Chạy đua với thời gian để giải cứu đàn cá voi mắc cạn
Lực lượng cứu hộ Australia đã giải cứu được 25 trong số 270 con cá voi mắc cạn trên bờ biển phía tây của đảo Tasmania, trong khi đã có tới 90 con khác đã tử vong.
Hiện các nhà chức trách Tasmania đã huy động 60 người và một số thuyền để cố gắng giải thoát cho hơn 200 con cá voi bị mắc kẹt trên hai bãi cát và một bãi biển gần cảng Macquarie.
Điều phối viên của cuộc giải cứu, Nic Deka cho biết các tình nguyện viên đã phải lội xuống vùng nước sâu tới ngực để cứu những con cá voi.
“Chúng tôi đã nghĩ ra phương pháp đặt một chiếc địu lớn bên dưới cá voi, sau đó kéo và đẩy con vật ra khỏi bãi cát. Sẽ mất khoảng 30 phút để giải cứu từng con một, vì phải đưa chúng ra đủ xa để không bị mắc cạn trở lại”, ông Deka nói.
Video đang HOT
Cho tới chiều thứ Ba, đội tình nguyện viên đã giải cứu được cho 25 con cá voi.
Phát biểu trong cuộc họp báo, nhà sinh vật học biển Kris Carlyon cho biết khoảng 1/3 số cá voi mắc cạn đã không qua khỏi.
“Có không ít trường hợp cá voi sau khi được giải cứu lại cố tình bơi trở lại khu vực mắc cạn do không muốn xa đàn của mình. Đây là một công việc phức tạp, bất kỳ con cá voi nào chúng tôi cứu được, chúng tôi đang coi là một chiến thắng thực sự. Chúng tôi đang tập trung vào việc cứu sống nhiều con nhất có thể”.
Nhà sinh vật biển cho biết hiện vẫn chưa có nguyên nhân lý giải cho việc hàng trăm con cá voi rơi vào cảnh mắc cạn.
“Có nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra điều này. Thông thường, đó là một hành vi sai lầm đơn giản, một hoặc hai hoặc một vài con mắc cạn, kéo theo đó là cả đàn cùng lao vào cửa tử”, ông Carlyon lý giải.
Với khoảng 90 con đã chết, điều phối viên Nic Deka cho biết họ đang lập kế hoạch xử lý xác cá. Các nhà khoa học Australia cho biết có thể tận dụng các dòng hải lưu để đưa xác cá ra đại dương.
Ông Deka cho biết chưa thể vận chuyển xác của con cá nào vì trọng tâm của đội giải cứu là đưa những con còn sống trở lại đại dương. Hiện nỗ lực giải cứu này có thể tiếp diễn trong vài ngày tới, tùy vào điều kiện thời tiết.
Đường bờ biển của Tasmania và cảng Macquarie từng chứng kiến nhiều cá voi mắc cạn, nhưng đây là vụ việc có số cá lớn nhất từng được ghi nhận.
Giải cứu bất thành cá voi vây 9 m
Con cá voi vây chưa trưởng thành chết sau hai lần mắc cạn liên tiếp trong vòng 24 giờ ở vùng cửa sông thuộc miền bắc xứ Wales.
Xác cá voi vây mắc cạn. Ảnh: BDMLR.
Con cá voi vây có biệt danh Henry tái mắc cạn ở bãi cát gần cửa sông Dee thuộc Bắc Wales vào tối hôm 13/6. Đội cứu hộ từ tổ chức British Divers Marine Life Rescue (BDMLR) cho biết việc cử người tới kiểm tra xem con vật còn sống hay không quá nguy hiểm. Lực lượng tuần duyên và một phi công điều khiển drone bay vào khu vực để quan sát con cá voi nặng 14 tấn từ xa. BDMLR xác nhận con cá voi không còn dấu hiệu nào của sự sống.
Sáng ngày 13/6, con cá voi mất phương hướng ở vùng cửa sông, bơi vòng tròn quanh thuyền cứu hộ vài lần và khỏe dần. Đội cứu hộ đưa nó trở về biển vào 1h30 chiều ngày 13/6 theo giờ địa phương và họ đều lạc quan về khả năng sống sót của con vật. Tuy nhiên, Henry mắc cạn lần thứ hai ở xa bờ. Đội cứu hộ đổ nhiều xô nước lên cơ thể con cá voi để giữ ẩm và phủ nhiều tấm khăn to lên lưng giúp nó cảm thấy thoải mái nhưng nỗ lực giải cứu không thành công.
Do kích thước và trọng lượng của con cá voi vây cũng như địa hình khu vực, BDMLR không thể kéo nó tới gần mặt nước để giảm nhẹ áp lực lên cơ thể nó. Kéo đuôi cá voi sẽ gây ra thương tích nghiêm trọng. Việc gây mê con vật cũng vô cùng khó khăn do nhiều lý do liên quan tới kích thước.
"Khu vực nơi con cá voi chết hết sức nguy hiểm do thủy triều và cát lún nên chúng tôi khuyến cáo người dân không đi vào cửa sông nhằm tới gần nó và đẩy bản thân vào nguy hiểm", BDMLR nhấn mạnh. Nhà chức trách địa phương sẽ tiến hành khám nghiệm để tìm hiểu điều gì đã xảy ra với con cá voi.
Cá voi vây (Balaenoptera physalus), còn gọi là cá voi lưng xám, là loài động vật có vú sống ở biển thuộc phân bộ cá voi tấm sừng hàm. Chúng có thể dài từ 18 - 22m và nặng từ 40 - 60 tấn. Cơ thể cá voi vây dài và dẹt, có màu xám nâu với phần dưới màu xanh xám. Chúng sinh sống ở tất cả các đại dương, từ vùng cực tới vùng nhiệt đới. Thức ăn của chúng bao gồm cá nhỏ sống theo đàn, mực, giáp xác và nhuyễn thể.
Bão mặt trời và hiện tượng cá voi mắc cạn Cá nhà táng là loài cá voi có răng lớn nhất thế giới (nó chỉ nhỏ hơn cá voi xanh khổng lồ, tuy vậy kích thước của cá nhà táng cũng bằng 4 con voi lớn) và chúng sống ở ngoài đại dương sâu thẳm, đánh chén chủ yếu là mực ống cùng với mực tuộc (bạch tuộc), cá đuối hoặc cả cá...