‘Chúng tôi muốn học sinh phải được biết về Gạc Ma’
Sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn chưa được nhắc tới trong chương trình SGK phổ thông. Đó là thiệt thòi cho những người lính đã chiến đấu năm xưa và cho cả thế hệ học sinh hiện nay.
Dù nhiều người đã lên tiếng trong thời gian dài, đến nay, sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn không được đề cập trong SGK. Đó vẫn luôn là trăn trở của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử như tôi.
Ai từng đọc qua cuốn sách Lịch sử lớp 12 đều dễ dàng nhận ra sự “thiên vị” của cuốn sách.
Trong khi những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được trình bày chi tiết, với từng giai đoạn cụ thể, toát lên được bản chất vấn đề, thì ở chiều ngược lại, nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, được nhắc tới rất hạn chế (chưa tới 10 dòng).
Đặc biệt, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988 ở Gạc Ma không hề được đưa vào SGK.
SKG không trình bày đồng nghĩa phần nội dung không tồn tại trong chương trình, giáo viên không giảng giải, học sinh không biết.
Trải qua những năm học phổ thông, đại học rồi sau này đi dạy Sử, tôi biết nhiều bạn trẻ không hiểu về sự kiện Gạc Ma năm 1988. Cũng phải thôi, như thế hệ chúng tôi, nếu không học đúng chuyên ngành, nghiên cứu thêm nhiều giáo trình khác, sinh viên không thể biết đến sự kiện này.
Dù vì lý do gì, sự thật lịch sử vẫn luôn cần được tôn trọng, không thể khác được. Con cháu chúng ta cần phải biết những sự kiện lớn từng xảy ra trong lịch sử dân tộc.
SGK đã trình bày nhiều sự kiện trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước qua nhiều giai đoạn. Vậy tại sao Gạc Ma lại hoàn toàn bị lãng quên?
Nếu không được nhắc tới, công lao, sự hy sinh anh dũng của những người lính Gạc Ma năm xưa sẽ đứng ở đâu trong dòng chảy lịch sử dân tộc?
Video đang HOT
Nếu không được nhắc tới, con cháu chúng ta có hiểu được sự hy sinh to lớn của những người lính có tuổi đời còn rất trẻ?
Xét một cách công bằng, sự hy sinh của họ đâu thua kém những người đã ngã xuống vì Tổ quốc trước đó.
GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh từng đề xuất: Những nội dung cần đưa vào sách giáo khoa gồm trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988. Xem chi tiết. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Nguyên tắc vàng của lịch sử là tái hiện quá khứ đúng với những gì nó diễn ra, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Các nhà sử học đã khẳng định “lịch sử là khoa học”, vì thế không ai được xuyên tạc, bôi đen, bóp méo hay né tránh sự thật.
Ngành GD&ĐT đang triển khai “đổi mới toàn diện và đồng bộ” từ nội dung, chương trình SGK, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Theo quan điểm của giáo viên đứng lớp, tôi nghĩ rằng những nội dung lịch sử như cuộc chiến Gạc Ma năm 1988 nhất thiết phải được đưa vào nội dung chương trình.
Phần kiến thức về lịch sử Việt Nam từ năm 1975 trở về sau phải được cấu trúc lại, mạnh dạn bỏ bớt nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu vụn vặt không cơ bản, cần thiết, khô khan mà học sinh đọc xong cũng chẳng nhớ được gì.
Đồng thời, những kiến thức về đấu tranh xác lập và bảo về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma… và các cuộc chiến tranh biên giới phải được cấu trúc thành chương, bài chứ không chỉ dừng lại một tiểu mục chỉ có 11 dòng, hoặc không hề nói như SGK hiện hành.
Xin được nhắc lại rằng “sự thật lịch sử là khách quan”, nó không phụ thuộc ý chí chủ quan của con người. Vì vậy, chúng ta hãy để cho con em mình biết những gì thế hệ cha ông từng trải qua.
Đó là một trong những biện pháp để giáo dục lòng yêu nước, sự trung thực cho các thế hệ học sinh. Đừng để sau này các em lớn lên, nắm bắt được thông tin sẽ lại tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao những sự kiện đó không được lịch sử nhắc tới?
Theo Zing
Nước mắt ngày hội ngộ của cựu binh Gạc Ma trên giường bệnh
Anh Dũng vô cùng bất ngờ và xúc động khi được gặp lại những người đồng đội từng sát cánh bên nhau giữa "Vòng tròn bất tử" Gạc Ma lịch sử ngày 14/3/1988 và cùng bị phía Trung Quốc giam giữ nhiều năm trời.
Chiều 19/11, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa 1984-1988 đã tổ chức buổi gặp mặt đồng đội Gạc Ma - Trường Sa 1988 giữa anh Dương Văn Dũng (còn gọi là Dũng "Gạc Ma", sinh năm 1966, trú tại 58 Trần Lựu, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với 6 đồng đội gồm các anh: Nguyễn Văn Nhân (tỉnh Hà Nam), Nguyễn Văn Thống (Quảng Bình), Lê Văn Đông (Quảng Bình), Trần Thiên Phụng (Đông Hà, Quảng Trị), Lê Minh Thoa (Bình Định), Trương Văn Hiền (Đắk Lắk). Đây có thể là lần gặp cuối cùng của anh Dũng với những đồng đội từng sát cánh bên nhau giữa "Vòng tròn bất tử" Gạc Ma lịch sử.
Cuộc hội ngộ xúc động của anh Dũng với các đồng đội từng bị bắt giam ở Trung Quốc
Anh Dũng là một trong 10 tân binh người Đà Nẵng (nhập ngũ năm 1987) có mặt trên con tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao hồi tháng 3/1988. Trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, anh cùng các đồng đội khác (gồm 6 anh nói trên) bị tàu Trung Quốc bắt giữ, giam ở Quảng Đông (Trung Quốc) suốt 4 năm.
9 trong số 10 tân binh người Đà Nẵng có mặt trên tàu HQ 604 hôm ấy đều đã hy sinh. Gia đình anh Dũng ở nhà cũng đã nhận được giấy báo tử, lập bàn thờ vì nghĩ anh đã chết.
Đây có thể là lần gặp cuối cùng của anh Dũng với những đồng đội từng sát cánh bên nhau giữa "Vòng tròn bất tử" Gạc Ma lịch sử.
Cuối 1991, anh Dũng được trao trả về Việt Nam. Về quê nhà, làm nghề thợ hồ, cùng vợ buôn bán nuôi 3 đứa con ăn học. Năm 2011, con trai đầu lòng của vợ chồng anh bị tai nạn giao thông qua đời khi đang còn học lớp 12.
Năm 2015, nỗi đau trước sự ra đi của đứa con trai mới nguôi ngoai thì anh Dũng phát hiện ra mình bị bệnh ung thư da đầu. Anh vào nằm tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng điều trị đến nay đã hơn 1 năm. Hiện bệnh tình của anh đang ở giai đoạn cuối, phải điều trị tại phòng Hồi sức tích cực.
Biết mình chẳng sống được bao lâu nữa nên anh mong muốn được gặp lại những người đồng đội đã từng bị bắt giam ở Trung Quốc.
Để tạo sự bất ngờ cho anh Dũng, mọi người đã "âm thầm" sắp xếp, tổ chức cuộc gặp gỡ nhưng không thông báo cho anh biết trước. Vì thế, anh Dũng vô cùng bất ngờ và xúc động khi nhìn thấy những đồng đội của mình tại bệnh viện.
Cuộc gặp gỡ được tổ chức ngay trong một căn phòng nhỏ của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Anh Dũng ngồi trên chiếc xe lăn, được mọi người đẩy từ phòng bệnh qua nơi tổ chức buổi gặp. Họ xúc động, ôm chầm lấy nhau, không nói lên lời.
"Tôi vô cùng xúc động khi mình không còn sống được bao nhiêu nữa thì lại được gặp lại những người đồng đội của mình", anh Dũng chia sẻ.
Anh Dũng hạnh phúc khi được đồng đội mặc cho chiếc áo lính Hải quân
Trong buổi gặp, anh Dũng được các đồng đội của mình mặc cho chiếc áo lính Hải quân như để cùng nhau nhớ lại những tháng ngày cùng nhau sát cánh bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) xúc động cho biết, Hoàng Sa - Trường Sa là anh em một nhà. Đó là những quần đảo của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Buổi gặp hôm nay là một sự kết nối, tri ân những người đã vì Gạc Ma. Tổ quốc, mọi người dân Việt Nam luôn mãi nhớ về các anh.
Tại buổi gặp, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã ủng hộ tới gia đình anh Dũng số tiền hơn 100 triệu đồng để giúp gia đình vượt qua những khó khăn.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Khu tưởng niệm 'trận hải chiến Gạc Ma' dần hình thành Sau 2 năm thi công, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với biểu tượng "Vòng tròn bất tử" ở Khánh Hòa sắp hoàn thành. Ngày 13/3, ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch liên đoàn Lao động Khánh Hòa - cho biết, dự án xây Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sắp hoàn thành. Các đơn vị thi công đang hoàn thiện...