Chủ tịch Hội đồng tự quản tiểu học- Đổi mới hay chỉ thay tên
VOV.VN – Việc thay đôi tên lớp trưởng thành chủ tịch hội đồng tự quản đang làm nóng dư luân
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung đổi mới theo Thông tư 30 và mô hình trường học mới VNEN. Ngay lập tức, những thông tin về việc thay đổi chức danh ban cán sự lớp tại điều 17 của dự thảo này đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Cách gọi áp dụng theo mô hình trường học mới VNEN
Điều 17 trong Dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ Giáo dục – Đào tạo nói đến việc có thể thay đổi chức danh lớp trưởng, lớp phó thành chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản. Đây là cách gọi áp dụng theo mô hình trường học mới VNEN mà Bộ đang áp dụng cho gần 1.500 trường tiểu học trên cả nước. Sự thay đổi này ngay lập tức làm nóng dư luận khi nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có nên làm khó trẻ bằng những tên gọi hành chính dài dòng, trong khi chức danh lớp trưởng, lớp phó đã tạo được sự thông suốt trong toàn hệ thống giáo dục từ trước đến nay?
Đứng ở góc độ chuyên môn, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 cho rằng, việc thay đổi này về cơ bản là tốt nhưng cần có thời gian để học sinh, phụ huynh cũng như các trường chưa áp dụng mô hình VNEN thấu hiểu và thích nghi: “Việc thay đổi như thế này yêu cầu trẻ phải tham gia bình bầu thì nó sẽ khác. Nó mang ý nghĩa về sự dân chủ, quyền biểu quyết hơn. Trước đây khi cô chỉ định, bạn cứ thế mà làm thôi. Đôi khi làm chưa tốt nhưng bạn có quyền nên áp đặt lên những bạn khác và các bạn khác sẽ không dám nói. Còn nếu đem ra đề cử, bình bầu, đứa trẻ được bầu sẽ có trách nhiệm hơn”.
Trong khi đó, Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý tưởng Việt lại phân tích vấn đề này với góc nhìn hoàn toàn khác. Theo anh, việc sử dụng chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đang phức tạp hóa tên gọi của một số cán sự lớp. Bởi với trẻ em ở độ tuổi tiểu học, đây là thuật ngữ quá dài dòng và khó hiểu. Đồng thời, không ít phụ huynh sẽ gặp trở ngại trong việc giải thích ý nghĩa của chức danh mới mẻ này cho con trẻ, vì đôi lúc cả người lớn còn chưa hiểu kỹ càng khái niệm nói trên.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An nhấn mạnh:”Từ lớp trưởng hay lớp phó đã mang đầy đủ ý nghĩa vốn có của nó cũng như mang đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm với các em đảm đương chức vụ này. Việc thay đổi chức danh và tên gọi sẽ khiến các em học sinh tiểu học phải suy nghĩ, đắn đo tìm hiểu về chức tước, danh hiệu hay một nhiệm vụ không nên xuất hiện trong đầu trẻ thơ.”.
Đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh tại TP HCM. Phụ huynh cho rằng, điều quan trọng trong việc đổi mới giáo dục là làm sao tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh thay vì khiến các em bối rối với các thuật ngữ lạ tai. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng, mọi việc không đơn giản chỉ là thay đổi tên gọi mà sẽ thay đổi tất cả hoạt động của chức danh:”Giữa lớp trưởng và Chủ tịch Hội đồng tự quản, nhiệm vụ khác nhau. Lớp trưởng thừa hành, thực hiện những yêu cầu, bảo đảm nội quy của lớp theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm. Còn chủ tịch Hội đồng tự quản chủ trì, nghe ý kiến của các bạn trong lớp để thực hiện những công việc cả lớp đã đề ra. Phụ huynh, xã hội nghĩ rằng các bé còn nhỏ biết gì nhưng các em sẽ làm với những công việc có nội dung đúng lứa tuổi của mình. Chúng ta không nên ngại chuyện đó”.
Hiện Sở GD-ĐT TP HCM đang khẩn trương hoàn thành những phần việc cuối cùng trước khi gửi những ý kiến đóng góp về dự thảo này lên Bộ Giáo dục – Đào tạo. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố nói: “Chúng tôi đã triển khai cho các đơn vị, các thầy cô cán bộ quản lý, kể cả các thầy cô đang đứng lớp góp ý để thu thập thông tin. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp ý kiến và mời cấp phòng giáo dục – đào tạo cùng các đơn vị có liên quan tham gia góp ý tại các buổi hội thảo để lấy ý kiến cho Điều lệ trường tiểu học sắp sửa ban hành của Bộ GD-ĐT”.
Với hệ thống các trường tiểu học đang triển khai mô hình VNEN, chức danh “Chủ tịch Hội đồng tự quản” đã không còn xa lạ. Những thay đổi tích cực mà mô hình này mang lại cũng nhiều lần được chứng minh. Thế nhưng, nếu muốn nhân rộng mô hình ra 3.700 trường tiểu học như kế hoạch của năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT cần sớm có những giải thích, hướng dẫn rõ ràng và đủ thuyết phục để không chỉ nhà trường, giáo viên mà cả xã hội cùng hiểu rõ ý nghĩa, nhiệm vụ của các chức danh mới. Vì, đổi mới mà chỉ… thay tên thì quả thật là không cần thiết./.
Theo VOV