Chiến sự ác liệt tại hai thành phố lớn nhất Syria
Những cuộc giao tranh dữ dội nổ ra tại thủ đô Damascus và thành phố Aleppo, hai đô thị lớn nhất tại Syria, khiến hàng chục nghìn người dân tháo chạy ra khỏi đất nước.
Các chiến binh chống chính phủ Syria tập luyện tại một nơi gần thành phố Aleppo hôm 19/7. Ảnh: AFP.
Chiến sự tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria và được coi là chỗ dựa tinh thần của chính quyền Syria trong làn sóng nổi dậy kéo dài 17 tháng, bắt đầu từ hôm 20/7, BBC cho biết.
“Nhiều tiếng nổ lớn vang lên và nhưng cuộc đấu súng kéo dài vài giờ. Cuối cùng làn sóng nổi dậy đã tràn tới Aleppo”, Mohammad Saeed, một nhà hoạt động xã hội tại Aleppo, nói với AP.
Video đang HOT
Saeed nói rằng các tay súng của Quân đội Syria Tự do (FSA) xâm nhập Aleppo từ vùng nông thôn. Phần lớn các cuộc giao tranh tập trung tại quận Salaheddine trong thành phố.
Hiện tại quân đội chính phủ Syria cũng đang phản công toàn diện nhằm đẩy phe đối lập ra khỏi thủ đô Damascus. Hai bên đã giao tranh tại đây trong một tuần qua. Trong lúc chiến sự tiếp diễn, phe đối lập ám sát ba quan chức cấp cao của chính phủ Syria – gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Quốc phòng, giám đốc văn phòng kiểm soát khủng hoảng – bằng một vụ đánh bom tự sát hôm 18/7. Đây là tổn thất nhân mạng nặng nề nhất đối với Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi làn sóng nổi dậy bùng phát.
Một binh sĩ Syria tuần tra tại một quận mà quân chính phủ vừa giành lại từ phe đối lập hôm 21/7. Ảnh: AFP.
Damascus và Aleppo, lần lượt là đô thị lớn nhất và lớn thứ hai tại Syria, là nơi sinh sống của những tầng lớp có quan hệ thân cận với Tổng thống Assad, thương nhân và các cộng đồng thiểu số ủng hộ chính quyền đương nhiệm tại Syria. Giới quan sát nhận định rằng, phe đối lập tấn công vào hai thành phố lớn nhất cho thấy thực lực của họ đã tăng đáng kể.
Người phát ngôn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn thông báo hàng chục nghìn người Syria tiếp tục chạy sang các nước như Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan trong tuần vừa rồi. Chỉ riêng trong hai ngày 19 và 20/7, số người chạy sang Libăng có thể lên tới 30.000.
Nhiều nước cũng triệu hồi các nhân viên ngoại giao và kêu gọi công dân rời khỏi Syria do lo ngại xung đột có thể leo thang thành nội chiến toàn diện.
Mới đây giới truyền thông đưa tin ông Alexander Orlov, đại sứ Nga tại Pháp, nói với Đài phát thanh Quốc tế Pháp rằng Tổng thống Syria sẵn sàng từ chức “theo cách văn minh nhất” để duy trì hòa bình cho đất nước.
Trong một tuyên bố hôm 20/7, Bộ trưởng Thông tin Syria khẳng định nội dung phỏng vấn đại sứ Nga tại Pháp đã bị thay đổi và ông Orlov không hề nói Tổng thống Assad sẵn sàng từ bỏ quyền lực, China Daily đưa tin.
Hôm 4/7, Voice of Russia cũng đưa tin tổng thống Assad nói ông sẵn sàng từ chức khi đối thoại với một tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nếu sự ra đi của tổng thống nằm trong lợi ích của Syria thì tổng thống nên ra đi. Đó là điều hiển nhiên”, Voice of Russia dẫn lời được cho là của ông Assad trên báo nói trên.
Assad tuyên bố rõ rằng ông có thể từ chức theo nguyện vọng của người dân nhưng không phải theo yêu cầu từ Mỹ, vì ông xem nước này là quốc gia thù địch với Syria. Ông cũng khẳng định ông trở thành tổng thống để phục vụ lợi ích của đất nước.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua quyết định kéo dài thời gian hoạt động của phái đoàn quan sát viên quốc tế tại Syria thêm 30 ngày. Các quan sát viên đã ngừng hoạt động từ hôm 16/6 do lo ngại bạo lực.
Theo VNExpress