Châu Âu gấp rút chuẩn bị cho kịch bản “ác mộng” nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt
Các quan chức nhiều nước châu Âu cho biết các nước này đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Nga bắt đầu cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu kể từ ngày hôm nay (11/7), khi Nga tạm ngưng đường ống dẫn khí đốt “ Dòng chảy phương Bắc 1″ để bảo trì theo kế hoạch.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom ngày 11/7 chính thức bắt đầu công việc bảo trì đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1″ dài 1220km vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Đây là hoạt động bảo trì thường niên kéo dài từ 10-14 ngày và trong thời gian đó, Nga sẽ tạm ngưng việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1″.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài và quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây ngày càng trở nên đối đầu căng thẳng, các quan chức châu Âu đang đặc biệt lo ngại phía Nga sẽ tận dụng việc bảo trì đường ống để lấy lí do kỹ thuật cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Khí đốt Nga được vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức. Ảnh: DW
Video đang HOT
Tại Đức, nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1″, Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck cho biết “mọi chuyện đều có thể xảy ra, dòng chảy khí đốt có thể vẫn được nối lại hoặc sẽ bị cắt đứt hoàn toàn” và nước Đức cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Trong những ngày qua, chính quyền Đức đang gấp rút hoàn thiện các phương án ứng phó khẩn cấp nếu Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt ngay lập tức.
Cuối tuần qua, ngày 9/7, Nghị viện Liên bang Đức đã thông qua dự luật khẩn cấp cho phép tái khởi động lại các nhà máy điện than nhằm bù đắp cho phần khí đốt thiếu hụt từ Nga, bất chấp các lo ngại và phản đối vì vấn đề môi trường. Trên thực tế, từ 2 tháng qua, Nga đã cắt giảm mạnh nguồn cung và lượng khí đốt mà Đức nhận từ Nga hiện chỉ tương đương 40% cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn năng lượng Đức Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước Đức cho biết, lượng cắt giảm từ phía Nga trong thời gian qua đã tương đương với lượng khí đốt đủ cung cấp cho 660.000 hộ dân tại Đức trong vòng 1 năm. Theo ông Klaus-Dieter Maubach, Giám đốc điều hành tập đoàn Uniper, nếu tình hình hiện nay không cải thiện, tập đoàn của ông sẽ không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm hoạt động và tăng giá khí đốt với người dân Đức.
“Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ thông báo cho các khách hàng về tình hình hiện tại cũng như khả năng sẽ phải tăng giá khí đốt. Trong một số trường hợp riêng lẻ, chúng tôi cũng không thể loại trừ việc sẽ cắt nguồn cung khỏi hợp đồng. Tình hình hiện tại không cho chúng tôi lựa chọn nào khác”.
Nhằm hạn chế tối đa khả năng Nga viện lí do kỹ thuật để cắt khí đốt, chính phủ Đức trong tuần qua cũng đã vận động quyết liệt Canada để Canada chấp nhận chuyển giao lại cho phía Nga hai turbin nén khí dùng cho đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1″ đang được sửa chữa tại Canada, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía chính quyền Ukraine.
Giới chuyên gia kinh tế ước tính, mặc dù đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ sau khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine nhưng hiện 35% khí đốt nhập khẩu của Đức vẫn là do Nga cung cấp (so với con số 55% trước xung đột) và Đức vẫn chưa có phương án nào có thể thay thế khí đốt của Nga và nếu Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt, kinh tế Đức gần như chắc chắn rơi vào suy thoái. Hiện tại, việc Nga cắt giảm lượng khí đốt qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1″ thời gian qua cũng đã khiến Đức khó hoàn thành mục tiêu ngắn hạn là lấp đầy 90% lượng dự trữ khí đốt của nước này trước ngày 01/11 để ứng phó với mùa Đông năm nay. Con số do chính quyền Đức công bố hôm 9/7 vừa qua là 63%.
Ngoài Đức, một loạt các quốc gia châu Âu khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu Nga cắt khí đốt, dù ở cấp độ thấp hơn, bởi khí đốt từ đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1″ từ Nga sau khi đến Đức lại được bơm đi khắp châu Âu. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 10/7 nhận định, khả năng Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung hiện dễ xảy ra nhất và người dân Pháp cần ngay lập tức học cách thích ứng bằng việc giảm tiêu thụ năng lượng.
Tại Italy, sáng 11/7, tập đoàn ENI cho biết lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp cho Italy đã giảm 1/3, xuống chỉ còn 21 triệu m3/ngày so với con số 32 triệu m3 mỗi ngày trong thời gian qua./.
Nga nêu điều kiện tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Ngày 8/7, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu một tuabin cho đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đang trong quá trình bảo dưỡng ở Canada được trả lại.
Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc rằng Nga đang sử dụng dầu khí để gây sức ép chính trị. Ông nhấn mạnh việc đóng đường ống để bảo trì Dòng chảy phương Bắc 1 theo kế hoạch trong tháng này là sự kiện thường kỳ, theo lịch trình và không có ai bịa ra bất kỳ hoạt động sửa chữa nào.
Trước đó, hãng tin Reuters (Anh) cho biết Ukraine phản đối việc Canada trả lại tuabin cho Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga, cho rằng động thái này sẽ vi phạm lệnh trừng phạt các nước phương Tây được áp đặt sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chính phủ Đức lo ngại việc đóng đường ống dẫn khí đốt này không chỉ kéo dài từ 10 ngày như phía Nga thông báo mà có nguy cơ đóng vĩnh viễn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các nước châu Âu trong việc lấp đầy các kho chứa khí trước mùa Đông tới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng không loại trừ nguy cơ hết nguồn cung từ Nga. Goldman Sachs cũng thừa nhận việc khôi phục hoàn toàn dòng khí của Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi bảo dưỡng không phải là phương án khả dĩ nhất. Do đó, ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ này dự kiến giá khí đốt sẽ duy trì ở mức khoảng 153 euro/megawatt giờ (hơn 155 USD/megawatt giờ) trong quý III/2022. Hiện tại, giá nhiên liệu thô tại sàn giao dịch trực tuyến TTF của Hà Lan là gần 180 euro (182 USD), trong khi giá trong nửa đầu tháng 6 còn chưa bằng một nửa con số này.
Cho đến nay, châu Âu phụ thuộc khoảng 40% vào khí đốt của Nga, cụ thể riêng năm 2021 đã nhập khẩu từ Nga 155 tỷ m3. Công suất của Dòng chảy phương Bắc 1 cung cấp 1/3 lượng nhập khẩu này. Trong khi đó, lượng nguyên liệu thô của Nga xuất sang châu Âu đang ngày càng giảm dần. Cụ thể, theo trang spglobal.com, trong tháng 6, lượng khí đốt chảy qua các tuyến đường ống chính ít hơn 41% so với tháng 5 và những khách hàng lớn nhất của Nga tại châu Âu như Uniper của Đức, Eni (Italy) và OMV (Áo) đều cảm nhận rõ sự sụt giảm này. Ngoài ra, không chỉ Dòng chảy phương Bắc 1, đường ống Yamal chạy qua Belarus và Ba Lan cũng đã bị đóng cửa hoàn toàn vào tháng 6 và chỉ chảy hạn chế qua Ukraine.
Tập đoàn dầu Nga Gazprom sắp phải trả gần 20 tỷ USD tiền thuế lợi nhuận Ngày 5/7, Hạ viện Nga đã thông qua các sửa đổi trong bộ luật thuế của nước này, theo đó sẽ đánh thuế tập đoàn Gazprom tương đương 20 tỷ USD từ tháng 9 đến tháng 11/2021. Biểu tượng Tập đoàn Gazprom tại trạm xăng ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Theo trang oilprice.com, các sửa đổi vẫn cần được Thượng viện thông qua...