Chọn ngành vừa sức
Tại buổi tư vấn thứ hai trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2013″ của Báo Người Lao Động, thí sinh quan tâm rất cụ thể về ngành học dễ đậu và cơ hội có việc làm
Với sự tham gia của chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp đến từ các trường ĐH đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Tuyển sinh ĐH – CĐ 2013: Cơ hội nào cho thí sinh? do Báo Người Lao Động phối hợp với Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (HUTECH) tổ chức chiều 24-1 đã thu hút hàng trăm câu hỏi của thí sinh (TS), trong đó hơn 150 câu hỏi đã được giải đáp.
Ngành nào nhiều cơ hội trúng tuyển?
Rất nhiều TS đặt câu hỏi về những ngành có nhiều cơ hội trúng tuyển. TS Trần Minh Vy (vyminh@…) hỏi: “Em học giỏi khối B, nên thi vào ngành nào dễ trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM?”. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng có 2 ngành của trường thi khối B là sư phạm sinh học và hóa học, trong đó ngành hóa học dễ trúng tuyển hơn ngành sinh học.
Một TS quan tâm đến ngành bác sĩ đa khoa và hỏi ngành này cần có tố chất, năng khiếu gì? Học lực thế nào có thể đậu vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch? Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, phó trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho rằng bác sĩ đa khoa là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp đòi hỏi sức khỏe, trình độ chuyên môn, thẩm mỹ, nghệ thuật, lòng thương người…
Ban tư vấn tuyển sinh trả lời trực tuyến. Ảnh: TẤN THẠNH
Video đang HOT
Muốn trúng tuyển vào ngành đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TS phải có học lực từ khá, giỏi trở lên (điểm chuẩn trúng tuyển năm 2011 là 22 điểm, năm 2012 là 21,5). Tuy nhiên, với học lực trung bình – khá (6-6,9 điểm/môn thi) thì TS có cơ hội vào ngành điều dưỡng – kỹ thuật y học vì ngành này điểm chuẩn trúng tuyển năm 2011 là 18 điểm, năm 2012 là 14,5.
TS Nguyên An (annguyen@…) hỏi: “Khả năng của em thi được khoảng 17 điểm khối C. Vậy nên dự thi vào ngành nào của Trường ĐH Luật TPHCM?”. Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, giải đáp: Trường ĐH Luật TPHCM tuyển sinh 3 ngành là luật, quản trị – luật và ngành quản trị kinh doanh, TS dự thi khối C do đó chỉ có thể đăng ký dự thi vào ngành luật. Điểm chuẩn của ngành luật năm 2012 là 19.
Băn khoăn đầu ra
Không chỉ quan tâm đến điểm đầu vào các ngành học, TS cũng băn khoăn đến cơ hội việc làm sau khi ra trường. TS Mai Thanh (Đồng Nai) hỏi: “Hiện nay các ngành xã hội khó xin việc phải không? Em thi khối C (điểm tổng kết các môn khối này trên 7) mà không biết thi vào ngành nào dễ xin việc?”.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, người giỏi trong lĩnh vực xã hội, nhân văn sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến. Các ngành xã hội thường thi tuyển khối C, D1. Với sức học trên, TS có nhiều cơ hội lựa chọn vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Luật TPHCM…
TS Phương Chi (phuongchi@…) đặt câu hỏi khó cho ban tư vấn: “Gần đây, giáo viên mới ra trường xin được việc làm tỉ lệ bao nhiêu? Giáo viên mới ra trường tự tìm kiếm nhiệm sở hay do Sở GD-ĐT TPHCM phân công và khu vực nội thành còn có nhu cầu về giáo viên toán nữa không? Ngành nào các trường còn thiếu giáo viên?”.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm cho biết công việc tuyển dụng giáo viên một số bộ môn có nơi thừa, nơi thiếu. “Theo tôi được biết, việc tuyển dụng giáo viên còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kết quả tốt nghiệp loại nào, xin tuyển về quận, huyện nào… Hiện nay, thiếu giáo viên nhiều nhất là ngành giáo dục mầm nom, giáo dục tiểu học, sư phạm tin học, quốc phòng – an ninh. Sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí, khi ra trường được phân công về các sở GD-ĐT, căn cứ vào nhu cầu, các sở sẽ phân công cụ thể” – ông Lâm nói.
Theo Lao động
Ngành học của nam bắt đầu tuyển nữ
Học sinh khối 12 trên cả nước đang đứng trước những băn khoăn về lựa chọn ngành nghề cho bản thân. Vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn, phụ huynh đóng vai trò là người tư vấn để giúp con cái chọn ngành phù hợp.
Các nhà tư vấn tuyển sinh cho biết nhiều ngành học lâu nay chỉ có nam sinh đăng ký dự thi như: Kỹ sư cơ khí, cơ khí ô tô, kỹ thuật... thì một vài năm trở lại đây đã có thí sinh nữ đăng ký dự thi. PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay: Các ngành kỹ thuật như cơ khí ô tô, chế tạo máy... rất ít nữ theo học. Mỗi khóa chỉ khoảng 5 đến 6 nữ sinh viên mà thôi.
Hiện nay, kỹ sư không phải làm những công việc chân tay nữa mà làm những công việc điều khiển kỹ thuật cao, ngồi trong văn phòng để làm việc. Do đó, ngành kỹ thuật đang xóa đi ranh giới giữa nam và nữ. Nữ học kỹ thuật thì cơ hội việc làm rất cao. Tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, những em nữ học về ngành kỹ thuật ôtô được các công ty đến đặt hàng rất nhiều. Bởi hiện nay lĩnh vực dịch vụ ôtô đang cần rất nhiều nhân lực nữ kỹ sư.
TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho biết thêm: Nếu nữ học ngành kỹ thuật cũng có nhiều ưu thế. Với những ngành khô khan như Cầu đường, những em nữ có cơ hội rất lớn trong tuyển dụng. Khi đi thực tập các bạn nữ được ưu tiên và xin việc rất dễ. Trường kỹ thuật cũng có nhiều ngành phù hợp với nữ như kinh tế xây dựng, kinh tế ôtô... Những ngành này đào tạo chuyên về quản trị dự án nên cơ hội việc làm của các em rất tốt.
Thực tế từ các mùa tuyển sinh năm trước, số thí sinh đăng ký vào các ngành khối kinh tế, y dược khá đông. Trong khi đó, khối ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư rất khó tuyển. Bởi nhiều người quan niệm rằng: Học nông lâm ngư là phải lên rừng xuống biển.
PGS.TS. Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM giải thích: Những ai có quan niệm như thế là chưa đúng. Học các ngành khối nông lâm ngư vẫn làm việc ở thành phố bình thường, thậm chí là thu nhập cao.
PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng (bìa phải) nói rằng: Học các ngành khối nông lâm ngư không phải bao giờ cũng lên rừng xuống biển.
Mỗi phụ huynh là một nhà tư vấn
TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TP HCM nói: "Hiện nay, nhiều phụ huynh thay vì tư vấn cho con thì lại ép con chọn ngành nghề theo sở thích của mình hoặc theo truyền thống gia đình. Đừng nên ép con chọn ngành khi năng lực của con không đáp ứng được với ngành nghề đó. Hãy tôn trọng sự lựa chọn ngành nghề của con mình vì đó là ngành nghề sẽ nuôi sống con chúng ta sau này. Chúng ta chỉ là những người tư vấn cho các cháu mà thôi".
Hiện nay, nhiều phụ huynh phân vân không biết định hướng cho con mình theo ngành nghề nào, bởi bản thân các học sinh không có những năng khiếu đặc biệt, thậm chí cũng không biết mình thích ngành nghề nào.
TS. Đinh Phương Duy cho rằng, đây là một thực tế của xã hội. Tuy nhiên, phụ huynh có thể biết được những điểm mạnh, sở thích của con em mình thông qua sinh hoạt, công việc, học tập hằng ngày. Vấn đề là chúng ta phải gần gũi với con em mình và tạo cơ hội để các cháu bộc lộ nguyện vọng sau này muốn làm nghề gì.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ: Phụ huynh hãy để cho các em nói ra những điều các em mong muốn và đưa ra hướng chọn ngành cùng các em. Cần phải hiểu rõ là cùng một ngành học nhưng vị trí việc làm rất nhiều nên không nên bó buộc các em vào một ngành nào đó.
Ngày 8-1, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tổ chức Ngày hội hướng nghiệp - Ngày mở lần 5 năm 2012. Ngày hội đã thu hút khoảng 4.500 học sinh của 50 trường THPT ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Kom Tum, Khánh Hòa... tham gia. Tham gia ngày hội, các học sinh được tham quan các cơ sở thực hành, phòng thí nghiệm, nơi học tập... của 17 đơn vị trong nhà trường. Tại đây, các học sinh cũng được các giảng viên của các ngành, các khoa thuyết minh về các ngành học, giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề để định hướng chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Theo TPO
Khai mạc chương trình "Tư vấn mùa thi" năm 2013 Ngày 20.1, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013 (do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức) đã khai mạc tại Trường THPT Marie Curie. Điểm đặc biệt nhất của chương trình khai mạc là buổi tư vấn diễn ra chỉ cách Hội nghị tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đúng hai ngày. Vì vậy, một số điểm mới dự...