[Chế biến] – Lẩu hải sản kiểu Singapore
Ngày trời lành lạnh mà được quây quần quanh nồi lẩu hải sản nấu kiểu Singapore thơm lừng, nghi ngút khói thì còn gì bằng.
Vị ngọt thanh, hương vị hòa quyện nồng nàn của xương ống, kỷ tử, táo tàu, cùng các loại rau củ, hải sản tươi làm nên một nồi lẩu tuyệt hảo và giàu dinh dưỡng. Với công thức đơn giản, bạn có thể trổ tài làm món lẩu hải sản mang phong vị Singapore cho cả nhà cùng thưởng thức.
Nguyên liệu
300g tôm sú
300g mực lá
300g nghêu
200g cá viên
1 cái đùi gà
200g nấm hương
Video đang HOT
300g nấm kim châm các loại
200g cải thìa
150g bắp non
1 củ cà rốt
1 kg bún
Nước dùng lẩu: 500g xương ống, 12-14 hạt kỷ tử, 10 trái táo tàu đen, 10 trái táo đỏ, 1/2 cây bông cải trắng, 1/2 cây bông cải xanh, 10 đầu hành, 1,5 muỗng cà phê xốt sa trà, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê muối, 1,5 muỗng cà phê đường, 1, 5 muỗng cà phê bột ngọt.
Thực hiện
Nước dùng: Xương ống chặt miếng to, rửa sạch, cho vào nồi luộc sơ qua 1 lần với 1 muỗng cà phê muối cho sạch bẩn và mùi tanh. Sau đó vớt ra, rửa sạch lại qua nước, cho tiếp vào nồi ninh với 2 lít nước trên lửa nhỏ trong 1 giờ cho ngọt nước. Vớt xương ra lọc lấy nước trong.
Ngâm hạt kỷ tử trong nước 10 phút cho nở mềm. Bông cải trắng, bông cải xanh cắt miếng vừa ăn.
Cho kỷ tử, táo đỏ, đen, bông cải, đầu hành vào nước dùng heo hầm trong 20 phút cho ngọt nước, nêm xốt sa trà, hạt nêm, muối, đường, bột ngọt vào, nếm lại vừa ăn.
Trong lúc chờ ninh nước dùng bạn có thể tranh thủ thời gian sơ chế các nguyên liệu cho món lẩu:
Tôm rửa sạch, cắt bớt râu. Mực làm sạch, khứa xéo, xắt miếng vừa ăn. Nghêu ngâm ớt cho nhả cát, rửa sạch vỏ dưới vòi nước chảy. Đùi gà lọc bỏ xương, cắt xéo.
Nấm hương ngâm rửa sạch, khứa chữ thập nơi nắp mũ. Nấm kim châm cắt bỏ rễ, rửa sạch. Cải thìa rửa sạch, bỏ bớt lá. Cà rốt gọt vỏ, xắt que nhỏ. Bắp non rửa sạch, để ráo. Bày tất cả ra đĩa lớn.
Khi ăn, đổ nước dùng vào nồi lẩu đun sôi, thả các nguyên liệu vào nước dùng cho vừa chín, vớt ra dùng nóng, dọn ăn kèm bún và nước mắm mặn.
Theo PNO
Mực một nắng tươi nguyên vị biển
Không quá cầu kỳ trong chế biến, chỉ một đĩa mực nướng vàng để nguyên con hay cắt nhỏ, một chén tương ớt với ít rau răm được bày ra thôi nhưng mực một nắng lại lấy lòng không ít thực khách sành ăn.
Gọi là mực một nắng đơn giản là vì chúng chỉ được phơi qua một nắng, cái ngưỡng lưng chừng, để nó chẳng phải mực khô, cũng không còn tươi nguyên nữa. Từ cách đó, mực một nắng được tạo ra từ đủ các loại mực như mực ống, mực nang, mực lá... Nhưng trên hết mực dùng làm món này ngon nhất vẫn là mực lá, vì thịt dày thớ, dai, săn lại chứa nhiều nước.
Một bí quyết quan trọng không kém làm nên hương vị đặc biệt của món ăn đó là trước khi đem phơi, mực phải được nhúng qua nước biển. Nắng để phơi mực phải là thứ nắng to, hanh hao để sao cho chỉ một cơn nắng cũng đủ "nướng" ráo, dẻo, hơi rám làn da nhưng vẫn giữ được vị ngọt tươi bên trong mực. Thường thì mực sau khi được câu trong đêm sẽ được dân chài xẻ, hong mát qua sương đêm và đón nắng ngay trên mạn thuyền để hứng trọn vẹn bao sương gió biển khơi.
Sau khi lên bờ, thường thì mực sẽ được đem nướng với lửa vừa, trở đều trên lửa than hoa cho thơm vàng và được dùng kèm tương ớt, rau răm cay the để tăng thêm hương vị cho món ăn. Lưu ý là tuyệt đối không nướng trên lửa già vì sẽ hút hết vị ngọt, dai bên trong của mực.
Nếu chưa ăn ngay mực sẽ được đóng hộp và cấp đông, trước khi ăn sẽ được xả đá sau đó đem nướng trên bếp hoặc lò vi sóng. Điều này giải thích vì sao rất nhiều người đã mua mực tận nơi nhưng khi mang về vẫn không cảm nhận đủ đầy cái cảm giác mê mẩn như khi được thưởng thức ngay trên biển.
Món ăn đơn giản thế thôi mà ngon ngọt phải biết. Người ăn món này thường chẳng vội đưa từng miếng vào miệng mà từ tốn cảm cái vị giòn dai sừn sựt của thớ mực tươi nguyên ám hơi biển. Ăn một miếng lại muốn ăn thêm vì bị cái vị đọng ngay đầu lưỡi dẫn dụ liên hồi.
Cũng có nhiều người thử sáng tạo ra lắm món từ loại mực đặc biệt này như: ướp sa tế nướng vàng, xào chua ngọt, xốt me, chiên giòn... Nhưng, đâu lại vào đấy, mực một nắng nướng nguyên vị ăn kèm tương ớt vẫn được trọng dụng hơn cả, chắc vì chẳng ai muốn đánh mất cái vị tự nhiên vốn có của nó.
Tuy cách thức chế biến không có gì kỳ bí nhưng Phan Thiết, Côn Đảo, Cù lao Chàm, Phan Rang, Phú Quốc vẫn được xem là những nơi nổi tiếng về mực một nắng, vì đây đều là những vùng biển có nước biển mặn, nắng to, hanh. Nên, khi có dịp đi du lịch đến những vùng đất này, hầu hết du khách đều không quên mua những con mực một nắng to, ngon về ăn hoặc làm quà. Để chọn được mực ngon, theo mách nhỏ của dân chài thì bạn nên chọn những con mực ráo thân, có màu hơi đục, dẻo nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi, dày thịt. Khi mua về, nếu chưa chế biến ngay, bạn nên cất mực vào tủ lạnh để giữ vị ngọt của mực.
Theo PNO
8 món mì lạ của Sài Gòn Sự kết hợp những cọng mì vàng ươm với bún gạo, sủi cảo hay sườn kho, cá viên cà ri mang đến cho người Sài Gòn những món mì độc đáo. Mì sủi cảo Hà Tôn Quyền Sủi cảo tôm thơm mềm, mực dai giòn lạ miệng. Con đường nhỏ Hà Tôn Quyền trong Chợ Lớn có lẽ đã định danh với món...