Chuẩn bị dạy môn học mới: Đào tạo giáo viên dạy tích hợp hay dạy đơn môn?
Từ năm học 2021 – 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được triển khai dạy đại trà đối với lớp 6.
Hai môn học tích hợp ( Khoa học tự nhiên – Lịch sử và Địa lí) cũng bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên như thế nào là vấn đề được đặt ra.
Tập huấn giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh Nghiêm Huê
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Trưởng nhóm xây dựng chương trình môn Khoa học tự nhiên (KHTN) từng cho biết, dạy học môn KHTN có nhiều thuận lợi. Trước hết, có thể tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều nước dạy học môn KHTN. Hơn nữa, dạy học tích hợp không còn là vấn đề xa lạ đối với giáo viên Việt Nam. Vì một số giáo viên đã được tập huấn và dạy học một số chủ đề tích hợp trong chương trình hiện hành.
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS. Mai Sỹ Tuấn, Việt Nam chưa có kinh nghiệm biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học môn KHTN, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Để khắc phục hạn chế đó, chương trình môn học đã được biên soạn theo yêu cầu phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam, có học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học quốc tế.
Khó khăn trong dạy học môn KHTN là đội ngũ giáo viên chương trình hiện hành được đào tạo và đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học, cũng như phương pháp dạy chủ yếu theo tiếp cận nội dung. Cơ sở vật chất của nhiều nhà trường phổ thông còn hạn chế nên khó khăn trong đổi mới phương pháp dạy học. Hình thức quản lí nhà trường, hoạt động chuyên môn của giáo viên cũng đã quen với quản lí tách biệt 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Do vậy, cần tập trung thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lí về ý nghĩa của dạy học môn KHTN, vận dụng một số kĩ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học môn KHTN.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cthông tin trường ĐH Giáo dục đã mở chương trình đào tạo giáo viên ngành KHTN (bậc THCS) và tuyển sinh từ năm học 2019 – 2020. Năm học 2020 – 2021, nhà trường triển khai mô hình đào tạo giáo viên ngành Lịch sử và Địa lí.
Giáo viên Lịch sử và Địa lí cũng như KHTN được đào tạo tại Trường ĐH Giáo dục theo hướng tích hợp, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, với hình thức dạy học kết hợp ( Blended Learning) thông qua Hệ thống giáo dục trực tuyến Moodle, triển khai thực địa trải nghiệm. Sinh viên tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở các trường phổ thông mà không phải trải qua thời gian thử việc.
Cũng theo PGS. Nguyễn Chí Thành, các chương trình đào tạo cử nhân này hoàn toàn mới ở Việt Nam, được cập nhật phù hợp với tình hình trong nước và có tham khảo chương trình tiên tiến của nước ngoài.
Đề xuất không dành chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên đơn môn
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho biết, đối với các trường sư phạm, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đầu tiên phải xây dựng các chương trình đào tạo các ngành mới, như giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí hay dạy môn KHTN; bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường đào tạo giáo viên các môn đang thiếu cục bộ như Tin học. Cùng với đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên THCS đang dạy các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học… từ cao đẳng lên đại học để trở thành các giáo viên dạy môn KHTN.
Video đang HOT
Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, các cơ sở đào tạo giáo viên cần đổi mới mục tiêu đào tạo theo hướng đào tạo giáo viên trở thành nhà giáo dục, khoa học, văn hóa và hoạt động xã hội trên nền hiểu biết vừa rộng vừa sâu một chuyên ngành. Đồng thời, đổi mới về phương thức đào tạo như đào tạo tích hợp sư phạm phổ thông theo hướng đào tạo nội trú (đào tạo vừa học vừa làm tại trường phổ thông), đào tạo theo nhu cầu của nhà sử dụng sản phẩm.
Tiếp đến là đổi mới nội dung đào tạo: Đào tạo tri thức rộng, theo 3 trụ cột công nghệ thông tin, kiến thức chuyên môn (khoa học cơ bản) và nghiệp vụ sư phạm (khoa học sự phạm), với mô hình TPACK (T: Công nghệ – Technology; P: Phương pháp sư phạm – Pedagogy; CK: Kiến thức chuyên môn – Content Knowledge) phổ biến trong đào tạo giáo viên trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh nỗ lực của các trường sư phạm, GS Nguyễn Quý Thanh đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT và địa phương khi cấp chỉ tiêu cho các ngành, đặc biệt là bậc THCS, không cấp chỉ tiêu cho giáo viên đơn môn. Đồng thời, từ năm học 2021 – 2022 bắt đầu có sinh viên được đào tạo dạy học các môn “tích hợp” như Lịch sử và Địa lí hay KHTN ra trường, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu tăng cường tuyển dụng giáo viên tích hợp. Địa phương cần đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên đã có kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy những môn học mới và đồng thời đào tạo nâng chuẩn giáo viên dạy đơn môn Vật lí, Hóa học… để trở thành các giáo viên có thể đảm nhiệm việc dạy tích hợp.
PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng cho biết, trường đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm KHTN và sư phạm Lịch sử – Địa lý. Ngoài đào tạo, trường cũng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Theo PGS. Lê Anh Phương, giáo viên dạy các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học hiện nay có thể tham gia dạy học môn KHTN được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Mức độ tích hợp liên môn, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của Hóa học, Vật lí hay Sinh học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công giáo viên dạy học. Ít nhất, giáo viên môn nào vẫn dạy được mạch nội dung liên quan đến môn của mình đang dạy học.
Khi tham dự các đợt tập huấn, giáo viên sẽ được cung cấp thêm các kiến thức tổng hợp, vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan để tăng cường sự liên kết giữa các mạch nội dung, qua đó giúp HS tăng cường khả năng vận dụng kiến thức thực tiễn.
Những giáo viên có khả năng, ngoài việc tập huấn dạy nội dung chuyên môn, dần dần sẽ được đào tạo theo cơ chế tín chỉ để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới mà mình chưa được đào tạo trước đây.
Bộ nên tạm dừng triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới
Lớp 6 có thêm 2 môn học tích hợp, giáo viên thì được đào tạo đơn môn, bây giờ dạy liên môn là điều không hề dễ dàng đối với phần lớn nhà giáo dạy các môn học này.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước.
Tuy nhiên, nhìn vào sự cố sách giáo khoa lớp 1 ở năm học này nên việc triển khai thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới vẫn còn rất nhiều những băn khoăn. Vì thế, Bộ cần phải có những kịch bản, những phương án khả thi nhất cho năm học tới đây.
Nếu cần thiết, Bộ nên chủ trương đề nghị với Chính phủ xin tạm dừng việc triển khai chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6 để hạn chế tối đa sự rủi ro và tránh gây tốn kém cho xã hội.
Sách Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) phải điều chỉnh một số nội dung - (Ảnh: sachcanhdieu.com)
Hãy nhìn từ sự cố sách Cánh Diều
Việc Bộ Giáo dục vừa yêu cầu đơn vị chủ quản sách Cánh Diều điều chỉnh nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt là một sự cố cực kỳ đáng tiếc và gây lãng phí vô cùng cho xã hội.
Bởi, năm học 2020-2021 này thì số lượng các trường học ở các địa phương sử dụng sách Cánh Diều là rất lớn (gần 40%) so với các bộ sách còn lại.
Theo nguồn trích dẫn của Báo Tiền Phong vào thời điểm tháng 5/2020 đã cho thấy sách Cánh Diều được nhiều địa phương, trường học lựa chọn. Chỉ với hơn 20 tỉnh đầu tiên, các đơn vị làm bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã phải chuẩn bị cung ứng tới 3.000.000 bản sách.
Nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều rất cao: 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển sách giáo khoa Cánh Diều.
Ở tỉnh Phú Thọ, 100% các trường chọn sách giáo khoa 4 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất.
Tỉnh Thái Nguyên có 100% các trường chọn sách giáo khoa 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội. Ở tỉnh Nam Định có 100% các trường chọn sách giáo khoa 2 môn: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội.
Tỉ lệ chọn sách giáo khoa Cánh Diều tính theo số học sinh ở nhiều tỉnh khác cũng rất cao: Tây Ninh số trường chọn mônTiếng Việt là 99%; Tiền Giang chọn môn Tiếng Việt là 77%; Thái Bình chọn môn Tiếng Việt là 77,4%; Tỉnh Hậu Giang chọn môn Tiếng Việt với tỉ lệ 77%...
Ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Phú Yên... tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều cũng rất cao...".
Như vậy, với việc Bộ yêu cầu phải điều chỉnh nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt thì 3 đơn vị làm sách Cánh Diều là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tới đây chắc sẽ vất vả rất nhiều.
Sự vất vả không chỉ đơn thuần là việc in ấn những nội dung điều chỉnh mà còn kéo theo sự tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức.
Việc tốn kém không chỉ đối với các nhà xuất bản mà những địa phương, trường học dạy sách Tiếng Việt (Cánh Diều) còn phải hướng dẫn cho giáo viên "thêm bớt" những đơn vị kiến thức.
Giáo viên lại hướng dẫn cho học sinh những nội dung điều chỉnh mà đối tượng là học sinh lớp 1- đây thực sự là điều không hề dễ dàng chút nào.
Rõ ràng, hậu quả của ngày hôm nay là sự tắc trách của nhiều khâu mà trong đó có sự chủ quan của Bộ, của các tác giả viết sách giáo khoa, các đơn vị xuất bản và hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
Nên lùi lại thời gian thực hiện chương trình mới ở lớp 2, lớp 6 là cần thiết
Nếu lùi lại thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 ở năm học tới đây có lẽ nó sẽ kéo theo rất nhiều điều phức tạp khi Bộ phải xin chủ trương, giải trình...
Nhưng, dù có khó khăn trong việc này cũng sẽ còn tốt hơn nhiều vì nếu thực hiện chương trình mới đối với lớp 2, lớp 6 ở năm học tới đây cũng rất khó tránh khỏi những hạn chế như lớp 1 ở năm học này.
Bởi vì khâu thực nghiệm chương trình môn học không được nhiều, sách giáo khoa thì càng ít hơn.
Nhiều giáo viên vẫn còn rất lơ mơ đối với chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên dưới cơ sở nhiều người hiện nay vẫn chưa rõ về chương trình tổng thể, chương trình môn học bởi lâu nay họ vẫn xem sách giáo khoa là pháp lệnh...
Việc Bộ để các nhà xuất bản tự thực nghiệm, bỏ kinh phí để tập huấn cho giáo viên dù có những ưu điểm là các tác giả viết sách trực tiếp về các địa phương nhưng nó cũng có nhiều hạn chế.
Các nhà xuất bản họ phải đặt lợi nhuận lên trên hết nên khâu tập huấn chưa được nhiều, đó là chưa kể việc nhiều tác giả đến các địa phương dành nhiều thời gian quảng bá cho bộ sách của mình.
Bộ phải xắn tay vào các công việc quan trọng, đặc biệt là khâu dạy thực nghiệm, tập huấn cho giáo viên bởi nói gì thì nói, sang năm học tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều ở năm học này.
Lớp 6 có thêm 2 môn học tích hợp, giáo viên thì được đào tạo đơn môn, bây giờ dạy liên môn là điều không hề dễ dàng đối với phần lớn nhà giáo dạy các môn học tích hợp.
Nếu chưa chuẩn bị chu đáo mà vẫn thực hiện theo lộ trình thì những hệ lụy sẽ vô cùng lớn. Hàng triệu học sinh phải học đối với một sản phẩm sách giáo khoa mới...mà (nếu như) phải điều chỉnh như sách lớp 1 năm nay thì khó khăn vô cùng.
Vì thế, dù lộ trình dạy chương trình lớp 2, lớp 6 có chậm lại 1 năm thì Bộ cũng nên dạy thực nghiệm trên diện rộng, tập huấn kĩ càng cho giáo viên rồi hãy thực hiện dạy đại trà.
Nếu không, bài học về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay sẽ tiếp tục được lặp lại...
Kỷ luật tích cực liệu có rèn luyện được học sinh? Kỷ luật tích cực là làm cho học sinh vào nề nếp trong bầu không khí tích cực, với những biện pháp sư phạm giúp cho học sinh nhận ra được tại sao việc này lại sai. Năm học này ngành Giáo dục đã ban hành một số quy định mới, trong đó có quy định "không phê bình học sinh trước lớp,...