Chưa có giáo viên tích hợp thì 2-3 thầy cô dạy 1 môn là hợp lý
Chúng ta chưa có giáo viên đào tạo bài bản về chương trình tích hợp, vì vậy, trước mắt vẫn cần nhiều giáo viên phụ trách một môn học trong chương trình mới.
Năm học 2021 – 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 2 và lớp 6.
Theo đó, đối với chương trình lớp 6, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được thay bằng môn Khoa học tự nhiên, hai môn Lịch sử, Địa lý sẽ được thay bằng môn Lịch sử và Địa lý.
Điều này khiến các thầy cô đặt ra băn khoăn, lo lắng việc nhiều giáo viên phải cùng phụ trách dạy một môn học, triển khai kế hoạch dạy học, đánh giá và cho điểm học sinh sẽ được thực hiện như thế nào?
Phân công giáo viên phụ trách chính, đánh giá học sinh theo năng lực
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 mới, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học – Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc ( UKA Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Các thầy cô cần bình tĩnh, không nên có tâm lý hoang mang, lo lắng mà cần tập trung nghiên cứu chương trình, tham gia tập huấn đầy đủ, bắt tay vào xây dựng kế hoạch dạy học để thực hiện chương trình mới đạt kết quả tốt nhất.
Theo thầy Huỳnh Văn Tiết, việc 2 – 3 giáo viên cùng dạy một bộ môn đối với môn Khoa học Tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý là là giải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi các giáo viên chưa được đào tạo về dạy học tích hợp.
Đổi mới là một quá trình, trong thời gian đầu sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhưng quan trọng là tìm giải pháp để tháo gỡ từng khó khăn đó.
Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho rằng, nhiều giáo viên dạy một môn học tích hợp là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Chia sẻ về kế hoạch dạy học môn học tích hợp trong năm học 2021 – 2022, thầy Tiết cho biết: “Dạy học tích hợp là xây dựng theo từng chủ đề. Tương ứng với mỗi chủ đề sẽ có nội dung trọng tâm thuộc về một môn học.
Giáo viên bộ môn trọng tâm trong mỗi chủ đề sẽ phụ trách chính cho chủ đề đó. Đồng thời, các giáo viên khác sẽ cùng hỗ trợ thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học cùng giáo viên phụ trách chính.
Đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được phân công tương tự. Ví dụ, với chủ đề trong môn Khoa học Tự nhiên là “Năng lượng và sự biến đổi”, Vật lý là môn trọng tâm, giáo viên môn Vật lý được phân công phụ trách chính cho chủ đề này. Giáo viên này cũng chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Khi sang chủ đề mới mà nội dung trọng tâm thiên về môn Sinh học hay Hóa học cũng sẽ phân công tương tự.
“Dạy học tích hợp sẽ giúp quá trình đánh giá dễ dàng hơn vì thầy cô đánh giá học sinh theo năng lực, quá trình học đến giai đoạn nào thì chúng ta đánh giá mức độ năng lực của học sinh đến giai đoạn đó.
Tương ứng với mỗi chủ đề cần đặt ra những năng lực cụ thể học sinh cần đạt. Đó cũng chính là cơ sở cho việc đánh giá học sinh.
Video đang HOT
Nhà trường cần xây dựng các bộ đề khảo thí với mục tiêu chương trình theo từng chủ đề và mức năng lực cần đạt được của học sinh.
Khi đã xác định trọng tâm chủ đề thuộc môn học nào và có kế hoạch dạy học rõ ràng, nêu ra được tiêu chí, câu hỏi, ma trận đề thi thì việc chấm thi cũng không còn là vấn đề khó khăn với bất cứ giáo viên nào”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết nhấn mạnh.
Tích hợp là xu hướng của nền giáo dục hiện đại
Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho hay, tích hợp là xu hướng của giáo dục hiện nay. Điều này bắt buộc các thầy cô ngồi lại với nhau, cùng xây dựng kế hoạch dạy học cho một chủ đề chung.
Muốn dạy những môn học mới hiệu quả, công tác sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm trong trường cần được đẩy mạnh và cần có định hướng của Ban giám hiệu nhà trường.
Quá trình cùng nghiên cứu, phân công, hỗ trợ công việc cũng chính là cơ hội để giáo viên học tập, tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn của mình.
Đối với học sinh, tích hợp chính là cơ hội để vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Bởi lẽ đa số các vấn đề thực tế nếu chỉ vận dụng kiến thức đơn môn sẽ không thể giải quyết được. So với chương trình cũ, dạy học tích hợp, các em được trải nghiệm và thực hành nhiều hơn.
Dạy học tích hợp là xu hướng mới của nền giáo dục hiện đại, đặt ra những yêu cầu mới với giáo viên (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục mới. Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết nêu ra ba yêu cầu quan trọng đối với giáo viên.
Đầu tiên, giáo viên cần tham gia tập huấn đầy đủ các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như của các ban, ngành.
“Để chuẩn bị thực hiện chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ nhà trường, giáo viên.
Các thầy cô đang được tập huấn cuốn chiếu nên tập trung tham gia tập huấn đầy đủ, tránh để tâm lý lo lắng làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận chương trình”, thầy Tiết nhấn mạnh..
Bên cạnh đó, giáo viên cần đầu tư nghiên cứu chương trình cũng như xây dựng những kế hoạch dạy học cụ thể.
Sự chủ động của giáo viên là yếu tố quan trọng. Để hiểu hơn về dạy học tích hợp, giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, tham khảo những kho học liệu từ các nguồn khác nhau. Ví dụ tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, dạy học tích cực,… để có định hướng và kế hoạch xây dựng kế hoạch dạy học.
Cuối cùng, giáo viên cần trau dồi kỹ năng,học các phương pháp dạy học tích cực để hỗ trợ quá trình thực hiện chương trình tích hợp mới hiện nay.
“Các xu hướng như dạy học dự án, dạy học trải nghiệm đã được triển khai ở nhiều cơ sở giáo dục trong những năm qua là những phương pháp gắn liền với tích hợp. Nếu thầy cô chủ động tìm hiểu, ứng dụng những phương pháp này thì sẽ tự xây dựng được phương pháp dạy học hiệu quả khi triển khai chương trình mới”, thầy Tiết khẳng định.
Chia sẻ về môn học tích hợp sẽ được triển khai trong chương trình mới, thầy Hoàng Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: “Trước đây, các trường sư phạm thường đào tạo giáo viên đơn môn hoặc hai môn, tuy nhiên, không phải là hai môn tích hợp trong chương trình mới. Mặt khác, giáo viên cũng thường chỉ dạy chuyên sâu vào một môn.
Vấn đề khó khăn khi giáo viên dạy tích hợp đó là có những nội dung không thuộc chuyên môn được đào tạo, khó khăn về phương pháp dạy học của môn tích hợp, việc đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học sinh phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh,…
Trước những khó khăn đó, mỗi trường cần đặt ra những yêu cầu để thực hiện kế hoạch dạy học cụ thể.
Thứ nhất, trường học cần bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, cán bộ quản lý, giáo viên phải tham gia các buổi bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục. Đặc biệt, tự bồi dưỡng là yếu tố quan trọng nhất.
Thứ ba, nhà trường cần đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn, lập các nhóm giáo viên theo môn tích hợp, ví dụ nhóm giáo viên Lịch sử và Địa lý, nhóm giáo viên Khoa học Tự nhiên để sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, phân công dạy học và rút kinh nghiệm cho nhau.
Thầy Mạnh Hà cũng khẳng định, việc dạy tích hợp trong thời gian trước mắt vẫn phải giao cho 2 – 3 giáo viên của môn tích hợp phụ trách để đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Không thể bỏ qua những nguyên tắc khoa học về làm sách giáo khoa!
Có thể hình dung giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn. Nhiều giáo viên dạy cùng một cuốn sách, thì khi tìm hiểu lựa chọn phải được "mục sở thị", chứ không thể nghiên cứu SGK dưới dạng "ảo" được.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các địa phương phải chọn xong sách giáo khoa (SGK) trước ngày 5-4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nơi vẫn tỏ ra khá bị động trong việc triển khai.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian đưa ra quyết định lựa chọn SGK của các địa phương còn rất ít, tuy nhiên, vừa qua nhiều trường mới chỉ được tiếp cận với phiên bản SGK điện tử, chưa có bản SGK giấy. Điều này có ảnh hưởng thế nào tới giáo viên và chất lượng lựa chọn SGK?
Chuyên gia Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Chuyên gia Đặng Tự Ân: Có thể hình dung giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn. Nhiều giáo viên dạy cùng một cuốn sách, thì khi tìm hiểu lựa chọn phải được "mục sở thị", chứ không thể nghiên cứu SGK dưới dạng "ảo" được. Nhất là đối với SGK lớp 6, số lượng đầu sách nhiều, có những môn học mới, tích hợp như Khoa học tự nhiên (tích hợp các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hay hai môn Lịch sử và Địa lý tích hợp thành một môn Lịch sử và Địa lý. Bởi vậy, nhóm giáo viên cùng dạy tích hợp phải ngồi lại xem SGK phần mình giảng dạy đến đâu, nội dung được tinh giản, tích hợp như thế nào với môn học khác; phân công ai dạy các chuyên đề liên môn và dạy như thế nào...
Chậm in SGK cũng là điều tất yếu của các nhà xuất bản (NXB), bởi vì họ cần chỉnh sửa lại bản thảo và thăm dò thị trường trước khi in và phát hành rộng rãi. Trong trường hợp này các cơ quan chức năng Nhà nước phải vào cuộc, tháo gỡ cho họ. Hơn nữa, đây là lần thứ hai làm SGK, thì khó có lý do thuyết phục về sự chậm trễ và không chu đáo như thế được.
PV: Theo phê duyệt của Bộ GD-ĐT, SGK lớp 2, lớp 6 chỉ còn 3 bộ. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ còn hai bộ SGK, thay vì 4 bộ như lớp 1, năm học 2020-2021. Ông nghĩ sao về việc hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ để tập trung nguồn lực như giải thích của NXB Giáo dục Việt Nam?
Chuyên gia Đặng Tự Ân: Việc hợp nhất này không đúng với khoa học SGK, gây khó khăn, bất an trong cha mẹ học sinh và làm xáo trộn trong xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông đúng là pháp lệnh, còn SGK chỉ là một trong những phương án hay học liệu riêng để giảng dạy. Thực chất, mỗi bộ SGK có một giá trị, một cách tiếp cận khác về nội dung và về phương pháp trình bày.
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục cũng đã khuyến cáo cần có đủ các bộ SGK để giáo viên có điều kiện lựạ chọn một bài giảng tốt nhất, có hiệu quả nhất cho mình. Để có được bộ SGK, những người làm sách đã mất công nhiều tháng trời hội thảo, trăn trở tìm ra cơ sở lý luận và thực tiễn của bộ sách, để rồi xây dựng bài học mẫu trước khi dạy thử nghiệm.
Chính trong cuốn sách "Đổi mới và hiện đại hóa Chương trình và SGK" của NXB Giáo dục Việt Nam cũng ghi SGK cần sử dụng lâu dài. Đặc biệt, trong một hội nghị trực tuyến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo các nhà trường như vậy.
Không thể để giáo viên và cha mẹ học sinh hụt hẫng khi họ mất công cùng nhau suy nghĩ chọn ra bộ SGK mà chỉ dùng được một năm; còn thư viện nhà trường năm tới phải bỏ đi hàng vạn cuốn sách lớp 1. Trường học ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chắc là thiệt thòi nhất về mặt kinh tế.
Bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực".
PV: Rút kinh nghiệm với việc phải chỉnh sửa một số nội dung ở bộ SGK lớp 1 khi đã đi vào giảng dạy, bộ SGK lớp 2 và 6 nên triển khai như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Đặng Tự Ân: Trước hết, Bộ GD&ĐT và những ai tham gia trực tiếp làm sách, cần có suy nghĩ mới, bỏ lối tư duy xưa cũ khi mà cả nước có duy nhất một bộ "sách công" và được bao cấp bởi ngân sách nhà nước. SGK xã hội hóa trong cơ chế thị trường phải được giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Không thể để các NXB vì lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua những nguyên tắc khoa học và sự yên dân, cũng như vi phạm quyền lợi của học sinh và phụ huynh.
Cùng với đó, song song với kiểm tra, giám sát là sự hỗ trợ kịp thời những khó khăn bất khả kháng mà các NXB gặp phải trong quá trình tác nghiệp làm SGK. Chẳng hạn, khi NXB Giáo dục Việt Nam muốn thu gọn lại các bộ SGK, Bộ GD-ĐT phải bằng quyền hạn quản lý nhà nước của mình để tác động tới các NXB (ngoài NXB Giáo dục Việt Nam) liên kết với các nhóm tác giả làm SGK, để không cho "biến mất" các bộ SGK như vừa qua.
Cùng với đó, việc tập huấn cho giáo viên thời gian quá ngắn, bản thảo SGK dạy thực nghiệm sơ sài... cũng là những vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
PV: Theo Chương trình phổ thông 2018, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề SGK thay đổi lại khiến nhiều người băn khoăn, lúng túng. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Chuyên gia Đặng Tự Ân: Không dễ gì một sớm một chiều khiến giáo viên có thể thay đổi và coi SGK là tài liệu tham khảo được. Nhiều khảo sát quốc tế cho thấy, ở những quốc gia có chủ trương dùng nhiều bộ SGK khác nhau trong cùng chương trình chuẩn quốc gia, số giáo viên sử dụng SGK làm tài liệu chính khi lên lớp chiếm tới hơn 60%. Giáo dục Việt Nam lần đầu có chủ trương mỗi môn học có nhiều hơn một bộ SGK, thì việc giáo viên lúng túng là điều không tránh khỏi.
Để hướng tới nền giáo dục thoát ly SGK, giáo viên thường có 4 cấp độ khác nhau: Bài soạn dạy học chính là SGK; thay đổi hoạt động học hoặc ví dụ bài học; điều chỉnh phương pháp cùng thay đổi chút ít nội dung bài học; bài soạn dạy học hoàn toàn do giáo viên lựa chọn và xây dựng từ các bộ SGK khác nhau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Giáo viên dạy môn tích hợp thế nào ở lớp 6? Năm học 2021-2022, chương trình, sách giáo khoa từ lớp 6 tích hợp các đơn môn thành 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, vậy giáo viên sẽ dạy thế nào? Từ năm học 2021-2022 tới, các môn học Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và...