Chữa lành gót chân khô và nứt nẻ theo lời khuyên của chuyên gia
Trong kỳ giãn cách xã hội kéo dài, gót chân khô nứt của bạn có thể sâu hơn do nhiều yếu tố gây tạo cảm giác đau rát, thậm chí bị nhiễm trùng do không được chăm sóc.
Dưới đây là lời khuyên của nhóm bác sĩ da liễu tại Hoa Kỳ, bao gồm: Sheel Desai Solomon, người sáng lập Preston Dermatology & Skin Surgery ở Bắc Carolina và Samer Jaber, người sáng lập Washington Square Dermatology ở thành phố New York.
Dưỡng ẩm cho đôi chân sau khi tắm là cách chữa lành các vết nứt hiệu quả nhất
Nguyên nhân gây gót chân khô nứt
Jaber giải thích: ‘Gót nứt xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Nguyên nhân có thể là do một tình trạng y tế, như bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm, hoặc có thể xảy ra khi da của bạn quá khô’.
Các yếu tố khác có thể làm khô da gót chân đến mức nứt nẻ là:
- Tuổi tác: Da của bạn trở nên mỏng hơn, kém đàn hồi hơn, hoặc một số loại thuốc thông thường bạn sử dụng có thể góp phần làm da bị khô.
- Và tất nhiên, thời tiết hanh khô cũng là một nguyên nhân.
Solomon nói: ‘Thiếu độ ẩm khiến da trở nên khô hơn. Da khô đồng nghĩa với việc nứt nẻ và bong tróc nhiều hơn. Loại vết nứt này có thể gây ra các vết thương dễ bị nhiễm trùng nếu không được điều trị và nếu bạn không may bị tổn thương hệ thống miễn dịch hoặc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng có thể trở thành một nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe’.
Sự khác biệt của thiếu ẩm và đủ ẩm.
Cách chăm sóc gót chân khô nứt
- Giữ đôi chân sạch sẽ và được dưỡng ẩm : Solomon cho rằng việc chăm chỉ giữ cho đôi chân sạch sẽ và được dưỡng ẩm thường xuyên sẽ giúp bạn có đôi chân mềm mại. ‘Hãy rửa chân bằng sữa rửa mặt dưỡng ẩm không tạo bọt (thường ở dạng kem hoặc sữa) để giữ cho da chân không bị khô thêm và thoa kem khi chân vẫn còn ẩm sau mỗi lần tắm’, Solomon nói.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da chân, bạn nên chú ý đến những thành phần quan trọng như glycerin, bơ hạt mỡ, vitamin E hoặc jojoba. Những thành phần này rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa mất độ ẩm.
Solomon khẳng định, mật ong có đầy đủ các đặc tính chống vi trùng và kháng khuẩn tuyệt vời để làm sạch và chữa lành vết thương. Vì vậy, bạn có thể tự chế mặt nạ dành cho vùng da chân từ mật ong bằng cách kết hợp nó với một vài giọt dầu hạnh nhân.
- Tẩy da chết: Để ngăn ngừa các vết nứt, tẩy tế bào chết là giải pháp tốt nhất. Giới chuyên gia đều khuyên rằng bạn nên khai thác lợi ích của kem dưỡng ẩm với các chất tẩy tế bào chết như urê (không phải nước tiểu, mà là một hợp chất tương tự đã được chứng minh là giúp độ ẩm thấm vào da) và axit salicylic, để giúp ngăn ngừa nứt gót chân khi sử dụng thường xuyên.
Tẩy da chết bằng cách sử dụng loại giũa an toàn.
Solomon cũng khuyên bạn nên sử dụng dụng cụ giũa chân an toàn để loại bỏ da chết. Cô nói: ‘Sử dụng giũa chân sau khi tắm có thể là một cách tuyệt vời để tránh vết chai hoặc vết nứt dày. Tuy nhiên, nếu giũa có răng sắc nhọn, bạn có nguy cơ bị đứt hoặc xước da chân. Mục đích là loại bỏ lớp da cũ nhưng vẫn giữ nguyên lớp lành để chống lại nhiễm trùng’.
- Bịt kín các vết nứt sâu: Solomon cảnh báo rằng gót chân bị nứt đến mức bắt đầu chảy máu có thể vô cùng đau đớn. Trong trường hợp này, bạn nên băng kín các vết nứt để giảm bớt cảm giác đau khi đi lại trên vùng da bị rách trong khi vẫn giữ cho vết thương sạch sẽ.
- Sử dụng tất làm bằng chất liệu tự nhiên : Môi trường ẩm ướt trong giày có thể khiến chân bị nhiễm nấm tương tự như da khô. Để tránh điều này xảy ra, bạn nên chọn những đôi tất mùa đông được làm từ chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như bông hoặc len chứ không phải là hỗn hợp tổng hợp, để giữ cho đôi chân không bị đổ mồ hôi và không có vi khuẩn.
Các chất liệu như bông và len tự nhiên có khả năng thấm hút tốt hơn và những phẩm chất hút ẩm này cực kỳ quan trọng trong những tháng mùa đông.
Một điểm cộng nữa là đôi chân của bạn cũng ít có mùi hơn. Jaber chia sẻ một mẹo hay để đánh bay các vết nứt trong thời tiết khô và lạnh khắc nghiệt là thoa vaseline lên gót chân trước khi đi ngủ và ngay lập tức đi tất cotton để khóa ẩm trong khi ngủ.
Kiểm soát bệnh vẩy nến
Mặc dù bệnh gây ảnh hướng lớn tới thẩm mỹ như da tróc vẩy, đỏ da, sừng hóa, có mủ... vẩy nến là bệnh không lây và có thể kiểm soát được nếu người bệnh tuân thủ điều trị, giữ tinh thần thoải mái và có được sự hỗ trợ tốt từ cộng đồng.
Bác sĩ Bệnh viện Da Liễu (TP.Hồ Chí Minh) tư vấn cho người bệnh.
BỆNH DA LÀNH TÍNH THƯỜNG GẶP, KHÔNG LÂY
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, vẩy nến là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp, đặc trưng với các thương tổn dạng mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vẩy trắng, dễ tróc, thường xuất hiện ở da đầu, thân mình và các vị trí tì đè như đầu gối, cùi chỏ. Ngoài ra thương tổn cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt... Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, hàng năm có khoảng 50.000 lượt bệnh nhân vẩy nến đến khám và điều trị.
Khoảng 2-3% dân số mắc bệnh vẩy nến. Bệnh gặp ở mọi độ tuổi, chủng tộc, giới tính. Cho tới ngày nay, khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng người ta tin chắc bệnh có liên quan tới yếu tố gen di truyền. Các nhà khoa học cho rằng hầu hết những người bị bệnh vẩy nến thừa hưởng một hoặc nhiều gen nhất định có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch theo cách khiến họ dễ bị bệnh vẩy nến.
Ở người bệnh vẩy nến, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phát tín hiệu sai lệch làm kích hoạt tốc độ phát triển của tế bào da nhanh bất thường. Thay vì cần 28-30 ngày để tế bào da bình thường trưởng thành và rời khỏi bề mặt da, tế bào da của người bệnh vẩy nến trưởng thành chỉ sau 3-4 ngày. Các tế bào này di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau, tạo nên vẩy nến.
LƯU Ý KIỂM SOÁT BỆNH ĐỒNG MẮC
Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, bệnh vẩy nến diễn tiến lành tính nhưng các nhà khoa học cũng ghi nhận rằng, vẩy nến không chỉ là một bệnh lý da liễu mà là một bệnh hệ thống, có thể ảnh hưởng cơ quan khác. Do đó, người bệnh cần lưu ý đến các bệnh đồng mắc có thể xuất hiện trước, trong, hoặc sau khi khởi phát bệnh vẩy nến.
Một nghiên cứu năm 2017 từ tạp chí Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho thấy những người bị bệnh vẩy nến bao phủ từ 10% cơ thể trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn 64% so với người không mắc bệnh này. TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết: "Khoảng 10- 30% người bị bệnh vẩy nến cũng phát triển bệnh viêm khớp vẩy nến. Bệnh khiến các khớp và mô mềm xung quanh khớp viêm đỏ và cứng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, cổ, lưng. Trong những trường hợp nặng, tình trạng viêm có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục, khiến khớp mất chức năng gây khó khăn cho người bệnh trong vận động".
Người mắc bệnh vẩy nến cũng có nguy cơ mắc một số rối loạn chuyển hóa kèm theo như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch... Đây chính là những yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch, do vậy người bệnh cần được lưu ý và tầm soát để phát hiện sớm.
CĂNG THẲNG LÀM TĂNG NGUY CƠ BỆNH VẨY NẾN
Mối quan hệ giữa stress và vẩy nến là mối quan hệ vòng lặp. Căng thẳng làm khởi phát, bùng phát một đợt bệnh mới hoặc khiến tình trạng bệnh nặng nề, dai dẳng hơn, và chính điều này sẽ khiến người bệnh thêm stress. Do đó cần cắt đứt chu kỳ "stress- vẩy nến" ở người bệnh.
Người bị vẩy nến thường cảm thấy tự ti, xấu hổ. Ngoài những khó chịu về thể xác do ngứa, tình trạng đau mạn tính và nỗi căng thẳng, chán nản do điều trị dai dẳng, người bị vẩy nến còn chịu sự đánh giá, kỳ thị của xã hội. Điều này có thể phát sinh tâm lý tự ti, nhìn nhận bản thân mình kém cỏi, lòng tự trọng thấp. Từ đó, người bệnh vẩy nến thường phát triển các cơ chế ứng phó như tránh đến nơi đông người, dễ ăn uống quá độ, lạm dụng rượu. Điều này có thể gây ra, làm trầm trọng thêm các bệnh lý như béo phì, rối loạn chuyển hóa, tim mạch trên người bệnh vẩy nến. Nếu vấn đề sức khỏe tâm thần không được kiểm soát hiệu quả, người bệnh có thể rơi vào căng thẳng, trầm cảm, lo âu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát bệnh vì căng thẳng là nguyên nhân gây các đợt bùng phát của cả vẩy nến và viêm khớp vẩy nến. Chính vì những lý do trên, người bệnh vẩy nến cần sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng để có tinh thần thoải mái hơn, hợp tác điều trị hiệu quả hơn.
CÓ THỂ KIỂM SOÁT BỆNH
Mặc dù vẩy nến không thể điều trị khỏi hẳn nhưng là bệnh có thể kiểm soát được. Đa số bệnh nhân mang bệnh mạn tính kéo dài với từng đợt bùng phát và hết bệnh xen kẽ nhau. Chiến lược điều trị là kéo dài thời gian hết bệnh và hạn chế bệnh bùng phát. Ngoài việc hạn chế căng thẳng, người bệnh vẩy nến cần tránh một số yếu tố làm bùng phát bệnh như: sử dụng đồ uống có cồn, phơi nắng (đặc biệt việc để cháy nắng gần như chắc chắc làm bùng phát bệnh vẩy nến), không khí khô, lạnh, dị ứng... Vẩy nến có thể xảy ra ở vị trí da có sang thương như trầy xước, côn trùng cắn, người ta gọi đó là hiện tượng Koebner. Một số thuốc như: thuốc chống sốt rét, lithium, một vài thuốc ức chế beta cũng là tác nhân làm khởi phát bệnh.
Các cách giúp kiểm soát ngứa
Thuốc kháng histamine: Thuốc có thể tác dụng an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ hơn. Cần có sự tư vấn của bác sĩ khi dùng thuốc.
Sản phẩm dưỡng ẩm, làm mềm da: giúp da mềm, ngừa khô, nứt da, từ đó phòng triệu chứng ngứa và đau do da khô và giảm vẩy, giảm viêm da. Để đạt kết quả tốt, nên bôi 1 loại dung dịch (lotion) vào ban ngày và bôi 1 loại kem hay mỡ vào ban đêm.
Thuốc bôi corticosteroid: Việc sử dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gây mỏng da, giãn mạch...
Capsaicin: Một chất chiết xuất từ trái ớt, có thể chống ngứa mặc dù lúc mới sử dụng có cảm giác châm chích và rát.
Thuốc bôi tê: Có thể giảm ngứa hàng giờ.
Tắm bằng các sản phẩm từ yến mạch: Làm dịu vùng da tổn thương, nhất là người có vẩy nến mảng lan tỏa.
Chườm lạnh bằng túi nước đá
Băng kín thương tổn: Sau khi bôi thuốc, phủ lên vùng da bệnh bằng màng bọc, vớ, găng tay... hàng giờ để tăng tác dụng chống ngứa và hạn chế thói quen cào gãi.
Bác sĩ sẽ quyết định sử dụng loại sản phẩm nào phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.
Trong khoảng 20 năm gần đây, nhiều yếu tố liên quan đến sinh bệnh học vẩy nến đã được phát hiện. Từ đó, phương pháp điều trị vẩy nến bằng các thuốc sinh học đã ra đời (Biologics). Bằng cách ức chế các thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học sẽ không hoặc giảm thiểu tác động lên các tế bào của những cơ quan khác, vì vậy hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Kết quả là, bác sĩ có những chọn lựa điều trị an toàn và hiệu quả hơn cho bệnh nhân vẩy nến.
Điều trị ngứa cho bệnh nhân vẩy nến
Điều quan trọng là cắt đứt chu kỳ "ngứa-gãi" gây ra các tổn thương làm tình trạng vẩy nến nặng hơn.
Người bệnh cần: Tránh tắm gội bằng nước quá nóng. Chỉ sử dụng sữa tắm, sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu, không chứa hương liệu. Mang găng tay khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa. Cắt ngắn móng tay, tránh cào gãi vì làm nặng tình trạng vẩy nến, có thể làm tổn thương da, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Không bóc, cậy các thương tổn. Tránh dùng bia rượu và cà phê. Mặc trang phục mềm mại, thoáng như cotton để tránh gây trầy xước.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết: hiện nay, bệnh viện Da Liễu TP.HCM đang sử dụng các loại thuốc sinh học điều trị vẩy nến mang lại hiệu quả cao như Infliximab, Adalimumab, Ustekinumab, và Secukinumab cho người bệnh. Theo bác sĩ Hào, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần lắng nghe hướng dẫn của bác sĩ để biết cách tự chăm sóc, tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm tăng nặng bệnh. Để có thêm động lực và cập nhật các thông tin về điều trị bệnh, tăng cường sự đồng cảm và hỗ trợ nhau, người bệnh và thân nhân có thể tham gia các diễn đàn chia sẻ, các chương trình giao lưu trực tuyến hay các câu lạc bộ người bệnh vảy nến do các bệnh viện có chuyên khoa về da liễu tổ chức, chia sẻ.
Tìm hiểu 10 bệnh ngứa ngoài da vào mùa hè thường gặp Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến ra tiết nhiều mồ hôi, bụi bẩn dễ bám vào gây hiện tượng nhiễm khuẩn da và ngứa da. Vậy những bệnh ngứa ngoài da vào mùa hè thường gặp nhất? Tình trạng sẩn ngứa da vào mùa hè thường gặp rất lớn. Tuy không nghiêm trọng nhưng bệnh ngứa ngoài da vào mùa hè...