Chất lượng giáo dục đồng đều sẽ giảm bớt trái tuyến
Chất lượng giáo dục đồng đều sẽ giảm áp lực trái tuyến
GD&TĐ – Phải tới đầu tháng 7 mới là thời gian tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Song từ nhiều năm nay, những phụ huynh có nguyện vọng cho con học vào những “trường điểm” luôn có sự khởi động từ rất sớm.
Vì vậy, vấn đề trái tuyến trong tuyển sinh đã trở thành nỗi lo thường trực của các nhà trường trước năm học mới.
Áp lực không đáng có
Quy hoạch về trường lớp trên từng địa bàn vốn đã có quy định rõ ràng, đó là: Mỗi xã, phường, thị trấn đều có đủ trường mầm non, tiểu học, THCS để đáp ứng nhu cầu của người học trên địa bàn đó.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn có sự mặc định về tâm lý khi chọn trường cho con theo học. Thậm chí, với tư tưởng “sính” những trường được gắn “thương hiệu” (?), nhiều phụ huynh bằng mọi giá cố gắng chạy chọt cho con được vào trường.
Chị Nguyễn Thu Nga ở Nghĩa Dũng (Hà Nội) chia sẻ, nếu đúng tuyến con chị sẽ phải học ở “trường làng”, như vậy đồng nghĩa với việc con chị không có môi trường học tập tốt nhất.
Suy đi tính lại, anh chị quyết định xin cho con học ở một trường điểm trên phố. Vì vậy, ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhờ mối quan hệ riêng, anh chị đã có được một suất bảo lãnh cho con vào trường top đầu quận, đúng như mong ước của gia đình.
Đi liền với việc chọn trường thì việc lựa chọn cô giáo cho con cũng được các phụ huynh quan tâm rất nhiều. Trên một diễn đàn qua mạng, thời gian này nhiều bà mẹ trẻ bày tỏ lo lắng vì ngôi trường gần nhà (đúng tuyến) có môi trường GD không tốt bằng của trường điểm tại quận khác.
Tuy nhiên, các mẹ đều nhất trí, không phải cứ lớp nào trường điểm cũng là tốt, mà quan trọng nhất là phải chọn được cô. Đặc biệt đối với học sinh mới bước vào lớp 1 thì việc “gửi gắm” được cô giáo quan tâm tới con là tốt nhất. Suy luận thiếu căn cứ ấy lan truyền, tác động không nhỏ tới các bậc phụ huynh.
Để cho con được vào học trường điểm, nhiều phụ huynh còn tìm cách nhập hộ khẩu vào khu vực có trường điểm đóng trên địa bàn đó.
Một công an khu vực tại một quận nội thành của thành phố Hà Nội cho biết: Vào mỗi kỳ tuyển sinh, các cán bộ như anh đều có trách nhiệm rà soát việc khai báo về địa bàn cư trú theo hộ khẩu trong việc xét tuyển vào đầu cấp.
Anh cũng cho biết thêm, đối với những phường có trường điểm đóng trên địa bàn, thường số nhân khẩu tăng nhiều hơn các phường khác. Vì vậy điều này chắc chắn gây áp lực trong khâu tuyển sinh cho các nhà trường.
Cần đồng đều về cơ sở vật chất và đội ngũ GV
Nhiều năm gần đây, công tác tuyển sinh của Hà Nội được tiến hành bằng cách phân tuyến theo khu vực. Trước mỗi kỳ tuyển sinh, Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với các phường rà soát lại số HS trong độ tuổi trên địa bàn để tham mưu, đề xuất với UBND các quận/ huyện phân tuyến hợp lý.
Đúng tuyến, trước hết sẽ là đối tượng HS đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện: HS có hộ khẩu gốc ở tại địa bàn khu vực được phân tuyến; HS có bố (mẹ) có hộ khẩu trong khu vực – diện KT2. Sau khi tuyển hết số HS này thì có thể tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng khu vực mà quy định diện “đúng tuyến”, rộng hơn đó là những HS diện KT3 (hiện cư trú thực tế trên địa bàn).
Tại Hội nghị Hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015 – 2016 mới đây của thành phố, theo đại diện sở GD&ĐT Hà Nội: Tuyển sinh đầu cấp của thành phố phải thực hiện đúng quy chế, đảm báo chính xác, công bằng, khách quan, thuận lợi cho HS và cha mẹ HS.
Năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương ba tăng, ba giảm (ba tăng: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; ba giảm: Giảm sĩ số HS trái tuyến, giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn).
Các trường phối hợp với UBND các phường, xã thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn được phân công, để có số liệu chính xác phục vụ phân tuyến tuyển sinh.
Chia sẻ về vấn đề trái tuyến, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Để khắc phục tình trạng học trái tuyến, nhiều năm nay, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học.
Điều này giúp các trường nâng cao chất lượng, tạo môi trường sư phạm tốt để nâng điều kiện dạy học ở các trường lên như nhau. Bên cạnh đó, Sở cũng điểu chuyển cán bộ giáo viên từ các trường tốt đến những trường ở vùng khó để nâng cao chất lượng GD. Thời gian gần đây, những trường khó khăn, HS vào không nhiều nhưng đã có nhiều giáo viên đạt thành tích tốt trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi”.
Ông Tiến cũng nhấn mạnh: “Để giải quyết triệt để vấn đề trái tuyến thì điều quan trọng nhất đó là cần phải nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều giữa các nhà trường. Khi mà cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt cho vấn đề dạy học thì việc xin học trái tuyến cũng sẽ giảm”.
Theo GD&TD