Chủ động điều chỉnh tuyển sinh theo quy định chung
Dựa trên những dự kiến thay đổi của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có những điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm bảo đảm phù hợp với quy định chung.
Trường ĐH Luật TPHCM tư vấn, tuyển sinh cho thí sinh. Ảnh: Website của trường
Điều chỉnh kỹ thuật
Theo dự kiến điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh sẽ đăng ký tất cả nguyện vọng của các phương thức trên hệ thống để xét tuyển, lọc ảo chung. Thí sinh xác nhận nhập học trực tiếp trên hệ thống này. Trên cơ sở đó, nhiều trường đại học cho biết sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm phù hợp với quy định chung.
Theo thông báo của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, từ ngày 31/3 đến 31/10, nhà trường thu hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT của thí sinh. Phương thức này chia thành 6 đợt. Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Hiệp, với những dự kiến điều chỉnh về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nhà trường có điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Cụ thể, như mọi năm, nhà trường đã và đang thu hồ sơ học bạ THPT của thí sinh tốt nghiệp THPT từ những năm trước. “Tuy nhiên, trường sẽ điều chỉnh kéo dài thời gian thu hồ sơ, xét tuyển của thí sinh. Chúng tôi chờ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT chính thức được ban hành; khi đó nhà trường sẽ có thông báo công khai để thí sinh và xã hội được biết” – TS Hoàng Xuân Hiệp cho hay.
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ thêm: Kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT của thí sinh. Phương thức xét tuyển thẳng theo phương án riêng và xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được nhà trường áp dụng nhưng không nhiều nên cơ bản sẽ ổn định. Do đó, với những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT sẽ không ảnh hưởng đến chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh của nhà trường. “Chúng tôi sẽ giữ ổn định và dự kiến không có điều chỉnh gì ở nội dung này” – TS Hoàng Xuân Hiệp nói.
Video đang HOT
Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đã thông báo dành tối thiểu 50% chỉ tiêu các ngành để xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đại diện lãnh đạo trường này cho hay: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định về chỉ tiêu tuyển sinh các phương thức không tác động đến phương án tuyển sinh của trường. Song, nhà trường sẽ điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ. Thay vì nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức tuyển sinh riêng từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 như trước đây, kế hoạch này dự kiến được điều chỉnh để thực hiện theo lịch chung của Bộ.
Còn theo ThS Cao Dao Thép – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong đề án tuyển sinh nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế và quy định chung của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, sẽ có điều chỉnh về mốc thời gian xét tuyển. Các điều chỉnh tiếp theo (nếu có) phải chờ Quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ. Trường sẽ có thông báo công khai những điều chỉnh trong đề án tuyển sinh (nếu có).
Các cơ sở giáo dục đại học phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh. Ảnh: Internet
Công khai đề án tuyển sinh
Theo TS Kiều Xuân Thực – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, hiện, nhiều trường đã công bố đề án tuyển sinh 2022. Tuy nhiên, với những nội dung chưa phù hợp với Quy chế tuyển sinh, các trường sẽ phải điều chỉnh. Theo đó, một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm nay là: Yêu cầu các cơ sở đào tạo phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bãi bỏ thì phải có lộ trình. Trên tinh thần ấy, các trường không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.
Đại diện Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, trước mắt nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh như đã thông báo. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, nhà trường sẽ điều chỉnh (nếu cần) để phù hợp với quy định chung.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), với những dự kiến điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đề nghị cơ sở đào tạo rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và cập nhật lên hệ thống. Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế; xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.
Đối với các trường sử dụng phương thức xét tuyển khác, Bộ GD&ĐT lưu ý: Nếu chỉ xét tuyển đơn giản dựa trên điểm học tập bậc THPT (học bạ) thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT; sau thời gian thí sinh đăng ký sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển; tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.
Nếu sử dụng phương thức xét tuyển khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường; đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT để lọc ảo cùng với phương thức khác.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh; để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng. Các trường chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển.
Đến 4-4: 900.000 hồ sơ HS lớp 12 sẽ được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia
Đối với nhiệm vụ thu thập, chuẩn hóa thông tin định danh của học sinh, hiện tại đang được Bộ GD&ĐT triển khai và dự kiến hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Ngày 1-4, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Bộ Công an về việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ.
Theo đó, thực hiện Đề án 06, Bộ GD&ĐT được giao hai nhóm nhiệm vụ, đó là nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý ngành của Bộ GD&ĐT và nhóm nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính nói chung.
Đối với các nhiệm vụ thuộc nhóm lĩnh vực quản lý của Bộ GD&ĐT, đến nay, Bộ đã đồng bộ và định danh dược 1,2 triệu trong tổng số 1,4 triệu hồ sơ về thông tin giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục và đào tạo, đạt tỷ lệ 75%. Bộ GD&ĐT cũng đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin chuyên ngành GD-ĐT của khoảng 160.000 công dân.
Buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an. Ảnh CTV
Đối với nhiệm vụ thu thập, chuẩn hóa thông tin định danh của học sinh, hiện tại đang được Bộ GD&ĐT triển khai và dự kiến hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Dự kiến, với khối học sinh lớp 12 năm học 2021-2022, đến trước ngày 4-4, các địa phương sẽ rà soát, cập nhật thông tin để Bộ GD&ĐT đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 900.000 hồ sơ.
Việc thu thập, chuẩn hóa và cập nhật thông tin định danh cá nhân học sinh bậc mầm non tới lớp 11, Bộ GD&ĐT đã giao Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an xây dựng quy trình thu thập, xác minh thông tin định danh theo quy trình thống nhất.
Với nhóm nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính nói chung, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Năm nhiệm vụ trong nhóm nhiệm vụ này đều đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiến hành chuẩn hóa các danh mục thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với 201 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Đánh giá cao tiến độ triển khai đề án này của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo đúng lộ trình Chính phủ đề ra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Đề án 06 là một trong những đề án có ý nghĩa xã hội to lớn, đặc biệt đối với Bộ GD&ĐT vì sẽ có một số lượng rất lớn học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng lợi từ đề án này.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06.
Đặc biệt, ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 cần phải phối hợp để tạo điều kiện cho các thí sinh được đăng ký dự thi thuận lợi nhất; đảm bảo an ninh, an toàn đường truyền và hệ thống phần mềm.
Văn, Toán từ 2 điểm/môn trở lên có thể vào lớp 10 GDTX Vĩnh Phúc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc công bố hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông năm học 2022-2023. Ngày 30/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc ban hành công văn số 501 hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chương trình giáo dục thường xuyên cấp...