Chọn tổ hợp môn xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển bằng học bạ
Phương thức tuyển sinh đầu vào dựa trên kết quả học bạ đang ngày càng phổ biến với các trường đại học, kể cả những trường công lập thu hút nhiều thí sinh quan tâm.
Học sinh lớp 12 năm học 2020 – 2021 tại TP.HCM – ĐÀO NGỌC THẠCH
Điểm mới trong phương thức này năm nay là đa dạng cách tính điểm và cho phép người học linh hoạt trong chọn tổ hợp môn.
Nhiều cách tính điểm tổ hợp môn
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Xét học bạ là phương thức xét tuyển dựa vào bảng điểm học sinh (HS) đạt được trong quá trình học tập bậc THPT. Với sự đa dạng trong cách tính điểm của các trường khi sử dụng phương thức này, thí sinh (TS) cần đặc biệt lưu ý việc chọn tổ hợp môn để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tùy theo trường mà tổ hợp môn của xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp là giống nhau hay khác nhau.
Nếu xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, mỗi ngành TS chỉ được chọn 1 trong 4 tổ hợp để nộp hồ sơ thì ở phương thức xét học bạ một số trường không giới hạn số lượng tổ hợp này. Nhưng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khi ưu tiên xét tuyển dựa vào học bạ chỉ sử dụng tối đa 4 tổ hợp cho mỗi ngành và các tổ hợp này giống với tổ hợp xét điểm thi tốt nghiệp.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng quy định TS được chọn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển theo phương thức học bạ. Trong trường hợp này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, khuyên rằng TS nên chọn tổ hợp mình có tổng điểm cao nhất để nộp hồ sơ.
Trường ĐH Việt Đức cũng sử dụng phương thức xét học bạ năm nay. Bên cạnh điểm trung bình năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, trường còn tính điểm trung bình theo trọng số 6 môn học đạt từ 7,5 điểm trở lên. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng, lưu ý TS khi nộp hồ sơ cần để ý chi tiết trọng số điểm các môn học theo ngành. Cụ thể, nhóm ngành kỹ thuật và kiến trúc có trọng số 3 môn toán, lý, hóa chiếm 75% và sinh, văn, ngoại ngữ chiếm 25%. Với nhóm ngành tài chính và kế toán, quản trị kinh doanh thì các môn văn, toán có trọng số 67% và 4 môn còn lại chỉ chiếm 33% trong tổng số điểm.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng việc chọn tổ hợp để xét tuyển học bạ hoàn toàn chủ động sao cho có lợi nhất và không liên quan đến việc chọn bài thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điều quan trọng trước nhất vẫn là chọn được ngành yêu thích rồi tính toán tổ hợp có điểm thi tốt trong số các tổ hợp trường sử dụng để xét tuyển. Tránh tình trạng người học quá chú tâm tới việc sử dụng tổ hợp điểm cao để trúng tuyển vào ngành học chưa thực sự yêu thích.
Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, lưu ý: “Cách tiếp nhận hồ sơ học bạ cũng khác nhau tùy trường. Trong khi một số trường khá linh hoạt khi tiếp nhận hồ sơ và sẽ tự lọc tổ hợp môn điểm cao nhất khi xét tuyển từng ngành cho TS để tăng cơ hội trúng tuyển, thì ngược lại nhiều trường vẫn yêu cầu TS phải tự chọn tổ hợp cho mình”.
Lưu ý xét học bạ kèm tiêu chí khác
Bên cạnh hầu hết các trường chỉ xét dựa vào điểm học bạ thì có những trường đồng thời sử dụng điểm học bạ kết hợp thêm các tiêu chí khác.
Nhiều năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện ưu tiên xét tuyển với HS một số trường THPT cụ thể. Có thể xem đây là một hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT mà không cần qua kỳ thi tuyển sinh. Các trường xét đồng thời trên tổng điểm trung bình các môn theo tổ hợp xét tuyển 3 năm lớp 10, 11 và 12 kèm theo bài luận của TS, thư giới thiệu của giáo viên. Tuy nhiên ĐH này chỉ áp dụng với HS giỏi hoặc thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia các trường chuyên, năng khiếu và tốp trường có điểm cao kỳ thi tốt nghiệp trong 3 năm liên tục.
Từ năm 2020, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét tuyển HS giỏi và xét dựa vào quá trình học tập theo tổ hợp môn. Trong đó cả 2 hình thức đều có tiêu chí bắt buộc dựa vào điểm quá trình học tập với cách tính khác nhau. Năm nay, xét tuyển HS giỏi ngoài điều kiện cần là học lực giỏi, hạnh kiểm tốt còn xét điểm trung bình học lực các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12. Phương thức xét quá trình học tập theo tổ hợp môn có điều kiện cần là điểm trung bình các môn tổ hợp đăng ký từ 6,5 trở lên và xét tuyển dựa vào điểm trung bình các tổ hợp môn đó trong 5 học kỳ.
Tuy nhiên, một điểm khá đặc biệt trong cách xét của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là việc kết hợp các tiêu chí không bắt buộc để tính thành tổng điểm xét tuyển (gồm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và thành phố, HS trường chuyên/năng khiếu). Nếu TS có thêm điểm từ các tiêu chí này sẽ lợi thế hơn khi xét tổng điểm.
Trong khi đó cũng ưu tiên xét tuyển dựa vào học bạ nhưng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có những cách tính khác. Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, trường chia thành 4 nhóm TS riêng biệt được xét tuyển bằng hình thức này và ưu tiên theo thứ tự từ 1 – 4. Cụ thể gồm: nhóm 1 cho TS dự kỳ thi HS giỏi quốc tế, quốc gia và tỉnh/thành phố; nhóm 2 cho người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đánh giá năng lực quốc tế; nhóm 3 HS giỏi trường chuyên/năng khiếu; nhóm 4 HS khá trở lên, điểm 3 môn tổ hợp từ 20 trở lên, điểm trung bình môn tiếng Anh 6,5 trở lên (chỉ tính điểm 3 học kỳ).
Trước sự đa dạng của các trường công trong xét học bạ, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng TS cần đọc kỹ các quy định riêng của từng trường để không bị nhầm lẫn.
Học kinh tế, ngân hàng ra trường có thể làm việc được ở đâu?
Là một trong những nhóm ngành được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn. Vậy học khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật... ra trường bạn có thể làm việc được ở những nơi nào?
Ảnh minh họa
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: Theo thống kê, thì hiện nay cả nước ta có khoảng hơn 10.000 chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng và nó thu hút khoảng 300.000 lao động (theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Ngoài ra, theo ông Vũ, hiện chúng ta có nhu cầu nhân lực rất lớn về khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng ở các định chế tài chính khác như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, thị trường chứng khoán... Họ rất cần nhân sự ở khối ngành này như marketing, kinh doanh, quản lý tài chính, xuất nhập khẩu...
Tương tự, thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết về nhu cầu nhân lực đến năm 2030 riêng tại TP.HCM mỗi năm cần khoảng 300.000 nhân lực đã qua đào tạo. Trong đó, tỷ lệ cho nhóm ngành khoa học, kỹ thuật chiếm khoảng 33% và nhóm ngành kinh tế, luật, ngân hàng, tài chính cũng có con số tương ứng như vậy. Điều này cho chúng ta thấy nhu cầu về lao động của nhóm ngành này rất lớn, sinh viên tốt nghiệp có thể chọn làm việc ở nhiều môi trường khác nhau.
Nhiều trường đại học lên lịch học trực tuyến Từ ngày 16/2 đến 17/2, hàng loạt Trường đại học tại TPHCM đã ra thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học và chuyển sang học trực tuyến. Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu học trực tuyến từ 22/2/2021 Phần lớn các trường tiếp tục cho sinh viên của mình nghỉ đến 21/2 và học trực tuyến từ 22/2/2021....