Chế độ ăn cho người bệnh hồng cầu lưỡi liềm
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh hồng cầu lưỡi liềm. Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, người bệnh có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh hồng cầu lưỡi liềm (còn gọi là bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm) là bệnh rối loạn máu có ảnh hưởng đến việc sản sinh huyết sắc tố. Huyết sắc tố là một protein (chất đạm) trong máu giữ nhiệm vụ vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể.
Theo TS.BS Hàn Viết Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm được di truyền từ cha/mẹ cho con cái ở trong gene. Gene có những thông tin về các đặc tính của con người chẳng hạn như màu mắt, màu tóc và huyết sắc tố.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh hồng cầu lưỡi liềm
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quản lý bệnh hồng cầu hình liềm.
TS.BS Hàn Viết Trung cho biết, người bệnh hồng cầu lưỡi liềm ngoài việc tuân thủ điều trị đều đặn để chấn chỉnh tình trạng thiếu máu và ngăn chặn cũng như kiềm chế những cơn phát bệnh đau đớn thì chế độ ăn cũng vô cùng quan trọng.
Ngăn ngừa mất nước : Mất nước là một yếu tố kích hoạt các cơn đau ở bệnh nhân hồng cầu hình liềm. Bằng cách uống đủ nước, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Cung cấp đủ chất dinh dưỡng: Một chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh và chống lại nhiễm trùng.
Hạn chế các yếu tố kích hoạt: Một số thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ gây đau, vì vậy việc tránh chúng là rất quan trọng.
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh hồng cầu lưỡi liềm
TS.BS Hàn Viết Trung cho biết thêm, những người mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm có thể cần nhiều chất dinh dưỡng nhất định hơn người khỏe mạnh giúp ngăn ngừa các biến chứng và tăng cường sức khỏe, bao gồm:
Protein và calo: Bệnh nhân hồng cầu lưỡi liềm cần nhiều protein và calo hơn người khỏe mạnh giúp sản sinh hồng cầu, giúp giảm cơn đói và tập trung trong khi làm việc và học tập. Thực phẩm chứa nhiều protein gồm thịt, trứng, cá, đậu phụ, đậu, đậu lăng, các loại hạt…
Sắt: Thành phần chính của hemoglobin, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào. Thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc và rau lá xanh đậm có thể giúp sản xuất hồng cầu. Tuy nhiên, quá nhiều chất sắt có thể gây hại, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi nồng độ chất sắt bằng xét nghiệm máu.
Kẽm: Kẽm có thể giúp giảm đau, nhiễm trùng. Thực phẩm giàu kẽm: thịt gà, cá và hải sản (hàu, tôm), đậu, trứng, các loại đậu, sản phẩm từ sữa và ngũ cốc nguyên hạt…
Folate (vitamin B9): Bổ sung folate có thể giúp sản xuất hồng cầu ngăn ngừa thiếu máu. Thực phẩm giàu folate bao gồm rau lá xanh đậm, trái cây họ cam quýt, đậu.
Vitamin B12: Vitamin B12 giúp sản xuất hồng cầu và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Các nguồn cung cấp vitamin B12 bao gồm thịt đỏ, cá, trứng, sữa.
Video đang HOT
Vitamin D : Thiếu vitamin D thường gặp ở những người mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm. Vì vitamin D điều chỉnh nồng độ canxi và hỗ trợ sức khỏe của xương nên sự thiếu hụt vitamin D có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe cơ xương đã có ở những người mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm. Thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá dầu (cá hồi, cá thu và cá mòi…), lòng đỏ trứng, nấm, phô mai, cá ngừ đóng hộp…
Vitamin C: Giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Các thực phẩm giàu vitamin C như: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, ớt chuông…
Chất lỏng: Giữ đủ nước là điều quan trọng đối với những người bệnh hồng cầu lưỡi liềm để ngăn ngừa hiện tượng tắc mạch và duy trì lưu lượng máu. Uống nhiều nước, đặc biệt khi bị bệnh, sốt hoặc trời nóng. Bổ sung chất lỏng bằng nước lọc, nước ép trái cây, súp.
Các chất dinh dưỡng khác cũng cần thiết đối với người bệnh hồng cầu lưỡi liềm bao gồm: canxi, magie, vitamin A và phốt pho.
3. Thực phẩm người bệnh hồng cầu lưỡi liềm nên ăn và nên tránh
Thực phẩm nên ăn
Chế độ ăn trái cây và rau quả phù hợp tốt cho người bệnh hồng cầu lưỡi liềm.
Ăn nhiều loại trái cây (cam, quýt, bưởi, chuối…) và rau quả (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, ớt chuông…) kết hợp với ngũ cốc nguyên hạt (hạnh nhân, óc chó, đậu lăng, đậu đen…) và thực phẩm giàu protein (chẳng hạn như trứng, cá hồi, cá ngừ, thịt gà, thịt bò nạc, đậu hoặc đậu phụ và các loại hạt…).
Ăn nhiều thực phẩm và đồ uống giàu canxi như sữa, sữa chua và phô mai. Các nguồn canxi khác bao gồm các loại rau lá xanh và các sản phẩm tăng cường canxi như sữa đậu nành, đậu phụ, cũng như một số loại ngũ cốc ăn sáng, nước ép trái cây 100%.
Cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng, năng lượng cao bao gồm trái cây sấy khô, các loại hạt và bơ hạt hoặc sinh tố nếu không thèm ăn. Nước sốt, nước thịt và các nguồn chất béo cũng có thể được thêm vào các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ để có thêm calo.
Khuyến khích uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước, để giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và táo bón.
Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh hồng cầu lưỡi liềm.
Hạn chế các đồ ngọt như bánh ngọt, kẹo, đồ uống có đường mà thay vào đó là sữa hoặc nước cam 100% tăng cường canxi, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết.
Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán và các thực phẩm chế biến sẵn. Vì các thực phẩm này có thể làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ tắc mạch máu như thịt gà rán, khoai tây chiên, giò, chả, xúc xích, thịt nguội…
Tránh các thực phẩm kích thích như đồ uống có gas, rượu bia, caffeine có thể làm tăng nguy cơ mất nước và kích thích các cơn đau.
TS.BS Hàn Viết Trung cho biết, chế độ ăn uống chỉ là một phần trong quá trình quản lý bệnh hồng cầu hình liềm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng cách và tham gia các hoạt động thể chất phù hợp.
Tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng: Trước khi thay đổi bất kỳ chế độ ăn nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Theo dõi cân nặng: Việc duy trì cân nặng hợp lý rất quan trọng đối với người bệnh hồng cầu hình liềm.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng.
4 điều cần biết về vitamin dành cho phụ nữ mang thai
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai là một chất bổ sung cho chế độ ăn uống lành mạnh trong thai kỳ.
1. Vitamin cho phụ nữ mang thai có phải là vitamin tổng hợp không?
Vitamin dành cho phụ nữ mang thai cũng có nhiều thành phần tương tự như vitamin tổng hợp hàng ngày dành cho người lớn. Tốt nhất nên sử dụng các vitamin và khoáng chất quan trọng theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết, ví dụ chế độ ăn không đáp ứng.
Thực tế, nhiều thai phụ không bổ sung đủ được lượng chất dinh dưỡng phù hợp khi mang thai thông qua chế độ ăn uống. Kết hợp chế độ ăn uống và bổ sung vitamin có thể cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu năng lượng để duy trì các hoạt động và đảm bảo sức khỏe.
Tuy nhiên, có một số khác biệt lớn giữa vitamin tổng hợp và vitamin dành riêng cho phụ nữ mang thai. Vitamin dành cho phụ nữ mang thai thường có hàm lượng acid folic, sắt, canxi và một số chất dinh dưỡng khác cao hơn mà mẹ bầu cần để duy trì sức khỏe và nuôi dưỡng em bé. Những chất dinh dưỡng này giúp em bé phát triển khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Phụ nữ mang thai nên bắt đầu uống vitamin tổng hợp.
2. Bổ sung vitamin cho phụ nữ mang thai thế nào cho đúng?
BS Diêm Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Nếu thai phụ có đủ hiểu biết về quá trình mang thai, về dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thì không cần đến một loại thuốc gì cho thai. Việt Nam là một nước đang phát triển vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến nghị bà mẹ mang thai và cho con bú một số loại thuốc bổ sung để tránh việc thiếu hụt vi chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Một số phụ nữ có thể mang thai một thời gian trước khi họ nhận ra (khoảng một nửa số trường hợp mang thai là ngoài ý muốn), nên việc uống vitamin cho bà bầu bắt đầu càng sớm càng tốt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên uống thuốc bổ sung acid folic hoặc vitamin tổng hợp trước khi sinh hàng ngày.
Tuy nhiên, BS Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, thai phụ không nên tự ý sử dụng thuốc mà uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi uống thuốc cần xem hàm lượng thuốc có đúng với chỉ định, có dùng nhiều loại thuốc có thành phần giống nhau, gây chồng chéo dễ dẫn đến ngộ độc thai. Đặc biệt, không lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bổ sung vitamin và khoáng chất tốt nhất là qua đường thực phẩm.
3. Các vitamin và khoáng chất chính trong vitamin dành cho bà bầu
Acid folic
Chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong vitamin dành cho bà bầu trong khoảng tháng đầu tiên của thai kỳ là acid folic. Acid folic (hay còn gọi là folate) là một loại vitamin thuộc nhóm vitamin B, có ký hiệu là B9.
Vitamin B9 đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp ADN, phân bào và sản xuất hồng cầu. Bổ sung đầy đủ acid folic trước và trong khi mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Acid folic đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của thai kỳ vì nó giúp hình thành ống thần kinh và do đó có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não và tủy sống, chẳng hạn như tật nứt đốt sống. Những khiếm khuyết này thường hình thành trong 28 ngày đầu tiên của thai kỳ, đó là lý do tại sao phụ nữ độ tuổi sinh sản được khuyến khích bổ sung vitamin trước khi sinh hoặc bổ sung acid folic hàng ngày ngay khi biết có thai.
Sắt
Vitamin dành cho phụ nữ mang thai chứa nhiều chất sắt hơn vitamin tổng hợp thông thường vì khoáng chất này thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển tổng thể của em bé. Sắt cũng làm tăng sự phát triển của các tế bào hồng cầu mà em bé cần để vận chuyển oxy đúng cách và có thể giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, một tình trạng khi máu của bạn có số lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp.
Việc bổ sung viên vitamin tổng hợp dành cho bà bầu cần có sự tham vấn của bác sĩ sản khoa.
Canxi
Phụ nữ mang thai thường có nguy cơ bị giảm mật độ xương vì em bé đang lớn sử dụng canxi để tăng trưởng và phát triển xương trong thai kỳ. Canxi là thành phần chính của xương và răng, cung cấp cấu trúc vững chắc cho hệ thống cơ xương khớp của bé. Vitamin dành cho phụ nữ mang thai và chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp phụ nữ mang thai cung cấp đủ canxi cho cả mẹ và con để phát triển. Bổ sung đủ canxi trong thai kỳ còn giúp dự phòng loãng xương cho mẹ sau khi sinh.
I-ốt
Trước khi sinh, cơ thể cần dự trữ đủ i-ốt để đảm bảo chức năng tuyến giáp khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, điều này cần thiết cho sự phát triển bình thường của em bé. I-ốt là thành phần thiết yếu của hormone tuyến giáp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Trong một số trường hợp, thiếu i-ốt có thể dẫn đến chậm phát triển, rối loạn phát triển thần kinh, thiểu năng nhận thức và chậm lớn ở trẻ em, điếc và thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu.
4. Có phải chỉ cần uống vitamin tổng hợp cho bà bầu là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không thể thay thế cho chế độ ăn uống bổ dưỡng. Bà mẹ mang thai cần duy trì chế độ ăn những thực phẩm lành mạnh để cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà em bé cần để phát triển trong suốt thai kỳ.
Mặc dù vitamin dành cho bà bầu thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nào, nhưng một số phụ nữ đã từng bị buồn nôn khi mang thai có thể nhận thấy rằng việc uống vitamin dành cho bà bầu cũng gây ra buồn nôn. Trong trường hợp này, cần nói chuyện với bác sĩ để bác sĩ kê một chất bổ sung khác phù hợp hơn.
Uống nước mã đề mỗi ngày có tốt? Mã đề là loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền, vậy uống nước mã đề mỗi ngày có tốt không? Cây mã đề có tác dụng gì? Trong Đông y, cây mã đề còn được gọi là "mã tiền xá". Cây mã đề có sức sinh trưởng tốt, phân bố rộng rãi ở nước ta, từ lâu được coi là...