Chính quy hay tại chức: “Bình đẳng” hay không là ở người học!
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua có nội dung không phân biệt giá trị văn bằng chính quy hay tại chức.
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến trong xã hội, trong đó có ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít phản biện. Quan điểm nào cũng có cái đúng, vì sao chủ trương bình đẳng với hai hình thức đào tạo đại học này lại nhận được nhiều ý kiến phản biện như vậy?
Học chính quy hay tại chức chỉ là hình thức còn chất lượng là thống nhất
Giáo dục đại học với chức năng đào tạo, trang bị kĩ năng chuyên môn cho người học, đảm bảo để người lao động thích ứng tốt với công việc. Trước thế nào thì nay vẫn vậy, có khác chăng yêu cầu chất lượng đào tạo trong xã hội ngày càng cao hơn. Đào tạo đại học không chỉ đáp ứng đủ kỹ năng chuyên môn cho người học nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, cũng như yêu cầu phát triển bản thân cho mỗi người.
Ngày nay, khi cả nước đang chuyển biến thành xã hội học tập, giáo dục đại học đã và đang đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học, bên cạnh hình thức đào tạo chính quy tập trung thì có các hình thức đào tạo khác như: Đào tạo từ xa, đào tạo vừa làm vừa học (tại chức). Về cơ bản, không có sự khác biệt về mục tiêu và nội dung, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, hình thức đào tạo có sự khác biệt. Đào tạo phi chính quy cho phép người học được lựa chọn hình thức linh hoạt, phù hợp nhất với bản thân mình. Và đây cũng chính là căn nguyên cho những ý kiến về chất lượng của loại hình đào tạo này.
Không thể phủ nhận đào tạo phi chính quy cũng có những mặt trái khiến dư luận xã hội hoài nghi về chất lượng so với đào tạo chính quy. Nhất là sự “bình đẳng” trong công nhận, khi bằng cấp vẫn là một “tiêu chí cứng” trong tuyển dụng nhân sự thì việc này khó tránh khỏi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu cho rằng những người tốt nghiệp loại hình đào tạo phi chính quy đều thua kém chính quy thì quá oan uổng. Thực tế là cũng không ít người do điều kiện, hoàn cảnh phải theo học từ xa, tại chức, nhưng năng lực chuyên môn của họ rất giỏi. Ngược lại cũng không ít cử nhân, kỹ sư bằng cấp chính quy, nhưng khi tiếp cận với công việc, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại mới thích ứng được.
PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội – cho rằng: Thực tế đào tạo 25 năm tại Viện Đại học Mở Hà Nội với chức năng đào tạo chính quy, mở, từ xa cho thấy rất nhiều người do điều kiện, hoàn cảnh cần thay đổi công việc nên họ phải học thêm một bằng đại học chuyên ngành mới. Những người này, do có kinh nghiệm làm việc nên họ nắm bắt kiến thức tốt, cùng với ý thức về việc học nghiêm túc nên kết quả đào tạo cao. Tuy nhiên cũng không phải không có người chỉ học để lấy bằng, học đối phó; chất lượng đào tạo đảm bảo hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở việc quản lý của các nhà trường.
Không thể phủ nhận một điều là hiện các cơ sở giáo dục đại học đang mở ngành và đào tạo theo thị hiếu người học. Đào tạo phi chính quy đang đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho các trường. Thế nên, việc có được nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, mở được nhiều lớp và thu hút được nhiều học viên nhất luôn là mong muốn của nhiều trường đại học. Việc này cũng là bình thường, tuy nhiên thực tế đã và đang minh chứng chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý đào tạo và trực tiếp là người học. Thế nên, các cơ sở đào tạo quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo và kiểm soát kĩ đầu ra hiệu quả, thì chất lượng đào tạo không chính quy cũng không thua kém chính quy.
Video đang HOT
Mặt khác cũng cần phải kể đến trách nhiệm của người học, nếu muốn xã hội không phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay vừa học vừa làm thì người học cũng phải ý thức và trách nhiệm với chính việc học của mình, học bằng nỗ lực và năng lực thật chứ không phải là đối phó cho có bằng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần siết chặt việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo tại chức; nghiêm khắc xử lý các cơ sở đào tạo đại học thực hiện không nghiêm túc. Có như vậy xã hội, người học mới không ý kiến về phân biệt đối xử bằng cấp chính quy và tại chức.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Không phân biệt giá trị văn bằng tại chức, chính qui gây nhiều tranh cãi
Không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính qui hay tại chức nhưng vẫn phải ghi loại hình đào tạo trên văn bằng.
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%).
Một trong những vấn đề được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và việc cấp văn bằng, chứng chỉ ĐH.
Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau (ảnh minh họa)
Theo đó, Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Như vậy, văn bằng hệ đào tạo ĐH chính quy so với các hệ đào tạo Tại chức, văng bằng 2, liên thông, từ xa... có giá trị như nhau.
Mặc dù Quốc hội đã thông qua quy định như trên nhưng trên thực tế xã hội vẫn còn những lo lắng, hoài nghi về việc tuyển sinh, đào tạo và chuẩn "đầu ra" giữa những người học ở các loại hình đào tạo văn bằng.
Vẫn phải ghi rõ loại hình đào tạo trên văn bằng ĐH
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), công tác tại trường ĐH Hà Tĩnh cho rằng, Luật Giáo dục ĐH được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục của các nước trên thế giới nhưng cần xét theo yếu tố, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo chính quy, tại chức, văn bằng 2, liên thông đã tạo điều kiện cho tất cả sinh viên tốt nghiệp có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo ĐH chính quy và các hệ đào tạo khác chưa có sự đồng nhất về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng 1 chương trình, cùng giảng viên...
Chất lượng tuyển sinh "đầu vào", đào tạo giữa các hệ đào tạo ĐH đang có sự khác nhau rõ nét. Nhiều sinh viên học hệ đào tạo Tại chức, từ xa, liên thông có ý thức học tập kém hơn so với sinh viên hệ ĐH chính quy.
Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật. Điều quan trọng là các trường ĐH phải có trách nhiệm hơn, không đào tạo dàn trải; không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự chọn lọc. Trong quá trình đào tạo, các trường cần có sự đánh giá nghiêm túc nguồn tuyển sinh "đầu vào" và "đầu ra" để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đại biểu Quỳnh Thơ cũng hy vọng, khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT nên ghi rõ các hình thức đào tạo trên văn bằng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động biết được là họ đang tiếp cận với lao động như thế nào. Đây là cũng là yếu tố để xem xét chất lượng của lao động trong quá trình làm việc cũng như cân nhắc tới chuyện tinh giản biên chế.
Giảm dần, thu hẹp hệ đào tạo không chính quy
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang), giảng viên ĐH Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang có sự thay đổi trong tuyển dụng lao động dựa trên năng lực chuyên môn, kỹ năng của nhân viên, chứ không dựa nhiều vào bằng cấp, loại hình đào tạo. Vì vậy, trách nhiệm của người học là phải nâng cao kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết
Tuy nhiên, xã hội vẫn có sự lo lắng về chất lượng đào tạo của hệ đào tạo ĐH chính quy với các hệ đào tạo khác. Vì vậy, Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo thì ngành Giáo dục cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động tuyển sinh, giảng dạy, thi cử của các loại hình này để có sự uốn nắn kịp thời.
Theo đại biểu Ánh Tuyết, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, ngành Giáo dục cần cân nhắc cho các trường ĐH mở rộng hệ đào tạo Tại chức, liên thông, văn bằng 2, từ xa...
Thay vì mở rộng các hệ đào tạo trên thì Bộ GD-ĐT nên cho các trường mở rộng đào tạo hệ chính quy; giảm dần, thu hẹp hệ đào tạo không chính quy./.
Theo vov
Trung tâm học tập cộng đồng: Nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ. Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cắm sâu trên các địa phương cơ sở, người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên để TTHTCĐ phát huy được đúng bản chất như mong muốn, có lẽ bài toán khó này sẽ còn trường kì....