Chữ Tâm nghề giáo
Trong thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục nhân dịp 20-11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), nhân tố mang tính quyết định chính là đội ngũ giáo viên.
Khi có dịp đi thăm và trò chuyện với các thầy cô giáo ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, Bộ trưởng cảm nhận rằng dù ở nơi thuận lợi hay vùng khó khăn thì điểm chung là các thầy cô đều sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới.
Ảnh minh họa.
Những ngày này, cả nước đang tưng bừng kỷ niệm và tri ân các thày cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những tấm gương nhà giáo mẫu mực tiêu biểu sáng tạo ở khắp mọi miền đất nước đã được vinh danh. Trong đó, nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hi sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Chúng tôi đã từng có những chuyến công tác miền núi, chứng kiến công cuộc gùi chữ lên non chật vật của các thày cô giáo vùng cao. Trong số họ có những người dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với học trò trên núi. Có những người đã phải đánh đổi cả mạng sống ngay trước thềm Lễ khai giảng năm học mới khiến người thân, đồng nghiệp không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Ấy thế mà khi có cơ hội chuyển trường về những địa phương thuận lợi hơn, nhiều thày cô giáo đã từ chối, họ chia sẻ rằng nhìn ánh mắt của học trò, họ không nỡ về xuôi.
Trách nhiệm và kỳ vọng đang được đặt lên vai các nhà giáo khi Chương trình GDPT mới được triển khai ngay trong năm học tới. Theo đó, yêu cầu đặt ra trước mắt là người thày phải thay đổi để thích ứng với nghề, với đổi mới toàn diện của ngành. Không ít băn khoăn cũng đang được đặt ra khi một số giáo viên chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần, nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, dạy học theo nhóm còn mang tính hình thức. Bởi, một trong những điểm mới của chương trình các môn học trong chương trình GDPT tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải, song hiện nay nhiều giáo viên còn lúng túng…
Nhưng dù thế nào, yêu cầu thay đổi tư duy và phương pháp cần phải qua rèn luyện, trải nghiệm, hẳn không thể đổi thay ngay trong ngày 1, ngày 2. Với những người làm nghề giáo viên, quan trọng hơn cả chính là chữ Tâm và lòng yêu thương con trẻ. Bạo lực học đường giờ đây là câu chuyện được cả xã hội quan tâm. Nhìn ở nhiều góc độ, bạo lực học đường đôi khi đến từ phía người thày cũng ít nhiều khiến các bậc phụ huynh chưa thể yên tâm.
Lên tiếng về những lệch lạc trong ứng xử với học trò, có những đóng góp nên bắt đầu từ chú trọng cách xưng hô giữa thầy cô giáo và học sinh; từ sự gương mẫu của người thầy; từ tình yêu thương, lòng bao dung để bỏ qua những lỗi lầm của học trò cá biệt. Có thầy giáo về hưu đã chia sẻ, khi còn dạy học, nếu những học trò cá biệt làm ông bận tâm, ức chế bao nhiêu, thì khi ông đã rời bục giảng- chính những trò cá biệt nhiều chục năm về trước lại là những người bạn tâm giao thân thiết nhất.
Video đang HOT
Bởi chính lòng bao dung của ông giáo nhiều chục năm trước đã níu kéo trò hư trở thành những người có ích cho xã hội. Như thế, nếu không thật sự yêu thương con trẻ, tuyệt đối không thể chọn nghề giáo. Nghề giáo là nghề cao quý- không ai phủ nhận điều đó- nhưng nếu như ai đó chọn nghề giáo chỉ vì cái danh “cao quý” thì đó là một sai lầm lớn. Bởi nghề giáo rất áp lực, đằng sau mỗi tiết dạy là sự hi sinh thầm lặng, khó nói lên lời.
Việc dạy học, sử dụng tâm sức, rất vất vả, nên đã có không ít sinh viên tập sự đã bỏ nghề. Nếu chỉ nhìn thấy một bộ phận nhỏ các thầy cô có điều kiện kinh tế khá giả mà nghĩ rằng họ giàu nhờ dạy thêm, âu cũng là một sai lầm.
Là phụ huynh học sinh, tôi từng gặp những cô giáo như mẹ hiền. Kỷ niệm nhớ nhất là một lần đón con muộn, trời đã tối nhá nhem mà đi lên lớp chỉ thấy hai cô trò ngồi đó. Cô đánh vật để dạy con cách cầm bút cho chuẩn, dạy lại những phép tính cộng trừ có nhớ. Cô bảo con ốm nghỉ học hai hôm liền, sợ không theo kịp các bạn, nên cô nói ngồi lại để kèm thêm cho, dù biết con cũng thèm chạy ra ngoài kia chơi lắm lắm. Lúc ấy, một cảm xúc trào dâng khó tả, chả biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn cô. Chỉ mong có thật nhiều cô giáo tận tâm với trò, với nghề như cô giáo của con.
Thành quả của nghề giáo chính là sự trưởng thành của học trò. Nghề giáo là cho đi, không đòi nhận lại bao giờ. Vì thế, với những bạn trẻ bên ngưỡng cửa vào đời, hãy cân nhắc trái tim, để chọn nghề phù hợp. Chọn đúng nghề, làm đúng nghiệp là khởi đầu một hạnh phúc trọn vẹn.
Vi Cầm
Theo daidoanket
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11): Món quà vô giá
Món quà ngày 20-11 chỉ là những lá thư với tâm sự mộc mạc của học trò nhưng đã mang lại cho các thầy cô giáo niềm xúc động, tự hào. Nhờ những tình cảm chân thành này, họ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.
Cô Nguyễn Thị Lý với niềm vui khi nhận được thư của học trò cũ. Ảnh: Hải Yến
26 năm gắn bó với nghề dạy học, đây là kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam khá đặc biệt với cô Nguyễn Thị Lý (Trường tiểu học Nguyễn Huệ, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú). Cô đã nhận được nhiều lá thư của học trò cũ để bày tỏ tình cảm và kể lại những kỷ niệm khó quên đối với cô.
* Những lá thư tri ân
Cầm lá thư của cậu học trò Nguyễn Hoàng (hiện đang học ở Trường THCS Quang Trung, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) trên tay, cô Lý rưng rưng nhớ về cậu học trò cũ: "Trong lớp, Hoàng là học sinh khá nghịch, thỉnh thoảng em còn trốn học nhưng nếu được cô kèm cặp thì em học rất tiến bộ. Có lần, Hoàng trốn học, bị tôi phạt. Từ lần đó trở đi, Hoàng không trốn học nữa. Em chăm chỉ học hơn và lên lớp 5 thì tiến bộ hẳn. Em viết thư cho tôi kín hai mặt giấy, có nhắc lại chuyện bị cô phạt. Dù em viết thư không hay nhưng đây chính là tình cảm thật của em và tôi rất trân trọng điều đó".
300 lá thư gửi thầy cô giáo
Đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Quang Trung thành lập Câu lạc bộ văn học và lên kế hoạch hoạt động riêng cho từng khối lớp. Trong dịp kỷ niệm ngày 20-11 này, câu lạc bộ tổ chức hoạt động chung cho toàn trường là viết thư gửi thầy cô giáo. Hưởng ứng phát động của câu lạc bộ, 300 học sinh của trường đã viết thư để gửi lời tri ân đến các thầy cô giáo, trong đó phần lớn thư là gửi thầy cô giáo cũ.
Nguyễn Hoàng là một trong 300 học sinh của Trường THCS Quang Trung đã hưởng ứng hoạt động viết thư gửi thầy cô giáo cũ do Câu lạc bộ văn học của nhà trường phát động. Sau khi tiếp nhận thư của học sinh, câu lạc bộ soạn theo địa chỉ và chuyển đến tận trường cho các giáo viên.
Cầm lá thư đề tên người gửi Lương Đạt Sâm, cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, nhận ra ngay cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn từng học ở trường cách đây 5 năm, dù cô không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy.
"Chỉ nhìn nét chữ rõ ràng, sạch sẽ mà em viết bên ngoài lá thư gửi cô giáo chủ nhiệm cũ thôi là tôi đã thấy vui rồi. Tôi nghĩ rằng những lá thư này sẽ tiếp thêm nghị lực để các thầy cô giáo bám trụ với nghề" - cô Thương cho hay.
Cô Nguyễn Thị Lý cũng chia sẻ: "Với những món quà có giá trị vật chất thì có thể là do sự sắp xếp của cha mẹ nhưng khi chính học sinh đặt bút viết thư thì đây là tình cảm chân thật mà các em dành cho mình. Nhờ những bày tỏ của các em, tôi hiểu rằng tâm huyết của mình với nghề đã được đền đáp xứng đáng. Tôi càng tin rằng mình đã chọn đúng nghề. Với tôi, đây chính là những món quà vô giá, không gì so sánh bằng".
* Dạy học bằng trái tim
Như một cái duyên, cô Trần Cao Vân Nam (giáo viên Trường THCS Quang Trung) thường được giao chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh "đặc biệt": gia đình nghèo, mồ côi, cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà... Vì không có nhiều điều kiện chăm lo cho việc học nên đa số những học sinh này chỉ có học lực trung bình. Bù lại, đa số các em ngoan, lễ phép. Thương học trò, cô Nam thường gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh sống của các em để có sự giúp đỡ kịp thời như tìm học bổng, lấy tiền túi để mua bảo hiểm tai nạn cho học trò...
Năm học này, cô Nam được giao chủ nhiệm lớp 7. V. là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của lớp. Tuy được ở với cả cha và mẹ nhưng V. không được sống trong không khí hạnh phúc. Cha thường xuyên say xỉn. Những lúc như vậy, ông thường "rượt" mẹ con V. khắp nơi. Ba mẹ con V. đành phải tìm nơi ở nhờ, đợi cha qua cơn say rồi mới dám về nhà. Gánh nặng gia đình đè nặng cả lên vai mẹ. Vì thế, gia đình V. không thoát được cảnh nghèo.
Em Hồ Thị Bạch Dương, lớp 9/1 Trường THCS Quang Trung cho biết: "Hoạt động viết thư cho thầy cô giáo cũ nhân ngày 20-11 có ý nghĩa rất thiết thực. Bản thân em đã xa trường tiểu học nhiều năm mà chưa có dịp bày tỏ lòng biết ơn với các thầy cô. Đây là cơ hội để em bày tỏ cảm xúc và ôn lại kỷ niệm với thầy cô giáo cũ. Em hy vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm sau, đồng thời lan rộng trong học sinh".
Cô Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho V., giúp V. hiểu rằng xung quanh em có rất nhiều người sẵn sàng che chở, yêu thương em. Mấy ngày trước, V. đã gặp riêng cô Nam và tận tay gửi cho cô một bức thư. Trong thư, V. kể lại tâm trạng lo lắng, mong ngóng cô chủ nhiệm đến lớp trong khoảng thời gian cô bị tai nạn. Em bày tỏ: "Trong số thầy cô giáo dạy em, thật khó tìm ra cô nào như cô Nam lớp em. Em yêu quý cô".
Bằng sự gần gũi, chân thành của mình, cô Nam đã chiếm trọn "trái tim" của các thành viên lớp cô chủ nhiệm, Đ. là một trong số đó. Từ một học sinh có thái độ bất cần, thường xuyên nghỉ học, bị lưu ban 2 năm, Đ. đã trở nên chăm chỉ hơn rất nhiều. Từ đầu năm học đến nay, em chưa nghỉ buổi học nào. Trong lớp, Đ. còn mạnh dạn phát biểu ý kiến, em quyết tâm được lên lớp và hoàn thành được chương trình THCS.
Cô Nam chia sẻ: "Nhiều năm đi dạy, tôi nhận ra rằng phương pháp dạy học hiệu quả nhất chính là dạy bằng trái tim chứ không phải chỉ là tri thức. Điều này càng đúng đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là học sinh có biểu hiện "nổi loạn". Nếu đem điểm số ra để "hù dọa" các em thì khó có tác dụng. Phải gần gũi, chinh phục các em. Khi học trò tin tưởng mình rồi thì mình nói gì học trò cũng nghe. Với những học sinh học quá yếu, quan trọng là chúng ta phải dạy cho các em kỹ năng sống, nhân cách sống. Khi có được nhận thức tốt rồi thì các em sẽ tự thay đổi theo hướng tích cực".
Hải Yến
Theo baodongnai
Đôi mắt học trò soi sáng lương tâm nghề giáo Nghề giáo nhiều niềm vui và cũng lắm thăng trầm, có những băn khoăn, trăn trở bên trang giáo án nhưng ánh mắt học trò thân thương đã giúp giáo viên giữ trọn ngọn lửa nghề Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM), là một trong những gương mặt tiêu biểu của TP HCM...