Chàng trai 9x người Việt làm thạc sĩ tại Mỹ, chia sẻ trải nghiệm đắt giá khi học ở Harvard
Trở về từ Mỹ sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, chàng trai trẻ Trần Hà Dương có dịp gặp gỡ nhiều bạn sinh viên khi được mời làm diễn giả trao đổi về hướng nghiệp. Một trong những câu hỏi anh hay nhận được nhất là đã học được gì từ trải nghiệm tại Harvard?
Sau khi học Thạc sĩ chính sách công tại đại học Harvard, Trần Hà Dương trở lại quê hương và hiện đang làm trong ngành tư vấn chiến lược tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Trước đó, Dương là Cử nhân chuyên ngành Kinh tế tại Swarthmore (Top 3 LAC Mỹ), từng làm việc tại các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ lớn tại Mỹ, Singapore và Việt Nam…
Ngoài thành tích học tập nổi bật từ khi ở bậc trung học, Trần Hà Dương còn được biết đến với những hoạt động xã hội, thể hiện năng lực lãnh đạo, khả năng tranh luận và hùng biện xuất sắc.
Thạc sĩ sinh năm 1991 Trần Hà Dương
Năm 2006, khi đang học lớp 9, Dương giành được học bổng A*Star của chính phủ Singapore. Sau đó, chàng trai trẻ lên đường du học từ khi mới 15 tuổi và luôn có thành tích đứng đầu khi theo học 4 năm ở ngôi trường hàng đầu Singapore Hwa Chong Institution.
Về nước, Dương đã làm diễn giả tại nhiều buổi trao đổi, trò chuyện về chủ đề hướng nghiệp cho các bạn sinh viên ở trường đại học như Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia… Một trong những câu hỏi anh hay nhận được nhất là đã học được gì từ trải nghiệm tại Harvard?
Trần Hà Dương trao đổi, trò chuyện cùng các bạn trẻ về định hướng hướng nghiệp
“Thú thật là trả lời câu hỏi này là điều không dễ đối với mình, bởi có quá nhiều những bài học đáng nhớ mình đã nhận được. Mình cũng không hy vọng sẽ hoàn toàn “vén màn bí mật” của ngôi trường danh giá này, mà chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ một số điều mà mình tâm đắc nhất từ góc độ trải nghiệm của bản thân.” – Dương cho biết.
Chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ, điều đầu tiên được học là tinh thần mãi mãi học hỏi. “Có lẽ nhiều bạn nghĩ rằng ai được nhận vào Harvard cũng đều là những người giỏi và thành công rồi, và vì thế không cần học thêm nữa. Thế nhưng, một trong những bài học mà mình nhận được từ các giáo sư tại Harvard từ những ngày đầu là cần phải luôn luôn giữ cho mình “growth mindset”, hay còn gọi là tư duy cầu tiến. Tri thức của nhân loại là vô bờ, càng học càng nhận ra rằng mình chưa biết gì hết, vì vậy tư duy cầu tiến giúp chúng ta có khả năng tiếp nhận những ý kiến khác biệt và mới mẻ với thái độ rộng mở hơn, thay vì đóng khung bản thân trong những định kiến cá nhân.
Tại Harvard, mình cảm nhận được tinh thần này rất rõ không chỉ trên lớp mà cả ngoài lớp học. Mình đã học hỏi được rất nhiều khi trò chuyện với các bạn học là các chuyên gia với kinh nghiệm hàng chục năm, hay đang đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính phủ các nước, nhưng vẫn quay trở lại giảng đường để mở mang thêm hiểu biết. Mình cũng quen với việc nhìn thấy các giáo sư – những người có thể coi là đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực của họ – đi dự thính các lớp của nhau. Có lẽ chính vì tinh thần mãi mãi học hỏi này mà Harvard có thể giữ được vị thế của mình là một trong những môi trường học thuật hàng đầu thế giới trong nhiều năm.
Video đang HOT
Điều thứ hai mình quan sát được là sự chủ động gần như bắt buộc của mỗi học giả trong hành trình học tập của bản thân. Harvard cung cấp cho mỗi học giả nguồn lực tri thức vô cùng to lớn, đến từ không chỉ sách vở, giáo sư đầu ngành mà còn cả phương pháp đã được đúc kết qua nhiều năm. Một ví dụ là mình có thể yêu cầu gần như bất cứ cuốn sách nào trên thế giới, và hệ thống thư viện của Harvard sẽ tìm mọi cách để tìm được cuốn sách đó nhanh nhất có thể. Hay các giáo sư sẽ luôn rộng mở văn phòng của mình để học giả có thể tới hỏi han thêm sau bài giảng.
Vì vậy, giới hạn duy nhất là bản thân mỗi học giả có tự định hướng được bản thân mình muốn học gì và như thế nào hay không. Vai trò của các giáo sư là cung cấp những tài liệu gợi mở trước bài giảng và là người “thách thức quan điểm” của học giả trên lớp, thay vì “truyền đạt kiến thức.” Không có ai có thể dắt tay học giả đến với tri thức, mà bản thân từng người sẽ phải có sự chủ động để đi tìm tri thức.
Bài học cuối cùng mà mình muốn chia sẻ là mục đích của việc học tập. Một giáo sư đã từng nói với mình là đa số những người học ở Harvard đều có nhiều tham vọng cá nhân về thu nhập, danh vọng, địa vị trong xã hội, và điều đó không có gì là xấu cả. Tuy nhiên, chương trình mà mình học là Chính sách công, và khẩu hiệu của trường mình là “Ask what you can do” – hãy hỏi bạn có thể làm được gì – lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Vì vậy, giáo sư đã khuyên mình và các bạn học nên hướng tới mục đích của việc học tập là vượt ra ngoài những tham vọng cá nhân để hướng tới những khát vọng vì cộng đồng.”
Có lẽ chính vì bài học này mà chàng thạc sĩ trẻ đã quyết định trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp, và không có một chút hối tiếc nào từ đó tới nay. “Bởi ngoài công việc chính là tư vấn chiến lược giúp các tổ chức, tập đoàn của Việt Nam lớn mạnh, mình đang có cơ hội làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng mà mình yêu mến là giới trẻ Việt Nam, và trên con đường đó mình vẫn luôn tự nhủ phải học hỏi rất nhiều.”
Hiện tại, Trần Hà Dương vẫn say mê với những hoạt động cộng đồng và mong muốn làm được nhiều việc giúp cho giới trẻ hơn nữa.
Nam sinh đam mê khoa học, giành học bổng toàn phần du học châu Âu
Học bổng Erasmus Mundus là bước đệm tốt để đăng ký học bổng tiến sĩ sau này, giúp em thực hiện đam mê nghiên cứu công nghệ sinh học.
Sau nhiều nỗ lực học tập, nghiên cứu, Nguyễn Hoàng An (sinh năm 1997 tại Huế), cựu sinh viên Đại học Khoa học - Đại học Huế đã chinh phục thành công học bổng Erasmus Mundus - học bổng toàn phần hệ thạc sĩ của Liên minh châu Âu (EU), 49 nghìn Euro (khoảng gần 1,3 tỷ đồng).
Miệt mài với hành trình học tập, nghiên cứu và tìm kiếm học bổng
Mơ ước đi du học từ khi còn là học sinh lớp 12, nhưng ngày ấy, hồ sơ của Nguyễn Hoàng An chưa đạt đủ yêu cầu nhận học bổng, trong khi du học tự túc lại vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.
An chỉ có một giải khuyến khích trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học và một học bổng Vallet . Cậu học trò vẫn chưa có được cái nhìn đủ sâu và kế hoạch cụ thể về ngành học tương lai của mình.
Thời gian học phổ thông, Hoàng An dành tình yêu cho môn Sinh học, đó là lý do chàng trai trẻ trở thành sinh viên Đại học Khoa học - Đại học Huế, ngành Công nghệ sinh học, bắt đầu hành trình nghiên cứu.
Nguyễn Hoàng An (áo xanh) nhận được học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ du học châu Âu (Ảnh: NVCC)
Bước vào chặng đường mới, Nguyễn Hoàng An tự đặt ra cho mình những mục tiêu để phấn đấu. Nam sinh vừa học tập, vừa dành thời gian thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, vừa tìm hiểu thông tin học bổng, chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào các trường.
Thắp lại ước mơ du học, mục tiêu của An là phải đạt được GPA loại xuất sắc, có kiến thức chuyên ngành tốt; phải tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh.
"Em đặt ra những quy tắc và phương pháp học tập cho bản thân. Về lĩnh vực nghiên cứu, em tham gia vào một phòng thí nghiệm của khoa để học các thao tác tiến hành thí nghiệm và đã dành 3 năm học tập tại phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các chuyến đi thu thập mẫu thực vật ngoài thực địa, nhờ tận mắt, tận tai nghe và thấy được khó khăn của người nông dân, có thêm nhiều trải nghiệm", Hoàng An chia sẻ.
Từ năm thứ tư đại học, Hoàng An bắt đầu hành trình tìm kiếm học bổng, sẵn sàng cho những dự định và kế hoạch tương lai sau khi tốt nghiệp đại học.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Hoàng An đã xuất sắc chinh phục tất cả những mục tiêu của bản thân. Chàng sinh viên ngành Công nghệ sinh học đạt GPA cao nhất toàn khóa (3.9/4.0), là đồng tác giả của 7 công bố quốc tế (4 công bố đang chờ xét duyệt), đạt được học bổng Vallet, đạt 7.5 IELTS. Và mới đây, Hoàng An còn nhận được giải khuyến khích của học bổng Honda.
Nhìn lại hành trình đã qua, Hoàng An nhận thấy đó là khoảng thời gian tuyệt vời và ý nghĩa trong cuộc đời mình. Dẫu trải qua nhiều khó khăn nhưng thành quả ngọt ngào chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực cố gắng của em.
Chia sẻ về mơ ước du học, Hoàng An cho biết: Bất cứ ngành nghề nào cũng cần có sự trải nghiệm để có thể thành công, và nghiên cứu cũng không phải là ngoại lệ.
Em muốn được tiếp xúc với một môi trường học thuật quốc tế, nơi em có thể làm mới tư duy của mình, sáng tạo ra những phương pháp nghiên cứu mới để giải quyết các vấn đề trong xã hội hiệu quả hơn".
Mơ ước phát triển nhiều giống cây trồng mới cho nền nông nghiệp nước nhà
"Tìm kiếm một học bổng phù hợp với bản thân không phải dễ dàng. Thông tin càng nhiều, em càng cần mất thời gian để chọn lọc.
Đã nhiều lần, em viết thư cho các giáo sư ở một số trường đại học nhưng vẫn bị từ chối. Không từ bỏ, em học thêm khóa học tìm và đăng ký học bổng, cuối cùng em tìm được emPLANT .
Nhận thấy emPLANT tương đồng 100% với định hướng tương lai của mình, em đã chuẩn bị hồ sơ thật tốt và đăng ký duy nhất học bổng này", Hoàng An chia sẻ về hành trình tìm kiếm học bổng.
Học bổng Erasmus Mundus (emPLANT ) giúp chàng trai trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu tạo giống thực vật, thực hiện mơ ước phát triển giống cây trồng cho nền nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: NVCC)
EmPLANT là một chương trình học được tạo ra từ sự hợp tác của 6 trường đại học hàng đầu châu Âu về lĩnh vực tạo giống cây trồng. Mục đích của khóa học này là thu hút những sinh viên xuất sắc và cung cấp cho họ những kiến thức về khoa học thực vật, tạo giống cây trồng, tin sinh học, luật, kinh tế.
Sau khi học khóa học này, học viên sẽ có được kiến thức đủ rộng để có thể tham gia vào các dự án tạo giống cây trồng phức tạp trên thế giới.
EmPLANT muốn đào tạo ra những nhà tạo giống cây trồng xuất sắc, giúp thế giới đương đầu với tình trạng mất an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.
Đối với chương trình emPLANT , thí sinh sẽ được lựa chọn trường học khi đăng ký. Chương trình học của Nguyễn Hoàng An sẽ kéo dài trong 2 năm. An lựa chọn học tại 2 trường đại học là Đại học Tài nguyên thiên nhiên và Khoa học sự sống (Áo) và Đại học Nông nghiệp và Khoa học sự sống (Hungary).
Chia sẻ kinh nghiệm đăng ký học bổng Erasmus Mundus (emPLANT ), Hoàng An cho biết, học bổng này dựa trên sự xuất sắc về học thuật nên điểm GPA cần phải cao, phải có chứng chỉ ngoại ngữ, phải có kinh nghiệm nghiên cứu/làm việc trong lĩnh vực tạo giống cây trồng hay khoa học thực vật...
Đối với các câu hỏi về động lực, thí sinh cần cho hội đồng xét tuyển thấy được kế hoạch tương lai một cách cụ thể, tiềm năng đóng góp của thí sinh cho nền nông nghiệp trong nước hoặc thế giới như thế nào. Ứng viên cũng cần cho hội đồng thấy được sự nhất quán và đam mê trong lựa chọn đăng ký học bổng.
Đối với vòng phỏng vấn, thí sinh cần cho hội đồng thấy được trình độ kĩ năng nghe nói tiếng Anh trôi chảy, hiểu biết về tạo giống cây trồng; cần cung cấp thêm các thông tin về động lực nộp đơn để cho thấy mình thực sự quan tâm và hiểu chương trình emPLANT , các trường đại học và các nước mình muốn đến.
Học bổng Erasmus Mundus (emPLANT ) sẽ là bước đệm để Hoàng An đăng ký học bổng tiến sĩ sau này. Chương trình cũng sẽ cung cấp tất cả các kiến thức đa ngành cần thiết về khoa học thực vật, tin sinh học, luật, kinh tế. Chính điều này giúp nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội thực hiện hóa kế hoạch tương lai nhanh hơn.
Nói về đam mê và dự định tương lai, Hoàng An chia sẻ: "Nghiên cứu giúp em phát hiện ra nhiều điều mới, tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Và hơn thế, nghiên cứu là cách để em có thể đóng góp tích cực cho xã hội.
Chuyên ngành em muốn hướng đến là tạo giống thực vật, có thể góp sức vào việc chấm dứt tình trạng phụ thuộc giống cây trồng nước ngoài.
Mặc dù các đơn vị phát triển giống cây trồng của nước ta đã rất nỗ lực, nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải chi rất nhiều tiền cho việc nhập khẩu hạt giống.
Chúng ta cần phải phát triển thêm nhiều giống cây trồng mới, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hơn nữa để giảm bớt gánh nặng về kinh tế.
Toàn bộ thời gian em học thạc sĩ và tiến sĩ sau này sẽ tập trung vào phát triển một hệ thống tạo giống cây trồng mới phục vụ cho đất nước mình. Em đã phát thảo ra mô hình này, việc tiếp theo trong những năm tới là hoàn thiện nó để nó hoạt động thật sự hiệu quả".
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Trao bằng tốt nghiệp đợt I năm học 2020 - 2021 Ngày 10/4, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã trao bằng tốt nghiệp cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và SV đại học được công nhận tốt nghiệp đợt cuối học kỳ I năm học 2020-2021. PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường khen thưởng cho học viên cao học đạt kết...