Chương trình lớp 1: Phụ huynh “đánh vật” học cùng con, giáo viên kêu quá tải
Sau hơn 1 tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh, giáo viên đều cho rằng chương trình quá nặng. Song Bộ GD-ĐT lại cho rằng, hiện tại còn quá sớm để đánh giá chương trình khó.
Những ngày cuối tuần, thay vì đưa con đi chơi, thăm ông bà như thường nhật, mẹ con chị Nguyễn Anh Thư (Hà Đông, Hà Nội) lại ngồi học miệt mài từ 8h sáng đến trưa, buổi chiều, chị cho con chơi 1 lúc rồi lại tiếp tục ngồi tập đánh vần, tập viết. Có những lúc, mẹ đang nấu cơm, con cũng phải theo vào bếp để học cùng.
Chị Thư cho biết, thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT, gia đình chị không cho con đi học trước, cháu chỉ bắt đầu học chữ khi vào lớp 1. Nhưng ngay từ những buổi đầu tiên, chị Thư thực sự hoang mang khi con học không hiểu, nhầm lẫn giữa các âm, đánh vần cũng sai.
“Thời gian đầu tôi rất lo lắng vì nghĩ con mình chậm hơn các bạn, hoặc do tư duy của con không tốt. Vì trước đó, chị của cháu học lớp 1, gia đình cũng không dạy trước, nhưng cháu học rất nhẹ nhàng và nhanh biết đọc, biết viết. Nhưng khi hỏi các phụ huynh khác, tôi đều thấy mọi người kêu con đi học về dạy mãi không thể tiếp thu”, chị Thư cho biết.
Chị Thư chia sẻ, ngoài giờ học trên lớp, ngày nào chị cũng phải ngồi học cùng con tới khuya, chỉ khi nào 2 mẹ con buồn ngủ quá mới nghỉ. Cũng vì buổi tối phải học quá nhiều, mà hôm sau đến lớp, con chị lại thường xuyên ngủ gật, mất tập trung vào bài giảng, bị cô giáo nhắc nhở.
Giống như chị Thư, chị Hoàng Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phản ánh quá vất vả khi con học chương trình lớp 1 mới.
Chị Huyền cho biết, nội dung sách giáo khoa thiết kế chương trình học quá nhanh, trẻ không thể theo kịp. “Nếu không cho con học trước chương trình thì rất khó đuổi kịp tiến độ bài học trong sách mới. Mỗi buổi con học 2 âm, sau đó ghép thành vần. Mới được tháng đầu tiên, khi đánh vần chưa sõi, sách đã có những đoạn văn dài vài dòng cho các con đọc”.
Phụ huynh này cũng than phiền rằng, với trẻ lớp 1, học quá nhiều thì con mệt và chán, nhưng không học thì không thể theo kịp chương trình trên lớp. Bố mẹ cũng mệt mỏi, áp lực theo. Những ngày này, chị Huyền phải cố gắng làm thêm giờ ở cơ quan, để không phải mang việc về nhà buổi tối, dành thời gian dạy con. Trong khi đó, chồng chị lại phải cố gắng về sớm đón con thay vợ, bà nội ở nhà nấu sẵn cơm nước. Khi con đi học về, chơi khoảng 1 tiếng, tắm rửa ăn cơm rồi 2 mẹ con lại lao vào bàn học đến 10h, 10 rưỡi đêm mới đi ngủ.
Không chỉ phụ huynh, ngay cả giáo viên cũng cảm thấy áp lực. Cô Nguyễn Thanh Lan, giáo viên tiểu học tại Hà Nội cũng cho rằng, sách mới thiết kế dạy chữ có tốc độ nhanh. Mỗi bài gồm các nội dung nhận biết mặt chữ, ráp âm, vần, học thuộc chữ, viết chữ và đọc câu văn cuối bài… Nhiều kiến thức được tích hợp trong một bài học.
Theo cô Lan, với học sinh lớp 1, mỗi tiết 30-35 phút không thể đủ để vừa đọc vừa viết. “Học sinh mệt mỏi, và giáo viên cũng rất mệt khi chương trình nặng, một lớp mấy chục học sinh, phải để ý từng em một, không thể có đủ thời gian. Bởi vậy các cô thường xuyên phải nhờ phụ huynh dạy kèm con tại nhà”, cô Lan cho biết.
Bộ GD-ĐT: Nói chương trình khó còn quá sớm!
Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến nay Bộ chưa nhận được ý kiến phản ánh chính thức bằng văn bản từ các giáo viên hay cơ sở giáo dục, chuyên gia về chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới,
Ông Tài cho rằng, chương trình được thực hiện có quy chuẩn đầu ra và khung thời lượng rõ ràng. Theo đó, trong chương trình khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy chuẩn đầu ra từng môn học là khác nhau. Ví dụ, môn Tiếng Việt, kết thúc lớp 1, học sinh có thể viết được 1 phút bao nhiêu từ, đọc thế nào. Để đạt được mục tiêu đầu ra, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết. Tất cả các bộ sách đều phải thiết kế dựa trên chuản đầu ra và khung chương trình chung của Bộ.
Video đang HOT
“Khi ban hành chương trình, chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến hội đồng thẩm định quốc gia. Với quy trình làm việc rất chặt chẽ, thì những nhận định như vậy ở bước đầu là chưa có đủ căn cứ xác đáng”, ông Thái Văn Tài nói.
Lý giải thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, trong chương trình môn Tiếng Việt lớp 1, về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành. Song thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết, dù lượng kiến thức đã có phần tinh giản hơn so với chương trình trước đây. Như vậy, tần suất học Tiếng Việt (số tiết) trong một tuần của học sinh học theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ nhiều hơn so với khi học chương trình trước đây.
“Một phụ huynh nào đó có một con năm ngoái học lớp 1 và một con năm nay học chương trình mới, nếu so sánh số tiết học Tiếng Việt dễ tưởng rằng là nặng. Đối với với lớp 1, chương trình có một điều chỉnh dựa trên quan điểm là hoàn tất lớp 1 sẽ cố gắng để học sinh có thể đọc thông, viết thạo và xem như đó là điều kiện để các em có thể học tốt các môn học khác”, ông Tài nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quá trình triển khai, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện, những vấn đề phát sinh trong thực tế
Cũng theo ông Thái Văn Tài, trong quá trình triển khai chương trình mới, Bộ Gd-ĐT tiếp tục lắng nghe phản biện những việc phát sinh trong thực tế./.
Chương trình lớp 1 mới: Dạy con học như một cuộc chiến
Sau ba tuần dạy chương trình lớp 1 mới, học sinh, giáo viên và cả... phụ huynh nhiều nơi đang gặp khó khăn ở môn tiếng Việt.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An trong giờ học - Ảnh: DOÃN HÒA
Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến giáo viên, phụ huynh xung quanh vấn đề này.
Cô M.Hoài (giáo viên lớp 1 một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM):
Nửa lớp nắm được chương trình
Tôi đang dạy lớp 1 có 33 học sinh. Những buổi đầu, khoảng nửa lớp nắm được chương trình lớp 1 mới. Trong khi đây là lớp tiếng Anh tích hợp, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước.
Ở môn tiếng Việt, đầu tiên vỡ lòng các em phải được viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng. Đằng này nhập môn là các em viết luôn chữ "a", "b". Thời gian chỉ có 35 phút không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết.
Ở chương trình cũ, sáng học nội dung chính, chiều học hai tiết toán, hai tiết tiếng Việt bổ sung. Nghĩa là khoảng thời gian này giáo viên dạy thêm, kèm thêm cho các em buổi sáng chưa nắm kịp bài.
Còn với chương trình sáng tạo mới, buổi chiều là tiết hoạt động trải nghiệm. Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng thì giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối.
Ngoài ra, môn tiếng Việt những tuần đầu đã có tiết đọc. Học trò viết không xong, đọc chưa rành nhưng tiếp đến là phần chính tả vừa có chữ vừa có số. Hơn 20 em khi viết số 1 tôi phải dùng bút đỏ chấm nét mô phỏng trước sau đó các em viết đậm ở hàng bên.
Còn bộ thực hành tiếng Việt, tôi nhận thấy thiết kế chưa ổn. Chẳng hạn ghép chữ "bà", học sinh lấy chữ "b" ghép với chữ "a". Thao tác này các em làm được, nhưng khi ghép thanh huyền vào các em... ú ớ vì thanh điệu bị rời rạc.
Các môn tự nhiên xã hội, đạo đức thì giáo viên thấy ổn, vừa phải. Môn toán cũng khá vừa sức, nhẹ nhàng, giảm tải, bỏ luôn phần nội dung giải toán bằng lời văn với học sinh lớp 1.
Cô Trần Thị Xuân (giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An):
Giáo viên phải đổi mới phương pháp
Tôi cho rằng lo lắng của phụ huynh về chương trình học của khối lớp 1 tăng nặng là có thật, bởi chương trình cũ đã tồn tại 20 năm, phụ huynh cảm thấy quen thuộc.
So với những năm học trước, tôi thấy nội dung chương trình lớp 1 mới không quá khó, mà có tính toàn diện và theo đúng định hướng phát triển năng lực học sinh.
Chương trình học năm nay yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, hướng học sinh việc nhận biết và tăng tính tương tác với nhau thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm.
Phần luyện chữ của học sinh do luyện các nét ít hơn nên một vài tuần đầu gặp khó khăn khi học sinh phải viết đúng ô li, đúng cỡ chữ. Lúc dạy học, chúng tôi nhắc thêm, điều chỉnh để các em đọc được, hiểu được nghĩa của từ mới đó.
Ở môn toán, năm trước kiểm tra có bốn mức độ, năm nay có ba mức độ đỡ áp lực cho học sinh hơn. Ở bộ sách mới, kênh hình quá nổi bật, kênh chữ hơi nhỏ khiến học sinh nhiều lúc chỉ chú ý đến kênh hình mà "quên mất" kênh chữ.
Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục hoàn toàn mới, hấp dẫn học sinh nhất. Với thiết kế 3 tiết/tuần, ở môn hoạt động trải nghiệm học sinh có dịp được tham quan để hiểu về trường, xem video giới thiệu và hoạt động theo chủ đề từng tuần. Tôi nhận thấy đây là môn học mới mẻ và khiến các em hào hứng, thích thú nhất.
Cô Nguyễn Thị Lương (Trường tiểu học Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa):
Chưa quen đổi mới sẽ áp lực
Chương trình mới nặng hơn chương trình cũ nếu đề cập đến đầu ra sau khi học lớp 1. Cụ thể, xong lớp 1 thì học sinh phải đọc thông thạo và với tốc độ 80-120 tiếng/phút. Viết thì chính tả nghe - viết, không nhìn chép nữa. Các văn bản đọc cũng rất dài. Đó là cái nặng.
Nhưng cũng chừng đó âm chữ tiếng Việt, các em nhớ tốt thì đọc tốt. Vấn đề ở đây là phương pháp giáo viên dạy phải thay đổi sao cho rèn kỹ năng rất nhiều. Học âm từ ghép tiếng, biết tiếng này sẽ liên hệ đến tiếng kia. Mục đích rèn các em tự phán đoán, tự phát huy năng lực tích cực.
Tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho hướng mở. Tùy theo tình hình thực tế, giáo viên có thể giảm số tiếng từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện buổi chiều nếu bài khó học sinh tải không hết.
Chương trình đổi mới mà giáo viên, phụ huynh chưa đổi mới cách nghĩ sẽ tạo nên áp lực, và từ áp lực đó dẫn đến làn sóng than thở, chứ chưa thực sự tìm giải pháp.
Học sinh lớp 1 mới vào học thì sao biết đọc tốt, viết đẹp được. Cô giáo nhận xét viết yếu, viết chưa đúng ô li thì đúng là vậy, nhưng cô quên mất giờ con mới bắt đầu học.
Cô Hoàng Thị Liễu (Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Quảng Hòa, Đắk Glong, Đắk Nông):
Cố gắng để học sinh quen mặt chữ
Trường tôi phần lớn học sinh là người Mông vừa vào lớp 1 nên chưa nghe sõi tiếng Việt, chưa thuộc bảng chữ cái. Cả cô giáo và học sinh, vì vậy mà giao tiếp rất khó khăn. Thời gian qua cũng may mắn được học cả ngày, nên các cô thường xuyên ôn cho các em.
Các em mới vào lớp 1 thường chỉ hay thuộc một mạch theo kiểu nhớ, nhưng khi hỏi riêng từng chữ thì các em nhớ chậm hoặc không nhớ ra. Đầu năm học, các cô phải dạy các chữ cái không theo thứ tự, làm sao để các em quen mặt chữ cái.
Với bộ sách mới học theo từng âm ban đầu như vậy, theo tôi thấy cũng phù hợp, nhẹ nhàng. Tuy nhiên sau này qua học vần thì chưa biết được.
Phụ huynh: "Quả thật rất vất vả"
Bài viết về chương trình lớp 1 mới trên Tuổi Trẻ Online ngày 1-10 thu hút nhiều bình luận của bạn đọc là phụ huynh. "Con minh cung đang hoc lơp 1. Qua thât rât vât va. Tôi vê phai viêt thêm bai tơi khuya, không dám cho be đăng ky hoc cac môn năng khiêu khac, vi chi viêt chư không thôi đa hêt ca cac buôi tôi trong tuân" - bạn đọc tên Xuân bình luận.
"Đúng là chương trình lớp 1 quá nặng. Các em phải tập viết chữ, phải ghép vần và đọc luôn. Vì thế, việc dạy con học như là một cuộc chiến. Tối nào con cũng phải viết một trang giấy, không còn thời gian để chơi nữa" - một bạn đọc ý kiến.
Nhọc nhằn trải nghiệm sách giáo khoa chương trình mới SGK chương trình lớp 1 mới được mong chờ sẽ giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng dạy kỹ năng cho các em. Thế nhưng trên thực tế, chương trình nặng, sĩ số lớp quá tải, thời gian làm quen không có... là những vấn đề khiến không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng đau đầu. Khó đồng hành...