Chương trình, sách giáo khoa mới: Giáo viên chủ động đổi mới để bắt nhịp
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; do đó giáo viên, giảng viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Một lớp học của Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: TG
Chủ động đổi mới sáng tạo
“Ở đây, cần nhấn mạnh, nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên phải tổ chức học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó sẽ đạt được mục tiêu kép: Có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình kiến tạo nên kiến thức ấy giống với nhà khoa học” – GS.TS Đinh Quang Báo.
Sau một năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) cho biết, học sinh hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với lớp 1.
Quá trình dạy – học, cô – trò không gặp trở ngại gì lớn. Những khó khăn bước đầu đã được cô khắc phục qua từng tiết học.
“Khi mới vào lớp 1, các em như tờ giấy trắng. Vì thế, tôi phải hướng dẫn các em từ nhận biết mặt chữ cái, cách đánh vần, phát âm… cho đến phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống. Kết thúc năm học, các em đã đọc thông viết thạo và đạt Chuẩn kiến thức, kỹ năng “đầu ra” đối với học sinh lớp 1″ – cô Bình cho biết.
Từ thực tế giảng dạy, cô Bình cho hay, dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy, nhận thức, chủ động, sáng tạo trong dạy – học.
“Chẳng hạn, khi dạy học sinh nhận diện về một số hình khối như: Hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn… Ngoài kiến thức, hình minh hoạ trong sách giáo khoa, tôi thường mang đến lớp những vật dụng có hình khối như trên để các em quan sát trực quan, và biết vận dụng kiến thức vào thực tế” – cô Bình diễn giải, đồng thời “chốt” lại: Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi Chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực thì đương nhiên giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực – nguyên lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học.
Video đang HOT
Theo đó, để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là: Giáo viên dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, giáo viên phải dạy học phù hợp theo từng đối tượng học sinh;
Tiếp đến, dạy học biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Ngoài ra, để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên không nên tạo ra áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau…
Lớp học của cô Hoàng Thị Thanh Bình phụ trách. Ảnh: NVCC
Trường sư phạm vào cuộc
Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. TS Cao Bá Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Vì vậy, ngay từ khi chương trình được ban hành, nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn.
Ngoài ra, Trường còn nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông mới và đã xây dựng một số chương trình mới như: Ngành Sư phạm Công nghệ. Trong thời gian tới, nhà trường dự kiến sẽ mở thêm các ngành như: Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch Sử – Địa lí.
“Với sinh viên tốt nghiệp năm 2021, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun thực hiện Chương trình GDPT mới, đó là: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/ THCS/ THPT; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/ THCS/ THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Việc chủ động bồi dưỡng cho sinh viên năm cuối sẽ giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập với thực tế đổi mới giáo dục hiện nay. Đồng thời, đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dạy được chương trình mới mà không cần bồi dưỡng lại” – TS Cao Bá Cường nhấn mạnh.
TS Cao Bá Cường cho biết, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số, các giảng viên đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy thể hiện qua việc đổi mới nội dung, kịch bản dạy – học của từng môn học đến cách thức tương tác với sinh viên. Không những thế, nhiều giảng viên đã vận dụng công nghệ rất sáng tạo, qua đó tạo sự hứng thú, hấp dẫn cho môn học.
Theo PGS.TS Trương Minh Đức – Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), thay đổi tư duy và phương pháp trong quản lý và tổ chức dạy học không phải mới hoàn toàn, cũng không phải xóa bỏ những gì đang có. Mà đó là sự kế thừa, kết hợp những xu hướng mới của giáo dục trên thế giới.
Chẳng hạn, đối với việc tổ chức dạy – học, giáo viên sẽ sử dụng, tổ chức dạy học trên nền tảng các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học vốn có; đồng thời kết hợp thêm các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại mới.
Qua đó, tổ chức các hoạt động dạy – học, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị cho vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai việc tập huấn cho giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp.
“Với sự chuẩn bị và triển khai chu đáo, khoa học của Bộ và với sự tham gia của các trường đại học sư phạm chủ chốt, trong đó có Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” – PGS.TS Trương Minh Đức nói.
Chương trình, sách giáo khoa mới: Xóa bỏ định kiến giới
Một trong những điểm ưu việt của Chương trình, sách giáo khoa mới là các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép một cách khoa học, hài hòa.
Chương trình, sách giáo khoa mới truyền tải kiến thức một cách khoa học và dễ hiểu. Ảnh minh họa
Nâng cao nhận thức
Từ lứa tuổi tiểu học, bé gái đã được giáo viên truyền tải kỹ năng sống, biết nhận diện những hành động ảnh hưởng tới thân thể. Các em được giáo viên hướng dẫn quan niệm tân tiến về phân biệt vai trò bé trai, bé gái...
Với học sinh THCS, THPT được học về bình đẳng giới ở bài học môn Giáo dục công dân, Sinh học. Các em được trang bị về quyền và nghĩa vụ của công dân; cơ chế sinh trưởng, yếu tố ảnh hưởng đến giới, yếu tố gien...
Có được điều này bởi Chương trình, sách giáo khoa mới đã hướng đến nâng cao nhận thức giới cho giáo viên, học sinh trong toàn ngành. Sách mới đã điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục cho biết: Thời gian quan, Bộ GD&ĐT đã quan tâm xóa bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa, giúp nâng cao nhận thức của ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội chung về vấn đề giới. Bộ đã xây dựng, phổ biến và tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn về lồng ghép giới trong sách giáo khoa (bao gồm nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ...) tới các ban biên soạn, thẩm định Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau năm 2018).
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông các môn học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 thể hiện rõ quan điểm: "Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan (trong đó có Luật Bình đẳng giới); tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh".
Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Khoản 2, Điều 4 nêu rõ: "Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn "Lồng ghép giới vào Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Mục tiêu của tài liệu nhằm cung cấp thông tin và trang bị một số kỹ năng cần thiết cho cán bộ trong ngành Giáo dục và thành viên Ban xây dựng chương trình, Ban soạn thảo sách giáo khoa cách thức nhận biết định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành để đưa ra các quyết định phù hợp, bảo đảm tốt nhất việc lồng ghép giới trong xây dựng, thẩm định, biên soạn sách mới...
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo xây dựng tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chỉ dẫn nguồn, phổ biến, tập huấn cho giáo viên phương pháp thích hợp giảng dạy về giới tính, giới, sức khỏe sinh sản, tình dục và bình đẳng giới vào các môn Tự nhiên, Xã hội, Sinh học, Giáo dục công dân. Phối hợp với Bộ Y tế thực hiện chương trình thử nghiệm về giáo dục giới tính và cung cấp thông tin truyền thông về sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa cho học sinh, sinh viên.
Tăng cường tuyên truyền bình đẳng giới trong trường học. Ảnh minh họa
Đơn giản hóa hình thức truyền tải
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục Cần Thơ, nhận thức và chú trọng nội dung bình đẳng giới được thể hiện rõ nét trong Chương trình, sách giáo khoa mới.
Trước kia, bình đẳng giới chưa được chú trọng trong sách giáo khoa. Hình ảnh lực lượng công an, quân đội thiếu vắng bóng dáng phụ nữ. Hình ảnh nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái thiếu vắng hình ảnh nam giới...
Ông Nhân nhận định: Với Chương trình, sách giáo khoa mới, vấn đề giới đã được quan tâm và chú trọng kỹ càng, khoa học hơn. Các hình ảnh, nội dung trong sách hài hòa giữa nam và nữ. Điều này giúp học sinh nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới...
Cô Tạ Thu Hương - giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Duyên Thái, (huyện Thường Tín, Hà Nội) nhìn nhận: Giới và bình đẳng giới là vấn đề nổi cộm của xã hội. Mất cân bằng giới tính len lỏi vào từng ngõ xóm, bạo lực học đường trẻ hoá ở cấp học, phá thai ở tuổi vị thành niên số lượng tăng lên không ngừng... Việc giải quyết các hậu quả chỉ xử lí được phần ngọn của định kiến giới và bất bình đẳng giới. Để triệt tận gốc cần hướng vào ý thức của mọi người. Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước nên cần có hành trang về giới và bình đẳng giới vững vàng.
Là giáo viên dạy môn Sinh học, kiến thức bộ môn rất gần với vấn đề giới và bình đẳng giới, trong Sinh học 8 và Sinh học 9, cô Hương đã vận dụng, lồng ghép các kiến thức để làm rõ hơn một số mảng liên quan giới và bình đẳng giới; hậu quả sinh con ở tuổi vị thành niên. Tại sao pháp luật quy định hôn nhân 1 vợ, 1 chồng? Cách phòng tránh xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên; có hay không lựa chọn giới tính của thai nhi?...
Cô Hương chia sẻ: Để học sinh dễ dàng chia sẻ quan điểm cá nhân, giúp tôi hiểu được suy nghĩ, có định hướng, uốn các em vào con đường đúng đắn, tôi thường xây dựng hoạt động học tập theo hướng mở thông qua tình huống thực tế. Ở tình huống đó, học sinh là người chỉ rõ nguyên nhân; nêu hậu quả; vạch ra biện pháp giải quyết và biện pháp phòng tránh; khẳng định được biện pháp hiệu quả nhất trong các biện pháp đưa ra. Cuối cùng, các em là rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và "Không để bản thân rơi vào tình huống đó".
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản.
Giáo viên nói về việc thay sách giáo khoa lớp 2: 'Nếu không thay và dừng lại là sẽ bị lạc hậu' Nhiều giáo viên ở Đà Nẵng bày tỏ ủng hộ và khen nội dung sách giáo khoa lớp 2 phù hợp với trình độ của học sinh. Thực hiện: Team Đà Nẵng Ngay sau khi bộ sách giáo khoa lớp 2 được phát hành tại Đà Nẵng, ngành giáo dục thành phố này đã phối hợp cùng nhà xuất bản và các trường...