Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
Khi ước mơ đến trường của nhiều học sinh nghèo học giỏi ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế – một vùng quê khó khăn, tưởng chừng phải tạm gác, thì cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng là người đã giúp các em tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, trở thành những kỹ sư, bác sĩ…
Tình yêu, sự hy sinh tận tụy đã khiến rất nhiều học sinh luôn coi cô như người mẹ thứ hai của mình. Quỳnh Dương được mệnh danh là người mẹ “giàu” nhất xứ Huế khi có rất đông những người con như vậy, dù bản thân cô không lập gia đình.
Cô Tôn Nữ Quỳnh Dương hướng dẫn các em học bài ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế).
Khát vọng vươn lên từ phận nghèo
Tôn Nữ Quỳnh Dương là người con thứ năm trong một gia đình có 12 người con. Bố mẹ là giáo viên nên các con đều được học hành đến nơi, đến chốn. Những tháng năm gian khó của chiến tranh, đồng lương ít ỏi, bố mẹ cô vẫn quyết tâm “không để đứa nào thất học”. Từ vùng quê nghèo huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), cách thành phố hơn 50 cây số, nhưng hai vợ chồng nhà giáo vẫn chắt chiu, cơm đùm gạo bới cho 12 con lên Huế trọ học.
Nhờ vậy, cả 12 anh chị em trong nhà đều tốt nghiệp đại học, trên đại học. Quỳnh Dương và sáu anh chị em cùng làm giáo viên, ba người là bác sĩ, hai người làm trong ngành điện lực, giao thông. Chính môi trường giáo dục nền nếp ấy đã hun đúc một tâm hồn đẹp, giàu lòng trắc ẩn và một ý chí mạnh mẽ như Tôn Nữ Quỳnh Dương.
Tốt nghiệp phổ thông, năm 1975, Quỳnh Dương thi vào Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm Huế. Bốn năm trên giảng đường đại học, chị nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo trên mảnh đất nghèo quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị được điều động về dạy ở nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Phú Lộc. Hơn 30 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, chị được bao thế hệ học sinh quý mến khi luôn tận tâm trong bài giảng và ấm áp, chân thành với học trò nghèo.
Với Quỳnh Dương, mỗi ngày đến trường là một ngày yêu thương. Bởi ở đó, cô giáo Quỳnh Dương được gặp gỡ, trò chuyện, sẻ chia, động viên từng học sinh nghèo nơi miền quê lam lũ. Những lần rời bục giảng, Quỳnh Dương đã về tận nhà những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn để trực tiếp tìm hiểu, động viên, chia sẻ. Hơn 30 năm đi dạy, có hơn 100 học sinh chị đã nhận nuôi dưỡng, ăn học.
Em nào được chị nhận nuôi đều được lo mọi thứ từ sách vở, áo quần, học phí. Chị không có nhiều tiền, chủ yếu cậy nhờ vào đồng lương nhưng biết tằn tiện nên cũng đủ lo cho bọn trẻ. “Nhiều cháu ở quê nghèo lắm. Mình đã nhận nuôi em nào là lo cho em đó từ khi vào đến khi rời mái trường mà mình dạy”, chị tâm sự.
Hơn 35 năm trôi qua, trong ký ức của cô giáo Quỳnh Dương vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những cô cậu học trò năm nào trên đất nghèo Phú Lộc mà mình đã sẻ chia, giúp đỡ. Như em Hoàng Xuân Thái, ở xã Lộc An (Phú Lộc). Gia đình Thái nghèo lắm. Một buổi đến lớp, một buổi Thái đi kiếm củi bán lấy tiền mua sách vở. Cô Dương đã đồng hành cùng Thái bằng những đồng tiền cô gom góp hỗ trợ thêm cho em cả khi vào đại học.
Giờ Thái đã ngoài 50 tuổi, đang giảng dạy tại một trường cao đẳng nghề ở Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Hay em Nguyễn Thành Nhân, nhà nghèo quá không có tiền đóng học phí nên định nghỉ học từ lớp 10. Cô Dương đã hỗ trợ tiền học phí và động viên kịp thời suốt những năm học cấp 3 và đại học. Hiện Nhân cũng là thầy giáo ở tỉnh Bình Dương… Rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương được cô giáo Quỳnh Dương cưu mang, giúp đỡ giờ đều đã lớn khôn, trưởng thành.
Tại Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), cô giáo Quỳnh Dương (năm nay tuổi đã gần thất thập) vẫn thường ngày cưu mang, nuôi dưỡng gần 40 em học sinh nghèo các cấp với vai trò vừa là một người mẹ, vừa là cô giáo dạy học, bao bọc, rèn đức các em nên người khi bố mẹ, người thân ở xa.
Chúng tôi gọi nơi tá túc của học sinh nghèo này là “ký túc xá” thu nhỏ. Bởi ấn tượng đầu tiên là những chiếc giường tầng ngăn nắp trong những căn phòng khép kín của dãy nhà hai tầng. Tiếng trao đổi, học bài, tiếng chào nhau mỗi khi có em đi học về khiến ngôi nhà càng thêm rộn ràng, ấm áp. Gần 13 năm qua, có hơn 135 em được đến với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng. Tiêu chí để những nhà hảo tâm lựa chọn là các em phải thật sự khó khăn, có học lực khá, giỏi và hơn thế, phải kiên trì, theo đuổi ước mơ đi học đến cùng.
Cô Quỳnh Dương nhớ lại những ngày đầu “bén duyên” với học sinh nghèo hiếu học: “Năm 2007, lúc đó tôi đang công tác ở Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Những ngày không có tiết dạy, tình yêu thương học sinh nghèo, mồ côi đã thôi thúc tôi rong ruổi trên những chuyến xe đò gần 50 km tới Trung tâm nuôi dạy trẻ lang thang Xuân Phú (TP Huế) để làm bảo mẫu và dạy văn hóa cho các em. Những ánh mắt non dại, những gió bụi cuộc đời mà các em phải gánh chịu cứ ám ảnh, khiến tôi suy nghĩ và đi tới quyết định sẽ dành trọn thời gian cho các em sau khi nghỉ hưu”.
Năm 2010, cô Dương chính thức đến với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng khi vừa đủ tuổi nghỉ hưu. Nhà bảo trợ được hình thành từ sự đóng góp của gia đình GS, TS Nguyễn Đình Thông, vốn là học sinh Trường Quốc học – Huế, hiện đang sinh sống tại Ô-xtrây-li-a, cùng sự hỗ trợ, góp sức của Câu lạc bộ cựu nữ sinh Đồng Khánh, từ sau năm 2018 là Hội Từ thiện Pháp quản lý và hỗ trợ.
Người mẹ của hơn 135 học sinh nghèo
Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng là nơi thường xuyên cưu mang từ 35 đến 40 học sinh mồ côi, nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Các em được nuôi dạy và cắp sách đến trường từ năm lớp 6 cho đến lớp 12. Tinh thần lao động không mệt mỏi của một “ban giám đốc không lương” như cô Quỳnh Dương và một số nhà hảo tâm khác, đã góp phần giúp các em học sinh có hoàn cảnh không may mắn vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Học sinh được nhận vào học tại nhà bảo trợ này phải là người có đạo đức tốt, học lực từ khá trở lên và xuất thân từ gia đình nghèo, có nhiều khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Gắn bó với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng gần 10 năm, trong vai trò Phó Ban điều hành phụ trách, cô Quỳnh Dương đã “cắm bản” thường nhật tại đây để trực tiếp đồng hành với các em, là người định hướng phương pháp học tập đúng đắn cho các em. Năm nào mái ấm này cũng có em đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đỗ điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học. Gần 13 năm qua, có hơn 70 em đã thi đỗ vào các trường đại học, một số em đã xuất sắc trở thành thủ khoa, á khoa của nhiều trường đại học trong cả nước; gần 30 em đã tốt nghiệp đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định…
Đến giờ cô Dương vẫn không quên cậu học trò nhỏ nhắn Đỗ Như Thuần (ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), là một trong năm học sinh đồng thủ khoa của Đại học Huế khi thi vào Khoa Y đa khoa Trường đại học Y Dược Huế năm 2014 với điểm số 28,5 điểm. Thời gian em thi đỗ xuất sắc vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế), mẹ của em mắc bệnh ung thư tuyến giáp, gia đình rất khó khăn.
Xa ba mẹ, tiền nhà chỉ vừa tạm đủ ăn ở, có lúc Thuần phải nhịn đói đi học buổi sáng để dồn tiền mua sách tham khảo. Sang năm lớp 9, may mắn em được nhận vào Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng và em đã thi đỗ vào lớp 10 chuyên hóa Trường THPT chuyên Quốc học – Huế. Từ đó, ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho đồng bào của Thuần ngày càng tới gần và đã thành hiện thực.
Được đùm bọc trong vòng tay nhân ái ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng, các em học sinh ở đây đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài việc tự thân chăm chỉ học hành và rèn luyện về các mặt; tuân thủ nội quy của trường học và của Nhà bảo trợ, các em luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, biết giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày; có ý thức bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt cộng đồng. Chính sức mạnh của tinh thần nhân ái là bệ đỡ giúp Nhà bảo trợ duy trì và phát triển các hoạt động, giúp các em không ngừng vươn lên về mọi mặt.
Nhiều học sinh và giáo viên ở nhà bảo trợ đã nhận xét, ở đây không ai ngoài cô Quỳnh Dương là người hiểu tường tận từ hoàn cảnh đến tính cách của các em. Mỗi em mỗi tính, tốt có, xấu có, nghễnh ngãng có, đáng yêu có, nhưng cô đều hài lòng. Thương lắm khi các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đều học rất giỏi. Mỗi ngày, cô phải chia ra hai buổi kiểm tra bài cho các em trước lúc đi học. Cô Dương là người tâm huyết, liên hệ chặt chẽ với giáo viên của các em trong suốt những năm học.
Tùy theo nguyện vọng của các em để có sự đầu tư hợp lý khi đi chọn thầy giỏi cho các em. Đôi khi học phí khá cao khi học theo kiểu kèm cặp, nhưng thấy các em vừa thông minh, chịu khó lại có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều giáo viên đã miễn giảm. Các giáo viên đều quý cô Dương vì lúc nào cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường trong quá trình các em theo học.
Điều đáng nói là học sinh đều tự ý thức học tập, chăm chỉ, em lớn dạy bảo em nhỏ hơn để cùng nhau tiến bộ. Em Lê Thị Hoài, học sinh ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng kể: “Cô Dương rất nghiêm khắc với chúng em nhưng lại thương học trò hết mực. Cô thường tặng sách để động viên chúng em học tập. Lúc đau ốm cũng luôn có cô bên cạnh”.
Không chỉ chăm sóc, dạy dỗ học sinh nghèo ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng, ít nhất một tuần hai lần, cô Dương tranh thủ đi làm việc thiện như tặng quà, trợ cấp khó khăn cho những hoàn cảnh bất hạnh ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Đồng hành trên từng cây số với cô trên những hành trình đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi nghèo vẫn luôn là một chiếc xe máy cũ…
Học sinh Vĩnh Long nhận học bổng 'Ủng hộ nông sản Việt'
Trong năm đầu phối hợp tổ chức chương trình 'Ủng hộ nông sản Việt', Báo Tuổi Trẻ - Saigon Co.op và Ví MoMo tổ chức trao 18 suất học bổng cho các em học sinh nghèo, khó khăn vùng quê lúa Vĩnh Long.
Đại diện Báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Vĩnh Long trao học bổng và quà cho các em học sinh nghèo học giỏi xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình - Ảnh: CHÍ HẠNH
Sáng 1-8, tại UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), Báo Tuổi Trẻ - Saigon Co.op và Ví MoMo (đại diện Ban tổ chức Chương trình Ủng hộ nông sản Việt) phối hợp cùng Tỉnh đoàn Vĩnh Long tổ chức chương trình trao 18 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 11 là con em các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Niềm vui trước thềm năm học mới
"Ủng hộ nông sản Việt" là một chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới "Ngày không tiền mặt 2020" - khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 30-6 đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ 75.000kg vải thiều Lục Ngạn và 2.850kg gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng. Đồng thời nhận được 16.099 lượt quyên góp từ người dùng Ví MoMo với tổng số tiền 86 triệu đồng, tương đương 18 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thụy Yến Phương, phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long phát biểu và giao lưu với các em học sinh nhận học bổng - Video: CHÍ HẠNH
Có mặt từ rất sớm, em Đặng Thị Mơ, học sinh giỏi lớp 9, cho biết em sống cùng bà nội từ lúc mới 3 tháng tuổi, nhưng 4 tháng trước, ba Mơ đưa bà nội già yếu lên Đồng Nai để vừa làm công nhân, vừa tiện chăm sóc.
"Hiện con ở với bác ruột, vài tháng ba mới gửi tiền về phụ chi phí này nọ. Hàng ngày con đến trường cách nhà hai cây số bằng xe đạp. Nhà con nghèo, ba mới đi xa kiếm tiền và đó là động lực để con học giỏi. Con giỏi nhất là môn tiếng Anh.
Con cũng không dám mơ ước gì nhiều cho chuyện tương lai, vì có thể hoàn cảnh sẽ không cho phép. Chỉ mong sau này có cái nghề nuôi được bản thân, con rất mừng và cám ơn các cô chú đã tặng cho học bổng. Đây sẽ là chi phí mua sách vở, quần áo cho năm học mới" - Mơ tâm sự.
Em Đặng Thị Mơ chia sẻ về hoàn cảnh và cách học tập để đạt loại giỏi - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ông Phạm Ngọc Minh, 50 tuổi, phụ huynh em Phạm Hà My, hiện đang học lớp 9 Trường THCS Cái Ngang, chia sẻ: "Lúc nghe con được nhận học bổng, vợ chồng tôi muốn rơi nước mắt, tôi cảm ơn sự quan tâm của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương".
Ông Minh là người từng chiến đấu ở chiến trường K Campuchia. Ông bị thương mất một chân, hiện phải lắp chân giả nên đi lại rất khó khăn.
"Nhà không có ruộng canh tác, ngoài tiền hỗ trợ thương binh thì cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con chỉ biết trông chờ vào ít đồng tiền lời của việc buôn bán hạt điều... Khoảng thu nhập ấy cũng thất thường, chỉ kiếm được khi vào mùa, còn ngày thường ai kêu gì làm nấy. Một mình vợ làm lụng nuôi hai con ăn học cực lắm, xoay xở tứ bề, có lúc thiếu thốn thì vay mượn chòm xóm" - ông Minh kể.
San sẻ gánh nặng học phí
Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ, đại diện Ban tổ chức, cho biết việc lựa chọn 2 sản phẩm nông sản này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Vải thiều Lục Ngạn và gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng là 2 loại sản phẩm nổi tiếng của nông sản Việt Nam.
Nếu trái vải tươi là một trong những đặc sản thời vụ điển hình ở thời điểm hiện tại, thì gạo giống ST nói chung và gạo ST Xuân Hồng là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL. Hai sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới nhưng hiện tại nguồn ra đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19.
Do đó, trái vải và gạo hơn lúc nào hết cần được người dân cả nước ủng hộ, vừa để tôn vinh nông sản Việt, vừa để góp phần giải quyết đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác. Bên cạnh việc tìm đầu ra, hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản, người nông dân còn cần những hỗ trợ kịp thời hơn về đồng vốn cho việc mua giống mới, phân bón, cải tạo đất... chuẩn bị sản xuất cho vụ mùa tiếp theo. Đặc biệt, là trang trải cho các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của gia đình họ.
"Không dừng lại ở đó, một năm học mới sắp bắt đầu với chi phí sách vở, quần áo, học phí... làm gánh nặng những người nông dân đang mang lại càng nặng thêm. Trong khi để trẻ hồn nhiên vui bước đến trường, học hành thành tài là mong mỏi từ bao đời nay của những người làm cha mẹ và người nông dân cần những hỗ trợ kịp thời về vật chất để có thể trang trải chi phí học tập cho con em của mình khi mùa tựu trường đến gần. Chương trình quyên góp Ủng hộ nông sản Việt, một phần nhỏ, sẽ san sẻ với họ về gánh nặng này" - ông Toàn chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Đức (bên phải) - phó chủ tịch UBND huyện Tam Bình cùng lãnh đạo xã Mỹ Lộc tặng quà, học bổng cho các em học sinh - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ông Lê Ngọc Đức - phó chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết những phần học bổng trao cho các em học sinh nghèo khá, giỏi hôm nay là tấm lòng quý báu đối với địa phương.
"Trong năm học 2020-2021 sắp tới đây, những phần học bổng của các nhà tài trợ sẽ giúp các em có điều kiện tiếp tục cắp sách tới trường. Các em có mặt hôm nay phải cố gắng học giỏi hơn, để không phụ lòng các anh chị nhà tài trợ. Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến các anh chị!" - ông Đức bày tỏ.
Được biết đây là năm đầu tiên 3 đơn vị Báo Tuổi Trẻ - Saigon Co.op và Ví MoMo phối hợp tổ chức chương trình này.
Với "Ủng hộ nông sản Việt", lần đầu tiên người tiêu dùng khu vực TP.HCM và Hà Nội được trải nghiệm mua nông sản (vải thiều Lục Ngạn và gạo Xuân Hồng) ngay trên nền tảng công nghệ thanh toán tiện lợi của ví điện tử MoMo và nhận hàng tại địa chỉ do mình chọn. Chương trình còn kêu gọi quyên góp hỗ trợ chi phí học tập cho con em nông dân khó khăn khi năm học mới sắp bắt đầu.
Các em hớn hở ra về với món quà từ tấm lòng của các nhà hảo tâm - Ảnh: CHÍ HẠNH
Trong lần đầu hợp tác, lợi thế của từng đơn vị được tận dụng và kết hợp để tối ưu giá trị mang lại cho bà con nông dân. Cụ thể, Báo Tuổi Trẻ - cơ quan báo chí đi đầu trong các hoạt động vì cộng đồng, xã hội - là đơn vị khởi xướng, kết nối các doanh nghiệp tham gia, tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và truyền thông chính cho chương trình.
Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - là đầu mối phân phối hàng trăm tấn vải thiều và gạo chất lượng cao mỗi năm thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op tra, Co.op Food,... Tất cả các loại nông sản đều phải đáp ứng yêu cầu đầu vào nghiêm ngặt của Saigon Co.op, trong đó 2 tiêu chí chính là đảm bảo an toàn thực phẩm và giá thu mua hợp lý để vừa giúp người tiêu dùng mua được sản nông sản an toàn, giá hợp lý, vừa thiết thực giúp người nông dân thu hồi vốn đảm bảo tái sản xuất.
Ví MoMo - ví điện tử hàng đầu Việt Nam - cung cấp nền tảng công nghệ để đặt mua nông sản cũng như kêu gọi quyên góp tiền. Với hơn 20 triệu người dùng, MoMo tự tin bằng công nghệ có thể lan tỏa chương trình ý nghĩa này đến với người dùng đã quen với tiêu dùng online.
Bên cạnh đó, MoMo tự hào về cộng đồng nhà hảo tâm đã và đang đồng hành, hỗ trợ hàng trăm người, hàng tỉ đồng để xây dựng cộng đồng tử tế và mang lại nhiều cơ hội sống tốt hơn.
Kon Tum: Hỗ trợ hơn 166 triệu đồng cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Tỉnh Kon Tum đã huy động các nguồn quỹ, vận động mạnh thường quân... hỗ trợ hơn 166 triệu đồng cho các em học sinh nghèo, gia đình chính sách tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ngày 28/7, Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, đã cơ...