Chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh, sao cứ phải là IELTS?
Chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị trong 2 năm. Vậy nó có gì tốt hơn một tấm bằng đào tạo cử nhân chính quy chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh với bao nhiêu môn học đặc thù?
Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây ban hành một công văn về việc rà soát theo chuẩn quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn các cấp học theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.
Công văn được ban hành vào ngày 29/5, nhưng theo dự kiến, các giáo viên trong diện sẽ tham gia khảo sát từ ngày 5-25/6/2020. Dù không có dấu “hỏa tốc” nhưng một văn bản liên quan tới việc khảo sát chất lượng của hàng ngàn giáo viên, từ lúc được ban hành đến khi thực hiện chỉ có một tuần.
Chẳng hỏa tốc thì cũng có hỏa lực ghê gớm với các thày cô trong thời điểm cực nóng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này. Thày trò đang gồng mình để hoàn thành chương trình của một năm học đặc biệt, các lớp cuối cấp thì “nhấp nhổm” không yên khi kì thi chuyển cấp đang đến gần.
Tại sao lại là IELTS?
Để trở thành giáo viên Tiếng Anh, các thày cô đã trải qua ít nhất 4 năm đại học, nhiều người có trình độ Thạc sĩ, và đến một ngày, họ được báo đi thi chuẩn hoá! Vậy những gì họ được đào tạo trước đó, các yêu cầu, quy trình tuyển dụng mà họ đã vượt qua lâu nay theo chuẩn gì?
Mấy năm trước, họ đã thi chuẩn hoá theo chuẩn nội địa (VSTEP), giờ lại sấp ngửa chuẩn bị thi chuẩn quốc tế. Chứng chỉ IELTS cũng chỉ có giá trị trong 2 năm. Vậy nó có gì tốt hơn một tấm bằng đào tạo cử nhân chính quy chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh với bao nhiêu môn học đặc thù?
Và nữa: Tại sao lại là chuẩn IELTS mà không phải là TOEFL hay một chuẩn nào khác?
Có ai đã từng nghĩ tới tâm tư của những thày cô đang đứng lớp khi mà học trò, phụ huynh, và cả đồng nghiệp dạy môn khác có quyền đánh giá về “độ chuẩn” của họ? Các giáo viên Toán, Văn, các môn khoa học khác phải trải qua bao nhiêu chuẩn mới được quyền đứng lớp?
Cùng khoác trên mình tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, được đào tạo chính quy theo hệ thống giáo dục quốc dân, cùng một hệ thống giảng dạy và thi cử, vậy mà vị trí của những người mang chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiếng Anh giờ lại bấp bênh như vậy…
Tâm tư của giáo viên
Đọc nhiều bình luận của phụ huynh mà thấy nghẹn lòng. Nhiều phụ huynh nghe con kể cô dạy Tiếng Anh phát âm sai thì cho rằng cô phải thi IELTS là đúng. Họ nghĩ như thế sẽ giúp cô phát âm đúng.
Video đang HOT
Các trò, rồi phụ huynh giờ thật giỏi, có đủ năng lực để kiểm chứng việc phát âm đúng sai của cô giáo dạy Tiếng Anh. Là tôi, tôi mừng lắm, vì công việc của mình vừa có người san sẻ, lại có người giám sát, tôi sẽ phải cố gắng để dạy cho đúng.
Lại có người khoe con lớp 9 đã đạt 7.0 IELTS và mặc định, giáo viên phải đạt cao hơn thế mới “xứng đáng”. Phụ huynh này hoàn toàn đúng nếu xét về quyền lợi, nhu cầu của cá nhân con cái và gia đình mình. Họ đã đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc cho con từ nhỏ để con sớm đạt chuẩn quốc tế đối với ngôn ngữ mà ở Việt Nam vẫn đang được dạy như một ngoại ngữ.
Vậy, cái nghẹn ngào của giáo viên Tiếng Anh ở đây là gì? Trong một lớp 50, 60 học sinh có bao nhiêu cháu có điều kiện như ví dụ trên? Và các phụ huynh có biết, học sinh lớp 12 có chứng chỉ IELTS 4.5 là đã được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh? Với 4.5 IELTS, học sinh được công nhận đạt 10 điểm môn học này.
Bởi vì chúng ta có tới 63 tỉnh thành với hơn 65% dân số sống ở nông thôn.
Có ai nghĩ tới hàng triệu phụ huynh khác đã vui mừng biết bao khi con họ được học thêm một ngôn ngữ nữa ngoài tiếng mẹ đẻ? Họ đâu có biết đến những diễn đàn như thế này để nói lên sự biết ơn của mình.
Và tôi, một người làm nghề giáo luôn biết ơn những phụ huynh ấy. Họ tin tưởng, không phán xét và họ làm chúng tôi xấu hổ vì lòng biết ơn đó. Sự xấu hổ sẽ giúp chúng tôi tự hoàn thiện mình để xứng đáng hơn. Chuẩn mà chúng ta, những người thầy cần hướng tới và xã hội nên soi xét chính là như vậy.
Cần một cách thực hiện phù hợp
Chúng tôi có chuyên môn, có nghề, chúng tôi đã vượt qua bao cửa ải thi tuyển – viết lách có, phỏng vấn có. Nhiều người đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Vì vậy, chúng tôi không ngại thi cử, càng không ngại học tập vì hiểu rằng: Người làm nghề giáo chính là người học sinh suốt đời.
Nhưng chúng tôi cần sự thấu hiểu và một hệ thống đánh giá thật công bằng, nhân văn. Tính nhân văn thể hiện ngay ở các chủ trương, các chính sách liên quan tới nhà giáo.
Mong rằng, cái công văn nói trên là “sự đã rồi” cuối cùng mà Sở Giáo dục của Thủ đô đưa ra. Và mong đồng nghiệp của chúng tôi ở 62 tỉnh thành còn lại sẽ không rơi vào cảnh tương tự khi mà các tỉnh đều nhìn về Thủ đô để học hỏi.
Thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Giáo viên e ngại, học sinh hào hứng
Trong khi giáo viên e ngại với việc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì học sinh lại hào hứng với chính sách đặc cách học sinh giỏi tỉnh nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế...
Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu giáo viên tiếng Anh tham dự một khóa đánh giá năng lực ngôn ngữ theo chuẩn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS. Trên các diễn đàn, phần lớn giáo viên còn e ngại về kỳ thi trong khi dư luận xã hội lại muốn có một bài thi đánh giá năng lực giáo viên một cách khách quan.
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS là một trong các chứng chỉ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh có uy tín, được các trường đại học trên thế giới sử dụng đánh giá chuẩn năng lực đầu vào đối với sinh viên đến từ các nước không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ nhất. Thang điểm của IELTS được thiết kế từ 1.0 đến 9.0 dựa trên Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu (CEFR).
CEFR được Hội đồng châu Âu xây dựng nhằm cung cấp các tiêu chuẩn tham chiếu cho việc học tập, giảng dạy và đánh giá các ngôn ngữ chính được sử dụng ở châu Âu.
CEFR xác định rõ yêu cầu về năng lực ngôn ngữ thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tương thích với các tiêu chí xác định; chia làm 3 cấp và 6 bậc, được gọi tắt là A1, A2; B1, B2; C1, C2 (A1 là bậc thấp nhất và C2 là bậc cao nhất trong CEFR).
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1400/QĐ-TTg ban hành "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2008-2020", đồng thời phê duyệt CEFR làm chuẩn đào tạo trình độ tiếng Anh trong đề án này.
Theo đó, giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt B2 đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, C1 đối với cấp trung học phổ thông theo các tiêu chuẩn của CEFR. Còn theo chương trình tiếng Anh mới (hệ 10 năm) thì tiêu chuẩn đầu ra của học sinh tiểu học là A1, trung học cơ sở là A2, và trung học phổ thông là B1.
Trước Hà Nội, năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách khuyến khích giáo viên tiếng Anh và học sinh tiếp cận với hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.
Đây là bước đi đột phá, tạo tiền đề cho việc dạy học tiếng Anh phát triển theo các tiêu chuẩn quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay.
Tuy nhiên, thái độ của giáo viên và học sinh hoàn toàn khác nhau đối với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Giáo viên còn e ngại với chứng chỉ quốc tế
Theo Nghị quyết 96 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, giáo viên dạy tiếng Anh có chứng chỉ quốc tế (IELTS hoặc TOEFL) tương đương với mức B2 (đối với giáo viên TH, THCS) và C1 (đối với giáo viên THPT) thì sẽ được thưởng trọn gói 15 triệu đồng/giáo viên.
Sau hai năm triển khai Nghị quyết, mới có 15 giáo viên tiếng Anh THPT có chứng chỉ IELTS mức 6,5; chưa có giáo viên tiểu học, THCS nào có chứng chỉ đạt yêu cầu.
Trong số những giáo viên dự thi, có những giáo viên công tác lâu năm ở các trường THPT miền núi, vùng nông thôn khó khăn nhưng đạt kết quả cao.
Tuy nhiên, các trường THPT trung tâm, có điều kiện thuận lợi hơn thì lại chưa có nhiều giáo viên mạnh dạn dự thi.
Hiện tại nhiều trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Hà Tĩnh đã liên kết với Hội đồng Anh và Trung tâm khảo thí Cambridge để tổ chức thi lấy chứng chỉ IELTS tại chỗ cho giáo viên và học sinh.
Việc giáo viên e ngại, tránh dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế làm cho phụ huynh và học sinh nghi ngờ về năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên.
Học sinh hồ hởi, hào hứng
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng có chính sách khuyến khích học sinh thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bằng cách xét đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn có hiệu lực (trong vòng 24 tháng).
Giải đặc cách công nhận học sinh giỏi tương ứng với số điểm trong chứng chỉ quốc tế mà thí sinh đạt được.
Chỉ tính riêng lớp 12 trong năm học 2019-2020, có 37 em được đặc cách xét giải trong đó có đến 11 giải Nhất, 16 giải Nhì, 10 giải Ba với mức tối thiểu IELTS từ 6,5, ngang với mức yêu cầu tối thiểu đối với giáo viên tiếng Anh THPT trong Nghị quyết 96.
Như vậy, cùng một chính sách nhưng thái độ đón nhận của giáo viên và học sinh hoàn toàn khác nhau.
Trong khi giáo viên e ngại với việc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (dù được thưởng 15 triệu đồng) thì học sinh lại hào hứng với chính sách đặc cách học sinh giỏi tỉnh nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ở mức tương ứng.
Đối với nhiều người đã từng dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, việc đạt chuẩn IELTS 6,5 hoàn toàn không hề khó đối với một giáo viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ.
Như vậy, cái khó là giáo viên chưa tự tin để vượt qua chính mình.
Chỉ khi nào giáo viên mạnh dạn, tự tin thì chúng ta mới có hy vọng nâng cao được chất lượng dạy học ngoại ngữ trước thềm đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo kế hoạch là lộ trình mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành.
Giáo viên đi luyện IELTS cũng giống như 'học gạo' Bo thoi gian đi luyen IELTS cap tap cung giong nhu viec "hoc gao", giáo viên không the nào lên trình trong một khóa học ngắn hạn. Ảnh minh họa Quay tro lai truong sau đai dich Covid-19, giáo viên và hoc sinh phai gong mình đe ôn tap, cung co kien thuc, chuan bi cho các ky thi đau cap thì So...