Cha mẹ hại con khi ép học tiếng Anh qua YouTube
PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ trong thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng não bộ, căng thẳng, không tiếp nhận được thông tin mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, Phát triển Tiềm năng Con người Việt Nam, nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi cho con sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Không ít phụ huynh, với kỳ vọng con mình phải nói tiếng Anh hơn tiếng Việt, đã cho trẻ xem nhiều video dạy ngoại ngữ trên YouTube từ khi các em còn nhỏ.
Việc lạm dụng các thiết bị công nghệ này trong thời gian dài, cũng như ép con học ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ, có thể khiến trẻ bị loạn ngôn ngữ.
Cha mẹ dạy sai cách, con bị loạn
TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội – giải thích tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ nhất, được học theo kiểu truyền miệng, người lớn nói nhiều, trẻ học hỏi và bật ra thành ngôn ngữ.
Ngoại ngữ là công cụ để trẻ hoạt động, sinh sống tốt hơn. Trẻ có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ tuổi nào. Nhưng tiếng mẹ đẻ mới là gốc, cần có nền tảng vững chắc.
“Nếu đứa trẻ không nói tiếng mẹ đẻ mà nói ngôn ngữ khác là điều không bình thường, gọi là loạn ngữ”, TS Hương giải thích.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay trẻ nhỏ có thể tiếp thu nhiều ngôn ngữ bởi giai đoạn này não phải phát triển, có thể cập nhật thông tin và ghi nhận hình ảnh mang tính chất chụp hình. Các nhà nghiên cứu về giáo dục học, thần kinh học trên thế giới đều khẳng định quan điểm này là đúng.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cảnh báo người lớn cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. Ảnh: Q.Q.
Tuy nhiên, sai lầm của nhiều phụ huynh là quá lạm dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng cho con xem, thậm chí là để học ngoại ngữ. Video trên mạng chỉ phát ra tiếng nói, hình ảnh, mà không có sự tương tác ngược lại giữa con người với con người. Thời gian lạm dụng quá nhiều dẫn đến việc trẻ bị loạn ngữ.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cảnh báo khi lạm dụng thiết bị công nghệ trong thời gian kéo dài, nó sẽ tác động xấu đến não bộ, tạo căng thẳng, khiến trẻ không tiếp nhận được thông tin mới. Việc kết nối của các tế bào thần kinh bị đứt đoạn.
Từ đó, các chuyên gia khẳng định trẻ học ngoại ngữ cần được giao tiếp và thực hiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cha mẹ chỉ cho con xem video qua mạng để học tiếng Anh là chưa đúng và có thể phản tác dụng.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con
Anh Đào Xuân Hoàng – người sáng lập chương trình học tiếng Anh cho trẻ em – kể nhiều phụ huynh mong muốn con học tốt ngoại ngữ nhưng lại coi YouTube như “bảo mẫu”. Thông tin từ mạng rất khó kiểm soát, gây nguy hiểm. Hơn nữa, với cách học thụ động, trẻ chỉ ngồi xem, lắng nghe sẽ tạo cách nghĩ, thói quen không linh hoạt.
Hiện tại, nhiều phương pháp, công cụ hỗ trợ trẻ học tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, bố mẹ cần là người thầy tốt để lựa chọn, đồng hành cùng con, chứ không phải giao con mình cho “thầy YouTube” mà không có tương tác, định hướng.
“Bố mẹ cần biết thời điểm nào, nội dung gì và cách thức ra sao khi học ngoại ngữ sẽ phù hợp con mình. Việc học cùng con thông qua các trò chơi và sử dụng nhiều giác quan sẽ đạt hiệu quả”, anh Hoàng nói.
Theo anh Hoàng, mỗi trẻ, tùy vào lứa tuổi và nội dung tiếp cận, sẽ có thời gian học hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung, trẻ có thể sử dụng công nghệ 15 phút mỗi ngày; nếu dùng liên tục trong 2 giờ, sẽ gây tác hại xấu.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm – nguyên giảng viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội – nêu quan điểm để con học tốt tiếng Anh, cha mẹ có thể cho tiếp xúc từ sớm, đúng cách. Điều đó khiến các bé có thể nói tự nhiên như người bản ngữ.
Theo TS Lâm, người Việt sẽ tư duy khi nói về có gái không đẹp là: “Tôi không thấy cô ấy đẹp”. Người Anh không tư duy theo cách đó, họ sẽ nói: “Tôi không nghĩ rằng cô ấy đẹp”.
Khi đã nghe quen phát âm chuẩn tiếng Anh, phụ huynh cho trẻ tiếp xúc mở rộng sang các giọng vùng miền như Anh – Ấn, Anh – Singapore, Anh – Philippine, Anh – Mỹ, Anh – Australia… Các em sẽ nhận ra sự chênh về màu sắc, giọng nói và có khả năng hiểu được cách nói tiếng Anh từ những nơi khác nhau trên thế giới.
TS Lâm cho hay nhiều cha mẹ không chỉ dạy sai cách khi cho con học trên mạng, mà còn chọn các trung tâm kém chất lượng vì tâm lý sính ngoại. Nhiều phụ huynh chỉ cần nhìn thấy giáo viên nước ngoài là yên tâm nhưng có thể họ thiếu trình độ sư phạm. Thậm chí, một câu tiếng Anh chuẩn, họ cũng không biết phải giải thích với học sinh như thế nào.
Theo Zing
Học ngoại ngữ sai cách: Trẻ dễ bị loạn ngữ
"Trẻ học ngoại ngữ phải có sự tương tác. Nếu trẻ tiếp xúc một mình với các thiết bị điện tử trong thời gian dài, sẽ gây loạn và việc dẫn truyền các thông tin bị đứt đoạn", trên đây là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, về việc cho trẻ học ngoại ngữ sai cách.
Loạn ngữ vì phụ thuộc thiết bị điện tử
Câu chuyện mới đây do giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội kể lại đã khiến nhiều người giật mình.
Theo đó, có gia đình nộp 100 triệu đồng/tháng cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến xin tư vấn về ngôn ngữ.
Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Do không biết, trước đó, phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách. Ngoài ra, nhiều cha mẹ quá vô tâm, để con cả ngày sử dụng smartphone, iPad...
Trẻ rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ sai cách
Đây không phải trường hợp duy nhất bởi theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, trong hai năm vừa qua, mỗi tháng trung tâm nhận khoảng 50 trẻ đến trị liệu. Và mất khoảng 2-3 năm, việc trị liệu này mới có kết quả.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Lam Giang, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của Trường ĐH Waikato (New Zealand) cho hay: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình chỉ nói mỗi tiếng Anh với con. Khi vào lớp 1, bé đã gặp khó khăn về giao tiếp.
Tôi đã biết nhiều gia đình, có những người rất có học thức, rất hiểu biết và có tiền, cho con học trường quốc tế. Tuy nhiên, khi vào học, con bị rối loạn ngôn ngữ và không học được.
Sau đó người mẹ phải tìm đến bác sĩ tâm lý, cho con đi lại từ đầu của tiếng Việt với các chữ A, B, C và giúp con hòa nhập với các bạn ở trường".
Cũng theo cô Giang, việc học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung từ sớm không phải là xấu, thậm chí rất tốt.
Một trẻ em đang được tư vấn ngôn ngữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục. (Ảnh: VTV)
"Bản thân tôi cũng cho con học tiếng Anh từ 4 tuổi nhưng tôi nghĩ nên học đúng cách. Tôi cho rằng, tiếng Việt vẫn là đầu tiên, là bước đệm rất tốt cho con học các ngôn ngữ thứ hai, thứ ba", cô Giang nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho hay, hiện nay các gia đình cho trẻ tiếp cận với các phương tiện máy móc sớm và quá phụ thuộc vào những phương tiện này, khiến trẻ bị loạn ngôn ngữ và các chức năng khác như: nghe, nói, đọc, viết.
Ông giải thích thêm, trẻ học ngoại ngữ phải có sự tương tác. Khi tiếp xúc nhiều và lâu với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính... trẻ sẽ bị ức chế, gây nên stress làm đứt đoạn các tế bào thần kinh. Vì vậy, việc dẫn truyền các thông tin sẽ bị đứt đoạn.
"Chỉ chăm chăm học tiếng Anh: Đấy là sai lầm!"
Chia sẻ về việc học ngoại ngữ thế nào là phù hợp, cô Giang cho rằng, có rất nhiều nghiên cứu, các trường đại học đã chứng minh, nếu một người giỏi ngôn ngữ thứ hai thì trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ.
"Các phụ huynh muốn cho con học tiếng Anh từ rất sớm là điều tốt nhưng trước hết phải tập trung vào tiếng mẹ đẻ. Điều này đã được khẳng định bởi rất nhiều nghiên cứu mang tính quốc tế từ các chuyên gia, các nhà sư phạm", cô Giang nói.
Cũng theo cô Giang, nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như New Zealand, tiếng Maori chiếm 15% và họ bảo tồn tiếng Maori rất tốt và họ đưa vào tất cả các chương trình từ mầm non đến đại học để tất cả các học sinh đều được tiếp cận - kể cả những em không phải thuộc dân tộc Maori.
Có thể có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. (Ảnh: vtv).
"Không những giới thiệu ngôn ngữ này, họ còn giới thiệu cả phong tục, tập quán để học sinh tiếp cận. Họ quan niệm, để giỏi được ngôn ngữ thứ hai, thứ 3, ngôn ngữ mẹ đẻ phải là hàng đầu và ưu tiên ngôn ngữ mẹ đẻ hàng đầu.
Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT luôn đưa chương trình tiếng mẹ đẻ vào nhà trường, để đứa trẻ trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ đã, khi đó các em học tiếng Việt trên một nền tảng tốt", cô Giang nói.
Ngoài ra theo cô Giang, có thể để trẻ nói song song hai ngôn ngữ nhưng tốt nhất, không nên để trẻ chỉ chăm chăm nói mỗi tiếng Anh ở nhà, đấy là một sai lầm.
Còn PGS. TS Kỳ Anh cho rằng, sau một tuổi trở lên, trẻ có thể tiếp cận các ngôn ngữ rất tốt với điều kiện người chăm sóc trẻ phải tương tác chứ không phải dùng các phương tiện thay thế như điện thoại, máy tính...
"Có thể có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. Cho dù học một tiết hay 2 tiết ngoại ngữ, nhưng phải bằng cách kết hợp giữa ngôn ngữ tiếng và ngôn ngữ cơ thể, trẻ sẽ "chụp hình" lại để "xử lý".
Nếu bố nói tiếng Việt, mẹ bé nói tiếng Anh thì trẻ vẫn có thể học được 2 ngôn ngữ này rất tốt. Nhưng trong một câu nói mà vừa nói tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì không được, trẻ sẽ bị kích thích căng thẳng, gây "loạn", PGS Kỳ Anh cho biết.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Du học (kỳ 2): Cách học với giáo sư Mỹ Tôi thường giải thích: "Các giáo sư ở đây để giúp các em học. Nói chuyện với họ và hỏi xin giúp đỡ khi các em cần điều đó. Nếu các em không hiểu cái gì đó, giơ tay lên và hỏi câu hỏi. Nếu các em cảm thấy không thoải mái hỏi trước lớp, thì hẹn gặp giáo sư để gặp họ...