Chăm lo giáo dục ở huyện miền núi Tri Tôn
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục của huyện Tri Tôn vẫn đạt khá tốt.
Huyện tập trung nhiều giải pháp để hạn chế tối đa học sinh bỏ học, tạo điều kiện để học sinh dù nghèo khó, nhà xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đều được đến trường.
Nỗ lực huy động học sinh ra lớp
Trước khi bước vào năm học 2019-2020, huyện Tri Tôn đã tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, kế hoạch “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm 2019 nhằm huy động tốt học sinh đầu năm học. Kết quả cho thấy, đối với ngành học mầm non, các nhà trẻ huy động được 212 trẻ, đạt 78,5% so kế hoạch, các trường mẫu giáo huy động 4.524cháu (đạt 100,5%). Đối với cấp tiểu học, 25 trường trên địa bàn đã huy động được 13.385 học sinh ra lớp (đạt 99,4%); 14 trường THCS đã huy động được 8.586 học sinh ra lớp (đạt 97,4%). Đối với cấp THPT, có 2.737 em ra lớp, đạt 97,1% so kế hoạch.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tri Tôn Phạm Văn Phúc cho biết, sau lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, các trường đã tập trung ổn định nề nếp, phân công giáo viên, đúng năng lực, chuyên môn đào tạo, sắp xếp biên chế học sinh/lớp đúng theo điều lệ nhà trường. Phòng GD&ĐT đã tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, nhân viên để tham mưu UBND huyện Tri Tôn điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, hạn chế việc thiếu, thừa giáo viên cục bộ trong phạm vi toàn huyện. Đồng thời, quan tâm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho năm học mới cũng như xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Trao quà tiếp bước học sinh đến trường
Video đang HOT
Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, Tri Tôn đã triển khai đầu tư xây dựng mới 23 phòng học, 8 phòng làm việc, 7 phòng chức năng, 4 nhà vệ sinh, 4 nhà xe học sinh, 4 nhà xe giáo viên với tổng kinh phí gần 75 tỷ đồng. Nhờ vậy, số phòng học phục vụ việc giảng dạy được sắp xếp đầy đủ cho các lớp học, kể cả các lớp dạy 2 buổi/ngày. Đối với cảnh quan trường học, huyện đã huy động hơn 41,1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ để chỉnh trang, sửa chữa. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều xây dựng mối quan hệ tốt giữa ngành GD&ĐT với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể, hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cha mẹ học sinh để cùng chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Bước vào năm học mới, có 282 suất học bổng với tổng số tiền 544,7 triệu đồng cùng 10.117 suất quà “Tiếp bước đến trường” với tổng số tiền gần 2,32 tỷ đồng đã được trao cho học sinh vượt khó.
Giao quyền tự chủ về cơ sở
Năm học này, huyện Tri Tôn tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục một cách thống nhất, hiệu quả, gồm: công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, công tác chuyên môn có kết hợp đồng bộ với đổi mới (ra đề kiểm tra học kỳ, thực hiện nội dung chương trình…), tăng cường công tác kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ của các cơ sở giáo dục.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, huyện tiếp tục tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đối với giáo viên, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh. Qua đó, tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ. Giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng học sinh, giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục được việc ghi nhớ máy móc, có kỹ năng diễn đạt bằng lời văn, diễn đạt trước tập thể lớp…
Theo ông Phạm Văn Phúc, hiện nay, huyện đang tập trung quản lý, xử lý những vấn đề được dư luận quan tâm như: xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng đạo đức nhà giáo. Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức kiểm tra các đơn vị trực thuộc về quản lý dạy thêm, học thêm, đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, tập trung ổn định công tác tổ chức cán bộ, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quảng lý các đơn vị trường học. Cùng với đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, đầu tư bổ sung thiết bị dạy học, chỉnh trang trường học, lớp học an toàn, ngành GD&ĐT huyện Tri Tôn còn phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, tập trung công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…
Năm học 2018-2019, toàn huyện Tri Tôn có 685/697 học sinh đậu tốt nghiệp THPT (đạt 98,28%), trong đó có trên 55% thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Năm học 2019-2020 được Đảng bộ huyện Tri Tôn chọn là “Năm nâng cao chất lượng giáo dục và các vấn đề xã hội”. Năm học này, huyện huy động được tổng số 29.444 học sinh ra lớp, tăng 311 em so cùng kỳ năm học 2018-2019.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
Theo baoangiang
Tình thương nơi biên giới Nà Hỳ
Hai cháu nhỏ là Tẩn Sinh Niền, học sinh lớp 8 và Phùng A Vải, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở bán trú xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên gặp hoàn cảnh hết sức éo le nên định bỏ học giữa chừng.
Biết được hoàn cảnh và sự ham học của hai cháu, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Nà Hỳ, BĐBP Điện Biên đã thống nhất nhận hai cháu về nuôi tại đồn theo diện "con nuôi đồn Biên phòng". Thời gian thấm thoắt trôi, hai cháu đã thích nghi với môi trường quân đội, chịu thương chịu khó, chăm ngoan, học giỏi.
Khi tan học về, Tẩn Sinh Niền và Phùng A Vải lại ra vườn cùng các chú bộ đội chăm sóc vườn rau của đơn vị. Ảnh: Kim Nhượng
Chúng tôi tới Đồn Biên phòng Nà Hỳ, BĐBP Điên Biên vào một buổi chiều giữa tháng 10. Thời tiết nơi đây thật dịu mát, khác hẳn với cái nắng gay gắt của thành phố Điện Biên Phủ. Mới tới cổng đơn vị, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy là hai đứa trẻ đang cầm cuốc, cầm thùng tưới theo những người lính ra vườn tăng gia.
Đón chúng tôi trước sân, Đại úy Lỳ Hừ Cà, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nà Hỳ tươi cười chỉ về phía hai cháu nhỏ: "Con nuôi của đồn đó anh!". Đặt ba lô xuống ghế, tôi nhờ Đại úy Lỳ Hừ Cà đưa ra vườn tăng gia. Vườn cách đơn vị khá xa, vừa đi vừa trao đổi, Đại úy Lỳ Hừ Cà nhìn hai cháu nhỏ đang miệt mài vun xới, bảo: Lúc mới về khó khăn lắm, anh ạ, hai cháu tính nết đều nhút nhát, tự ti. Thời gian đầu, hai cháu hầu như không tiếp xúc, không nói chuyện với ai.
Phùng A Vải học lớp 7 mà người nhỏ như cái kẹo. Mẹ bỏ đi lấy chồng xa khi Vải còn nhỏ, bao nhiêu năm trời không hỏi han, thăm nom gì. Bố của Vải do chán nản nên cũng bỏ bê gia đình, cứ say rượu là đập đồ đạc, đuổi đánh con cái. Bây giờ, ông ấy không có công ăn việc làm, ngày ngày nhặt rác kiếm sống. Đến trường, bị bạn cùng lứa trêu "con ông nhặt rác", Vải lại càng tự ti, đi đâu không dám ngẩng mặt.
Đầu năm học, Phùng A Vải không đến trường, thầy cô giáo cũng chẳng có cách nào để vận động cháu đi học lại. Cô giáo chủ nhiệm của Vải lên đồn nhờ những cán bộ Biên phòng: "Mong các anh một phen ra tay"... Thời điểm này, Đồn Biên phòng Nà Hỳ đang rà soát các trường hợp để ưu tiên cho mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" và "nhắm tới" Phùng A Vải nên khi cô giáo chủ nhiệm của cháu nhờ cậy, ngay lập tức, đơn vị đã quyết định đón cháu về nuôi. Chỉ một thời gian rất ngắn, Phùng A Vải đã thích nghi được với môi trường quân đội. Buổi sáng, cháu dậy theo đúng tiếng kẻng, tập thể dục, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn vuông vức, ăn sáng cùng các chú bộ đội rồi tự đạp xe đi học.
Đại úy Lỳ Hừ Cà cho biết thêm: "Hai cháu được cấp ủy, chỉ huy đơn vị bố trí cho một phòng để tự sinh hoạt. Giờ học bài, đơn vị cử Thượng úy Sùng A Sính, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng trực tiếp dạy bảo, kèm cặp thêm nên cả hai đều có thành tích học tập khá tốt".
Tôi hỏi Phùng A Vải khi đang hái những ngọn rau xanh mướt: "Cháu ở với các chú bộ đội có quen không, có vất vả không?". Phùng A Vải lễ phép khoanh tay: "Dạ, ở với các chú, cháu thích lắm, ăn cơm có thịt, có cá, các chú còn dạy hát, còn cho cháu đọc cả báo nữa". Sự hồn nhiên, lanh lợi của Vải làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, thầm thán phục anh em đơn vị. Trong một thời gian rất ngắn mà đồn đã làm thay đổi được một cháu nhỏ vốn rất tự ti, ít nói.
Ở một góc khác, Tẩn Sinh Niền vẫn đang mải mê cầm cuốc xới tơi đất cho luống rau sắp được trồng. Niền lớn hơn Vải 1 tuổi nên trông Niền chững chạc hơn. Hoàn cảnh của Niền cũng éo le không khác người em Phùng A Vải là mấy. Nhà của Tẩn Sinh Niền tận tít bản Xín Chải 1, cách đồn Biên phòng cả chục cây số. Niền mồ côi bố từ khi lên 8 tuổi.
Bố mất, mẹ cũng bỏ đi luôn từ đó không về, Niền ở với bà nội, hai bà cháu nương tựa vào nhau để sống. Niền cứng cỏi, rắn rỏi trước nhiều sóng gió cuộc đời, nên trông Niền già hơn tuổi. Khi được hỏi: "Cháu làm thế này có mệt không?", Niền liền cười rất tươi, bảo: "Thế này đã ăn thua gì hả chú, ở nhà cháu còn đi làm nương cả ngày, cày cuốc, lấy củi, làm thuê, cháu làm được hết. Bây giờ được ở với các chú, các chú không bắt làm việc nặng, chỉ được phụ giúp trồng rau, tưới cây thôi...".
Trời đã xế chiều. Cái nắng của vùng cao Tây Bắc khiến vai áo của những người lính Biên phòng và hai cháu nhỏ đổ mồ hôi. Hình ảnh thật đẹp ấy khiến chúng tôi dâng niềm cảm phục. Cảm phục những người lính Biên phòng đã dành yêu thương và trách nhiệm đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh mất mát, thiệt thòi. Hai chiếc bóng nhỏ lọt thỏm giữa những chiếc bóng lớn khiến tôi chợt dấy lên ý nghĩ, biết đâu, một ngày không xa nữa, chính hai chiếc bóng nhỏ kia lại nối tiếp truyền thống của những người chú, người bác, người anh vai mang quân hàm xanh ấy, làm nhiệm vụ canh giữ biên giới thân yêu của Tổ quốc?
Kim Nhượng
Theo bienphong.com
An Giang: 16 học sinh có nguy cơ bỏ học do thiếu cầu tạm Phụ huynh của khoảng 16 học sinh tại một xã vùng sâu huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, rất mong chính quyền địa phương làm một cây cầu tạm để việc đi học của các em thuận tiện hơn. Các phụ huynh phản ánh con em của mình gặp khó khăn trong việc đi học - Ảnh: Tô Văn Anh Đặng Ngọc Trinh...