Chọn nghề theo “nhãn, mác” dễ lệch sở trường
Hướng nghiệp đã trở thành hoạt động được học sinh quan tâm. Tuy nhiên, nhà trường cần đổi mới hình thức tổ chức để đạt được kết quả mong đợi. Định hướng sai, chọn nghề theo “nhãn, mác”… dễ khiến lệch sở trường.
Ông Kiều Văn Trung và các sinh viên Trường Đại học FPT. Ảnh: NVCC
Sân khấu hóa hoạt động hướng nghiệp
Mục đích chủ yếu của giáo dục hướng nghiệp là phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Giúp mỗi người hiểu yêu cầu của nghề, chuẩn bị cho họ sẵn sàng tâm lí đi vào những nghề mà xã hội đang cần nhân lực. Trên cơ sở đó đảm bảo sự phù hợp nghề cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc đổi mới cách thức tổ chức ở các nhà trường cũng cần chủ động thực hiện để đem lại kết quả mong đợi.
Ông Kiều Văn Trung – Phòng Đào tạo Trường Đại học FPT cho biết: “Giáo dục hướng nghiệp giúp cho học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội. Qua chương trình này, nhiều em hiểu thêm các nghề truyền thống của địa phương. Hoạt động này còn nhằm tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất.
Nếu chỉ tổ chức các buổi hướng nghiệp theo hình thức tọa đàm, nói chuyện… thì chưa thực sự giúp ích được cho các bạn trẻ. Cách thức này không còn mới mẻ nữa. Các em được tham gia với số lần không nhiều khiến chưa đủ thuyết phục để quyết định chọn ngành nghề cho mình. Vì thế, cần đổi mới hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Trong các nhà trường, cần liên kết chặt chẽ với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, các trường đại học để thực hiện. Đồng thời, để hướng nghiệp cho học sinh, cần có một quá trình rèn luyện chứ không chỉ một buổi gặp gỡ”.
Ông Kiều Văn Trung cho biết thêm, nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp tại các nhà trường, điều dễ nhận thấy nhất ở các bạn trẻ là thiếu kiến thức thực tế. Hiện, nhiều học sinh không xác định rõ năng lực bản thân và thiếu sự rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng mềm, tư duy khoa học khi xác định nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, tâm lý chọn nghề theo phong trào, chọn nghề “hot”, theo “nhãn, mác”, nghề dễ kiếm thu nhập… cũng khiến việc chọn nghề bị lệch lạc, không xuất phát từ lợi thế, năng lực, sở trường của học sinh.
Chính vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh cần chủ động trong việc trải nghiệm và tham gia các hoạt động thực tế nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp các em nắm rõ các quy trình sản xuất, công đoạn làm ra sản phẩm mà còn hiểu về giá trị lao động. Từ đó, mỗi người có hướng phấn đấu cho riêng mình.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những cơ hội trải nghiệm để hiểu rõ về ngành nghề, xu hướng của thị trường lao động đối với học sinh hiện nay chưa nhiều.
Ông Kiều Văn Trung cho rằng: Nếu ngày hội hướng nghiệp còn nặng về hình thức thì hiệu quả không cao. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh, các em có thể tự tìm hiểu những kiến thức nền về nghề nghiệp thay vì đến nghe tọa đàm.
Vì vậy, cần đổi mới chương trình, phương pháp hướng nghiệp theo hướng mở. Nên lồng ghép chương trình giáo dục nghề nghiệp vào các chương trình kỹ năng sống. Nhà trường cần mở rộng hiểu biết của học sinh về nghề nghiệp, thị trường lao động, tạo điều kiện cho người học tiếp cận, hiểu rõ về ngành nghề trong xã hội, ở từng địa phương… Từ đó học sinh mới hứng thú tìm hiểu, khám phá và lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp hơn. Thậm chí, có thể tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa để học sinh cảm thấy gần gũi, thiết thực hơn.
Tránh ngộ nhận khi chọn nghề
Hiện, tài liệu về công tác hướng nghiệp chưa nhiều, ngành nghề mới được cập nhật thường xuyên đòi hỏi giáo viên phải chuyên nghiệp, nắm bắt được xu thế chung của xã hội.
Bà Ngô Minh Thủy – Phó HT Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng: Cái khó chung của công tác hướng nghiệp hiện nay là thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, thiếu tài liệu tham khảo về xu hướng ngành nghề mới.
Hơn nữa, thời lượng dành cho chương trình giáo dục hướng nghiệp còn ít. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, chưa nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp cũng như cha mẹ học sinh.
Ở các trường đại học, không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo mà cần tiến hành nhiều hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên, kết nối các em với các nhà tuyển dụng. Đây là dịp để các sinh viên gặp gỡ, có thêm những kiến thức liên quan đến các cơ quan, doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Từ đó, các em có thể kiểm nghiệm năng lực của bản thân, trải nghiệm và định hướng cho nghề nghiệp trong tương lai.
Thông qua Ngày hội việc làm, nhiều sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba có thể tìm được cơ hội thực tập hoặc kiến tập. Sinh viên năm cuối có thể tìm được việc làm phù hợp và được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, thông qua Ngày hội việc làm, nhà trường và các cơ quan doanh nghiệp có cơ hội thắt chặt mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển của mỗi bên và của xã hội nói chung. Đồng thời đó cũng là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu hình ảnh và nội dung hoạt động của mình tới đông đảo các em sinh viên.
Bà Ngô Minh Thủy cũng cho biết thêm, cần đổi mới công tác tuyển sinh và chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ở mỗi người cũng cần xác định chọn nghề đúng năng lực bản thân. Bởi việc này có ý nghĩa đối với cả cuộc đời con người. Cần ưu tiên cho sở thích, sở trường nhưng cũng cần xác định sự khác biệt giữa sở thích và năng lực phù hợp để tránh ngộ nhận khi chọn lựa ngành nghề.
Hướng nghiệp cho học sinh từ cấp tiểu học mang tính chất giới thiệu các nghề
Về cơ bản học sinh học xong lớp 12 không biết mình muốn làm nghề gì trừ việc nghe người này, người kia bảo đi học nghề này được nhiều tiền, nghề kia dễ xin việc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định, học sinh được giáo dục hướng nghiệp từ bậc tiểu học.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, công tác hướng nghiệp có nhiệm vụ giúp học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số vị trí việc làm cơ bản trong xã hội;
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu và tham gia những công việc thường ngày tại gia đình, công đồng và nhà trường; Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân, Kỹ năng xã hội, Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, Phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Các hình thức triển khai gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp;
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu rõ hơn về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học; Tổ chức tư vấn của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Hiện dự thảo Thông tư đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý rộng rãi đến hết ngày 11/11.
Là thành viên tham gia công tác soạn thảo dự thảo, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Đông Phương - hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho hay, hiện nay, về cơ bản học sinh học xong lớp 12 không biết mình muốn làm nghề gì trừ việc nghe người này, người kia bảo đi học nghề này được nhiều tiền, nghề kia dễ xin việc.
Chính vì vậy vấn đề đặt ra là làm sao để có được chương trình hướng nghiệp hiệu quả. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia, dự thảo Thông tư đã đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp ngay từ bậc tiểu học.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (ảnh: NVCC)
Tiến sĩ Lê Đông Phương lý giải, đưa nội dung hướng nghiệp vào từ bậc tiểu học bởi lẽ học sinh hiện nay chỉ mới nhận thức và tạo được sự yêu thích một số nghề nhất định như bác sĩ, giáo viên hoặc nghề nào đó giống bố mẹ đang làm bởi đó là những hoạt động nghề nghiệp đầu tiên các em được tiếp xúc ngay từ khi còn nhỏ.
"Vì công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả nên trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.700 học sinh ở tất cả các tỉnh thành phố đã cho tôi kết quả là 90% học sinh lớp 12 cho rằng thích làm bác sĩ, giáo viên ", ông Phương nói.
Ngoài ra cũng theo vị này, theo khảo sát 2% học sinh Việt Nam bày tỏ muốn được làm ca sĩ. Đó là con số rất nhiều vì danh mục nghề của Tổng cục thống kê là có tới 900 nghề trong khi có những nghề mà nhiều em không biết tới.
Ngay như tại An Giang, có không ít học sinh không nhận thức được thú y, bảo vệ thực vật cũng là nghề mà đây lại là vùng lúa, vùng cá "Đó cũng là nghề hả thầy?".
Rõ ràng, Khi học sinh không được giới thiệu đầy đủ về các nghề nhưng cũng không hi vọng trong 1-2 năm cuối trung học cơ sở hay trung học phổ thông có thể mà tả được cho các em đủ 900 nghề vì vậy ban soạn thảo học kinh nghiệm thế giới là bắt đầu từ tiểu học là sẽ giới thiệu cho các em về nghề để các em có được những nhận thức đầy đủ về thế giới nghề nghiệp, còn khi các em lựa chọn ngành học là chuyện khác bởi khi học là ngành chứ không phải nghề (trừ trình độ sơ cấp hay trung cấp là đào tạo theo nghề).
"Một ngành học ra có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể nhận người học từ nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên hiện nay mặc định xã hội đang nhầm ngành và nghề là một ví như học sư phạm văn nhưng hoàn toàn có thể làm biên tập, làm nhà báo...", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương ước tính, mỗi học sinh lớp 12 chỉ có sự phân biệt được rõ ràng 20 nghề. Chính vì vậy việc dự thảo đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp vào từ bậc tiểu học với mong muốn giúp các em biết đến nhiều nghề hơn rồi từ đó ý thức được việc chọn nghề, chọn ngành để các em có sự lựa chọn tốt hơn thay vì thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong nhiều em vẫn chưa biết học ngành gì tiếp theo.
Nữ sinh đam mê với dự án giáo dục hướng nghiệp Thấy may mắn khi sớm nhận ra mình thích ngành gì, Mai Linh, 21 tuổi, thành lập dự án giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, ấp ủ mục tiêu khởi nghiệp. Cuối tháng 7, sau khi hoàn thành năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Vũ Nguyễn Mai Linh, sinh viên ngành Quan hệ công chúng, không nghỉ ngơi...