Chứng chỉ ngoại ngữ: Cần có quy đổi
Hà Tĩnh vừa có quyết định đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 có điểm thi IELTS 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh, không cần thi.
Qua việc này, nhiều người đặt câu hỏi vậy đối với những chứng chỉ ngoại ngữ khác như TOEFL, TOEIC… thì sao? Hiện Bộ GDĐT chưa có những quy định cụ thể về quy đổi giữa các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và trong nước gây ra những bất cập trong sử dụng.
Cần sớm có những đề xuất quy định giữa các chứng chỉ ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Quy định xa… thực tế
Theo quy định tại Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT, các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008 vẫn có giá trị sử dụng và được đề xuất quy đổi theo Công văn 6089/BGDĐT-GDTX ngày 27/10/2014 do Bộ GDĐT ban hành. Cụ thể, theo khuyến nghị của Hội đồng thẩm định, Bộ GDĐT đề xuất trình độ A theo Quyết định 177/QĐ.TCBT ngày 30/01/1993 và trình độ A1 theo Quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 1 của Khung 6 bậc.
Trình độ B theo Quyết định 177 và trình độ A2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 2 của Khung 6 bậc. Trình độ C theo Quyết định 177 và trình độ B1 theo Quyết định 66 tương đương bậc 3 của Khung 6 bậc. Trình độ B2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 4 của Khung 6 bậc. Trình độ C1 theo Quyết định 66 tương đương bậc 5 của Khung 6 bậc. Trình độ C2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 6 của Khung 6 bậc.
Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động hiện nay lại không căn cứ vào các các chứng chỉ ngoại ngữ này hay khung 6 bậc mà đều sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phổ biến như IELTS, TOEFL, TOEIC… trong tuyển dụng. Ngay cả các trường đại học (ĐH), cao đẳng trong quy định chuẩn đầu ra hiện nay đều bắt buộc sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu thì mới cho phép ra trường.
Việc quy định công nhận chứng chỉ nào để đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra là phụ thuộc tùy từng trường, từng khoa bởi ngay trong cùng một trường, khoa ngoại ngữ cũng thường có yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cao hơn so với các khoa khác.
Chẳng hạn, Học viện Ngoại giao yêu cầu chung IELTS 5.5, riêng sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh là 6.5. ĐH Công nghiệp Hà Nội yêu cầu chung đối với sinh viên tốt nghiệp là có TOEIC 600, trong khi ngành Ngôn ngữ Anh là IELTS 6.5.
Không có một mẫu số chung cho tất cả sinh viên mọi ngành đào tạo. Nhưng sau khi đáp ứng chuẩn đầu ra của từng trường, đến khi nộp hồ sơ đi xin việc, mỗi đơn vị lại đòi hỏi các chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau khiến cho người lao động có thể phải một lần nữa đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để đi thi.
Mong sớm có quy định
Hiện nay trường ĐH Quốc gia TP HCM có tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ VNU – EPT do nhà trường cấp và có quy đổi tương đương với các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Chẳng hạn, điểm số 151 đến 175 (tương đương trình độ B1.1) của chứng chỉ VNU – EPT tương đương với IELTS đạt từ 3.5 đến 4.0; PET từ 60 đến 79 điểm, TOEFL iBT đạt từ 31 điểm trở lên, TOEIC (nghe đọc) đạt từ 226 đến 315 điểm và TOEIC (nói viết) đạt từ 161 đến 180 điểm…
Video đang HOT
Tuy nhiên, đây là quy đổi của nhà trường còn trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng chấp nhận việc quy đổi tương đương này. Vì vậy, vẫn khó khăn cho người lao động khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để ứng tuyển việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất Bộ GDĐT cần sớm có những đề xuất quy định giữa các chứng chỉ ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho người sử dụng. ThS. Mai Tuyết Nhung (ĐH Thương Mại) cho rằng đơn cử như việc Hà Tĩnh công nhận học sinh lớp 12 có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh còn với những học sinh sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác thì sao?
Hoan nghênh cách làm mới mẻ này của Hà Tĩnh nhưng giảng viên này cũng bày tỏ lo ngại mỗi chứng chỉ ngoại ngữ đều có cách dạy và luyện thi khác nhau nên nếu chỉ công nhận kết quả của một chứng chỉ thì nhiều người ở địa phương đó có thể sẽ đổ xô đi học và người có lợi nhất là các trung tâm luyện thi!
Vì vậy, ThS Mai Tuyết Nhung đề xuất cần có những quy định cụ thể về các thang quy đổi. Bên cạnh đó, giảng viên này cũng lưu ý việc đáp ứng chuẩn đầu ra của nhà trường mới là yêu cầu để được cấp bằng tốt nghiệp còn trong thực tế đi làm, mỗi đơn vị đều có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ riêng gắn liền với chuyên môn, vị trí việc làm nên cần căn cứ vào đó để tiếp tục trau dồi khả năng ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu công việc.
Một chuyên gia khác cũng đề xuất hiện nay khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam vẫn chưa thực sự tương thích với khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR). Chẳng hạn, điểm IELTS 6.5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng theo khung 6 bậc của Việt Nam thì lại quy đổi thành C1 bậc 5. Vì vậy, cần làm rõ những điểm này sớm để tạo thuận lợi hơn cho người lao động và cả nhà tuyển dụng khi đưa ra các yêu cầu.
Không nên đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh
Chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Việc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020 - 2021 vì đã đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Bởi, đây có thể là một trong số ít tỉnh đầu tiên có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như vậy. Và, theo lãnh đạo của Sở Giáo dục thì việc đặc cách này "nhằm mục đích khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh có các giải thưởng quốc tế về môn tiếng Anh".
Tuy nhiên, với cách làm này đã khiến cho dư luận băn khoăn bởi có thể nó sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh đại học sau này.
Bảng quy đổi điểm công nhận đặc cách học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh - (Ảnh chụp từ màn hình website: hatinh.edu.vn)
Có nên công nhận đặc cách học sinh giỏi khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế?
Ngày 24/9/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1641/SGDĐT-GDPT về việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh do ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Giám đốc Sở kí.
Trong văn bản này, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về việc xét giải cho những thí sinh đăng kí dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh lớp 9,10,11, 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên.
Theo đó, học sinh lớp 9 đạt điểm IELTS 5,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 10 đạt điểm IELTS 5,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,5 điểm là xếp giải Nhất.
Học sinh lớp 11 đạt điểm IELTS 6,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS 6,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,5 điểm là xếp giải Nhất.
Với cách làm này, những học sinh có điểm IELTS cao theo quy định sẽ không phải tham dự kỳ thi học sinh giỏi.
Các em chỉ cần làm đơn có xác nhận của cha, mẹ và photocopy chứng chỉ tiếng Anh có xác nhận của hiệu trưởng rồi các trường, Phòng giáo dục tập hợp gửi về Sở thì sẽ được đặc cách và công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Dù biết rằng với cách làm này sẽ giúp cho học sinh có thêm động lực để học tập, trau dồi về ngoại ngữ, song nhìn vào danh sách 70 em học sinh được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh thì chúng tôi thấy có nhiều vấn đề phải suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo.
Bởi trong số 70 em học sinh lớp 12 được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh ở năm học 2020-2021 thì chủ yếu tập trung ở trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh và một số trường lớn.
Cụ thể, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh có 45 em đạt điểm IELTS từ 6.5- 8.0 điểm. Tiếp theo là Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng và Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông - đại học Hà Tĩnh (mỗi trường có 5 học sinh)...
Những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 - 2021 và được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định.
Không đảm bảo công bằng cho kỳ thi học sinh giỏi và xét tuyển đại học
Từ lâu, Hà Tĩnh dù còn khó khăn nhưng lại là vùng đất hiếu học và có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Truyền thống học tập, sự cố gắng vươn lên của ngành giáo dục nơi đây rất đáng trân trọng, tự hào.
Song, với việc đặc cách học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt từ 5,0 điểm (lớp 9) và 6,5 điểm (lớp 12) trở lên được quy đổi và đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì lại là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất: kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là một "sân chơi" công bằng cho tất cả các thí sinh cùng tham dự, ở đó không có sự ưu tiên nào cả và từ trước đến nay thì bất cứ kỳ thi học sinh giỏi cấp nào tổ chức cũng vậy.
Thay vì công nhận đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì Sở, các nhà trường phổ thông có thể có một quỹ để thưởng riêng bằng tiền hoặc hiện vật cho các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì vẫn có thể "khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh".
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ nên công nhận cho những học sinh trực tiếp tham gia kỳ thi chứ không nên "đặc cách" như vậy được.
Thứ hai: việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi đông đảo cho địa phương vì chỉ quy đổi chứng chỉ cho học sinh lớp 12 thì tỉnh Hà Tĩnh đã có tới 70 học sinh đạt từ giải Ba trở lên.
Nếu là học sinh lớp 9 có thể không ảnh hưởng nhiều vì các em tham gia thi tuyển 10 thì cũng là học sinh trong địa bàn Hà Tĩnh.
Nhưng, với học sinh lớp 12 thì lại hoàn toàn khác vì các em tham gia kỳ thi quốc gia, xét tuyển đại học. Trong đó, nhiều trường đại học, cao đẳng có ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh.
Vì thế, nó sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng vì các tỉnh khác không có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh đang làm.
Văn bản hướng dẫn công nhận đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh - (Ảnh chụp từ màn hình website: hatinh.edu.vn)
Thứ ba: hệ thống văn bản của ngành giáo dục hiện nay chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn đặc cách học sinh giỏi mà chỉ có thể đặc cách tốt nghiệp hoặc tuyển thẳng vào đại học mà thôi.
Cách làm của Hà Tĩnh rất mới và táo bạo nhưng rõ ràng khó nhận được sự đồng thuận trong ngành giáo dục, nhất là đối với các tỉnh khác.
Thứ tư: trong số 70 học sinh lớp 12 được đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh đã có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì; 44 em đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba thì những em trực tiếp dự thi rất khó có thể cạnh tranh thứ hạng.
Hơn nữa, với việc công nhận đặc cách như vậy sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh quá nhiều vì riêng số lượng đặc cách đã là 70 em, cộng thêm số lượng học sinh tham dự kỳ thi đạt giải nữa thì Sở phải chi một khoản tiền rất lớn để khen thưởng.
Thiết nghĩ, chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Làm như vậy sẽ khó nhận được sự đồng thuận của xã hội, nhất là với những thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh và những thí sinh tham gia xét tuyển đại học ở những trường có tiêu chí ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh!
IELTS từ 6.5 được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh: Táo bạo, nhưng... Việc Hà Tĩnh đặc cách cho 70 em học sinh lớp 12 có điểm thi IELTS 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh, không cần thi đang gây nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là ý tưởng táo bạo, nhưng... Bạn trẻ giao tiếp với người nước ngoài để rèn kỹ năng nghe, nói tiếng Anh - ẢNH...