Chung tay tạo nên một câu chuyện đáng kể về chuyển đổi số tại Việt Nam
Khẳng định Bộ TT&TT đã hành động và sẽ hành động để đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết Bộ mong nhận được sư chung tay, góp sức của cộng đồng.
Con đường chuyển đổi số của Việt Nam đã dần được định hình
Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo”Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”.
Chủ tịch VDCA Nguyên Minh Hồng cho biết, hội thảo là một hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Việt Nam năm nay. (Ảnh: M.Sơn)
Theo Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, mục đích của hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp… vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp triển khai những sáng kiến số.
Chia sẻ tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh rằng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia cần tập trung làm sao để có được Chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số.
Đại diện Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện,mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: M.Sơn)
Nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số là một hành trình dài, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022 là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ khó khăn.
“Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình. Bắt đầu từ chủ trương, cách tiếp cận tại Nghị quyết 52 năm 2019 của Bộ Chính trị, tiếp đó là các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số lần lượt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng thông tin.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng giới thiệu tới các đại biểu về Cổng chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn do Bộ TT&TT thiết lập, nơi cung cấp thông tin, công cụ hỗ trợ các người dân, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức trong hành trình chuyển đổi số.
Bộ TT&TT đã hoàn thành thiết lập Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn
Video đang HOT
Cổng chuyển đổi số quốc gia đã được tích hợp nhiều chuyên trang với những thông tin hữu ích cho mọi người dân cũng như cho từng nhóm đối tượng. Đó là chuyên trang về Cẩm nang chuyển đổi số dành cho mọi người; chuyên trang về Chính phủ số cho cơ quan nhà nước; chuyên trang SMEdx dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyên trang xã hội số cho người dân.
Tại cổng dx.gov.vn, Bộ TT&TT còn tập hợp, đăng tải các bài toán, câu chuyện chuyển đổi số, đồng thời cung cấp những khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho mọi người qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người dân trên cổng khonggianmang.vn…
“Bộ TT&TT đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số. Những kết quả trên có lẽ còn xa mới thỏa mãn được kỳ vọng của cộng đồng, nhưng Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam”, Thứ trưởng nói.
Người dân, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích từ chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, trải qua giai đoạn khởi động, tổng diễn tập và bước đầu tổng tiến công chuyển đổi số, đến nay công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%.
Về kinh tế số, đến giữa năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Còn về xã hội số, số lượt người dùng hằng tháng trên tất cả nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ người dùng các nền tảng di động Việt Nam đạt khoảng 20% trên tổng số người dùng nền tảng số.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an khẳng định, việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức.
Cùng với đó, còn đem lại lợi ích kinh tế lớn như tiết kiệm tối thiểu 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi online; tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM khi triển khai dùng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM…
Đại diện Cục chuyển đổi số quốc gia, C06 – Bộ Công an và Trung tâm CNTT – Bộ Giao thông vận tải trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: M.Sơn)
Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông Vận tải Phùng Văn Trọng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực vận tải ở bất cứ đâu; có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; được hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau.
Với cơ quan quản lý nhà nước, từ quá chuyển đổi số đã hình thành được dữ liệu tập trung về vận tải gồm doanh nghiệp, phương tiện, người đăng ký phương tiện, tuyến, hợp đồng vận tải… phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
5 điểm đặc sắc trong mô hình chuyển đổi số của Huế
Trong 3 ngày từ 17 - 19/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội",
Tại phiên toàn thể ngày 18/8 của Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, với quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, tận dụng hiệu quả các cơ hội, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã được Thừa Thiên Huế xem là một trong những giải pháp đột phá để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu khai mạc.
Với Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, lần đầu tiên Huế đưa ra vấn đề chuyển đổi số công tác bảo tồn văn hóa, di sản để nâng tầm các giá trị văn hóa di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho địa phương.
Sự kiện cũng hướng đến công tác chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả với các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm các giải pháp số.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng qua Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, sẽ có được những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung, đồng thời mong muốn giới thiệu một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư về CNTT triển khai các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Thừa Thiên Huế đang là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 của Huế đều nằm trong nhóm đầu của cả nước, tiêu biểu như chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI xếp thứ nhất toàn quốc; chỉ số chuyển đổi số - DTI xếp thứ 2 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính - PAR Index xếp thứ 4 trong cả nước. Đặc biệt, nền tảng kết nối chính quyền với người dân Hue-S sau 3 năm triển khai đã có gần 900.000 tài khoản, 17 triệu lượt truy cập, gần như đã tiếp cận được với hầu hết công dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi đội ngũ những người làm chuyển đổi số tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên Zalo.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình dài và trên hành trình đó, do công nghệ thay đổi liên tục, có nhiều sẽ chưa biết nên chúng ta cần cùng nhau trải nghiệm, khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công cũng như cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm các nền tảng và giải pháp số.
Với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định tỉnh đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Thứ trưởng chỉ ra 5 điểm đặc sắc trong mô hình chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế, đó là: Duy trì được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số có triết lý xuyên suốt của riêng mình như "Bắt buộc trước, tự nguyện sau", trong đó bắt buộc trước là điều kiện cần, và sau khi dùng người dân thấy lợi ích thì họ tự nguyện; chuyển đổi số đồng bộ và xuyên suốt ở cả 3 cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh; cách tiếp cận 1 nền tảng do chính quyền quản lý nhưng sẵn sàng tích hợp đa ứng dụng, đa dịch vụ do nhiều doanh nghiệp, đối tác khác nhau cung cấp; phát triển được 1 Sở TT&TT mạnh để phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đối tác quản lý hiệu quả nền tảng.
Thứ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương sẽ dành thời gian chung tay cùng Bộ TT&TT sơ kết từ lý luận và thực tiễn, nhằm hình thành nên các mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện, xã để giữa các tỉnh, thành phố có thể tham khảo, áp dụng.
Hạ tầng dữ liệu sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội
Cũng tại phiên toàn thể, các diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số cùng lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn đã tập trung bàn thảo, chia sẻ, và tham vấn về 3 vấn đề: Kế hoạch chuyển đổi số Huế giai đoạn 2022 - 2025; phát triển các hạ tầng chuyển đổi số của Huế, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu; các mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Chuyên đề này hướng tới giúp cho các cấp, các ngành, không chỉ của Thừa Thiên Huế mà các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới, làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Theo thống kê, hiện Huế và các địa phương đều thiếu nền tảng dữ liệu tập trung; năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, ở Huế chỉ được 5%, thiếu chuyên gia phân tích, khai phá dữ liệu; hoàn toàn chưa có chiến lược dữ liệu.
Các diễn giả đều thống nhất, để tạo đột phá, Thừa Thiên Huế cần đi đầu trong phát triển hạ tầng dữ liệu, bao gồm phát triển nền tảng thu thập, kết nối liên thông, chia sẻ, phân tích dữ liệu; hoàn thiện hệ thống chính sách trong việc hoạch định, chia sẻ dữ liệu - phá vỡ tình trạng cát cứ dữ liệu; phát triển con người - chuyên gia khai phá dữ liệu. Những đột phá, đi đầu về tư duy, hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu, theo các chuyên gia, sẽ tạo ra sự đột phá chuyển đổi số, đột phá về phát triển kinh tế số, xã hội số cho địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và FPT ký kết hợp tác chuyển đổi số tổng thể toàn diện.
Với mong muốn hợp lực đưa chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất và hiệu quả hơn, trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, 10 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp và các sở, ngành của tỉnh đã được ký kết. Cùng với đó, nền tảng 5G - MobiFone và nền tảng Huế-S thế hệ mới cũng được ra mắt. Đây đều là những công cụ quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực.
Cổng chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn cung cấp những thông tin, tiện ích gì? Một phần đặc biệt trên Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ https://dx.gov.vn hiện nay là thông tin các ưu đãi của chương trình "Tháng 10. Tháng tiêu dùng số", một sáng kiến hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Cẩm nang chuyển đổi số đã có gần 10 triệu lượt truy cập Trong chia sẻ tại hội thảo...