Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh: Băn khoăn tuyển dụng giáo viên
Thời điểm Thông tư 50/2020 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, phóng viên Báo GD&TĐ đã ghi nhận tại một số trường Mầm non ở tỉnh Thanh Hóa, cho thấy nhiều trường vẫn còn băn khoăn một số vấn đề.
Giờ học làm quen với tiếng Anh ở Trường Mầm non tư thục Thanh Xuân Nam ( TP Thanh Hóa).
Thông tư 50/2020 của Bộ GD&ĐT cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh với thời lượng 35 tuần/năm. Đây là Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện.
Bà Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lam Sơn (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa), cho biết: Mặc dù nhà trường có 410 trẻ, nhưng mới chỉ có khoảng 90/ 195 trẻ ở độ tuổi từ 5- 6 tuổi tham gia giờ học ngoại khóa tiếng Anh.
“Thời gian qua, được sự đồng ý của phụ huynh học sinh, nhà trường cũng mời giáo viên ở trung tâm ngoại ngữ về hỗ trợ cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Mỗi tuần có 1 giáo viên đến dạy cho các con, với thời lượng 2 tiết học/tuần. Trong số 195 trẻ ở nhóm lớn, thì chỉ có 90 bé tham gia giờ học ngoại khóa tiếng Anh”, bà Hòa cho hay.
Cũng theo bà Hòa, hiện nay Thông tư 50/2020 có quy định cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, là một điều kiện tốt. Nếu giảng dạy tiếng Anh trong trường, sẽ giúp trẻ vừa học vừa chơi, không bị áp lực học tập. Giúp các con hứng thú và tiếp nhận tiếng Anh một cách tự nhiên.
Trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở Trường Mầm non tư thục Thanh Xuân Nam (TP Thanh Hóa).
Video đang HOT
“Tuy nhiên, băn khoăn nhất của nhà trường là vấn đề tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh như thế nào? Khi được tuyển giáo viên dạy tiếng Anh cho các con, thì nguồn kinh phí để chi trả lương ra sao?
Nhà nước có hỗ trợ lương, hay kêu gọi phụ huynh đóng góp? Hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cũng đang chung tâm trạng này, vì chưa trường nào có giáo viên biên chế để dạy tiếng Anh”, bà Hòa nêu quan điểm.
Còn bà Lê Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thọ B (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), cho biết: Nhà trường có 220 trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau, nhưng hiện tại cũng mới chỉ có khoảng 60 trẻ được cha mẹ đăng ký cho con tham gia giờ ngoại khóa tiếng Anh.
Chủ yếu là các con ở độ tuổi 5 và 6 tham gia học ngoại khóa, thời lượng mỗi tuần 2 tiết. Các con được giáo viên của Trung tâm ngoại ngữ dạy cách làm quen với tiếng Anh.
Cô và trò Trường Mầm non Đông Thọ B, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) trong giờ học.
Mỗi tháng, bé nào tham gia giờ học ngoại khóa thì cha mẹ thỏa thuận và đóng góp kinh phí cho Trung tâm ngoại ngữ trên tinh thần tự nguyện.
Còn nhà trường chỉ tạo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, bàn ghế, ti vi… cho các con. Giáo viên của Trung tâm ngoại ngữ phải mang theo đồ dùng, thiết bị dạy học đến phục vụ công tác giảng dạy.
“Khi thực hiện được Chương trình này, sẽ giúp các con được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh. Hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh.
Chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Tạo cơ hội cho các con tiếp xúc các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn của cấp trên”, bà Lan Anh chia sẻ.
Cô và trò (điểm lẻ bản Ón) Trường Mầm non Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Theo tìm hiểu của GD&TĐ, mặc dù thời điểm Thông tư 50/2020 có hiệu lực từ hôm nay (31/3/2021), nhưng các trường mầm non ở TP Thanh Hóa vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn của cấp trên để thực hiện.
Do đó, hầu hết các nhà trường vẫn “dè dặt” trong vấn đề thực hiện như thế nào. Bởi lẽ, “Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ”.
Ngoài khu vực thành phố, miền xuôi và những trường có điều kiện, thì nhiều trường mầm non ở các huyện miền núi Thanh Hóa, cũng đang mong ước có điều kiện để thực hiện Thông tư 50/2020.
Học sinh ở điểm lẻ Cha Lung, Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) chưa có điều kiện để làm quen với tiếng Anh.
Bà Ngân Thị Thướng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh (xã Tam Thanh, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa), ao ước:
“Nếu trường chúng tôi mà có đủ điều kiện, chắc chắn khi Thông tư 50/2020 có hiệu lực, chúng tôi sẽ được thực hiện ngay. Thế nhưng, điều kiện ở địa phương chúng tôi đang rất khó khăn, nên việc giúp trẻ làm quen với tiếng Anh là chưa thể.
Bởi, giáo viên ngoai ngữ của các cấp học khác đang còn thiếu, thì giáo viên tiếng Anh cho bậc mầm non chưa thể có được. Chính vì thế, trẻ mầm non ở miền núi thua thiệt hơn miền xuôi và vùng thành phố rất nhiều”.
Bộ GD-ĐT: Sẽ triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo?
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư Ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Ảnh minh họa
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Cấu trúc của Chương trình gồm quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ.
Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Theo đó, mục tiêu của chương trình sau khi hoàn thành, trẻ mầm non có thể nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; Nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; Nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản; Nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản; Trả lời được, kể lại được một số tình tiết của truyện theo tranh; Nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
Đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; Tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; Có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh; Mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp./.
Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh: Cần chuẩn bị nguồn giáo viên Theo giáo viên và phụ huynh, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là chủ trương thiết thực và kịp thời. Thực tế hiện nay, nhiều trẻ đã được phụ huynh chủ động cho tiếp cận với tiếng Anh từ sớm. Nhà trường và phụ huynh ủng hộ việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Thiết thực...