Chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ: Kiên quyết “cắt” quy định riêng
Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; tuy nhiên, việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục còn chưa thực sự đi vào thực chất.
Ứng dụng CNTT trong dạy và học giúp giảm tối đa áp lực sổ sách cho giáo viên
Do đó, Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT được ban hành vừa qua là cần thiết để thống nhất trên toàn quốc các loại hồ sơ, sổ sách. Đây là hướng chỉ đạo rất phù hợp trong bối cảnh chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT.
Giảm áp lực như thế nào?
Phân tích những điểm đáng chú ý trong Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, ông Đỗ Văn Khải – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết: Điều lệ trường chỉ quy định những loại hồ sơ, sổ sách đối với từng cấp học như nhắc lại trong Chỉ thị. Tuy nhiên, một số trường có quy định riêng gây áp lực cho giáo viên, có thể điểm ra một số như sau:
Thứ nhất, có trường tách sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn và dự giờ thành 3 sổ: kế hoạch giảng dạy; sinh hoạt chuyên môn; dự giờ (theo mẫu cứng nhắc, không phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học.
Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng Điều lệ: Chỉ có một sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ duy nhất; giáo viên được quyền chọn viết tay hoặc đánh máy. Nếu giáo viên sử dụng được máy tính để ghi chép sẽ rất nhẹ nhàng, thuận tiện, dễ lưu trữ, dễ tra cứu…
Thứ 2, có trường quy định giáo án mẫu yêu cầu giáo viên phải sử dụng (có thể phải mua hoặc thay cho văn phòng phẩm) và viết tay, thậm chí phải chép lại hằng năm, mất nhiều thời gian… Thậm chí, có nơi vừa yêu cầu giáo viên dùng giáo án điện tử (để thể hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin) vừa vẫn phải có giáo án in, gây áp lực.
Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng Điều lệ, không có mẫu giáo án, giáo viên được sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học và tự chọn viết tay hay đánh máy (Điều lệ không quy định mẫu giáo án). Nếu giáo viên sử dụng được máy tính để ghi chép sẽ rất nhẹ nhàng, thuận tiện, dễ lưu trữ, dễ tra cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện trong quá trình giảng dạy…; nếu sử dụng phần mềm soạn giáo án điện tử càng thuận tiện, có thể dễ dàng tạo bài giảng điện tử để hướng dẫn học sinh học trực tuyến…
Video đang HOT
Thứ 3, nhiều nơi yêu cầu sổ điểm cá nhân không được gạch xoá (như là một biện pháp để chống sửa điểm…), dẫn tới tình trạng nếu giáo viên “trót” viết sai một chỗ có thể phải chép lại cả quyển (nhất là khi sắp có đoàn kiểm tra thì phải chép lại gấp). Cuối mỗi học kì, việc “làm điểm” cũng mất nhiều thời gian “cộng, trừ, nhân, chia”…
Ảnh minh họa
Chỉ thị yêu cầu cho phép giáo viên được chọn viết tay hoặc đánh máy. Như vậy, giáo viên có thể sử dụng bảng tính (excel) để lập sổ điểm cá nhân trong máy tính để vào điểm cho học sinh. Việc “làm điểm” cuối học kì trở nên vô cùng nhẹ nhàng, đơn giản và chính xác.
“Chỉ thị yêu cầu từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử một cách đồng bộ và theo lộ trình phù hợp với địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên; từng bước tin học hoá quản trị nhà trường, giảm công việc “tay chân” của giáo viên để dành thời gian đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” – ông Đỗ Văn Khải phân tích.
Xử lý nghiêm hiệu trưởng đề ra các loại hồ sơ trái quy định
Bày tỏ sự đồng tình với việc Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, những quy định trong Chỉ thị này sẽ thực sự giúp giáo viên giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách; dành thời gian giảng dạy, công tác và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Chỉ thị quy định cụ thể hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên từng bậc học, cấp học là cần thiết, tạo thống nhất trong cả nước, chấn chỉnh tình trạng ở các cơ sở giáo dục tự “vẽ” ra các loại hồ sơ sổ sách không đúng quy định đối với giáo viên.
Không chỉ vậy, Chỉ thị còn giúp tránh việc lạm dụng thực hiện hồ sơ, sổ sách vào thi đua khen thưởng dẫn đến bệnh thành tích trong dạy học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ và dạy học đáp ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Thống nhất về nhận thức là việc sử dụng, quản lý hồ sơ, sổ sách trong các cơ sở giáo dục, phải góp phần duy trì kỷ cương, nền nếp trong quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, thúc đẩy các hoạt động chuyên môn phát triển. Thuận lợi trong kiểm tra chuyên môn của các cấp và dần hướng tới đi vào thực chất việc tổ chức dạy và học giảm thủ tục hành chính cho giáo viên.
Tại tỉnh Phú Thọ, chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tường, ngay sau khi có Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 87 ngày 15/1/2014 về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Đến nay, việc thực hiện hồ sơ, sổ sách của các trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đi vào nề nếp, quy củ.
“Giám đốc Sở đã chỉ đạo trưởng phòng GD&ĐT rà soát, xử lý nghiêm hiệu trưởng tất cả các trường học từ mầm non, tiểu học, THCS đề ra các loại hồ sơ trái qui định, còn các đơn vị trực thuộc Sở chịu trách nhiệm trước Giám đốc nếu còn để giáo viên phải có những loại hồ sơ, sổ sách trái quy định” – ông Nguyễn Minh Tường cho hay.
Ghi nhận từ nhiều giáo viên tại Phú Thọ, những chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ĐT đã tạo điều kiện cho các thầy cô dành nhiều thời gian cho công tác tự học, tự bồi dưỡng và đặc biệt là tập trung để thiết kế các bài dạy một cách có hiệu quả góp phần tích cực nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Cần sự chuyển động từ địa phương
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Đây được coi là tín hiệu tích cực và đã "chạm" vào một vấn đề bất cập, tồn tại trong nhiều năm qua. Đồng thời hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc giảm áp lực cho giáo viên.
Ảnh minh họa/internet
Còn nhớ, trong những ngày tiên của năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có thông điệp quyết tâm cắt giảm áp lực cho giáo viên và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là từ khóa của ngành Giáo dục trong năm mới.
Trước đó, Bộ trưởng cũng từng khẳng định: Những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên thì bãi bỏ và sẽ "trả lại" cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa các công việc về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.
Nay tất cả điều đó đã trở thành hiện thực và được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 138/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Theo chỉ thị này, giáo viên sẽ được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.
Nhớ lại chia sẻ của một cô giáo ở Hà Nội mới thấy rằng, Chỉ thị này có ý nghĩa như thế nào đối với giáo viên. Cô cho biết, trước đây mỗi khi kết thúc tiết dạy, thay vì nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiết dạy tiếp theo thì cô lại hì hục với bảng điểm và đống sổ sách đánh giá học sinh cuối kì.
Ở trên lớp, cứ rảnh lúc nào là giáo viên phải tranh thủ, không viết kịp thì phải mang cả về nhà để viết. Cứ hết một tháng giáo viên lại phải nhận xét tất cả các học sinh, rồi nhận xét tất cả các môn.
Cuối năm thì vừa tổng kết tháng cuối cùng, vừa tổng kết năm, rồi vào điểm... Những việc này choán hết cả thời gian dành cho chuyên môn, nghiên cứu bài vở, giáo án.
Đây chính là áp lực không đáng có đối với giáo viên mà lẽ ra thời gian đó giáo viên có thể làm được nhiều việc khác phục cho công tác giảng dạy, hỗ trợ học sinh học tập.
Áp lực sổ sách đã được xóa bỏ, mang lại nhiều cảm xúc tươi mới và động lực cho giáo viên trong những ngày cả nước chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Kỷ Hợi.
Vì thế, ngay sau Chỉ thị của Bộ GD&ĐT được ban hành, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng vì không phải viết tay sổ sách, giáo án, từ đó có thể chuyên tâm vào công tác giảng dạy. Nhiều giáo viên còn đón nhận Chỉ thị như một món quà Tết, được Bộ trưởng "mừng tuổi" đầu năm.
Vấn đề đã được giải quyết, song điều quan trọng lúc này là cách làm, cách thực hiện của địa phương và các cơ sở giáo dục. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, hiệu trưởng các trường cần rà soát tất cả các hoạt động của giáo viên.
Trước hết là những hoạt động hành chính không cần thiết, sổ sách, các thủ tục gây phiền hà cho giáo viên để tiến hành cắt giảm. Đồng thời khuyến khích giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt thời gian làm việc cho các thầy, cô giáo.
Tuyệt đối không để giáo viên bị áp lực bởi những việc không đáng có. Đồng thời, kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi...
Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cái giỏi phải được thể hiện ở hiệu quả cuối cùng. Thà một giáo viên rất tốt còn hơn giỏi một cách hình thức.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Giảm áp lực sổ sách giáo viên, trên bảo dưới có nghe? Bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi điều quan trọng dưới cơ sở có thực hiện hay không là do vai trò của hiệu trưởng. Lâu nay, sổ sách của giáo viên vẫn thường được gọi là những "việc không tên" chiếm mất nhiều thời gian. Trên diễn đàn Chúng tôi...