Chưa hết băn khoăn về cách đánh giá học sinh tiểu học
KTĐT – Thời điểm này, các trường tiểu học trên toàn quốc đang gấp rút hoàn thiện sổ sách, học bạ, viết giấy khen cho học sinh (HS). Tròn một năm học thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá HS tiểu học, bên cạnh những ghi nhận về sự đổi mới, vẫn còn không ít băn khoăn của ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh về cách đánh giá, khen thưởng này.
Giáo viên “nặng vai”
Ngay ở thời điểm các giáo viên tiểu học đang “chạy nước rút” để ghi sổ điểm, học bạ, nhận xét cho từng HS này, các nhà quản lý giáo dục càng khẳng định quan điểm từ khi bắt đầu thực hiện Thông tư 30. Cái hay của Thông tư là việc đánh giá sát với từng HS, không phụ thuộc quá nhiều vào điểm số. Tuy nhiên, để làm công việc này, giáo viên phải bỏ nhiều công sức suốt năm học, đặc biệt vào cuối năm, khi phải đề xuất khen thưởng và đánh giá vào học bạ HS.
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh: Viết Thành
Không phủ nhận khi áp dụng Thông tư 30, HS rõ ràng được giảm tải áp lực học tập và điểm số. Thói quen đánh giá bằng điểm số lâu nay cũng được thay thế bằng sự coi trọng mặt phát triển tinh thần, năng lực, đạo đức của HS. Tuy nhiên, cô Thanh Huyền – giáo viên chủ nhiệm lớp 4, trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ, giáo viên rất “nặng vai” vào cuối năm học. Bởi sau khi có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học, giáo viên tổng kết điểm, tổ chức cho HS góp ý, đánh giá bản thân và các bạn trong lớp. Rồi dựa trên điểm số đánh giá sự tiến bộ của HS, giáo viên lập danh sách đề nghị khen thưởng, sau đó tham gia họp với hội đồng khen thưởng của trường gồm ban giám hiệu, tổng phụ trách, giáo viên bộ môn để xét khen thưởng cho HS. “Để đánh giá đúng năng lực, phẩm chất đạo đức của HS, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, bởi giáo viên chủ nhiệm là người theo sát HS, biết em nào đã tiến bộ ở mảng nào để khen thưởng cho đúng. Nếu khen không đúng, không đủ thì rất dễ vấp phải phản ứng của phụ huynh và của chính HS” – cô Huyền chia sẻ. Thậm chí, một giáo viên trường Tiểu học Cổ Bi (huyện Gia Lâm) “ước lượng”: Đối với giáo viên nhận xét một HS ít nhất 3 phút, lớp 40 – 50 HS phải dành thời gian ra chơi để nhận xét, thậm chí phải mang về nhà làm. Việc viết nhận xét cho HS, giáo viên mất quá nhiều thời gian, trong khi một số hướng dẫn còn chung chung khiến giáo viên gặp khó.
Những hệ lụy?
Ngoài áp lực công việc dồn trên vai giáo viên, cũng có không ít hệ lụy của việc thực hiện Thông tư 30 là HS thiếu thói quen tự học và giảm sút mục tiêu học tập cùng những bối rối khi bình xét HS.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Ba Đình bày tỏ: “Tôi hoàn toàn đồng tình với giá trị mà Thông tư 30 mang lại, song giá như khâu chuẩn bị cho việc áp dụng Thông tư được đồng bộ hơn thì sẽ thuyết phục hơn. Cụ thể là cần thay đổi chương trình, sách giáo khoa trước khi thay đổi hình thức đánh giá”. Vị hiệu trưởng này phân tích, đối với HS, thói quen tự học cần được rèn luyện suốt giai đoạn tiểu học, để chuẩn bị cho chương trình bậc THCS. Nếu việc học quá nhẹ nhàng ở bậc tiểu học, nhất là lớp 4, lớp 5 khi chương trình nặng dần, nếu các em không cố gắng dễ bị “sốc” khi bước lên lớp 6 với chương trình học khác hoàn toàn, dày, nặng hơn nhiều.
Mặt khác, một số giáo viên tiểu học cho rằng, việc chỉ có 2 mức đánh giá học tập là “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”, cũng như đánh giá năng lực và phẩm chất một đứa trẻ bằng hai từ “đạt” và “chưa đạt” còn chung chung, thiếu mức độ cụ thể. Cô Ngô Thị Hường – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cổ Bi (huyện Gia Lâm) kiến nghị: “Không có danh hiệu cụ thể giỏi, khá, trung bình, do đó xây dựng chỉ tiêu cho năm học rất khó, khó trong xếp danh hiệu cho HS. Chỉ đánh giá hoàn thành, chưa hoàn thành, đạt, chưa đạt. Vậy danh hiệu ghi vào giấy khen ra sao? Rất nhiều phụ huynh hỏi giấy khen như thế nào để phụ huynh mang đến cơ quan nhận phần thưởng cho các con học giỏi, xuất sắc. Đến bây giờ kết thúc năm học phải có căn cứ nào, tiêu chí nào để phê nội dung giấy khen, đây là vấn đề chúng tôi trăn trở, suy nghĩ. Mong các cấp quản lý đáp ứng, hướng dẫn cụ thể để ban giám hiệu hoàn thành nhiệm vụ đánh giá HS”. Tất nhiên, cô Hường không phủ nhận những cái được của Thông tư 30, đó là khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, giảm áp lực điểm số của một bộ phận HS. Đặc biệt, Thông tư 30 đánh giá toàn diện, đầy đủ, thể hiện qua chuẩn kiến thức từng môn học, cả tâm sinh lý của HS.
Vậy là ở cuối chặng đường một năm thực hiện Thông tư 30 này, đa số lãnh đạo các trường tiểu học đều chung quan điểm cho rằng, đã là văn bản mang tính quy định, mang tính luật thì nên cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, cần chỉ đạo sát sao hơn nữa về việc nhận xét, khen thưởng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn đưa ra để khen thưởng HS, để không gây bối rối cho người thực hiện.
Theo KTĐT