Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng trường phổ thông, đừng so sánh ai to hơn ai!
Theo chuyên gia, để tránh sự chồng chéo trong vai trò lãnh đạo giữa hiệu trưởng với chủ tịch hội đồng trường, thì cần tách bạch vai trò quản trị và điều hành.
Tháng 12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm 3 vị trí: Chủ tịch Hội đồng trường; Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng.
Như vậy so với Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, là vị trí việc làm mới được bổ sung trong vị trí quản lý, lãnh đạo nhà trường.
Để có thêm góc nhìn về việc bổ sung vị trí Chủ tịch Hội đồng trường trong lãnh đạo nhà trường, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên – chuyên gia giáo dục độc lập.
Phóng viên: Theo Dự thảo, Chủ tịch Hội đồng trường phổ thông sẽ là cán bộ quản lí hoặc giáo viên kiêm nhiệm. Theo ông, việc bầu giáo viên làm Chủ tịch Hội đồng trường trong trường hợp giáo viên chưa qua các lớp quản lý thì có đảm đương được vai trò này không?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Trước khi bàn tới việc giáo viên có khả năng làm tốt công việc chủ tịch hay thành viên hội đồng trường hay không thì khi nói tới một công việc, chúng ta cần làm rõ trách nhiệm công việc, và yêu cầu đối với vị trí công việc.
Nếu căn cứ vào miêu tả công việc của hội đồng trường theo Luật Giáo dục 2019 thì không có gì cản trở giáo viên khi thực hiện vai trò thành viên hay Chủ tịch Hội đồng trường, nếu không muốn nói giáo viên có lợi thế và hiểu biết sâu về giáo dục hơn so với một số thành phần khác trong hội đồng.
Điều đáng quan tâm hơn là cơ chế kiêm nhiệm sẽ như thế nào để người kiêm nhiệm công việc có thể hoàn thành vai trò “kép”.
Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên (Ảnh: NVCC)
Liệu rằng, khi giáo viên kiêm nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường thì các quyết định có thể bị chi phối bởi hiệu trưởng không, thưa ông?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Chúng ta cần tách bạch vị trí hiệu trưởng và hội đồng trường tức là tách bạch giữa vai trò điều hành và vai trò quản trị. Có cả hai thành phần này trong trường là một mô hình, tuy nhiên không phải mô hình trước đây (hiệu trưởng thực hiện cả vai trò điều hành lẫn quản trị) kém hiệu quả hơn.
Mỗi mô hình có ưu, nhược điểm kèm theo. Ở đây không phải câu chuyện ai to hơn ai, ai quan trọng hơn ai, mà là mỗi chức danh công việc có những trách nhiệm riêng, và cần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.
Có quan điểm cho rằng nên để Chủ tịch Hội đồng trường là người ngoài trường như phụ huynh, cán bộ Phòng Giáo dục… ông nghĩ sao về ý kiến này?
Video đang HOT
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Tôi từng thấy ở nước khác nhiều mô hình trường học mà thành viên hội đồng trường khá đa dạng bao gồm giáo viên, nhà giáo nghỉ hưu, lãnh đạo giáo dục, nhà nghiên cứu, giáo sư, luật sư, doanh nhân, nghệ sỹ, thậm chí đại diện cha mẹ học sinh hoặc cựu học sinh…
Họ có thể là thành phần trong hoặc ngoài trường, tham gia điều hành trực tiếp hoặc không trực tiếp, nhưng đều có điểm chung là những người có uy tín, có năng lực quản trị, cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ vì sự phát triển của trường học…
Chọn Chủ tịch Hội đồng trường là một việc quan trọng, do vậy cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, được tính toán kỹ, tránh những lộn xộn mà thời gian qua xảy ra ở một số trường đại học, trường phổ thông do mâu thuẫn nội bộ và vì cơ chế không rõ ràng.
Chức danh, nhiệm vụ của Hội đồng trường được quy định trong Luật Giáo dục từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn vị trí này vẫn chưa được đánh giá cao, ông nghĩ sao về việc này?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Hiệu quả của chức danh này sẽ khác nhau ở từng trường. Cùng một cơ chế nhưng trường áp dụng tốt thì sẽ tạo ra một mô hình quản trị trường học hiệu quả và hiện đại. Cũng có những trường chưa hề áp dụng, có trường áp dụng không hiệu quả, để xảy ra những tranh chấp, kiện tụng giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành phần quan trọng nhất trong trường học là học sinh, sinh viên.
Để làm tốt vai trò quản trị thì Chủ tịch Hội đồng trường phải có kiến thức, kinh nghiệm về quản trị nói chung và quản trị trường học nói riêng vì trường học là một tổ chức đặc thù, khác hoàn toàn với một doanh nghiệp thông thường.
Vai trò quản lí của Chủ tịch Hội đồng trường là quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường, hay những quy chế khác. Vậy phải chăng có sự trùng lặp với nhiệm vụ của hiệu trưởng?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Khi thành lập hội đồng trường thì chắc chắn sẽ có sự “phân công lại” về vai trò, nhiệm vụ để tránh chồng chéo. Bản chất của mô hình này là tạo ra sự kiểm soát chéo và cân bằng quyền lực (checks and balance), tránh cho việc một người độc quyền quyết định dẫn tới những quyết định sai lầm, thiệt hại cho tổ chức.
Liệu vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường có trùng lặp với cơ quan quản lý cấp trên và tổ chức đảng hay không, thưa ông?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Cơ chế cho phép thành lập Hội đồng trường thực ra là bước chuyển giao quyền lực từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho tổ chức để tổ chức tự chịu trách nhiệm và tự kiểm soát sự phát triển của mình. Nếu vận dụng tốt, tổ chức trường học sẽ tự chủ hơn, giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn, sát với thực tiễn hơn so với việc chờ đợi chỉ thị từ cơ quan quản lý như Phòng Giáo dục và Đào tạo hay Sở Giáo dục và Đào tạo.
Là chuyên gia, nghiên cứu về Dự thảo nói trên, ông có đề xuất gì?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Tôi ủng hộ việc thành lập Hội đồng trường, tuy nhiên việc chuyển giao quyền lực từ nhà nước sang tổ chức trường học phải gắn liền với trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm giải trình của từng chức danh công việc, tránh việc buông lỏng quản lý.
Với trường công lập, cơ quan quản lý giáo dục vẫn nên có đại diện trong Hội đồng trường.
Với trường tư thục, những tiêu chuẩn đối với thành viên Hội đồng trường không thể thấp hơn trường công lập. Trường tư thục hiện nay hoạt động như một doanh nghiệp, nhiều trường hợp hội đồng quản trị công ty sở hữu trường trở thành hội đồng trường, không hề có chuyên môn quản trị hay uy tín xã hội, là không phù hợp.
Cách hiểu trường tư thục là công ty như mọi công ty khác là một nhận thức sai lầm về “xã hội hóa giáo dục”, “thương mại hóa giáo dục”, vì giáo dục là một hoạt động xã hội đặc biệt, cần phải hoạt động có kiểm soát, dựa trên những điều kiện và tiêu chuẩn nhất định.
Cơ chế đã có, việc ứng dụng như thế nào để tạo ra một trường học hiện đại, có khả năng tự chủ, hoạt động hiệu quả, có khả năng đưa ra các quyết định gắn liền với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể là vấn đề của mỗi trường.
Chọn được người giỏi về quản trị và chiến lược cho hội đồng trường cũng như người giỏi về điều hành cho chức danh hiệu trưởng hay không sẽ quyết định cho trường học đi lên hay đi xuống trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bầu học sinh vào hội đồng trường chỉ tăng hình thức, vô ích
Thầy cô tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh?
Bàn về hội đồng trường phổ thông, trên diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phân tích thấu đáo về tổ chức này, trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo viên rất mờ nhạt, hiệu trưởng vẫn nắm toàn quyền, còn trường học thì thiếu dân chủ.
Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý được đăng tải trên Tạp chí thời gian qua như: Tôi thấy hội đồng trường phổ thông công lập lâu nay hữu danh vô thực (ngày 4/2/2022); Hiệu trưởng trường phổ thông kiêm chủ tịch hội đồng trường dễ chuyên quyền, độc đoán (ngày 6/2/2022).
Tuy nhiên, có một điều đáng bàn thêm là, quy định thành phần của hội đồng trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với sự góp mặt của học sinh đã dấy lên sự lo ngại về tính chính danh của tổ chức này.
Học sinh tham gia vào hội đồng trường chỉ hoài công, vô ích. (Ảnh minh hoạ: IndiaToday)
Theo đó, điểm b Khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:
Thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.
Như vậy, theo các quy định trên thì thành phần hội đồng trường sẽ có đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Hay nói cách khác, học sinh từ 12 tuổi đến 18 tuổi sẽ được tham gia vào hội đồng trường.
Điểm 1 Khoản 1 Điều 10 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định hội đồng trường của trường trung học công lập có một số nội dung như sau (trích):
Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Cá nhân tôi cho rằng, học sinh bậc phổ thông - lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, thì làm sao có đủ ý thức, tầm nhìn, dự báo, phân tích... để có thể góp ý hay biểu quyết những chiến lược phát triển của nhà trường?
Bởi, chỉ riêng kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường đã mang tầm vĩ mô, được hiệu trưởng xây dựng, sau đó các thành viên của hội đồng trường góp ý, thông qua và triển khai thực hiện.
Minh chứng là, kế hoạch chiến lược phát triển Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh theo xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2019-2024, có những nội dung chính như sau:
Phần thứ nhất - Phân tích môi trường; Phần thứ hai - Định hướng chiến lược; Phần thứ ba - Mục tiêu chiến lược; Phần thứ bốn - Các giải pháp chiến lược; Phần thứ năm - Đề xuất tổ chức thực hiện. [1]
Như thế để thấy rằng, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 khi tham gia vào hội đồng trường làm sao có thể "chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục" theo quy định?
Liệu ngành giáo dục có đặt trách nhiệm nặng nề lên vai học sinh hay chỉ sắp xếp các em ngồi vào hội đồng trường cho "có mâm có đọi"?
Nếu nhà trường thực sự đề cao trách nhiệm và lắng nghe tiếng nói học sinh thì nên khích lệ các em mạnh dạn, thẳng thắn góp ý những thiếu sót, sai trái (nếu có) trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ...
Ngoài ra, quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm. Học sinh bậc trung học cơ sở nếu tham gia vào hội đồng trường từ lớp 6 cũng chỉ làm nhiệm vụ 4 năm, tương tự với các em bậc trung học phổ thông là 3 năm. Sau khi học sinh tốt nghiệp ra trường thì nhà trường phải bầu lại thành viên hội đồng trường rất mất thời gian, công sức.
Tôi thấy, hàng năm các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại mùa xuân nhằm lắng nghe tiếng nói học sinh là cách làm rất hay.
Học sinh tự do bày tỏ ý kiến của mình về việc dạy của giáo viên, các hoạt động phong trào của trường lớp và những mong muốn khác mà các em gửi gắm. Sau khi lắng nghe ý kiến học sinh, ban giám hiệu và thầy cô phụ trách mảng nào sẽ có trách nhiệm phản hồi, giải đáp với các em ở mảng đó.
Hay Hội nghị đối thoại "Tiếng nói học sinh Tân Bình" - Lần V năm học 2020 - 2021 với chủ đề "Học sinh Tân Bình phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, góp phần xây dựng thành phố thông minh", cũng là cách làm rất thiết thực.
Hội nghị tiếp nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh những điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; áp lực việc kiểm tra, đánh giá các bộ môn; một số vấn đề liên quan đến thực trạng rèn luyện đạo đức của học sinh; bạo lực học đường; nhà vệ sinh, cơ sở vật chất giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn hóa mạng xã hội...
Đáp lại những câu hỏi của học sinh, Giám đốc Nhà thiếu nhi quận Tân Bình, Bí thư quận Đoàn Tân Bình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình đều trả lời, chia sẻ, thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo đối với các em. [2]
Thiết nghĩ, hội đồng trường là tổ chức quản trị, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường. Thầy cô tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh? Vậy nên, việc học sinh tham gia vào tổ chức này chỉ hoài công, vô ích.
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.thpt-lequydon-hcm.edu.vn/gioi-thieu/25/Ke-Hoach-Chien-Luoc.html
[2] //tanbinh.hochiminhcity.gov.vn/web/neoportal/danh-muc-tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/VN5j2Vj9DHkT/content/hoi-nghi-oi-thoai-tieng-noi-hoc-sinh-tan-binh-lan-v-nam-hoc-2020-2021-?inheritRedirect=false
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thêm 1 ghế quản lý trường học, cả nước sẽ tăng 43.199 vị trí quản lý? Trong lúc chúng ta đang rất muốn tinh gọn bộ máy, việc tăng thêm vị trí lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, sẽ là gánh nặng cho ngân sách, hoàn toàn không nên. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp...