Chăm sóc người dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người cao tuổi dễ bị tổn thương trong dịch Covid-19 – xét về cả số ca mắc và số ca tử vong. Do vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, tăng cường thể trạng người cao tuổi bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý là đặc biệt quan trọng.
Người cao tuổi nên thực hiện các hoạt động yêu thích như chăm sóc cây cảnh, tập thể dục… nhằm giảm căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch.
Nhiều nguy cơ
Tính từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tới ngày 4-5, bệnh nhân số 19 (64 tuổi, ở Hà Nội) là người có quá trình điều trị lâu nhất (từ ngày 7-3 – PV). Điều trị cho bệnh nhân này, các chuyên gia đầu ngành đã liên tục hội chẩn để tìm giải pháp, song tình trạng bệnh chưa được cải thiện do bệnh nhân tuổi khá cao, lại mắc bệnh lý nền.
Ngoài bệnh nhân số 19, trong số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam, người cao tuổi (NCT), người mắc bệnh lý nền chiếm tỷ lệ khá cao. Theo các chuyên gia y tế, một khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, NCT rất dễ bị tổn thương, nguy cơ diễn biến nặng rất cao.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin: Theo số liệu nghiên cứu từ nhiều tổ chức quốc tế cho thấy NCT, người mắc bệnh mạn tính khi mắc Covid-19 thì thời gian điều trị kéo dài, chi phí và tỷ lệ tử vong cao hơn. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Ở Mỹ, 8 trong số 10 ca tử vong do Covid-19 là NCT.
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hệ miễn dịch – hàng rào bảo vệ đầu tiên khi cơ thể bị vi rút tấn công – ở NCT khá yếu, nên khi mắc Covid-19 dễ dẫn đến tình trạng viêm phổi. Bệnh viêm phổi tiến triển nặng sẽ nhanh chóng dẫn đến viêm toàn bộ đường hô hấp, gây khó thở nhiều, suy hô hấp, cần phải thở máy, các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, do cơ thể chưa tạo được kháng thể để chống lại vi rút SARS-CoV-2 nên nếu nhiễm vi rút này, người bệnh sẽ có triệu chứng nặng hơn, cần nhiều thời gian hơn để loại vi rút ra khỏi cơ thể. “Chưa kể, NCT có bệnh mạn tính nếu bị nhiễm Covid-19 sẽ làm cho các bệnh đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp, khiến bệnh nhân rất dễ tử vong. Vậy nên, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở NCT cũng là nhằm tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế, để dịch bệnh không trầm trọng hơn”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch nêu.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu NCT, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…
Dinh dưỡng hợp lý, tập luyện đều đặn
Theo các chuyên gia y tế, hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với NCT, chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu, các loại thực phẩm như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa.
Ngoài ra, để kích thích vị giác, NCT có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hằng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, NCT nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Cần bảo đảm ăn chín, uống sôi, đủ chất, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh. Ngoài nước lọc, NCT có thể uống nước trái cây, sữa; cần tránh cà phê, bia, rượu. NCT có bệnh nền mạn tính nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, dùng dầu mỡ từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương, không ăn mỡ, nội tạng động vật; hạn chế ăn đường, bánh kẹo.
NCT nên sử dụng các thức ăn, đồ uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như canh lá vông, hạt sen, ngó sen… Không ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như cá hộp, thịt muối, thịt hộp, dưa, cà, các món kho, rim, các loại nước mắm, mắm tôm, mắm tép… Riêng đối với người bệnh đái tháo đường, nên chia bữa ăn thành nhiều bữa một cách hợp lý để bảo đảm nhu cầu về năng lượng và kiểm soát glucose máu, huyết áp và lipít máu phù hợp.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, NCT cần duy trì chế độ luyện tập để tăng cường sức khỏe. Thời điểm này, mức độ giãn cách xã hội đã giảm, NCT có thể tập tại nhà hoặc ra công viên, song phải giữ khoảng cách an toàn. NCT có thể tập luyện vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát với các bài tập như thái cực quyền, yoga, thể dục nhịp điệu hay các bài tập thể dục khác tùy theo khả năng và lời khuyên của bác sĩ điều trị. Buổi tối, NCT có thể tham khảo các bài tập xoa bóp, yoga nhẹ nhàng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, làm việc nhà, lên xuống cầu thang, chăm sóc cây cảnh cũng là các bài tập thể dục đơn giản, hiệu quả để NCT tăng cường sức đề kháng, hạn chế sự tấn công của không chỉ vi rút SARS-CoV-2 mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Điểm chung đáng ngờ của trăm người tử vong do Covid-19
Sáng 1-5, Sở Y tế TP HCM dẫn ra một công trình nghiên cứu đánh giá những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của nhóm bệnh nhân Covid-19 đã tử vong.
Công trình được thực hiện tại một bệnh viện được chính phủ Trung Quốc chỉ định chuyên tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng hoặc nguy kịch - Bệnh viện Tongji tại Vũ Hán. Công trình này ít nhiều đã đóng góp dữ liệu quan trọng liên quan đến công tác điều trị Covid-19 khi đánh giá 113 trường hợp tử vong đã được mổ tử thi.
Hình ảnh CT ngực ở những bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Tongji ở Vũ Hán, Trung Quốc
Công trình nghiên cứu có tên "Clinical characteristics of 113 deceased patients with coronavirus disease 2019: retrospective study" được đăng trên Tạp chí BMJ, ngày 26-3-2020.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá toàn diện các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng của nhóm bệnh nhân tử vong và nhóm bệnh nhân hồi phục trong số những người đã được chẩn đoán xác định nhiễm Covid-19 và được chuyển về khu cách ly điều trị của Bệnh viện Tongji. Nhóm nghiên cứu đã so sánh các đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, xét nghiệm và X quang của bệnh nhân theo các kết quả điều trị khác nhau.
Dưới đây là tóm lược những kết quả chính của công trình nghiên cứu này:
Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân tử vong (68 tuổi) lớn hơn đáng kể so với nhóm hồi phục (51 tuổi). Giới tính nam chiếm ưu thế ở những bệnh nhân tử vong (83; 73%) so với những bệnh nhân hồi phục (88; 55%). Bệnh tăng huyết áp mạn tính và các bệnh tim mạch khác kèm theo được ghi nhận là thường gặp hơn ở những nhóm tử vong (54 (48%) và 16 (14%)) so với bệnh nhân hồi phục (39 (24%) và 7 (4%)). Khó thở, tức ngực và rối loạn ý thức là những dấu hiệu lâm sàng phổ biến hơn ở những bệnh nhân tử vong (70 (62%), 55 (49%) và 25 (22%)) so với những bệnh nhân hồi phục (50 (31%), 48 (30% ) và 1 (1%)).
Thời gian trung bình từ lúc khởi phát bệnh đến khi tử vong là 16 ngày (dao động từ 12 đến 20 ngày). Tăng bạch cầu ghi nhận ở 56 (50%) bệnh nhân tử vong và 6 (4%) hồi phục, giảm bạch cầu cũng được ghi nhận ở cả hai nhóm lần lượt là ở 103 (91%) và 76 (47%).
Các biến chứng thường gặp được ghi nhận khá phổ biến ở những bệnh nhân tử vong bao gồm: hội chứng suy hô hấp cấp tính (113; 100%), suy hô hấp type I (18/35; 51%), nhiễm trùng huyết (113; 100%), chấn thương tim cấp tính (72/94; 77 %), suy tim (41/83; 49%), kiềm máu (14/35; 40%), tăng kali máu (42; 37%), chấn thương thận cấp tính (28; 25%) và bệnh não do thiếu oxy (23; 20% ). Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nhiều khả năng bị biến chứng tim. Bất kể tiền sử bệnh tim mạch, chấn thương tim cấp tính và suy tim là phổ biến hơn ở những bệnh nhân đã tử vong.
Sự xuất hiện các biến chứng về hô hấp, tim và thần kinh có liên quan mạnh mẽ đến tiên lượng xấu ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nhiều khả năng bị biến chứng tim, nhưng biến chứng tim mạch không chỉ xảy ra ở nhóm bệnh nhân tử vong có bệnh lý tim mạch trước đó mà cả ở những bệnh nhân không mắc bệnh tim mạch, do đó biến chứng tim ở nhóm bệnh nhân tử vong không thể hoàn toàn quy cho bệnh tim mạch đã có sẵn.
Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến lúc tử vong (nhóm tử vong) là 16 ngày và thời gian trung bình từ triệu chứng đầu tiên đến lúc xuất viện (nhóm hồi phục) là 26 ngày. Sự tiến triển của viêm phổi và viêm nhiễm toàn thân thường xảy ra trong hai tuần đầu tiên và có thể quyết định sự tiến triển của bệnh (bệnh tự phục hồi hoặc tiến triển nặng) và kết quả của bệnh (tử vong hoặc sống sót).
Có ít bệnh nhân hơn trong nhóm tử vong so với nhóm hồi phục được điều trị bằng một thuốc kháng virus (antiviral monotherapy) hoặc thuốc kháng virus kết hợp (combination antiviral therapy), cũng như hít interferon . Tình trạng viêm phổi nặng và cơn bão cytokine được quan sát thấy ở nhóm tử vong, trong đó có nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng glucocorticoid. Nhiều bệnh nhân trong nhóm tử vong được giúp thở do thiếu oxy máu nặng.
Tuy nhiên, nhóm tác giả khẳng định không thể kết luận từ nghiên cứu này về tác dụng của thuốc kháng virus, sử dụng steroid có lợi hay không, các tác giả đề nghị những vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.
Người bệnh tiểu đường mắc Covid-19 dễ tử vong Nghiên cứu mới cho thấy người bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn gấp 4 lần, thời gian nằm viện cũng dài hơn sau khi nhiễm nCoV. Nghiên cứu được tài trợ bởi Công ty Kiểm soát Công nghệ insulin Glytec, xuất bản trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Tiểu đường vào tháng 4. Các nhà khoa học...