Chấm thi môn tự luận: Đề mở nhưng thí sinh không mở
(Chinhphu.vn) – Chủ trương của Bộ GD&ĐT là tăng cường ra đề mở với những môn nghị luận xã hội, hạn chế học thuộc lòng và kiểm tra kiến thức. Tuy nhiên, có vẻ như đa phần thí sinh (nhất là thí sinh xét tốt nghiệp THPT) đều chọn phương án an toàn là làm theo khuôn mẫu.
Chấm thi THPT Quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: Tiền phong
Thí sinh chọn phương án an toàn
Từ ngày 6/7, các cụm thi đã bắt đầu chấm thi các môn tự luận xã hội. Nhận định chung của các cụm thi là năm nay là điểm thi cao hơn năm trước và không có thí sinh viết ngô nghê vào bài thi. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đề thi năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp nhưng lại dễ hơn đề thi ĐH-CĐ. Do đó số lượng thí sinh làm được bài sẽ nhiều hơn.
Video đang HOT
Năm nay, đề Địa lý và đề Lịch sử đều có câu hỏi mở. Nhưng theo đánh giá của cô H thì bài làm môn Lịch sử của thí sinh hầu như không có sự phá cách nào, hầu như các em đều làm theo khuôn mẫu.
Cô Đ.T.N, giáo viên Địa lý, tham gia chấm thi tại cụm thi của trường ĐH Công nghiệp Hà Nộicho biết qua hơn 100 bài thi môn Địa lý đã chấm có nhiều bài nổi trội đạt điểm 8,5-9, tuy nhiên, chưa có điểm tuyệt đối. Phổ điểm môn Địa lý ở mức 5-,7. Số bài thi được điểm 8 trở lên nhiều hơn so với mọi năm.
“Những bài dưới điểm 1 trở xuống là do thí sinh không làm. Chỉ vẽ biểu đồ còn lại để giấy trắng”.
Lý giải điều này, một số giáo viên nhận xét môn Địa lý là gỡ điểm cho thí sinh và là môn tự chọn. Những bài bị điểm liệt có thể do thí sinh nghĩ là môn Địa lý dễ nên lựa chọn.
Còn với môn Lịch sử, cô N.T.B.H, giáo viên chấm thi tại cụm thi do trường ĐH Thủy lợi chủ trì, cho biết bài làm của thí sinh có phân hóa, đa số bài thi đạt 6-7 điểm. Đánh giá về đề thi Lịch sử, tho cô H cho rằng đề thi có hai câu hỏi mở nhưng phương pháp dạy sử ở trường THPT vẫn theo kiểu truyền thụ kiến thức cơ bản cho học sinh. Trong 100 bài cô H đã chấm thì 2,3 bài bị điểm liệt song đa phần không có bài viết ngô nghê, những thí sinh bị điểm thấp dưới 5 là do không viết được bài, nhưng có nhiều bài viết khá hay.
Còn tại cụm thi do Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình chủ trì, trong những ngày chấm thi vừa qua, đã có những bài đạt điểm 7-8 ở môn Địa lý, còn môn Toán, phổ điểm chủ yếu ở 4-5.
Theo thông tin ban đầu từ các sở GD&ĐT, điểm thi tại cụm địa phương chỉ ở mức trung bình và thậm chí trung bình yếu và kém. Đã có điểm liệt ở các môn nhưng đây là điều bình thường. Vì học sinh khá, giỏi đã đến dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Chỉ những thí sinh xác định được lực học của mình và mục đích chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT và đi học nghề mới đăng ký thi tại cụm địa phương. Tuy nhiên, cụm thi địa phương vẫn có thể xuất hiện điểm cao trong trường hợp thí sinh khá, giỏi nhưng không có điều kiện học tiếp đại học hoặc chỉ cần tốt nghiệp để đi du học.
Môn Ngữ văn: Điểm 8 chỉ loáng thoáng
Tương tự với Địa lý và Lịch sử, điểm thi môn Ngữ văn ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì cao hơn hẳn so với ở cụm địa phương. Một giảng viên đang chấm thi tại cụm thi trường ĐH Thủy lợi cho biết nhìn chung năng lực học sinh về môn văn có chất lượng tương đối đồng đều. Số bài thi ở mức 5-6 điểm nhiều. Bài điểm cao chỉ loáng thoáng, cao nhất là 8 điểm.
Theo giảng viên này, để đạt được điểm 8 Ngữ văn, thí sinh phải đạt các tiêu chuẩn về cách trình bày, đáp ứng yêu cầu của đáp án, có sáng tạo, phải đưa ra được quan điểm riêng. Những bài văn được 8 điểm là những bài văn viết bay bổng.
“Tuy nhiên, trong số các bài ngữ văn tôi chấm, đã có bài điểm 0, để giấy trắng. Kiến thức của các em nhìn chung không sai nhưng nắm không sâu vấn đề. Do quá trình dạy và học trong trường phổ thông. Có thể do các em thi khối khác nên không coi trọng việc học văn”.
Không ít giáo viên chấm thi môn Ngữ văn tỏ ra thất vọng khi đề có tới 2 câu hỏi mở nhưng bài làm của thí sinh vẫn theo khuôn mẫu. Một bài văn được 8 điểm riêng câu đọc hiểu đã đạt 2,5 điểm, câu nghị luận mới dừng lại ở mức bám khá sát đáp án, trải nghiệm thực tế tốt bằng cách nói về chuyến đi dã ngoại của mình với những kỹ năng sống để sinh tồn, bảo vệ bản thân trước sự mồi chài, cám dỗ.
Các giáo viên tham gia chấm thi được hỏi đều cho rằng những bài văn đạt 8-8,5 điểm thường chỉ dừng ở mức viết sát đáp án, dù có sắc sảo, có tính thực tiễn nhưng thiếu cảm xúc bay bổng mặc dù đề thi mở. Có những bài viết đủ ý, rõ ràng, có cảm xúc nhưng chưa thấy có bài văn nào thực sự ấn tượng.
Trong khi đó ở cụm địa phương, theo một giáo viên chấm thi tại cụm thi do sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cho biết, trong tổng số hơn 70 bài thi Ngữ văn được chấm thì có 15% bài đạt từ điểm 5 trở lên nhưng điểm cao nhất mới là 6,75. Còn lại, đa số là 3-4 điểm, thấp nhất là 1,25 điểm. Tuy không có bài nào để giấy trắng nhưng chất lượng bài làm không cao.
Ở câu 3 (phần nghị luận văn học), thậm chí còn có thí sinh nhầm tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu với tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Chính vì vậy, thí sinh chỉ tập trung phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm “Vợ nhặt”. Những bài làm bị lạc đề như thế này khó vượt qua điểm 5.
Theo chinhphu.vn