Chàng trai của tộc người 400 nhân khẩu được tuyên dương toàn quốc
Từ núi cao, Lô Văn Anh – người con của đồng bào Ơ Đu xuống TP Vinh theo đuổi giấc mơ con chữ. Vừa qua, Văn Anh là đại diện duy nhất của dân tộc Ơ Đu vinh dự được góp mặt trong lễ tuyên dương 166 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc 2018.
Lô Văn Anh (SN 1999), người con của dân tộc Ơ Đu – một trong những dân tộc có số nhân khẩu ít nhất cả nước, sinh ra ở xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An. Khi xã Kim Đa phải nhường đất cho dự án Thủy điện Bản Vẽ, gia đình Lô Văn Anh phải đến Nga My tái định cư nhưng cả gia đình quyết định chuyển đến xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An sinh sống.
Người con của tộc người Ơ Đu Lô Văn Anh.
“Em sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng may mắn bố mẹ có tư tưởng tiến bộ, coi trọng việc học hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, người Ơ Đu có khoảng hơn 400 nhân khẩu, sống chủ yếu ở huyện Tương Dương và khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ ở huyện Thanh Chương”, Lô Văn Anh cho biết.
Sau khi học hết trung học cơ sở, em thi vào Trường THTP Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà. Ba năm học cấp 3, Lô Văn Anh là một trong số rất ít học sinh người Ơ Đu có thành tích học tập khá tại trường. Người con của núi rừng mơ ước được phục vụ trong quân đội nhưng chiều cao không đủ tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, em vẫn hết sức nỗ lực trong kỳ thi THPT quốc gia và đạt số điểm 22 điểm/3 môn khối C.
Số điểm này, cộng với điểm ưu tiên, Lô Văn Anh có thể lựa chọn vào một trường đại học thuộc top đầu nhưng sau nhiều cân nhắc, em đã có lựa chọn riêng của mình: đi học nghề.
“Là người dân tộc thiểu số, nhiều điều kiện học tập không thể bằng các bạn khác, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Bởi vậy, em nghĩ học nghề sẽ tốt hơn cho mình, cho cả bố mẹ. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc, em chọn ngành Công nghệ ô tô – một trong những nghề “thời thượng” hiện nay, cơ hội việc làm sẽ lớn hơn”, Lô Văn Anh tâm sự.
Lô Văn Anh và thầy trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức chụp ảnh lưu niệm tại lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2018. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Video đang HOT
Hiện Lô Văn Anh là sinh viên năm thứ 1, khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức (đóng ở TP Vinh, Nghệ An). Từ dân chuyên khối C, chuyển sang học chuyên ngành kỹ thuật, em phải nỗ lực hơn các bạn nhiều lần.
Cô Đinh Thị Minh Hạnh – Chủ nhiệm lớp Cao đẳng ô tô 4, K12, Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức, chia sẻ về cậu học trò của mình: “Lô Văn Anh là sinh viên hiền lành, ngoan, chịu khó và đặc biệt có tinh thần cầu thị, ham học hỏi. Ngoài ra, em cũng là hạt nhân văn nghệ và tham gia tích cực nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường”.
Việc có tên trong danh sách 166 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2018 do Ủy ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương đối với Lô Văn Anh là một bất ngờ lớn, nhưng cũng là động lực tiếp sức cho em trên con đường học hành sắp tới. Thương cậu học trò nghèo chưa một lần được đi xa, đích thân thầy trưởng khoa đưa Văn Anh ra thủ đô dự lễ tuyên dương.
Được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và các bạn, Lô Văn Anh đang cố gắng để hoàn thành chương trình học một cách tốt nhất.
“Được ra thủ đô dự lễ tuyên dương cùng nhiều bạn, nhiều anh chị là người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trên cả nước, bản thân em vừa thấy vinh dự, vừa thấy ngưỡng mộ, khâm phục các anh chị. Em tự hứa cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống và trong học tập, để mọi người biết đến dân tộc Ơ Đu nhiều hơn.
Người Ơ Đu bây giờ có số lượng người rất ít, không còn duy trì được tiếng nói của mình, nhiều nét văn hóa bị mai một, hòa lẫn vào dân tộc khác, không có nhiều người học được lên cao nhưng em nghĩ, quan niệm về sự học cần phải được thay đổi. Dù là dân tộc ít người, dù điều kiện sống còn hết sức khó khăn nhưng nếu có cố gắng, có quyết tâm, người Ơ Đu cũng có thể đạt được những thành tích như các đồng bào dân tộc thiểu số khác”, Lô Văn Anh chia sẻ.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Tự tin trên con đường đã chọn
Trong 166 gương mặt được Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc năm 2018, tối 25-11, có nhiều em là học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc có thành tích đặc biệt trong nghiên cứu khoa học... Điểm chung nhất là các em đều tự tin, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình. Báo Biên phòng xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.
Lương Thị Thúy, dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang: "Mong muốn khi ra trường được về công tác tại quê hương"
Thúy hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đây là lần thứ 2 em được tuyên dương vì thành tích học tập. Ước mơ được đi du lịch khám phá vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc của cô gái 20 tuổi, đến từ thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã nuôi lớn niềm đam mê học tập các môn xã hội. Em đã phấn đấu đạt được thành tích học tập đáng nể, khi 2 năm liền đạt giải Ba và Khuyến khích cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Dù đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học, nhưng Thúy vẫn tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như các bạn và đạt số điểm 24,5 cho 3 môn khối C.
Thúy chia sẻ, em rất vui và tự hào vì được tuyên dương lần thứ 2. "Đây là động lực, giúp em tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập. Thúy mong muốn khi ra trường được về công tác tại quê hương, góp phần phát triển du lịch Tuyên Quang.
Cháng Thị Tâm, dân tộc Mông, thôn Cốc Mạ, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: "Học nghề để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình"
Tâm tốt nghiệp lớp 12 Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc loại giỏi. Chia sẻ về bí quyết học tập, Tâm cho biết: "Điều đầu tiên là bản thân phải chăm chỉ, tự giác học tập, tìm hiểu. Chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy, cô giáo. Em hay đọc sách hoặc bổ sung kiến thức qua mạng internet".
Với thành tích tốt nghiệp loại giỏi, Tâm đã nộp hồ sơ xét tuyển và đỗ vào Trường Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình quá khó khăn, Tâm phải dừng chân trước cánh cổng trường đại học. Nhưng không vì thế mà Tâm từ bỏ ước mơ của mình. "Em đã lựa chọn đi học nghề. Em cảm thấy học đại học và học nghề không có sự khác biệt quá. Em xác định, học để có kiến thức, có kinh nghiệm cho chính mình và ứng xử với xã hội đúng mực. Em chọn một nghề phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện của gia đình. Em hy vọng mình sớm tự lập và giúp đỡ được gia đình nhiều hơn".
H,Truyên Hlong, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: "Kỹ sư trẻ của người M'Nông"
Hlong hiện là học sinh lớp 9. Thường, em vừa đi học, vừa đi làm để giúp đỡ bố mẹ. Em rất tự hào, vì là người đầu tiên của dân tộc M'Nông được giải Nhì ngành năng lượng trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học và được đi dự lễ tuyên dương lần này. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có xe đạp đi học, không đủ tiền mua sách vở, quần áo, nhưng Hlong luôn cố gắng học tập thật tốt. Cô học trò này còn nuôi dưỡng đam mê khoa học. Công trình khoa học đầu tiên của em là "Điều hòa nhà ở bằng phương pháp tiếp đất và thông khí", được xuất phát từ một lần làm việc dưới ao cùng bố.
Hlong chia sẻ: "Bữa đó, trời mưa, em thấy trên bờ lạnh, còn dưới ao lại ấm, nên em nghĩ tới việc làm điều hòa nhiệt độ bằng cách lấy nhiệt từ dưới lòng đất qua ống thông khí bằng năng lượng mặt trời đưa lên mặt đất". Mất gần 2 tháng mày mò dưới sự hướng dẫn của thầy giáo và phải qua 3 lần thất bại, Hlong mới hoàn thành được chiếc điều hòa không khí tự nhiên. Chi phí ban đầu cho chiếc điều hòa này là 5 triệu đồng. "Ưu điểm của nó là chi phí ban đầu không quá cao. Quá trình sử dụng điều hòa không tốn tiền điện, cũng không gây ô nhiễm môi trường" - Hlong tự hào giới thiệu về công trình đạt giải Nhì trong cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2018 của mình.
Nguyễn Bùi Khánh Linh, dân tộc Mường, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình: "Thành công đến từ đam mê"
Khánh Linh đến với môn Lịch sử với niềm đam mê và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Học sinh giỏi cấp quốc gia môn lịch sử. Thành tích này cùng với điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 26,1 điểm, Khánh Linh trúng tuyển vào Học viện An ninh. Hiện, em là sinh viên năm thứ nhất. Linh tâm sự: "Em yêu thích ngành Công an từ khi còn nhỏ. Em sẽ phấn đấu và cố gắng để đạt kết quả tốt nhất trong những năm sắp tới. Em mong muốn, khi trưởng thành sẽ giúp ích được nhiều nhất cho xã hội".
Hồ Hồng Cường, dân tộc Si La, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên: "Học để giúp đồng bào mình phát triển hơn"
Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, 18 năm qua, Cường và anh trai ở với ông bà trong sự thiếu trước hụt sau cả về vật chất lẫn tinh thần. Cường kể, vì hai anh em mà ông bà đã rất vất vả, ngày nào cũng phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Thương ông bà vất vả chăm lo cho mình, Cường luôn nỗ lực, cố gắng học tập và đã đỗ vào Khoa Báo chí, Trường Đại học Thái Nguyên. Đi học xa nhà, những lúc khó khăn nhất, Cường thường nghĩ tới sự hy sinh vất vả của ông, bà làm động lực phấn đấu. Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Cường, Quỹ học bổng Vừ A Dính trao tặng học bổng cho em trong suốt 4 năm học đại học, mỗi tháng 1 triệu đồng. Cường cho biết, sẽ cố gắng học tốt để sau này góp phần giúp đồng bào của mình phát triển hơn.
Thu Hằng
Theo bienphong
Phó Thủ tướng mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực vùng thiểu số Tối 25/11, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức lễ tuyên dương 166 học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc, tiêu biểu năm 2018. Đây là năm thứ 6, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh,...