Chuyến bay bí mật và thời khắc cuối cùng của Tổng thống Assad ở Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã rời khỏi đất nước, nhưng không thông báo cho bất kỳ ai về kế hoạch của mình giữa lúc phe đối lập tràn vào thủ đô.
Tổng thống Bashar al-Assad (Ảnh: AFP).
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Bashar al-Assad hầu như không tiết lộ với bất kỳ ai về kế hoạch rời khỏi Syria khi chính quyền của ông sụp đổ. Thay vào đó, các trợ lý, quan chức, thậm chí cả người thân của ông cũng không biết kế hoạch này.
Vài giờ trước khi rời Syria tới Moscow hôm 7/12, ông Assad đã tổ chức một cuộc họp gồm khoảng 30 chỉ huy quân đội và an ninh tại Bộ Quốc phòng. Ông nói với họ rằng hỗ trợ quân sự của Nga đang tới và kêu gọi lực lượng lục quân kiên trì chiến đấu.
Theo một phụ tá thân cận, ông Assad đã nói với người quản lý văn phòng tổng thống rằng, sau khi ông hoàn thành công việc, ông sẽ về nhà. Nhưng thay vào đó, ông lại đến sân bay.
Ông Assad cũng đã gọi cho cố vấn truyền thông Buthaina Shaaban và yêu cầu bà đến nhà ông để viết bài phát biểu. Tuy nhiên khi bà đến nơi, không còn ai ở đó.
“Ông Assad thậm chí còn không đưa ra nỗ lực chống trả cuối cùng. Ông thậm chí còn không tập hợp quân đội của mình. Ông để những người ủng hộ mình tự đối mặt với số phận của họ”, Nadim Houri, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn khu vực Sáng kiến Cải cách Ả Rập, cho biết.
Theo 3 cố vấn của Tổng thống Assad, ông thậm chí còn không thông báo cho em trai Maher, chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp tinh nhuệ số 4 của quân đội Syria, về kế hoạch rời khỏi đất nước. Ông Maher đã lái trực thăng đến Iraq và sau đó đến Nga, một nguồn tin tiết lộ.
Theo 2 nhà ngoại giao trong khu vực, Tổng thống Assad đã rời khỏi thủ đô Damascus bằng máy bay vào ngày 8/12 với bộ phát đáp tín hiệu của máy bay bị tắt để tránh bị theo dõi, thoát khỏi sự truy đuổi của phe đối lập đang tràn vào thủ đô.
Sự ra đi đầy kịch tính này đã chấm dứt 24 năm cầm quyền của ông và nửa thế kỷ nắm quyền liên tục của gia tộc Assad, đồng thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 13 năm tại Syria.
Ông Assad đã đáp chuyến bay đến căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại thành phố ven biển Latakia của Syria, và từ đó đến Moscow.
3 cựu trợ lý thân cận và một quan chức cấp cao trong khu vực xác nhận, gia đình của Tổng thống Assad, gồm vợ và 3 con, đã chờ sẵn ở thủ đô của Nga.
Sự hỗ trợ của Nga
Lực lượng đối lập Syria tràn vào các thành phố lớn trong chiến dịch nổi dậy (Ảnh: Reuters).
Theo các nguồn tin của Reuters, trước khi Tổng thống Assad rời đi, ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều phía trong nỗ lực tuyệt vọng để duy trì quyền lực và đảm bảo an toàn cho bản thân.
Ông Assad đã đến thăm Moscow vào ngày 28/11, một ngày sau khi lực lượng đối lập Syria tấn công tỉnh phía bắc Aleppo và tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng khắp đất nước. Tuy nhiên, 3 nhà ngoại giao khu vực nói rằng, lời kêu gọi can thiệp quân sự của ông Assad không được Điện Kremlin đáp ứng, khi Nga không muốn can thiệp vào Syria.
Hadi al-Bahra, người đứng đầu phe đối lập chính của Syria ở nước ngoài, dẫn một nguồn tin thân cận của ông Assad và một quan chức khu vực cho biết ông Assad đã không truyền đạt tình hình thực tế cho các trợ lý ở quê nhà.
“Ông ấy đã nói với các chỉ huy và cộng sự của mình sau chuyến thăm Moscow rằng hỗ trợ quân sự sẽ đến. Ông ấy đã giấu họ. Thông điệp mà ông ấy nhận được từ Moscow là không can thiệp”, ông Bahra tiết lộ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/12 nói rằng Nga đã dành rất nhiều nỗ lực để giúp ổn định Syria trước đây, nhưng ưu tiên hiện tại của Moscow là cuộc xung đột ở Ukraine.
4 ngày sau chuyến thăm của ông Assad tới Moscow, vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi đã gặp Tổng thống Assad tại Damascus. Vào thời điểm đó, lực lượng đối lập do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, và đang tràn về phía nam khi quân đội chính phủ sụp đổ.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Iran nói với Reuters rằng, Tổng thống Assad tỏ ra lo lắng trong suốt cuộc họp và thừa nhận rằng quân đội Syria đã quá yếu để có thể kháng cự hiệu quả.
Tuy nhiên, theo 2 quan chức cấp cao của Iran, Tổng thống Assad chưa bao giờ yêu cầu Tehran triển khai lực lượng ở Syria, vì ông hiểu rằng Israel có thể coi bất kỳ sự can thiệp nào của Iran là lý do để nhắm vào lực lượng Iran ở Syria hoặc thậm chí là chính lãnh thổ Iran.
Khi các lựa chọn đều không khả thi, Tổng thống Assad cuối cùng đã chấp nhận rằng, sự sụp đổ của chính quyền do ông lãnh đạo là không thể tránh khỏi và quyết định rời khỏi đất nước, chấm dứt vai trò lãnh đạo của gia tộc Assad ở Syria sau hàng chục năm.
3 thành viên trong đội ngũ thân cận của Tổng thống Assad cho biết ban đầu ông muốn tị nạn tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, khi quân đối lập chiếm Aleppo và Homs đồng thời đang tiến về Damascus. Tuy nhiên, ông đã bị các nước này từ chối cho tị nạn vì lo sợ phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Nga dù không muốn can thiệp quân sự vào Syria, nhưng không sẵn sàng “quay lưng” với Tổng thống Assad, theo một nguồn tin ngoại giao Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tham dự diễn đàn Doha ở Qatar vào ngày 6-7/12, đã đi đầu trong nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo an toàn cho Tổng thống Assad, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tận dụng mối quan hệ của các nước này với lực lượng HTS để đảm bảo ông Assad được tới Nga an toàn.
Một nguồn tin an ninh phương Tây cho biết, Ngoại trưởng Lavrov đã làm “bất cứ điều gì có thể” để đảm bảo ông Assad được rời đi an toàn.
Theo 3 nguồn tin, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã sắp xếp với HTS để tạo điều kiện cho Tổng thống Assad rời đi, bất chấp tuyên bố chính thức của cả 2 nước rằng họ không có liên lạc với HTS, tổ chức bị Mỹ và Liên hợp quốc coi là khủng bố.
3 nguồn tin cho biết Moscow cũng đã phối hợp với các quốc gia láng giềng để đảm bảo rằng một máy bay Nga rời khỏi không phận Syria, chở theo Tổng thống Assad, sẽ không bị chặn hoặc nhắm mục tiêu.
Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Assad, Mohammed Jalali, tiết lộ ông đã nói chuyện với Tổng thống Assad qua điện thoại vào lúc 22h10 ngày 7/12.
“Trong cuộc gọi cuối cùng, tôi đã nói với ông ấy tình hình khó khăn như thế nào và có rất nhiều người đang di tản từ Homs đến Latakia. Tôi cũng nói rằng sự hoảng loạn và kinh hoàng đang bao trùm trên đường phố”, ông Jalali nói với kênh truyền hình Al Arabiya tuần này.
“Ông ấy trả lời: “Ngày mai, chúng ta sẽ xem”. “Ngày mai, ngày mai”, là điều cuối cùng ông ấy nói với tôi”, ông Jalali nói thêm.
Jalali cho biết ông đã cố gắng gọi lại cho ông Assad vào sáng sớm ngày 8/12, nhưng không có phản hồi.
Phe đối lập đang kiểm soát những vùng lãnh thổ nào tại Syria?
Địa bàn hoạt động của các nhóm vũ trang tại Syria có những thay đổi đáng chú ý sau chiến dịch tấn công và lật đổ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Newsweek ngày 9.12 dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Mỹ) cập nhật về hoạt động của các nhóm vũ trang tại những vùng lãnh thổ ở Syria. Theo đó, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm dẫn đầu cuộc tấn công chính quyền Syria, đã kiểm soát khu vực trải dài theo hướng tây Syria, từ thành phố Aleppo ở phía bắc đến thủ đô Damascus.
Quân đội quốc gia Syria (SNA), nhóm vũ trang đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát những khu vực phía bắc Syria. SNA đang đụng độ với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) - nhóm vũ trang người Kurd được Mỹ hỗ trợ - nhằm giành quyền kiểm soát các vùng giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria.
Các vùng lãnh thổ tại Syria dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang tính đến ngày 8.12, bao gồm: HTS (màu xám); SNA (màu vàng nhạt phía trên); SDF (màu tím); khu vực phi xung đột al-Tanf (màu xanh); các phe đối lập không xác định (màu vàng đậm phía dưới); khu vực từng do quân đội chính phủ Syria kiểm soát (màu trắng có gạch chéo). ẢNH: ISW
Phần lớn lãnh thổ Syria trước đây do quân đội chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát. Giờ đây khi chính quyền sụp đổ, những vùng này hiện chưa có lực lượng nào quản lý rõ ràng. Ngoài ra, phía nam Syria còn có "khu vực phi xung đột al-Tanf" nằm ở ngã 3 biên giới Syria, Jordan và Iraq, được đặt tên theo một căn cứ của Mỹ thành lập năm 2016 sau cuộc chiến tại Syria.
Những nhóm đối lập địa phương kiểm soát các vùng phía nam, gần biên giới Israel và Jordan. Với những diễn biến mới nhất, quân đội Israel đã đưa quân kiểm soát một số vùng lãnh thổ ở Syria, vượt qua khu phi quân sự được thiết lập ở Cao nguyên Golan, phía tây nam Damascus.
Tương lai bất định cho Syria sau khi quân đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad
Tiến sĩ Burcu Ozcelik, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định với Newsweek rằng HTS rõ ràng sẽ có vai trò nổi bật để điều hành Syria thời kỳ hậu chính quyền al-Assad. Tuy nhiên, thủ lĩnh Abu Mohammad al-Julani của HTS sẽ đối mặt với câu hỏi về tính hợp pháp khi xét đến các giải pháp chính trị.
Những tay súng từ nhóm đối lập có mặt tại thủ đô Damascus, Syria ngày 9.12. ẢNH: REUTERS
HTS hiện bị nhiều nước như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, theo ông Ozcelik, nhóm đối lập dẫn đầu tại Syria sẽ không tồn tại lâu dài nếu không có nhượng bộ và đồng thuận với các phe cánh khác. Dù cùng chung mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, các phe đối lập tại Syria có một số lợi ích khác nhau và đôi khi xảy ra mâu thuẫn.
Vì sao nội chiến ở Syria tái bùng phát dữ dội lúc này? Nội chiến ở Syria đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi một liên minh nổi dậy mới phát động cuộc tấn công bất ngờ vào thành phố Aleppo lớn thứ 2 của đất nước. Cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên lực lượng đối lập chiếm được lãnh thổ ở Aleppo kể từ năm 2016, phá vỡ thế bế tắc...