Chuẩn đầu ra đại học: Không thể đáp ứng trong “một sớm, một chiều”
Lâu nay, sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu tuyển dụng vẫn là câu chuyện dài. Năm học tới, giáo dục đại học bước vào giai đoạn tự chủ cùng với việc nâng học phí khá cao, đặc biệt ở khối ngành Y Dược, buộc thí sinh phải có lựa chọn kỹ lưỡng. Và chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu công việc cũng được các chuyên gia bàn thảo…
Các chuyên gia giáo dục tìm giải pháp cho chuẩn đầu ra
Các trường tự chủ trong khuôn khổ pháp lý
Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) đối với các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH) đã được ghi nhận qua các buổi tọa đàm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phân tích: Hiện nay, các cơ sở GDĐH đã được tự chủ trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá CTĐT. Tuy nhiên, tự chủ trong khuôn khổ pháp lý chứ không phải “muốn làm gì thì làm”.
“Phương thức quản lý theo kiểu cầm tay chỉ việc phải xóa bỏ. Quản lý nhà nước cần thể hiện qua các văn bản, chuẩn chương trình, trên cơ sở chuẩn tối thiểu đó thì mới công nhận triển khai tự chủ cho các trường. Nên nhớ, đại học tự chủ chứ không “tự trị”, TS Lê Viết Khuyến khẳng định.
Theo đó, đề xuất ban đầu chuẩn bị xây dựng chuẩn CTĐT cho 10 nhóm ngành phổ biến. Đó là: Máy tính và công nghệ thông tin; Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Sản xuất và chế biến, Thú y; Kiến trúc và xây dựng; Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật; Môi trường và bảo vệ môi trường, Dịch vụ vận tải; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin, Pháp luật; Kinh doanh và quản lý; Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH lý giải, bài toán đào tạo nguồn nhân lực ngày nay đặt ra yêu cầu bắt buộc là phải hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và tồn tại, để sinh viên ra trường có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở trong nước và khu vực.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Dự thảo Thông tư đầy đủ, toàn diện, có đánh giá tác động, đáp ứng mong muốn của các cơ sở đào tạo. Chuẩn CTĐT sẽ giúp xóa bỏ được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi một số cơ sở/CTĐT chưa đạt chuẩn vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh.
Bà Quế Anh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 cơ sở đào tạo luật. Mạng lưới trường đại học đào tạo ngành luật đang được gây dựng, kết nối và sẽ chú trọng đến vấn đề chuẩn CTĐT trong các sinh hoạt chuyên môn. Liên quan đến chuẩn đầu ra, bà Quế Anh góp ý, không nên xác định quá nhiều chuẩn đầu ra, chỉ cần tập trung vào một số nhóm chuẩn tối thiểu như kiến thức, kỹ năng, thái độ…
Nhóm khối trường Sư phạm khẳng định sự cần thiết của chuẩn CTĐT trong việc tạo tiếng nói chung và tiếng nói pháp lý mạnh mẽ hơn đối với các trường đào tạo giáo viên. Đồng thời cho rằng, chuẩn CTĐT không nên quá sâu, vì có thể không theo kịp sự vận động liên tục của thực tiễn.
Mức độ của chuẩn CTĐT chỉ cần dừng ở nhóm ngành đào tạo giáo viên chứ không nên đi vào môn học. Bên cạnh đó, tham gia xây dựng chuẩn CTĐT cần có 8 trường đại học chủ chốt đang đào tạo giáo viên.
Mấu chốt vấn đề là gì?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh, hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp. Đó là, thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm.
Video đang HOT
Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia, hướng đến thúc đẩy công nhận lẫn nhau cũng như thúc đẩy dịch chuyển lao động trên thế giới.
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Bà Thủy nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, năng lực trình độ, chuẩn CTĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng chuẩn dần, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Theo PGS.TS Lê Đông Phương – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. “Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động”, PGS khẳng định.
Nhất trí quan điểm cần có tầm nhìn xuyên suốt giữa các trình độ, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau.
Ông Tác cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm “hàng rào” kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y, bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.
Do những đặc thù, nghiệp vụ riêng, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn mang tính đặc thù. Và điều quan trọng, chuẩn ấy không thể “đứng một mình”, không thể “không giống ai”. Đó là mục tiêu phấn đấu, nhưng không thể đạt tới trong một sớm một chiều.
Đại học ứng dụng thì sinh viên hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm, như quốc tế đã làm. Và khi ra trường, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đó mới là mục đích phổ biến của GDĐH.
Lựa chọn ngành nghề theo sở thích bản thân
Từ ngày 15-30/6, thí sinh làm hồ sơ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số học sinh đang chọn ngành học, chọn nghề tương lai theo cảm quan, chỉ dựa vào năng lực học tập, theo trào lưu, vì lí do kinh tế hoặc nghề được xã hội trọng vọng… Ngoài ra, việc dành ít thời gian để tìm hiểu, tư tưởng học gì cũng được miễn là vào được đại học cũng khiến học sinh sai lầm.
Theo ông Nam, một người chọn sai ngành học sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, sẽ gây tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực.
Một số nguyên tắc để chọn ngành nghề mà học sinh cần chú ý như chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân. Không nên chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng như về sở thích, tính cách, năng lực. Mỗi em chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân và chọn được nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
Ngoài những định hướng trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng các bạn trẻ có thể sử dụng các trắc nghiệm đã được chứng minh có hiệu quả bằng các công bố khoa học kết hợp tư vấn trực tiếp của các chuyên gia tư vấn…
Học phí khối ngành Y, Dược tăng mạnh: Lo thí sinh nghèo học giỏi lỡ cơ hội
Vừa qua, nhiều trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố đề án tuyển sinh trong năm học 2020-2021. Cùng với đó là thông báo tăng học phí. Gây hoang mang hơn cả là khối trường Y, Dược sẽ có học phí ngành cao nhất lên tới gần 90 triệu/năm.
Mức học phí khối ngành Y, Dược tăng mạnh sẽ khiến nhiều học sinh nghèo học giỏi bỏ lỡ cơ hội. Ảnh minh họa.
Học phí 90 triệu đồng/năm
Theo lộ trình tự chủ với các trường đại học, từ sau năm 2020, 100% các trường đại học đều hoạt động tự chủ. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường buộc phải tăng học phí. Tuy nhiên, điều tất yếu này đang kéo theo nhiều nỗi lo của học sinh, phụ huynh. Tiêu chí chọn trường bây giờ không chỉ cần phù hợp với năng lực mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Gây xôn xao là đề án tuyển sinh của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, học phí năm 2020-2021 ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng 2-5 lần so với mức cũ. Dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%.
Trong khi đó, mức học phí hiện tại của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chỉ là 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm. Không chỉ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tăng học phí từ 1 đến 2 triệu đồng dành cho tất cả các chương trình đào tạo như lớp đại trà, lớp chất lượng cao tiếng Việt, lớp chất lượng cao tiếng Anh và lớp chất lượng cao tiếng Việt - Nhật. Như vậy, học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nằm trong khoảng từ 17,5 triệu đồng đến 32 triệu đồng/năm.
Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, từ năm 2017 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, nhà trường cũng đã có những thay đổi mức học phí từ đó đến nay. Trước đó, trong năm 2016, học phí trung bình của Đại học Luật chỉ khoảng 7.200.000 đồng.
Trong năm học này, Trường tiếp tục có điều chỉnh tăng học phí với các ngành đạo tạo trong nhà trường từ 500.000 đến 1.200.000 đồng. Vì mức học phí được tăng theo lộ trình giai đoạn từng năm nên so với năm 2019, học phí không có quá nhiều biến động.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố mức học phí áp dụng cho sinh viên năm nhất trong năm học tới. Theo đó, học phí sẽ dao động từ 20 đến 24 triệu đồng tùy từng ngành, mức này đã tăng so với mức từ 16-22 triệu đồng của năm ngoái. Riêng học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3 - 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành.
Về việc Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa công bố mức học phí dự kiến từ 30-70 triệu đồng/năm, ông Ngô Vũ Thắng - Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, mới chỉ nắm được thông tin Trường Đại học này tăng học phí qua báo chí.
Ngay sau đó, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế đã làm công văn yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể việc này. Theo ông Thắng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020.
Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo. Việc xây dựng học phí cần xin ý kiến bộ, ngành về thẩm quyền tăng học phí như thế nào. Vị này cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không?
Học phí 6 năm bằng cả gia tài
Trước thông tin Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tăng học phí, một số người lo lắng sinh viên nghèo khó theo học vì tính chi phí trung bình một tháng ít nhất cũng phải 7 triệu đồng. Anh Huỳnh Ngọc Hiếu (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con có học giỏi tới đâu cũng không cho nộp đơn vào trường y. Bố mẹ lương ba cọc, ba đồng, tiền đâu mà nuôi con ăn học gần chục triệu/tháng.
Đâu phải nguyên tiền học là xong, nào là tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sách vở, tiền đi lại, tiền ngoại khoá... một năm cũng phải trên dưới 200 triệu đồng. Luồng ý kiến khác lại cho rằng ngành Y - Dược cần nhiều thiết bị, thí nghiệm, máy móc, mô hình, dụng cụ, liên kết bệnh viện... Việc tăng học phí lên đến 70 triệu đồng/năm của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khiến dư luận thắc mắc, sinh viên lo lắng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên. Từ năm học tới, Trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính và học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Theo lãnh đạo một số trường đại học, mức tăng thêm này là không nhiều so với mức thu hiện nay và vẫn còn thấp hơn với chi phí đào tạo sinh viên tại trường.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra những phân tích, đánh giá từ điểm mới trong chính sách tuyển sinh và học phí của hai trường: "Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa ra chính sách học phí mới với 2 ngành cao nhất là Răng - Hàm - Mặt là 70 triệu đồng/năm và ngành Y học 68 triệu đồng/năm cho năm học 2020-2021. Mỗi năm học phí tăng thêm 10%, áp dụng cho khóa 2020 trở đi.
Tính ra, nếu học 6 năm ra trường thì chỉ tính riêng học phí, sinh viên ngành Y đa khoa phải nộp khoảng 525 triệu đồng và ngành Răng - Hàm - Mặt phải nộp khoảng 540 triệu đồng. Cùng với chi phí sinh hoạt, cứ cho khoảng 4 triệu đồng/tháng, với 6 năm học sinh viên phải tốn khoảng 288 triệu đồng. Như vậy, một sinh viên nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học sẽ tốn khoảng 800 triệu đồng. Một con số gây sốc với rất nhiều thí sinh đang chuẩn bị thi vào trường".
"Ngay sau khi Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh công bố chính sách học phí, rất nhiều thí sinh năm nay tại khu vực phía Nam đã nhắn hỏi tôi: "Em nên làm thế nào bây giờ"? 800 triệu đồng là một số tiền lớn. Tôi nghĩ nhiều thí sinh có năng lực nhưng gia đình không có điều kiện có thể phải gác lại ước mơ bác sỹ của mình vì mức học phí đó", thầy Công chia sẻ.
Theo nhiều thầy cô giáo, một số thí sinh đã tính đến việc chuyển ra Hà Nội để đăng ký nguyện vọng 1 về Đại học Y Hà Nội. Một số em có lực học yếu hơn tính đến các trường đào tạo ngành y khác trong khu vực như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ hay xa hơn là Đại học Y Dược Huế.
Nếu vẫn mong muốn vào Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, các em sẽ có rất nhiều cách để vượt qua con số học phí kể trên: Tìm nguồn học bổng, vừa học vừa làm, vay vốn ngân hàng chính sách. Đam mê không đủ lớn sẽ tìm lý do và khi nỗ lực đủ lớn chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết được vấn đề này. Nhưng dù sao, trong năm đầu tiên thực hiện chính sách học phí mới vẫn có một làn sóng các thí sinh ngậm ngùi xa rời ước mơ cánh cổng Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Không ít ý kiến cho rằng, nhân viên văn phòng bình thường một tháng 10 triệu, 6 năm 720 triệu. Các trường đại học danh tiếng cứ đua nhau tăng học phí thì nhân tài đi về đâu? Tự chủ đại học là con đường tất yếu phải đi qua. Nhưng trên lộ trình đó mong các trường hãy tính toán thật hợp lý để không tước đi cơ hội học tập của những em thực sự xứng đáng...
Các trường tăng học bổng
Mặc dù, sau khi dư luận bày tỏ băn khoăn trước mức học phí mới được cho là xa xỉ của của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Nhà trường đã quyết định dành 15% số tiền học phí thu được trong năm 2020 (tương đương 15,8 tỷ) để trao học bổng học phí cho 100% sinh viên nhập học năm 2020, trong đó: 51 suất học bổng trị giá 100% học phí, 80 suất 70% học phí, 153 suất 50% học phí và 516 suất 25%.
Từ năm hai trở đi, trường sẽ trích 10% khoản thu học phí của năm học, vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ sinh viên học bổng khuyến học và vượt khó. Học bổng khuyến học gồm 3 loại, chiếm 50%, 75% hoặc 100% học phí. Học bổng vượt khó có 4 loại với các mức 25%, 50%, 75% và 100% học phí.
Đại học Y Hà Nội gây bất ngờ bằng chính sách chưa có tiền lệ
Với Đại học Y Hà Nội, đơn vị đào tạo ngành Y hàng đầu ở miền Bắc thì thông tin tuyển sinh năm 2020 của Trường cũng nhận được nhiều quan tâm của các thí sinh, gia đình và xã hội. Điểm mới và đặc biệt quan trọng là trường dành tới 25% chỉ tiêu để tuyển thẳng các đối tượng đạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn: Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh cùng với các thí sinh trong đội tuyển thi Olympic quốc tế và các thí sinh có giải Olympic quốc tế môn Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh. Các thí sinh đạt giải quốc tế kỳ thi khoa học kỹ thuật hoặc bảo vệ đề tài khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh cũng nằm trong đối tượng tuyển thẳng của Trường năm nay.
Mặt khác, chính sách cộng điểm dành cho các đối tượng thí sinh đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng là điểm mới chưa từng có: Giải nhất cộng 5 điểm, giải nhì 4 điểm, giải ba 3 điểm, giải khuyến khích 2 điểm và tham gia nhưng không có giải vẫn được cộng 1 điểm. Nếu chỉ xét riêng 400 chỉ tiêu ngành Y đa khoa, 100 chỉ tiêu cho tuyển thẳng và các chỉ tiêu còn lại có các thí sinh được cộng điểm ưu tiên khủng như trên thì các thí sinh không có điểm ưu tiên chắc chắn...
Dù không gây sốc về học phí nhưng Đại học Y Hà Nội lại gây bất ngờ bằng chính sách tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên chưa từng có tiền lệ như trên. Các thí sinh không có điểm ưu tiên phải thực sự nỗ lực, không để sai bất kì câu hỏi nào trong 3 môn thi thì cơ hội vào Đại học Y Hà Nội của em mới được đảm bảo. Chưa kể, cùng với làn sóng thí sinh từ phía Nam và miền Trung chuyển ra và một yếu tố vô cùng quan trọng là mức độ khó của đề thi, có thể nói điểm chuẩn năm nay của Đại học Y Hà Nội là một ẩn số khó dự đoán.
100% các trường ĐH đạt kiểm định chất lượng: Đến bao giờ? Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi 2019 là trường ĐH học không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn gần 100 trường ĐH chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế....