Chương trình phổ thông mới: Hết cảnh học một đằng thi một nẻo?
Chương trình đổi mới đến đâu, nhẹ đến đâu vẫn có thể gây áp lực học nặng nề cho học sinh nếu kiểm tra, thi cử vẫn như cũ.
Một giờ học liên môn lịch sử-địa lý của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM. Ảnh: P.ANH
Những ngày qua, dự thảo chương trình các môn học mới do Bộ GD&ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm, góp ý lẫn kỳ vọng của nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên (GV) lẫn phụ huynh học sinh (HS). Trong đó, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn và lo ngại vấn đề kiểm tra, đánh giá HS sẽ như thế nào. Liệu chương trình mới có thực sự giảm nhẹ áp lực học tập cho thầy lẫn trò?
Theo ThS Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), hiện nay Bộ chỉ mới đưa ra chương trình khung, còn kiểm tra, đánh giá thì chưa. Trong khi đó đây là khâu quyết định đến kết quả của chương trình đổi mới.
Vì vậy theo thầy Sơn, việc kiểm tra, đánh giá nên dựa trên khả năng tiếp thu, nhận thức của mỗi HS. Không nên lấy kết quả học tập của HS để đánh giá, xếp loại GV như cách làm hiện nay ở một số nơi khiến GV phải chạy theo thành tích.
Bên cạnh đó, cách kiểm tra, đánh giá HS cũng cần linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. “Nhiều trường thực hiện dạy học theo dự án, một dự án kéo dài 5-6 tháng. Do đó cũng nên đánh giá các em qua các sản phẩm mà các em đã thực hiện tại các dự án để lấy điểm thay thế cho các bài kiểm tra. Cách làm này sẽ khuyến khích các em tham gia các dự án, kích thích sự sáng tạo của mỗi em” – thầy Sơn góp ý.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cũng cho rằng hiện vẫn kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết và thi học kỳ. Cách đánh giá này chưa phát huy được khả năng sáng tạo của người học.
Vị này dẫn chứng với bài tập về vẽ con mèo, theo cách đánh giá hiện nay nếu em nào vẽ giống thì điểm cao, em nào vẽ không giống sẽ bị điểm thấp. Nhưng kiểu cho điểm như thế chưa chính xác. Hay chuyện thằng Bờm với cái quạt mo, từ trước đến nay mọi người đều cho rằng Bờm ngốc. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng cần nhìn lại vấn đề, liệu Bờm có ngốc nếu nhìn ở góc độ chân, thiện, mỹ hơn.
Hoặc khi sân khấu hóa một tác phẩm. Theo như chương trình mới, GV không thể chỉ đánh giá diễn xuất của nhân vật, mà nó là công sức của nhiều nhóm như nhóm biên kịch, diễn xuất, trang phục,… Vì thế khi đánh giá, GV cần đánh giá kết quả của các nhóm tùy theo công việc, thái độ, năng lực, đóng góp của từng nhóm. Phải nhìn trên tổng thể để thấy vai trò mỗi HS trong tác phẩm.
“Cấu trúc chương trình mới hướng nhiều đến người học. Vì thế cách đánh giá làm sao phải tôn trọng sự sáng tạo của HS. Thầy cô làm sao thoát khỏi cái tôi để trân quý thành quả của HS, từ đó khơi nguồn cảm xúc và động viên các em trong quá trình học tập” – vị này nói.
Một GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận xét: Khi các môn học được xây dựng mở như dự thảo thì nên giao sự chủ động trong giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá cho từng trường, từng GV. Miễn là không xa rời yêu cầu đề ra theo quy định chung. Vì HS mỗi trường, mỗi lớp, mỗi địa phương đều khác nhau. Có như thế mới kích thích sự đổi mới trong giảng dạy, giảm tải cho cả thầy lẫn trò, HS cũng được học đúng và đánh giá đúng.
Theo PLO
Video đang HOT
Giáo viên có đáp ứng chương trình phổ thông mới?
Nỗi lo lớn nhất khi triển khai chương trình phổ thông mới là chất lượng giáo viên, việc thiếu, thừa giáo viên ở nhiều môn học.
ảnh minh họa
Theo dự thảo chương trình phổ thông mới do Bộ GD&ĐT vừa công bố để lấy ý kiến, năm 2019-2020 sẽ bắt đầu áp dụng cho cấp học đầu tiên là tiểu học, cụ thể là lớp 1 và cuốn chiếu dần ở các lớp tiếp theo dần cho cả ba cấp học. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại rằng đội ngũ giáo viên hiện tại liệu có đáp ứng để đảm nhận chương trình phổ thông mới theo kế hoạch đề ra.
Nỗi lo về đội ngũ giáo viên
Nói về chương trình phổ thông mới, trưởng phòng GD&ĐT một quận tại TP.HCM cho rằng khó khăn lớn nhất sẽ gặp phải là đội ngũ giáo viên, nhất là với những TP lớn như TP.HCM.
Theo vị này, với chương trình cũ hiện hành, năm nào TP cũng thiếu trên dưới 4.000 giáo viên. Ở phổ thông thì thiếu nhất vẫn là cấp tiểu học, sau đó đến thiếu đội ngũ phụ trách các môn như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật... Quanh năm tuyển hoài không đủ. Các môn chính thì thừa quá nhiều. Đã vậy, với chương trình mới có nhiều thay đổi lớn ở cả ba cấp học, như tin học thành môn bắt buộc, rồi thêm âm nhạc, hoạt động trải nghiệm. Nhiều môn học ở trung học lại thành lựa chọn của học sinh.
"Vậy số giáo viên thiếu phải làm sao, chỉ trong 1-2 năm nữa, chúng ta có thể đáp ứng kịp không? Một lượng lớn giáo viên thừa sẽ về đâu? Nếu tập huấn để họ chuyển môn thì có chất lượng và có kịp? Tôi nghĩ việc này phải chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp song hành với chương trình nội dung để không lúng túng khi triển khai" - vị này nói.
Một giờ học thực hành môn vật lý của học sinh lớp 9 Trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: P.ANH
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm hay nhưng điều ông lo ngại là vẫn chưa thấy có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong khi trực tiếp thực hiện việc đổi mới phải là... con người. Theo ông Phú, Bộ cần phải nhanh chóng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ở các cấp học và việc này phải diễn ra đồng bộ với xây dựng chương trình vì bên cạnh một số bộ môn được giảm tải cũng có nhiều môn học mới.
"Lấy ví dụ môn nghệ thuật chẳng hạn, các trường học khó có thể mời nghệ sĩ về dạy với giá 35.000-40.000 đồng/tiết. Cho nên ngay từ bây giờ phải có chương trình đào tạo giáo viên về bộ môn này. Chưa kể, với sự xuất hiện của nhiều môn tự chọn trong chương trình mới sẽ diễn ra sự dư thừa một lực lượng giáo viên. Khi đó, việc tính toán lượng nhân sự này cũng cần được giải quyết để thuận lợi hơn cho các trường" - ông Phú nói.
Cùng quan điểm, ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM), nói việc tập huấn cũng cần có sự thay đổi. Trước đây giáo viên được tập huấn thông qua các chuyên viên hoặc giáo viên cốt cán trong quận. Việc tập huấn như thế chưa mang lại hiệu quả cao vì báo cáo viên chưa nắm rõ "ý đồ" của người soạn sách. Cho nên khi giáo viên đặt câu hỏi, báo cáo viên cũng không thể trả lời theo ý muốn. Ngoài ra, mỗi TP và mỗi quận tổ chức khác nhau nên cũng gặp tình trạng tam sao thất bản trong quá trình báo cáo, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Theo thầy Sơn, hình thức và thời gian tập huấn cũng cần được xem xét sao cho phù hợp, có thể linh hoạt bằng nhiều hình thức như tập huấn tập trung, tập huấn online, tập huấn thông qua những diễn đàn... để giáo viên chủ động học tập. Mặt khác, chủ biên của sách nên công bố số điện thoại, mail, Facebook cá nhân để giáo viên khi gặp khó khăn sẽ liên hệ với người soạn sách giáo khoa để được giải đáp.
Bồi dưỡng giáo viên ra sao?
Về bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ dự kiến khoảng tám ngày để thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo chương trình phổ thông mới cho các môn và các cấp. Cụ thể mỗi môn, ở mỗi cấp là hai giáo viên cho một tỉnh. Riêng 63 tỉnh sẽ có chương trình bồi dưỡng đại trà chung. Dự kiến bồi dưỡng đại trà sẽ triển khai vào quý II năm 2019-2020.
Theo ông Minh, đến năm 2020, Bộ tiếp tục bồi dưỡng giáo viên cốt cán cấp tiểu học để hỗ trợ dạy lớp 2; bồi dưỡng giáo viên cốt cán của THCS để dạy lớp 6; cứ tiếp tục như thế để cuốn chiếu đến năm 2023.
Cạnh đó, Bộ sẽ bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ triển khai đại trà; trong phạm vi một tuần giáo viên được học kỹ để dạy được môn chung và phủ sang môn khác. Theo tính toán, khi bồi dưỡng những môn tích hợp, mỗi giáo viên sẽ được học 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để học thêm môn bổ sung.
"Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2020 Bộ sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới" - ông Minh cho biết.
Thừa và thiếu hàng chục ngàn giáo viên
Theo ông Hoàng Đức Minh, hiện Bộ cũng đang gấp rút chuẩn bị cho sách giáo khoa mới và đưa ra chương trình bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ huy động nhân lực rà soát toàn bộ số lượng giáo viên, cơ sở vật chất để có dự báo đúng nhất về nhu cầu sắp tới của toàn ngành. Trong đó, ưu tiên nhất vẫn là con người.
Rà soát bước đầu, Bộ cho biết với chương trình môn học mới nhu cầu về giáo viên ở các cấp về cơ bản không có sự biến động nhiều so với hiện có. Tuy nhiên, ở một số môn học, cấp học cần có sự thay đổi, kế hoạch cụ thể, tránh nơi dư, nơi thiếu. Do môn học đi theo hướng tự tư duy, thực hành là chính, không còn bám sát vào kiến thức SGK nên vấn đề tuyển dụng giáo viên cũng nên chú ý theo nhu cầu.
Theo phân tích của Bộ, các địa phương nên ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, tin học vì hai môn này còn thiếu khá lớn. Hạn chế hoặc không tuyển giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục vì các môn học này giáo viên tiểu học đã được đào tạo để dạy. Đồng thời, các địa phương cần rà soát để tuyển dụng số giáo viên tiếng Anh, tin học còn trong diện hợp đồng lao động.
Đối lập với tình trạng thiếu giáo viên ở cấp tiểu học, Bộ cho biết các cấp THCS có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa giáo viên cấp này, vì hiện tính đến tháng 11-2017, cấp này đang thừa 9.246 giáo viên.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng đối với các địa phương đang thừa giáo viên, trong khoảng ba năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa này. Đồng thời, các địa phương rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cho từng trường THCS theo số lượng hiện có.
Cấp THPT cũng tương tự, theo Bộ GD&ĐT, số giáo viên thừa khoảng 8.874 người. Vì vậy, các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới từ nay đến năm 2025 để giải quyết bài toán thừa và nhu cầu tuyển bổ sung.
Xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất
Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT), cho biết hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với hơn 14,8 triệu học sinh, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học.
Theo ông Hùng Anh, tình hình hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu dạy và học theo chương trình phổ thông mới. Do đó, Bộ GD&ĐT cần đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học cho cả ba cấp học. Cùng đó, để kiên cố hóa các phòng học, cần phải đầu tư xây dựng, thay thế 96.352 phòng học. Đồng thời từng địa phương, trường học bổ sung thêm thiết bị, thư viện để phục vụ giảng dạy chương trình phổ thông mới.
_______________________
Lộ trình áp dụng chương trình phổ thông mới
Bộ GD&ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học, bắt đầu từ năm học 2019-2020. Cụ thể, đối với cấp tiểu học áp dụng từ năm học 2019-2020, cấp THCS từ năm học 2020-2021 và cấp THPT từ năm học 2021-2022.
Lộ trình cụ thể như sau:
Năm học 2019-2020 triển khai ở lớp 1;
Năm học 2020-2021: Lớp 2 và lớp 6;
Năm học 2021-2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
Năm học 2022-2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
Năm học 2023-2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ GD&ĐT lưu ý trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thuận lợi.
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết đến tháng 4 năm nay Bộ GD&ĐT có thể ban hành chương trình môn học. Sau khi ban hành thì các cá nhân, tổ chức có thể khởi động biên soạn các bộ sách giáo khoa.
Theo Phapluattp.vn
Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên THCS cho chương trình phổ thông mới Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT xác định để chuẩn bị cho triển khai áp dụng chương trình phổ thông mới tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1. ảnh minh họa Thiếu hàng nghìn giáo viên ở cấp Tiểu học Để...