Choáng váng vì giá bún bò, bánh mì… ‘nhảy múa’ theo giá heo
Giá thịt heo liên tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng lo lắng.
Đáng lo ngại, giá thịt heo tăng cao đẩy giá nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến như chả lụa, giò thủ, chà bông, lạp xưởng… tăng sốc trong bối cảnh mùa tết đang đến gần.
Nhiều mặt hàng leo thang theo giá thịt heo
Theo khảo sát của PV, hiện nay giá heo hơi tại một số nơi đã tăng lên mức gần 80.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Còn tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, giá thịt heo bán lẻ tăng trung bình 25.000-40.000 đồng/kg tùy loại so với cách nay khoảng vài tháng. Ví dụ, sườn non đang được bán với giá kỷ lục 180.000-200.000 đồng/kg.
Bà Minh Tâm, chủ sạp thịt heo ở chợ Gò Vấp , TP.HCM, than thở giá thịt heo tăng liên tục, ngày hôm sau tăng cao hơn ngày hôm trước. “Tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, giá thịt heo đã tăng 20.000-30.000 đồng/kg. Thông thường giá thịt heo chỉ tăng cao vào thời điểm cận tết nhưng cũng không ở mức đắt đỏ như hiện nay. Không chỉ vậy, thịt heo có dấu hiệu khan hiếm, nhiều khi không có thịt để bán” – bà Tâm nói.
Đáng chú ý, giá thịt heo tăng cao mỗi ngày khiến các mặt hàng chế biến từ thịt heo như chả lụa, chà bông, lạp xưởng… đều tăng 20.000-30.000 đồng/kg trong thời gian gần đây, lên mức bình quân 150.000-240.000 đồng/kg tùy loại. Chẳng hạn, hiện chả lụa tùy chất lượng dao động 160.000-200.000 đồng/kg, lạp xưởng 150.000 đồng/kg, dăm bông 180.000-200.000 đồng/kg.
Nhiều người bán thừa nhận chưa bao giờ thấy giá thực phẩm chế biến tăng cao như thời điểm hiện nay. Ông Hùng, tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất, thừa nhận mới tăng giá bán chả lụa, chà bông, lạp xưởng thêm 20.000-25.000 đồng/kg cách đây một tuần. “Các mặt hàng này đều phải tăng theo giá thịt heo. Tôi chưa biết giá các mặt hàng này sẽ tăng thêm bao nhiêu vì mỗi ngày mỗi giá nên rất khó đoán. Chỉ sợ đến tết không có chả mà bán do thiếu heo” – ông Hùng lo lắng.
Các quán ăn, nhà hàng cũng tăng giá khá mạnh với các mặt hàng sử dụng nguyên liệu thịt heo. Ví dụ, tô bún giò heo bán ở vỉa hè tăng thêm 5.000 đồng, lên 30.000 đồng; dĩa cơm tấm cũng tăng thêm 2.000-7.000 đồng, lên mức 30.000-32.000 đồng.
Video đang HOT
Chủ một cửa hàng bánh mì ở quận 3, TP.HCM nói do giá chả tăng sốc nên cả tháng nay đành “chịu trận”, không dám tăng giá bánh mì. Nhưng nay hết chịu nổi nên đã “xin” khách hàng tăng giá thêm 3.000 đồng, lên mức 20.000 đồng/ổ. “Khách ai cũng hiểu hiện giờ thịt heo thiếu, giá tăng cao chứ không phải cửa hàng tự ý tăng giá nên họ cũng thông cảm. Tuy vậy, một số quán ăn không dám tăng giá vì sợ mất khách, thay vào đó giảm lượng thức ăn đi một chút” – chủ cửa hàng này cho biết.
Xúc xích, chả giò… tăng theo giá thịt heo. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhập khẩu thịt heo, được không?
Một số công ty ngành chăn nuôi dự báo dịp tết tới đây mặt hàng thịt heo có nguy cơ thiếu, rất đáng lo ngại. Vì từ tháng 9 đến nay giá thịt heo biến động mạnh, buộc họ cũng phải tăng giá thực phẩm chế biến từ thịt heo. Điển hình như Công ty Vissan điều chỉnh một số mặt hàng thực phẩm chế biến, như chả lụa tăng 10% từ ngày 15-11.
Vậy nhà kinh doanh làm gì trước tình hình nguồn heo trong nước có dấu hiệu khan hiếm và giá tăng phi mã? Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan , cho biết: Công ty đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại và nhập thịt heo để tăng nguồn cung cấp cho thị trường. Công ty cũng đã có phương án dự phòng 2.000 tấn thịt heo đông lạnh.
“Từ nay đến tết, dự báo nguồn cung khan hiếm, giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng dẫn đến thịt nóng (thịt tươi ngay sau giết mổ) sẽ thiếu. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã dự trữ thịt heo đông lạnh, khi thiếu chúng tôi sẽ cắt thịt heo đông lạnh đóng gói thành miếng 2-3 kg đưa ra thị trường bù đắp lại nguồn thịt heo thiếu” – ông Dũng nói.
Đại diện một nhà nhập khẩu thực phẩm cho hay thời điểm này giá heo ở các nước tăng khá cao nhưng nếu tính cả thuế, phí… khi về Việt Nam thì vẫn thấp hơn 20%-30% trong nước. Tuy vậy, cái khó là nguồn cung thịt heo từ nước ngoài cũng khan hiếm, không có hàng để nhập về vì dịch tả heo châu Phi không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bị thiệt hại lớn.
“Vì vậy, công ty đã lên kế hoạch nhập hơn 3.000 tấn thịt các loại (thịt bò, thịt gà…) phục vụ mùa tết và trữ hàng bán sau tết. Hiện tại giá thịt bò các loại nhập về Việt Nam tăng 40.000-65.000 đồng/kg. Ví dụ trước đây thịt bò nhập về giá chỉ 85.000-120.000/kg, nay tăng lên 125.000-200.000/kg. Dù tăng nhưng thịt bò ngoại nhập vẫn rẻ hơn so với giá thịt heo trong nước. Đây là hiện tượng lạ” – vị đại diện công ty cho hay.
Ông Phạm Thành Kiên , Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết mặt hàng thịt heo đang được sở theo dõi sát để chủ động chuẩn bị nguồn hàng. “Thành phố cũng có kế hoạch tăng dự trữ những mặt hàng thay thế thịt heo và triển khai kích cầu tiêu dùng những mặt hàng thay thế thịt heo bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá để đảm bảo ổn định thị trường” – ông Kiên khẳng định.
Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
Giá lợn nhảy múa như chứng khoán
Trong 6 ngày trở lại đây, giá lợn hơi tại Việt Nam mỗi ngày đều tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, không khác gì việc nhảy múa tăng giá của một mã cổ phiếu nóng.
Chiều ngày 8/10, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước tiếp tục công bố điều chỉnh giá lợn hơi theo hướng tăng giá ngày thứ 6 liên tiếp. Theo đó, Công ty C.P miền Bắc thông báo giá bán lợn ngày 9/10 tăng tiếp 1.500 đồng/kg lên mức 59.500 đồng/kg.
Bộ NN-PTNT cho biết sẽ không để giá lợn trong nước tăng quá mức như Trung Quốc
Tương tự, Công ty C.P miền Nam thông báo giá heo ngày 9/10 cũng tăng từ 1.000 - 1.500 tùy từng tỉnh, đưa giá heo tại khu vực miền Nam hầu hết đều trên mức giá 51.000 đồng/kg, một số khu vực dịch đã qua lâu giá lên tới 53.000 - 54.000 đồng.
Cũng tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng giá lợn hơi của Tập đoàn Dabaco mở cửa chuồng ngày 9/10 đã thiết lập đỉnh mới ở mức 62.500 - 63.000 đồng/kg, mức giá cao nhất 5 năm trở lại đây, chỉ còn cách mức giá kỷ lục năm 2011 là 71.000 đồng/kg.
Trong khi đó, hiện giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc đã đạt 100.000 đồng/kg. Do đó, có thời điểm, giá lợn hơi một số tỉnh phía Bắc có biên giới giáp Trung Quốc của Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... bán được tới 70.000 đồng/kg.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, về tổng sản lượng thịt các loại cân đối đến hết năm nay Việt Nam sẽ không thiếu, nhưng thịt heo sẽ bị sụt giảm do việc tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi thời gian vừa qua.
Để bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, với những khu vực trại nuôi lớn còn an toàn, chưa có dịch khuyến khích tăng đàn. Những vùng có đã có dịch, nhưng nay kiểm soát an toàn sẽ cho tái đàn và đã triển khai trên thực tiễn.
"Để bù nguồn thịt lợn bị thiếu, sẽ tăng nguồn từ thịt gà, bò, hải sản, Bộ NN-PTNT cũng đã tính tới phương án tăng nguồn nhập khẩu thịt. Tuy nhiên, việc nhập khẩu ngoài cân đối nhu cầu trong nước còn có quan hệ thương mại các quốc gia với nhau. Nhưng quan điểm là Bộ NN-PTNT sẽ kiểm soát để giá thịt lợn không tăng quá mức như Trung Quốc" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Theo nông nghiệp việt nam
Điểm danh các thương hiệu đồ ăn Việt đang "làm mưa làm gió" tại đất Hàn, dù giá cả thì cũng "giật mình" Sức hấp dẫn từ các món Việt đang lan tỏa đến nước bạn như một tin mừng đối với nền ẩm thực của nước nhà. Và đối với những ai đang du lịch hay sinh sống tại nước bạn, có thể thưởng thức các món ăn này với giá cả phù hợp ví tiền. 1. Bánh mì Nhắc đến Bánh mì, chúng ta...