Cha mẹ dạy gì cho con?: Dạy theo cách… không dạy gì hết
Hãy dạy con bằng cuộc sống, cách sống của mình. Dạy con bằng cách… không dạy gì hết. Cha mẹ tìm ra chính mình, thì sẽ luôn yên tâm khi dạy con mình. Đó là chia sẻ của ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED.
Ông Giản Tư Trung nói chuyện với sinh viên – ẢNH: NVCC
3 câu hỏi gốc rễ
Dạy con là một chủ đề luôn luôn sục sôi. Lâu nay người ta thường hay đặt ra câu hỏi “Dạy con theo kiểu nào?”. Nhưng đó không phải là gốc rễ của vấn đề. Vậy câu hỏi thỏa đáng trong việc dạy con là gì? Đó là trả lời 3 câu hỏi: “Thế nào là con người?”, “Muốn con trở thành người như thế nào?”, “Dạy con trở thành người như thế nào?”. Hai câu hỏi đầu người ta thường không quan tâm, chỉ quan tâm đến câu thứ 3. Như vậy rất nguy hiểm.
Như trong câu chuyện Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên, Alice bị lạc đường có hỏi con mèo là đi đường nào? Alice hỏi vậy nhưng không biết đi đến đâu. Mèo mới nói: “Cậu không quan tâm thì đi đường nào chả được”.
Giáo dục cũng vậy. Gia đình lâu nay phó thác cho nhà trường, nhà trường phó thác cho nhà nước trong khi cha mẹ chưa để ý vai trò của mình.
Có mấy điều giáo dục sau đây mà điều nào cũng cần có triết lý. Một là triết lý giáo dục do nhà nước đưa ra: cần có công dân như thế nào? Thứ hai là triết lý giáo dục của nhà trường: tạo ra con người như thế nào? Thứ ba là triết lý của nhà giáo. Thứ tư là triết lý giáo dục của cha mẹ để dạy con. Cuối cùng là triết lý của bản thân, bao gồm cả học trò, cha mẹ, thầy cô… Muốn giáo dục trẻ em, mỗi bộ phận này đều cần phải có triết lý riêng của mình.
Dạy con kiểu “nguyên con”
Video đang HOT
Hiện nay có mấy kiểu dạy con. Một là nói cho con nghe những điều mình nghĩ rằng con nên biết. Cách thứ hai là trả lời câu hỏi của con. Cách này hiệu quả hơn vì con hỏi là con quan tâm. Cách thứ ba là để con dạy mình, làm học trò của con. Có nhiều cha mẹ không biết chữ nhưng có nhiều đứa con thành tài là vì vậy.
Nhưng cách thứ 4 mới là hay nhất. Đó là không dạy gì hết! Cứ cố dạy con thì nhiều khi không dạy được. Dạy con bằng cuộc sống, bằng cách sống của mình. Tôi gọi đó là “dạy nguyên con”. Đây không phải là dạy con theo kiểu làm gương cho con. Cách làm gương rất phản giáo dục và rủi ro. Ví dụ đi trên đường, không có ai thì vượt luôn đèn đỏ. Đến khi chở con thì dừng đèn đỏ. Nhưng có lúc quên cha mẹ sẽ vượt luôn, thành “tổ trác” trước mặt con. Làm gương là cố tình diễn cho con. Còn “nguyên con” là hiện nguyên hình trước mặt con.
Cách này rất khó vì cha mẹ hư hỏng rất nhiều. Nhưng cách này ai cũng làm được chứ không phải chỉ người xuất sắc. Vì chúng ta không nên trở thành người hoàn mỹ, giả dối trước mặt con. Con đi theo mình suốt đời, “diễn” thì mệt lắm. Nhưng con cái gắn bó chúng ta cho đến chết. Không phải lúc nào cũng diễn được cả cuộc đời. Nếu với con mình không là chính mình thì cả đời này chúng ta không còn là chính mình nữa. Đó là bi kịch.
Người nhiều mặt xấu hơn thì con sẽ ảnh hưởng. Cha mẹ lúc này phải tu tâm sửa tính để con khỏi hư. Nhưng không cần phải hoàn mỹ. Vì sống “nguyên con” là con người tự do.
Giúp con tìm ra chính mình
Nhưng phương pháp dạy con không quan trọng bằng triết lý dạy con. Mình muốn con mình là người thế nào thì giúp con mình tìm ra chính mình, làm ra chính mình.
Tìm ra chính mình có 3 thứ. Đó là tìm ra con người giới tính, thuộc giới tính nào thì sống đúng với giới tính đó (dị tính, đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, vô tính). Nếu con là gay mà bắt sống như đàn ông là hại con. Thứ hai là con người văn hóa. Thứ ba là con người nghề nghiệp, phù hợp với nghề nghiệp nào. Nếu con là “con cá” thì không thể bắt con leo cây như “con khỉ”.
Thông thường mọi người quan tâm con người giới tính, con người nghề nghiệp chứ ít quan tâm con người văn hóa. Con người văn hóa mới là quan trọng nhất, vì nó làm ra 3 thứ, cần phải có 3 thứ là “đạo sống”, giá trị sống, thái độ sống và hành xử. Đạo sống là trung tâm nằm trong những vòng tròn lớn hơn chồng lên là giá trị sống, sau đó là thái độ sống và hành xử. Đó là cấu trúc văn hóa. Không có “đạo sống” thì không có lý tưởng, không có dấn thân và sẽ không có thành tựu, không có giá trị.
Khi cha mẹ có cả 3 thứ này thì dạy con sẽ yên tâm, sẽ tạo ra được một bầu sinh quyển tự nhiên như hít thở khí trời. Như vậy thì không cần phải nghĩ đến chuyện phải dạy con thế nào nữa. Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo. Cha mẹ là người tạo ra gia đạo ấy.
“Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo. Cha mẹ là người tạo ra gia đạo ấy”
GIẢN TƯ TRUNG
Theo thanhnien
Cha mẹ dạy gì cho con?
Chuyện dạy dỗ kiến thức lâu nay vẫn mặc định thuộc về thầy cô, cha mẹ chỉ cần yêu thương con là đủ.
Cha mẹ dạy con từ chính những hành vi, ứng xử của họ trong cuộc sống - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các bậc phụ huynh chắc chắn phải trở thành "người thầy" của con, bên cạnh giáo viên ở trường học.
Nhưng, nếu không phải lo chuyện học hành cho con cái, cha mẹ sẽ còn rất nhiều thứ có thể thay thầy cô truyền thụ cho con mình.
Dạy con sự tử tế bằng chính việc làm của cha mẹ
Tôi muốn các con thực hành về mọi điều trong cuộc sống thông qua bố mẹ chúng. Từ tích cực như cách mà chúng ta chăm sóc người già đến ít tích cực như học từ chính những thất bại của cha mẹ. Bảo ít tích cực là bởi dạy con từ những thất bại của cha mẹ luôn khiến trẻ hiểu sai về cuộc sống nếu chính chúng ta cũng lầm lẫn về nguyên do của sự thất bại, hoặc cảm xúc của chúng ta về sự thất bại đó lớn hơn bản chất của sự thất bại. Nhưng chúng cũng vẫn là thứ "giáo trình" tốt để chia sẻ với các con mình.
Mọi người vẫn hay nói: Muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội. Nó giống một câu cửa miệng nhiều hơn khi chính chúng ta, trong một xã hội quá nhiều thông tin mà lại quá ít thời gian để lọc. Chưa kể sự tử tế, cái có ích đôi khi thật khó đánh giá. Như một ai đó vừa làm từ thiện một khoản lớn, vừa có những việc làm tốt lành nhưng mấy hôm sau chúng ta đã lại thấy họ đứng trước vành móng ngựa. Như một sự việc nào đó được phản biện xã hội rằng nó là sự lãng phí, ngớ ngẩn, rỗi hơi... nhưng chỉ dăm hôm sau chúng ta sẽ lại thấy cả xã hội quanh chúng ta rầm rộ lời khen dành cho chính sự việc đó.
Thế nên dạy con trở thành người tử tế và có ích cho xã hội đôi khi giống một bài văn mẫu vậy. Nhất là với trẻ cái gì cũng cần ví dụ minh họa chứ không phải là phân tích rườm rà. Chúng ta biết lấy ví dụ nào để minh họa? Không lẽ lúc nào cũng là chính chúng ta? Ít mẫu so sánh sẽ khiến những lý thuyết, chỉ dẫn của bạn trở thành áp đặt nhiều hơn.
Vậy nên tôi thôi muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội nữa. Tôi muốn dạy con nhiều về nhân - quả cuộc đời, về cho và nhận, về việc không có hạt mưa nào không phải chịu trách nhiệm về một cơn lũ. Tôi muốn dạy con về trách nhiệm. Có vẻ như lâu rồi, nhiều cha mẹ cũng quên việc này khi mà chính họ cũng đang quên mất đi trách nhiệm của mình mà chỉ nghĩ về nghĩa vụ. Tôi vẫn hay nói rằng: Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm đủ cho tất cả mọi người có mặt đều phải được ăn no. Nhưng trách nhiệm là bữa cơm đó khiến người ăn phải thấy hạnh phúc, phải biết ơn người nấu, phải nhớ mãi và muốn được ăn thêm nhiều bữa nữa. Là thứ tạo nên giá trị chứ không phải là thứ chỉ mang tính trị giá. Chỉ có điều, trong một cuộc sống bận rộn này, chúng ta không mấy ai còn muốn làm điều đó, dù đều ý thức về điều đó.
Trưởng thành cùng con
Cha mẹ dạy con mình điều gì nữa khi mà kho tàng ca dao - tục ngữ, lời dạy của người xưa hay kinh nghiệm của cha ông có nhiều điều đã chẳng còn phù hợp với cách mạng 4.0 hôm nay? Ấy vậy mà vẫn có nhiều cha mẹ lấy quá khứ ngày xưa, lấy chuẩn mực một cân, một thạch, một đấu, một vốc để đo lường hiện tại. Tôi những muốn dạy con về tương lai. Là một tương lai bắt đầu từ nguồn gốc của nó trong quá khứ.
Tôi còn muốn dạy con nhiều điều. Nhưng không phải là chuyện để con trở thành điều gì lớn lao mai này. Mà đôi khi chỉ là con biết cách đứng dậy khi vấp ngã. Biết thấy cơn mưa mù kia không thể ngăn trở ngày nắng rực rỡ sau đó. Biết rằng cha mẹ cũng đang trưởng thành cùng con chứ không thay con trưởng thành. Sinh ra một đứa con, nuôi chúng ăn học để thành người vốn chẳng phải để mai này dựa cậy, có con cái phụng dưỡng đâu. Tôi vẫn đùa với các con rằng: Tính thời gian cha mẹ nuôi con, cho các con ăn học, cầy cuốc kiếm tiền cùng lắm chỉ đến năm các con 22 tuổi, 24 tuổi. Chỉ 22 - 24 năm trong khi bắt các con nuôi bố mẹ, phụng dưỡng cho bố mẹ thì số năm có thể còn nhiều hơn, gấp đôi số năm bố mẹ đã nuôi các con. Vậy thì sinh con ra vốn là đầu tư vào một sản phẩm lãi quá đi chứ. Thế nên đừng cha mẹ nào có quan điểm là "Tao nuôi mày ăn học đến giờ là tao đã hy sinh quá nhiều" hay "Chẳng biết có nên cơm cháo gì không"... Con cái nào phải khoản đầu tư của cha mẹ?
Cuối cùng, tôi vẫn nghĩ việc chúng ta dạy con chúng ta điều gì vốn chẳng phải điều quan trọng. Mà chính là chúng ta đã trở thành cha mẹ - con cái với nhau, chúng ta là một gia đình. Nghĩ về hai chữ Gia Đình sẽ khiến chúng ta biết chúng ta phải làm gì cho nhau, vì nhau. Con bạn có biết ý nghĩa của gia đình chưa?
Theo thanhnien
Các bậc cha mẹ cho con sử dụng điện thoại cần nhớ kỹ Học sinh tiểu học sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, gắn liền với thực trạng này là nguy cơ bị bắt nạt trên mạng. Sử dụng điện thoại khiến trẻ dễ bị bắt nạt hơn - REUTERS Tờ Washington Post ngày 9.10 đăng bài cảnh báo tình trạng ngày càng nhiều học sinh cấp 1 được cha mẹ cho đem...