đưa kịp kiến thức lên mạng cho các cháu có thể ôn tập tại nhà" - anh Nguyễn Ngọc Phước, phụ huynh học sinh tâm sự.
Tấn Phước
Theo vietnamnet
Một mình cõng chữ lên non Qua mấy mùa sương phủ, dấu chân của thầy Tuyền đã in mòn trên đường lên ngọn núi Ngọk Brel. Mắt lũ trẻ trên đỉnh núi này cũng đã quen nhìn cái dáng mảnh khảnh của người thầy đáng kính. Thầy Tuyền một mình lên Điek Ta Âu gieo chữ - ĐỨC NHẬT Lớp học giữa sương mù H.Kon Plông mưa không dứt....