Chương trình GDPT mới: Thái Nguyên tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên
Để phục vụ triển khai chương trình GDPT mới, ngành giáo dục Thái Nguyên đang nỗ lực giải bài toán về đội ngũ giáo viên, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Cô và trò trường THCS Kha Sơn (huyện Phú Bình).
Năm học 2020 – 2021, Thái Nguyên có 683 trường học, tổng số trên 10.000 nhóm/lớp với trên 320 nghìn học sinh/trẻ. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 giáo viên, so với định mức biên chế quy định đang còn thiếu trên 5.300 giáo viên, trong đó đặc biệt cấp mầm non thiếu trên 2.100 giáo viên, cấp tiểu học thiếu trên 1.800 giáo viên, cấp THCS thiếu trên 1.200 giáo viên.
Để triển khai chương trình mới, đối với cấp tiểu học, các môn Công nghệ và Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất đều thiếu khoảng 200 giáo viên mỗi môn. Với cấp trung học cơ sở, thiếu ở môn Công nghệ, 116 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên, 34 giáo viên, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 57 giáo viên.
Thực tế này đặt ra những khó khăn không nhỏ, nhất là việc đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đã bắt đầu triển khai cho lớp 1 năm học 2020 – 2021, thực hiện với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 – 2022.
Giáo viên trường THCS Bình Thuận (huyện Đại Từ) trong một buổi trao đổi chuyên môn.
Bên cạnh công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sắp xếp, Thái Nguyên còn ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Riêng năm 2021, Thái Nguyên hỗ trợ trên 348 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với 5.370 định mức giáo viên còn thiếu và 1.962 định mức nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non.
“Các nhà trường không chỉ thuê, khoán giáo viên mới mà còn thuê, khoán với các giáo viên vừa nghỉ hưu, giáo viên ở trường khác, thậm chí là với chính giáo viên tại trường còn có thể bố trí giờ. Dù sao đây cũng chỉ giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, ngành giáo dục cần được bổ sung biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi.
Đối với trường tiểu học Kha Sơn (huyện Phú Bình), với 27 giáo viên biên chế và 6 giáo viên hợp đồng đang có, hiện nhà trường vẫn còn đang thiếu 5 giáo viên hợp đồng.
“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi trao đổi với các trường trên địa bàn gần để phối hợp, chia sẻ, để các giáo viên hợp đồng dạy cùng lúc một vài trường, vừa giải quyết việc làm, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, có những thời điểm không đủ giáo viên, chúng tôi cũng bố trí sắp xếp để một số giáo viên biên chế tại trường dạy thêm giờ để kịp thời đảm bảo” – thầy giáo Nguyễn Văn Duyên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về cách làm của đơn vị.
Tại trường THCS Bình Thuận (huyện Đại Từ), dự kiến năm học tới sẽ đón 3 lớp khối 6. Nhà trường đã ưu tiên lựa chọn ra những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm để phân công sẽ trực tiếp dạy các lớp này vào năm học mới.
“Khó khăn nhất là vấn đề chưa có nguồn giáo viên dành cho các môn tổ hợp, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho chính giáo viên các môn học liên quan hiện đang có. Quá trình dạy học, các giáo viên này sẽ được phân công phối hợp lên lớp, phụ trách những nội dung phù hợp chuyên ngành được đào tạo” – cô giáo Phạm Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc bổ sung đội ngũ giáo viên đang là một “bài toán” không nhỏ đặt ra với ngành giáo dục Thái Nguyên.
Hiện nay Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đề án nhấn mạnh: Về số lượng và cơ cấu giáo viên, đảm bảo đủ số lượng giáo viên (biên chế và hợp đồng) theo tỷ lệ định mức giáo viên/lớp đối với các cấp học, trong đó tuyển đủ số giáo viên chuyên biệt còn thiếu ở mỗi cấp học (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).
Chọn SGK mới: Không thể gạt bỏ tiếng nói của giáo viên
Việc lựa chọn sách ở mỗi địa phương cần lắng nghe những đánh giá, tôn trọng đề xuất từ các cơ sở giáo dục.
Cần có tính kế thừa
Những ngày này, các địa phương đang gấp rút triển khai chọn lựa sách giáo khoa (SGK) để kịp tiến độ chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Bên cạnh một số địa phương còn tồn tại những mâu thuẫn giữa ý kiến của sở GD&ĐT với cơ sở giáo dục, cũng có địa phương thực hiện nghiêm túc, tôn trọng ý kiến từ cơ sở.
Trong chuyến khảo sát kết quả triển khai chương trình mới sau hơn một học kỳ tại Thái Nguyên, phóng viên đã có cơ hội lắng nghe ý kiến từ chính những giáo viên đã và đang giảng dạy lớp 1 với SGK mới. Về tổng thể, các nhà trường có sự lựa chọn về đề xuất SGK một cách đa dạng, đảm bảo các tiêu chí của địa phương. Cả 2 bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đều có tỉ lệ lựa chọn khá cao từ cơ sở. Bên cạnh đó, sau "cơn bão dư luận" về "sạn", SGK Cánh Diều tiếp tục được nhiều giáo viên gửi gắm niềm tin.
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp luật, bà Vũ Hồng Thu - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên) - đánh giá: "Năm học 2020-2021, nhà trường lựa chọn 3 bộ sách, gồm Cánh Diều, Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Qua gần một năm học, học sinh tiếp cận với sách mới rất hiệu quả. Bộ sách này có nhiều ưu điểm, nhất là phát huy được năng lực phẩm chất của học sinh, chủ động tiếp thu kiến thức dưới sự hướng dẫn của phụ huynh học sinh. Trong năm học, chất lượng của nhà trường ngày một nâng lên, học sinh đọc thông viết thạo, tính toán tốt. Qua đợt thanh tra của sở GD&ĐT, thanh tra liên ngành vừa rồi, kết quả rất khả quan.
Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Ninh đánh giá kết quả học kỳ I năm học 2020-2021 của học sinh lớp 1 rất khả quan.
Trong năm học mới, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng lựa chọn những bộ sách như năm trước. Mặc dù trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều có một số từ ngữ mang tính địa phương hoặc chưa rõ nghĩa, nhưng nhà xuất bản đã có văn bản điều chỉnh, nhà trường đã thực hiện theo và đạt kết quả rất tốt".
Bà Đỗ Thị Bích Nguyệt - Hiệu trưởng trường tiểu học Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên) chia sẻ những tác động tích cực từ SGK mới: "Năm học 2020-2021, nhà trường chọn hầu hết SGK thuộc bộ Cánh Diều, chỉ có duy nhất môn Mỹ thuật thuộc bộ khác. Qua một năm giảng dạy, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm "ưu Việt".
Hiệu trưởng trường tiểu học Cao Ngạn chia sẻ về những bất ngờ đối với học sinh lớp 1 khi học chương trình mới.
Chẳng hạn, qua cuốn sách Tiếng Việt, học sinh đã biết cách bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Bản thân tôi cũng đã được trải nghiệm khi bước chân vào các lớp 1, các con ùa ra ôm lấy cô giáo rồi nói: " Con yêu cô! "... Các con tặng cho cô giáo những tờ giấy A4 vẽ hình trái tim, viết những lời yêu thương. Các trò còn nhỏ nên chưa biết trang trí cầu kỳ mà chỉ đơn giản là vẽ những hình trái tim rồi tô màu xanh, màu đỏ... Trước đó, các con rất nhút nhát chứ không được tự tin như vậy".
Ý kiến của các Hiệu trưởng trường tiểu học Cải Đan, Mỏ Chè, Chiến Thắng, Chợ Chu, Dương Tự Minh, Yên Ninh, Lam Vỹ, Cao Ngạn...và các trường THCS Cao Ngạn, Dương Tự Minh, Lương Sơn... cũng có nét tương đồng - khi họ có lý do để chọn bộ SGK của 3 nhà xuất bản để giảng dạy.
Học sinh lớp 1 "bắt nhịp" với chương trình mới và SGK mới hiệu quả.
Không thể phủ nhận sạch trơn ý kiến của giáo viên
Thời điểm này, mặc dù chưa có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt bộ sách nào, nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang mong mỏi được tiếp tục dạy những đầu sách đã mang lại hiệu quả tích cực và đặt nền tảng cho học sinh lớp 1 năm học trước.
Theo bà Nguyễn Thị Quốc Hòa (Trưởng phòng GD&ĐT TP.Thái Nguyên), việc chọn sách cho năm học mới vẫn còn tồn tại những khó khăn: "Bản thân các giáo viên không phải chuyên gia để có thể đánh giá một cách khái quát tất cả các vấn đề, trong khi đó, có quá nhiều đầu sách, giáo viên cần rất nhiều thời gian để đọc kỹ các bộ sách và có cái nhìn tổng quan. Chưa kể, bất cứ sự đổi mới nào cũng gặp khó khăn, đó là "sức cản" của việc cần phải thay đổi, khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh trong nhà trường, kinh tế xã hội của địa phương...".
Một số giáo viên cũng băn khoăn trước việc lựa chọn SGK, với thời gian nghiên cứu ngắn mà số lượng đầu sách quá nhiều, khiến giáo viên phải xoay sở không ít vất vả. Điều này theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, sẽ dẫn đến hệ quả, khi giáo viên không có đủ thời gian để đọc và nghiên cứu hết các bộ sách, rất dễ dẫn đến tình trạng như năm học trước, không kịp thời phát hiện lỗi trong SGK.
Thời gian nghiên cứu và đánh giá sách quá gấp sẽ có thể bỏ lọt "sạn".
Bên cạnh đó, có người e ngại việc lựa chọn sách bị "hình thức quá", khi có cả phụ huynh trong thành phần tham gia lựa chọn sách, nhiều người đặt câu hỏi, lựa chọn đối tượng phụ huynh như thế nào để có thể đánh giá đúng bộ sách cần cho trẻ?
Song, những điều ấy vẫn chưa hẳn là nỗi lo lớn nhất. Có những trường có tỉ lệ bầu chọn với một bộ sách rất cao (thậm chí có trường là tuyệt đối), khi đề xuất lên phòng, Sở, nhưng lựa chọn lại thiên về bộ khác. Nếu bộ sách mà Sở đưa ra và UBND tỉnh phê duyệt không cùng một bộ sách với các cơ sở giáo dục, ít nhiều, giáo viên và học sinh cũng đã mất đi bộ sách yêu thích, quen thuộc và đã "đặt nền móng" trước đó. Nhiều nhà trường lựa chọn SGK lớp 2 trên cơ sở nền tảng bộ sách lớp 1 đã chọn trong năm trước, để đảm bảo tính kế thừa và tiếp nối, giúp học sinh dễ tiếp cận.
Riêng phòng GD&ĐT Thái Nguyên, năm nay các trường đề xuất lựa chọn 3 bộ sách với tỉ lệ tương đương 3/3/3 . Sự lựa chọn không chênh lệch đáng kể giữa các bộ sách và tập sách. Ví dụ, đối với bậc THCS: Môn Ngữ văn lớp 6 của NXB đại học Sư phạm (30,56%); của NXBGDVN (36,11% và 33,33%). Môn Toán 6 của NXB đại học Sư phạm (38,89%); NXBGDVN (41,67%). Và chỉ có bộ Chân trời sáng tạo là 19,44%. Môn Lịch sử và Địa lý 6 của NXB đại học Sư phạm (38,89%); NXBGDVN (33,33 % và 27,78 %). Môn Khoa học tự nhiên 6 có tỉ lệ chọn NXB đại học Sư phạm (30,56%); NXBGDVN (33,33% và 36,11). Môn Giáo dục công dân 6 tỉ lệ lựa chọn NXB đại học Sư phạm (36,11%); NXBGDVN (33,33% và 30,56 %)...
Học sinh trường THCS Dương Tự Minh trong một giờ học.
Đó là những con số biết nói. Không thể lấy bộ sách có sự lựa chọn nhiều hơn một chút mà phủ nhận các bộ sách khác khi giáo viên ở các cơ sở đã lựa chọn. Như vậy mới bình đẳng và công bằng. Mỗi bộ sách đều có quyền đồng hành với giáo viên và học sinh, theo sự lựa chọn thấu đáo với lý do chính đáng của họ. Bởi họ, chứ không phải phòng hay Sở, hay UBND tỉnh... trực tiếp giảng dạy cho học sinh.
Là giáo viên tham gia trong hội đồng xét tuyển sách năm học tiếp theo, cô giáo Ma Thị Thiết (trường tiểu học Yên Ninh) chia sẻ: "Chúng tôi trực tiếp tham gia bình chọn, lựa chọn một cách chi tiết theo tiêu chí của Sở, chỉ ra những ưu nhược điểm của từng cuốn, bỏ phiếu kín và kết quả là nhất trí vẫn lựa chọn một số môn của bộ Cánh Diều và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Cô giáo Ma Thị Thiết chia sẻ những ưu điểm của các bộ sách mới.
Ưu điểm nhất của bộ sách là không chỉ giúp học sinh và giáo viên dễ tiếp nhận hơn, mà phụ huynh khi nhận cuốn sách đó cũng không lạ lẫm phương pháp dạy, ở nhà cũng có thể hướng dẫn các con học tập một cách rõ ràng".
Bà Mã Thị Hương - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) - cũng tỏ ra rất tâm đắc với bộ sách lớp 1 đã chọn và mong muốn sẽ tiếp tục được gắn bó: "Có thể nói, chúng tôi rất tâm đắc với chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới đang được triển khai với lớp 1, từ giáo viên đến học sinh và phụ huynh. Để chuẩn bị cho năm học tới đối với học sinh lớp 2, dựa trên nền tảng các bộ sách đang thực hiện cho lớp 1, nhà trường cũng tiếp tục lựa chọn các bộ sách cũng đã mang lại hiệu quả, các bộ sách có sự kết nối từ cơ sở nền tảng lớp 1 đến lớp 2".
Học sinh trường tiểu học Lam Vỹ được gieo niềm đam mê đọc sách tại thư viện.
Trước đó, trao đổi với báo chí xoay quanh những lo ngại về nguy cơ bị xáo trộn khi năm trước trường chọn sách này, năm nay tỉnh chọn sách khác, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (bộ GD&ĐT) - cho hay, trong thông tư hướng dẫn của Bộ có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn sách của cấp trường trước đó, đảm bảo SGK được dùng ổn định, không bị xáo trộn.
Dựa trên tinh thần một chương trình, nhiều bộ SGK, các địa phương hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn, tránh những trường hợp phủ nhận toàn bộ hiệu quả tích cực của một bộ sách nào đó đã mang lại cho các cơ sở giáo dục trong năm học qua.
Tỉnh chọn một bộ sách sẽ dẫn đến độc quyền SGK
TS. Vũ Thu Hương e ngại tình trạng độc quyền SGK.
Là người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) lo ngại: "Chuyện để Sở đề xuất một bộ sách rồi UBND tỉnh phê duyệt sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền SGK. Thay vì độc quyền SGK trong cả nước như trước đây, bây giờ, sẽ có tình trạng độc quyền tại mỗi tỉnh, thành.
Bản chất của việc để tỉnh lựa chọn một bộ sách thống nhất trong toàn tỉnh đã hoàn toàn đi sai chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Như vậy thì việc xây dựng 5 bộ sách (trước đây) và bây giờ là gộp lại còn 3 bộ, lại trở nên rất lãng phí. Giáo viên nếu đã chọn bộ sách nào, tức là bản thân họ cảm thấy những nội dung trong đó hay và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh và điều kiện của nhà trường, địa phương, nên để cho họ được giảng dạy với bộ sách đó".
Theo ông Phạm Việt Đức (Giám đốc sở GD&ĐT Thái Nguyên) địa phương tiến hành chọn sách theo quy trình các tổ chuyên môn bỏ phiếu kín chọn ra bộ sách sau đó ban giám hiệu cùng tổ trưởng bộ môn và đại diện cha mẹ học sinh sẽ cùng bỏ phiếu lựa chọn tiếp. Nhà trường gửi đề xuất lên phòng, phòng gửi lên Sở, Sở sắp xếp theo thứ tự tỉ lệ lựa chọn từ cao xuống thấp và chuyển cho hội đồng chọn sách. Hội đồng ngồi tự nghiên cứu, có quan điểm riêng, rồi tham khảo các ý kiến đề xuất, phân tích bàn bạc và bỏ phiếu. Sở cũng đã quán triệt làm nghiêm, nếu phát hiện tiêu cực sẽ xử lý đến cùng.
"Cơ bản chọn sách sao cho phù hợp, phải tham khảo ý kiến của đại đa số. Chẳng hạn, khi các trường giới thiệu lên, 1 trường chọn bộ này, nhưng 10 trường khác chọn bộ khác, vậy thì sau khi tổng hợp, bộ sách chỉ có 1 trường chọn không còn tồn tại" - ông Phạm Việt Đức chia sẻ.
Hà Nội quyết tâm không để thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới Hà Nội vừa tổ chức xong kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2020 với gần 4.000 chỉ tiêu. Không để thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới. Sau khi có kết quả vào cuối tháng 4, nhiều nhà trường sẽ giải được bài toán thiếu giáo viên để chuẩn bị nguồn lực bắt nhịp Chương trình giáo dục...