Chiến dịch trên bộ đẫm máu của Israel tại Gaza năm 2014
Bộ binh Israel từng tiến vào Dải Gaza năm 2014, mở đầu cho nhiều tuần giao tranh khốc liệt, khiến hàng nghìn người cả hai bên thiệt mạng.
Quân đội Israel (IDF) sáng 14/5 tập kết lượng lớn xe tăng của lục quân dọc biên giới Dải Gaza, đồng loạt nã pháo vào các mục tiêu của Hamas, nhằm phối hợp với chiến dịch không kích của không quân nước này phá hủy hệ thống hầm ngầm được dân quân Palestine xây dựng ở khu vực.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của lực lượng lục quân trong đợt tấn công này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Israel mở một cuộc phiêu lưu quân sự trên bộ mới nhắm vào Dải Gaza, như những gì diễn ra cách đây 7 năm.
Ngày 8/7/2014, Israel khởi động một trong những cuộc tiến công đẫm máu nhất nhằm vào Dải Gaza trong lịch sử hiện đại. Cuộc chiến kéo dài 7 tuần khiến hơn 2.300 người Palestine thiệt mạng và gần 11.000 người bị thương, trong khi Israel mất 67 binh sĩ và dân thường, cùng hơn 500 người bị thương.
Chiến dịch trên bộ năm 2014 được Israel phát động sau khi các phe phái Palestine thành lập chính phủ thống nhất vào đầu tháng 6. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó cảnh báo chính quyền Palestine phải chọn lựa giữa hòa bình với Hamas hoặc với Israel, do lo ngại những phe phái chính trị Palestine có thể hòa giải và đạt chung mục đích đấu tranh chống lại Tel Aviv.
Ngày 12/6/2014, ba thanh niên Israel định cư tại khu Bờ Tây mất tích. Israel cáo buộc Hamas đã bắt cóc những người này, dù không đưa ra bằng chứng nào. Thủ tướng Netanyahu cũng cho rằng sự việc là dấu hiệu cho thấy Israel không thể ủng hộ quan hệ thống nhất giữa các tổ chức của người Palestine.
Nhiều quan chức cấp cao Hamas khẳng định không liên quan đến vụ bắt cóc, trong khi chính quyền Palestine cho rằng thủ phạm là Qawasameh, nhóm cực đoan thuộc Hamas nhưng thường xuyên hành động ngược lại với đường lối của tổ chức. Sử gia Ilan Pappe cho rằng động cơ vụ bắt cóc là để trả thù vụ hai thiếu niên Palestine bị quân đội Israel bắn chết hồi tháng 5/2014. Báo cáo khám nghiệm tử thi hai nạn nhân được công bố chỉ một ngày trước vụ bắt cóc.
Để đáp trả, Israel tiến hành chiến dịch trấn áp những người bị nghi liên quan đến Hamas ở Bờ Tây. Tổng cộng 11 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trước ngày 2/7, hàng trăm người cũng bị bắt.
Ngày 2/7, Mohammed Abu Khdeir, thiếu niên Palestine 16 tuổi sống ở Đông Jerusalem, bị các phần tử cực đoan Israel bắt cóc và thiêu sống, dẫn tới những cuộc biểu tình quy mô lớn của người Palestine. Quân đội Israel không kích Dải Gaza, trong khi các phe phái Palestine đáp trả bằng những vụ tập kích lẻ tẻ bằng pháo phản lực (rocket).
Nỗ lực đàm phán ngừng bắn giữa hai bên thất bại do Tel Aviv không chấp nhận điều kiện của Hamas, trong đó yêu cầu ngừng bao vây Dải Gaza và trả tự do cho tù nhân Palestine. Ngày 7/7, quân đội Israel tuyên bố khởi động chiến dịch Protective Edge (Vành đai Bảo vệ) để “công kích mạnh mẽ Hamas”.
Video đang HOT
Trong vòng 48 giờ đầu tiên, Israel thả tổng cộng 400 tấn bom xuống Gaza. Trong 7 tuần tiếp đó, quân đội Israel đã thực hiện khoảng 6.000 cuộc không kích vào vùng lãnh thổ rộng 365 km vuông.
Hoạt động này khiến 500.000 người mất nhà cửa, khoảng 300.000 cư dân phải lánh vào các trường học. Nguồn điện cho các bệnh viện cũng bị cắt, khiến hàng nghìn người không được chăm sóc y tế cơ bản.
Hamas phóng nhiều rocket vào lãnh thổ Israel để trả đũa, nhưng không gây nhiều thiệt hại. Loại vũ khí này không có hệ thống dẫn đường và có độ chính xác thấp, nhưng Hamas khẳng định họ chỉ tập kích mục tiêu quân sự. Trong khi đó, Israel dùng vũ khí dẫn đường đến tấn công nhiều mục tiêu dân sự, cáo buộc dân quân Palestine trú ẩn trong các ngôi nhà, trường học và bệnh viện.
Tuy nhiên, Israel cho rằng các cuộc không kích là chưa đủ để ngăn chặn mối đe dọa từ Hamas. Thủ tướng Netanyahu ngày 17/7 phê chuẩn kế hoạch đưa bộ binh, xe tăng tiến vào Dải Gaza.
Binh sĩ và xe tăng Israel triển khai gần biên giới Dải Gaza ngày 27/7/2014. Ảnh: IDF .
“Chiến dịch quân sự của chúng tôi có hai mục tiêu”, Peter Lerner, phát ngôn viên quân đội Israel, khi đó cho hay. “Thứ nhất là tấn công nhóm khủng bố Hamas để họ không còn động cơ tiếp tục hành vi gây hấn với Israel. Thứ hai là phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố, các giàn rocket, đường hầm cùng các hệ thống mà họ sử dụng để tấn công Israel”.
Quân đội Israel cho rằng các đường hầm này được Hamas và các nhóm dân quân Palestine sử dụng để chuyển quân và vũ khí qua biên giới cho những đợt tập kích lực lượng Israel, trong khi Hamas khẳng định đường hầm giúp vận chuyển nhu yếu phẩm nhân đạo cho cư dân bị bao vây tại Gaza.
“Chúng tôi đã giáng đòn mạnh vào Hamas và sẽ tiếp tục đánh mạnh”, IDF tuyên bố khi chiến dịch tấn công trên bộ bắt đầu. Hamas đáp trả rằng Israel đã “đi một nước cờ nguy hiểm” và cảnh báo “lực lượng chiếm đóng sẽ phải trả giá đắt”.
Hàng loạt đơn vị bộ binh, pháo binh Israel, dưới sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến, tiến sâu vào Dải Gaza, tập trung vào nhiệm vụ hủy diệt năng lực phóng rocket của Hamas và truy tìm, phá hủy các đường hầm.
Hàng chục người Palestine, cả dân thường và các tay súng Hamas, đã thiệt mạng ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch tấn công trên bộ. Chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận Israel có quyền tự vệ, nhưng yêu cầu Tel Aviv “giảm thiểu thương vong cho dân thường”.
Một khu dân cư bị phá hủy ở phía bắc Dải Gaza trong chiến dịch của Israel. Ảnh: Muhammad Sabah .
Trong những tuần tiếp theo, giao tranh giữa hai bên diễn ra sâu trên lãnh thổ Gaza, gây thiệt hại nặng nề. Sau hai tuần chiến sự, số người thiệt mạng đã tăng lên tới gần 400, gần gấp đôi giai đoạn trước khi cuộc chiến trên bộ bắt đầu, trong đó thương vong chủ yếu thuộc về phía Palestine.
Tuy nhiên, quân đội Israel cũng hứng chịu thương vong ngày càng lớn. Cuộc tấn công trên bộ của Israel cũng khiến cộng đồng quốc tế phản đối, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình khắp thế giới nhằm ủng hộ người Palestine.
Ngày 3/8, Israel rút phần lớn bộ binh khỏi Dải Gaza sau khi phá hủy 32 đường hầm. Một tuần sau, lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày được thực thi với sự trung gian hòa giải của Ai Cập. Israel và Hamas đồng ý chấm dứt xung đột ngày 26/8/2014.
Vị trí Dải Gaza. Đồ họa: Straits Times .
Cuộc chiến Gaza năm 2014 để lại hậu quả nghiêm trọng cho hai triệu cư dân Palestine tại Dải Gaza. Hơn 2.250 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có khoảng 500 trẻ em. 11.000 người bị thương, gây ra gánh nặng nghiêm trọng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của khu vực. Ít nhất 20.000 công trình đã bị phá hủy trong các đợt không kích và pháo kích của Israel.
Israel có 67 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng, hơn 500 người bị thương.
Năm 2015, Liên Hợp Quốc cho rằng Israel đã phạm tội ác chiến tranh khi cố tình tấn công các khu vực dân sự. Tel Aviv từ chối hợp tác với cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc, cáo buộc tổ chức này đã đưa ra kết luận từ trước.
Cuộc điều tra riêng kéo dài hai năm của cơ quan giám sát chính phủ Israel cho rằng chính quyền đã không sử dụng những giải pháp ngoại giao để ngăn chiến tranh nổ ra. Báo cáo dài 200 trang cũng chỉ trích Tel Aviv phớt lờ nhiều cảnh báo bởi lực lượng an ninh, trong đó cho rằng lệnh bao vây phong tỏa Gaza đã gây leo thang căng thẳng và dẫn tới bạo lực.
Pháp hối thúc Israel và Palestine thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 14/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Israel và Palestine chấm dứt các hành động thù địch và nhất trí ngừng bắn trong bối cảnh xung đột giữa hai bên trong những ngày gần đây đã khiến trên 100 người thiệt mạng.
Nhà cửa bị tàn phá sau loạt không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tân Hoa xã, trên trang mạng Twitter, Tổng thống Macron cho rằng cần sớm chấm dứt vòng xoáy bạo lực ở Trung Đông. Ông kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện ngừng bắn và tiến hành đối thoại.
Xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 5 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rạng sáng 14/5, Israel đã nã pháo và tăng cường không kích nhằm vào một hệ thống đường hầm của Phong trào Hamas, làm một bà mẹ cùng 3 người con thiệt mạng. Đáp trả lại chiến dịch của Israel, các tay súng ở Dải Gaza tiếp tục phóng rocket vào miền Nam Israel, khiến một người thiệt mạng.
Cuộc xung đột bùng phát từ ngày 10/5 sau khi Phong trào Hamas phóng rocket vào Jerusalem và Tel Aviv để trả đũa cho cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine ở gần đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem. Tư thời điểm đó đến nay, lực lượng Hamas đã phóng hơn 1.800 quả rocket về phía lãnh thổ Israel, bao gồm cả Tel Aviv. Quân đội Israel cũng đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích, tuyên bố tiêu diệt hàng chục thành viên cấp cao của Hamas. Đây là cuộc đụng độ ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến năm 2014, làm dấy lên lo ngại tình hình có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Quan chức y tế Palestine cho biết đến nay có ít nhất 119 người ở Gaza thiệt mạng (trong đó có 31 trẻ em và 19 phụ nữ) và 830 người khác bị thương. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết số người thiệt mạng đến nay của nước này là 8 người, gồm 1 binh sĩ Israel, 6 thường dân và 1 người lao động Ấn Độ.
Xung đột Israel - Palestine leo thang trong nhưng ngày gân đây khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng nổ môt cuôc chiến tranh toàn diện. Dự kiến, ngày 16/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trực tuyến để thảo luận vấn đề này.
Hầm trú ẩn - 'đặc sản' của Israel giữa Trung Đông bất ổn Năm 1951, tức ba năm sau khi Nhà nước Do Thái tuyên bố độc lập, Israel đã thông qua một đạo luật phòng vệ dân sự, yêu cầu tất mọi nhà riêng, khu chung cư, văn phòng công ty đều phải thiết kế hầm trú ẩn hoặc "phòng an toàn". Một khu bunker quân sự bỏ hoang gần Jericho ở khu Bờ Tây....