Chú trọng tập huấn kỹ cho cán bộ Kỳ thi THPT quốc gia 2020
Chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi THPT quốc gia, nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi, đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Đối chiếu thông tin trước khi cho thí sinh vào phòng thi tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019 (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020, đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và chuẩn bị các điều kiện triển khai và tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo Bộ GD-ĐT, Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, bảo đảm kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh, cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông, làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi. Các đơn vị chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở trực thuộc làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi THPT quốc gia, tăng cường quán triệt Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi, đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi. Các sở chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi…
Theo nhandan
Video đang HOT
Giám thị tập trung cao độ sẽ phát hiện được hành vi bất thường
Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Sau bê bối gian lận thi cử của những năm trước tại một số địa phương gây chấn động cả nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được siết chặt như thế nào để đảm bảo độ tin cậy, an toàn?
Công tác thanh tra thi có những đổi mới ra sao để ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm, đảm bảo sự công bằng, khách quan cho kỳ thi?
Chuyên mục "Trò chuyện Chủ nhật" tuần này sẽ là cuộc trao đổi của PV Báo CAND với ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) xung quanh vấn đề này.
PV: Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng trong việc tổ chức thi. Để triển khai thống nhất trong toàn ngành, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1960 gửi tới các Sở GD&ĐT; Cục Đào tạo - Bộ Công an, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tinh thần bao trùm trong thanh tra, kiểm tra thi năm nay là nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, làm liên tục, sâu sát, kịp thời, phối hợp linh hoạt giữa thanh tra và kiểm tra.
Trong đó, điểm mới đầu tiên là Bộ hướng dẫn công tác thanh tra thi chi tiết, cụ thể hơn cả nội dung thanh tra, cách thức thanh tra, cách thức báo cáo. Thứ hai, yêu cầu người làm công tác thanh tra thi phải được rà soát thận trọng, được tập huấn cụ thể và chịu trách nhiệm liên đới đối với vi phạm (nếu có) ở khu vực mình phụ trách. Thứ ba là tổ chức thanh tra, kiểm tra linh hoạt, kết hợp thanh tra trực tiếp với thanh tra lưu động và giám sát thanh tra theo Luật Thanh tra.
Tiếp đến là số lượng thanh tra tại các điểm thi năm nay cũng được quy định tăng hơn năm trước tùy theo đặc điểm của các khu vực thi. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và thanh tra các Sở GD & ĐT sớm để triển khai.
PV: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, việc gian lận điểm thi chủ yếu diễn ra trong quá trình chấm thi. Vậy năm nay, công tác thanh tra sẽ chú trọng vào khâu nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Giống như các năm trước, năm nay thanh tra thi vẫn cần tập trung cả 3 khâu (chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi). Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, công tác thanh tra, kiểm tra thi đều chú trọng vào tất cả các khâu, không vì quá tập trung vào khâu này mà lơ là các khâu còn lại. Ở khâu chuẩn bị thi, công tác kiểm tra ở Trung ương do 8 đoàn của Ban chỉ đạo và 4 đoàn của Thanh tra Bộ thực hiện. Tại địa phương do ban Chỉ đạo thi tỉnh và Sở GD&ĐT thực hiện.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Chanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Qua kiểm tra cho thấy các địa phương đã nỗ lực vào cuộc, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như công tác nhân sự cho kỳ thi. Tuy nhiên, do những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 chủ yếu diễn ra ở khâu chấm thi nên năm nay công tác thanh tra ở khâu này cũng có một số thay đổi nhằm giám sát và phát hiện kịp thời các sai phạm. Cụ thể, quy định về số lượng cán bộ thanh tra chấm thi linh hoạt hơn, địa phương nào có số lượng thí sinh đông thì sẽ tăng cán bộ thanh tra mà không quy định cứng 2 cán bộ thanh tra của trường đại học như năm trước.
Ví dụ như Hà Nội, nơi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, Bộ sẽ bố trí 7 thanh tra chấm thi. Còn các địa phương khác, một hội đồng trung bình sẽ có khoảng 3 thanh tra thi, trong đó có 2 người của trường đại học và 1 cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT để giám sát chéo. Ví dụ như thành lập đoàn thanh tra chấm thi ở Hà Tĩnh chẳng hạn, sẽ lấy 2 cán bộ trường đại học không đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và một thanh tra từ một tỉnh khác.
PV: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 từng xảy ra hiện tượng cán bộ thanh tra bỏ vị trí, chưa làm hết trách nhiệm. Năm nay, cán bộ thanh tra có phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sự cố không, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Theo Điều 48 Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019, những cán bộ không làm tròn, làm đúng trách nhiệm của mình sẽ bị xử lý theo các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức cho đến buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, hướng dẫn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2019 cũng quy định, cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc xác minh, xử lý sai phạm đối với những người tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra thi thực hiện theo Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT và quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra, năm nay, Bộ cũng quy định cán bộ kiểm tra, thanh tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời lý do vắng mặt tại điểm kiểm tra, thanh tra trong thời gian kiểm tra, thanh tra (nếu có). Tức là cán bộ kiểm tra, thanh tra không được tự ý "bỏ chốt" mà không báo cáo lý do.
Cán bộ làm công tác thanh tra ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới với những sai phạm xảy ra nơi đó. Tất nhiên, trong quá trình tập huấn, chúng tôi cũng phải động viên đội ngũ thanh tra rằng, cán bộ thanh tra nếu làm hết trách nhiệm, có những việc xảy ra do bất khả kháng thì không sao, còn bỏ vị trí, làm chưa hết trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm.
PV: Trong công tác thanh tra năm 2019, Bộ có lưu ý đến các "điểm nóng" nào không?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Từ trước đến nay, Bộ không có tiêu chí phân biệt điểm nóng. Tuy vậy, những chỗ đã xảy ra vi phạm năm ngoái, những nơi xa xôi, khó khăn, chỗ lãnh đạo mới bổ nhiệm...cũng được quan tâm sâu sát hơn. Bộ yêu cầu các địa phương tập huấn thật kỹ lưỡng, chi tiết, từ nội dung đến kỹ năng thực hiện công tác này cho từng cán bộ thanh tra. Thanh tra mà chung chung là không được việc.
Cán bộ thanh tra phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm tại khu vực mình được phân công phụ trách, mỗi cán bộ thanh tra phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các sự cố xảy ra ở điểm thi, dù thanh tra có xử lý được hay không, thì cũng phải báo cáo lên trên để Ban chỉ đạo thi nắm được và có chỉ đạo chung cho các điểm thi khác không mắc phải.
PV: Một trong những điểm mới của công tác thi năm nay là sẽ có các đoàn giám sát thanh tra. Vậy bộ phận nào có thẩm quyền để giám sát công việc thanh tra?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Đây cũng là điểm mới trong công tác thanh tra năm nay. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn giám sát thanh tra theo Luật Thanh tra và Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ. Hoạt động này là giám sát thanh tra, khác với giám sát thi. Về thẩm quyền, ai ra quyết định thanh tra thì có quyền giám sát thanh tra, có thể giám sát trực tiếp hoặc thành lập các tổ giám sát. Nội dung giám sát trách nhiệm của các trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra.
PV: Ông có cảnh báo gì về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, làm sai lệch kết quả trong kỳ thi sắp tới?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Thực tế cho thấy, còn thi thì vẫn còn gian lận thi. Do vậy, điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải tự rút ra những vấn đề mang tính quy luật như: Gian lận thường dễ xảy ra ở khâu nào để chú ý và chủ động hơn. Riêng việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận luôn là vấn đề được dư luận quan tâm trong những năm gần đây. Theo nhận thức của cá nhân tôi, đây cũng là điều mà chúng ta rất khó tránh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tính hai mặt của nó.
Ở cấp Trung ương, Bộ GD&ĐT đã mời Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trực tiếp tham gia vào Ban chỉ đạo. Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia coi thi về nhận diện các thiết bị công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ khi gọi các cháu vào phòng thi, bình tĩnh xử lý khi xảy ra. Tuy vậy, tôi cũng muốn lưu ý với cán bộ coi thi cần quan tâm nhắc nhở các cháu không mang các thiết bị không được phép vào phòng thi như điện thoại di động, các thiết bị có chức năng thu phát vì nếu mang vào phòng, chưa sử dụng các cháu cũng sẽ bị đình chỉ thi.
Đặc biệt, trong quá trình coi thi cần tập trung cao, làm hết trách nhiệm. Một phòng thi có 24 học sinh, nếu giám thị tập trung sẽ không khó để phát hiện các hành vi bất thường sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Chẳng hạn như thí sinh lẩm bẩm trong mồm, mặc áo dài tay dù trời nắng nóng... có thể xem là bất thường
PV: Xin cảm ơn ông!
Thu Phương - Huyền Thanh (thực hiện)
Theo cand
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo 7 nội dung quan trọng về Kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi công điện tới Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tập trung chỉ đạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tại các địa phương. Ảnh minh họa Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019...