Cha mẹ dạy gì cho con?: Câu chuyện cảm động về giáo sư Việt 38 tuổi tại Đức
Tới Đức cùng gia đình từ năm 1992, những năm tháng tuổi thơ chứng kiến cha mẹ vất vả lam lũ kiếm được đồng tiền giữa xứ người đã ảnh hưởng lớn Đỗ Thành Trung sau này.
Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Thành Trung – ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Anh chia sẻ với phóng viên Thanh Niên câu chuyện mình trưởng thành, trong đó có những dấu ấn sâu đậm từ gia đình, ông bà, cha mẹ, những người quan trọng nhất làm nên một Đỗ Thành Trung của ngày hôm nay.
Ông bà là những người thầy đầu tiên
Tôi may mắn được sinh trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Bố tôi từng là học sinh giỏi và được tuyển chọn vào trường chuyên toán của tỉnh Hải Dương từ bé. Sau này, bố tôi tốt nghiệp khoa chế tạo máy tại thành phố Dresden, Đức khóa 1971 – 1975, sau đó, bố về Việt Nam làm việc tại Viện công nghệ, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Năm 1988, bố được tuyển làm đội trưởng một đoàn công nhân sang Đức lao động.
Ông nội tôi từng là hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách, Hải Dương. Ông ngoại công tác tại Trường ĐH sư phạm Hà Nội 2. Mẹ tôi là giảng viên Trường CĐ sư phạm mẫu giáo Hà Nội.
Nếu nói đến ai có ảnh hưởng lớn đối với tôi lúc bé, tôi luôn liên tưởng đến ông nội và ông ngoại. Vì bố đi công tác xa nên tôi chuyển về ở với ông bà ngoại. Mỗi dịp nghỉ hè và các ngày lễ thì về ở với ông bà nội ở Nam Sách, Hải Dương.
Trước năm 1990, Việt Nam mình còn rất nghèo, dù gia đình thiếu thốn nhưng ông nội tôi luôn tự hào và thường nói với tôi là nhà mình rất giàu. Giàu không phải về vật chất mà giàu về tinh thần. Ông là người duy nhất trong làng có một giá sách rất lớn, bao gồm sách văn học, lịch sử, kỹ thuật…
Những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi gắn liền với những kỷ niệm về quê thăm và sống với ông bà, tìm đọc các quyển sách trong giá sách. Mặc dù đọc chưa hiểu nhiều nhưng thói quen đọc và ham sách cũng đã hình thành từ những chuyến về quê.
Ông nội tôi là nhà giáo, lúc tôi nhỏ ông thường xuyên đi hiệu sách mua sách cùng tôi. Ông đọc và ngâm thơ cho tôi nghe, chiều chiều dắt tôi đi thăm các chùa, đình làng… Những cuốn sách truyện cổ tích dân gian, những bài thơ của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bính, Xuân Diệu và những trích đoạn trong truyện Kiều đã đi sâu vào ký ức của tôi lúc ở Việt Nam. Dù sống tình cảm nhưng ông cũng rất nghiêm khắc. Đối với ông học là phải giỏi và phải luôn có đạo đức tốt. Ông đã rèn cho tôi tính kiên trì, kỷ luật và ngăn nắp.
Video đang HOT
Gia đình anh Trung – NVCC
Những bài học từ giọt mồ hôi của cha mẹ
Năm 1990, lịch sử nước Đức có nhiều biến động. Bố tôi chuẩn bị về nước, tuy nhiên vì nghĩ sau này khó có thể quay trở lại Đức, bố tôi đưa 3 mẹ con tôi sang Đức du lịch một lần.
Năm 1992, bố tôi đón 3 mẹ con tới thành phố Erfurt, thủ phủ của bang Thringia. Lúc này, nhận ra cơ hội có thể làm kinh tế, bố mẹ tôi tranh thủ làm việc, hy vọng có thể để dành một khoản tiền trước khi quay lại Việt Nam.
Trong khi đó, không để anh em tôi bị lãng phí thời gian, bố đã đăng ký lớp học tiếng Đức, xin học phổ thông cho tôi… Đó là cơ duyên, để chúng tôi gắn bó với nước Đức, đến nay đã 26 năm.
Những năm tháng đầu tiên ở Đức, chúng tôi cũng như phần lớn các gia đình Việt Nam khác rất vất vả. Công ty cũ của bố phá sản, nhiều người Đức thất nghiệp, nói chi những người nước ngoài như bố mẹ tôi.
Với 2 tấm bằng ĐH, nhưng bố mẹ tôi hằng ngày đi bán quần áo tại các thành phố ngoại ô khắp bang Thuringia. Hầu như bố mẹ lao động không có ngày nghỉ, không có cuối tuần, không kể ngày lễ hay mưa tuyết. Dù khó khăn nhưng bố mẹ không bao giờ cho 2 anh em tôi cảm giác bị thiếu thốn và thua kém bạn bè. Không một chuyến đi chơi ở lớp, không một quyển sách truyện nào chúng tôi có nhu cầu mà bố mẹ không đáp ứng.
Sự phấn đấu, ý chí vượt khó của bố mẹ đã hình thành trong tôi một tình thương bố mẹ vô cùng. Chính sự hy sinh thầm lặng không một lời kêu ca của bố mẹ… đã ảnh hưởng rất tích cực đến tôi.
Bố mẹ lao động vất vả cũng vì nghĩ để cho anh em tôi có một tương lai tốt đẹp. Ông bà sống tiết kiệm và luôn muốn hướng cho anh em tôi một cái gì đó cao cả hơn. Tầm 15, 16 tuổi tôi muốn đi làm thêm vì nghĩ như vậy giúp được bố mẹ nhưng bố mẹ không đồng ý, vì muốn cho tôi tập trung học tập, không sớm phải nghĩ đến làm ăn kinh tế. Tôi luôn nhớ mãi lời cha mẹ: “Nếu con rảnh con chọn chơi môn thể thao hay hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè, hoặc làm cái gì có ý nghĩa, việc kiếm tiền là việc cả đời, con sẽ vẫn có thời gian”.
Bố tôi luôn muốn tôi phải hòa nhập được với xã hội và văn hóa Đức. Ông không ngại duy trì những mối quan hệ với những đồng nghiệp và bạn học cũ để nhằm cho chúng tôi có sự tiếp cận mật thiết với người bản xứ. Chính những người bạn đó là những người đến giờ vẫn cố vấn và có những lời khuyên cho tôi mỗi khi đứng trước quyết định quan trọng.
Không mệt mỏi phấn đấu để đạt được điều lý tưởng, cao cả, chính ý chí này của bố mẹ là động lực khiến cho tôi có chỗ đứng ngày hôm nay.
Từ bé đến lớn, có những lúc tôi hụt hẫng và có những lúc đi sai con đường nhưng bố mẹ luôn ở bên cạnh và hỗ trợ tôi. Kể cả đến bây giờ, cha mẹ tôi vẫn tuyệt vời như thế, lo lắng cho các con, chăm sóc 3 đứa con của vợ chồng tôi, mỗi khi chúng tôi phải đi công tác. Kể chuyện mẹ cha, thấy mình còn quá nhỏ bé và chưa làm được gì báo đáp công lao trời biển…
Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Thành Trung (38 tuổi) là một trong những giáo sư trẻ nhất ở Đức. Anh Trung là chuyên gia về mạng lưới điện và tự động hóa, nhà sáng lập doanh nghiệp MorEnergy đang phát triển rất tốt tại Đức.
Thời gian qua, anh Đỗ Thành Trung luôn ủng hộ, truyền lửa và kinh nghiệm cho các thanh niên và sinh viên gốc Việt tại Đức, nhiều lần tham gia và là khách mời đặc biệt các chương trình của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức cũng như của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt. Anh cũng là một trong 100 chuyên gia trẻ dự Chương trình Vietnam Innovation Network mới đây tại Việt Nam.
(Ghi theo lời kể của giáo sư – tiến sĩ Đỗ Thành Trung)
Theo thanhnien
Nỗi lòng mùa thi: Con lo một, cha mẹ lo mười
Trong lúc con đang loay hoay viết văn, giải đề toán trong phòng thi thì bên ngoài cánh cổng kia là sự chờ đợi, mong mỏi của bậc làm cha mẹ. Những ánh mắt trông ngóng, những giọt mồ hôi và tâm trạng thấp thỏm lắng lo nhưng cũng ánh lên niềm tin tưởng vững chãi, vì hơn hết cha mẹ luôn mong muốn con cái mình đạt được niềm mơ ước bấy lâu.
Người ta vẫn thường nói rằng nếu ai muốn hiểu lòng cha mẹ thì hãy đến cổng trường những ngày con thi. Dù bận rộn trăm công nghìn việc, dù gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng đôi vai, gác lại tất cả, cha mẹ chỉ muốn tạo tâm lý thoải mái nhất cho con để con yên tâm làm bài thật tốt.
12 năm đèn sách rồi cũng đến ngày gặt hái hoa thơm cỏ ngọt, nhìn những đứa con của mình áp lực, căng thẳng, cha mẹ cũng trằn trọc khôn nguôi. Đời người dường như trải qua rất nhiều kỳ thi, kể cả khi chưa thành hình, chúng ta cũng đã mạnh mẽ vượt qua hàng ngàn "chiến binh" khác để làm nên hình hài của một đứa trẻ.
Thời gian qua đi, chúng ta đến trường, thi chuyển lớp, thi chuyển cấp, rồi thi đại học, cao đẳng... những cuộc thi ấy đều là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Chúng ta đều trải qua rất nhiều cuộc thi trong hành trình trưởng thành... (Ảnh minh họa: Hồng Minh)
Chúng ta ngồi trong phòng thi, loay hoay với những câu chữ, với những bài toán hóc búa thì bên ngoài cha mẹ - những người đưa chúng ta đi thi lo lắng, trăn trở gấp mười lần như thế.
Chúng ta ngày nào còn là cô cậu học trò cấp hai hồi hộp bước vào kỳ thi lên lớp mười, thoáng chốc đã đến ngày đứng trước bước ngoặt quan trọng của mình. Đó là ngày thi khép lại quãng đời cấp ba đầy mộng mơ, nhường chỗ cho những ước mơ bay xa hơn, bay cao hơn.
Cha mẹ luôn bên cạnh ta trong những phút giây quan trọng không kém phần căng thẳng ấy. Đó là những hôm mẹ dậy từ sớm tinh mơ để nấu một bữa sáng thật ngon cho con không mang bụng đói trong ngày thi. Đó là đêm hôm trước cha dặn dò đủ điều, từ những thứ nhỏ nhặt, rồi động viên, an ủi để ta có được tâm lý thoải mái nhất.
Chắc ai trải qua những cuộc thi cũng đều thấu cảm giác sau màn đấu trí căng thẳng giải đề, làm toán khi rời phòng thi được đón chào trong vòng tay của cha mẹ là điều tuyệt vời nhất.
Tôi còn nhớ ngày đứng trước kỳ thi quan trọng cách đây 4 năm có lẻ, tôi như đứa trẻ khao khát cháy bỏng điều gì đó vô hình khi nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa được người thân đưa đến điểm thi.
Gia đình vẫn luôn cạnh bên, yêu thương, quan tâm bạn mà không đòi hỏi đáp đền! (Ảnh minh họa: Hồng Minh)
Có thể trong phút giây ấy, với bạn, thì sự đồng hành của cha mẹ bên cạnh mình là một điều hiển nhiên, là điều đáng ra phải như thế. Còn với tôi thì đó là sự diệu kỳ đầy ấm áp, còn gì hạnh phúc hơn khi bước ra cánh cổng sau khoảnh khắc căng thẳng, nhận được sự quan tâm, hỏi han từ những người mình yêu thương, đúng không?
Bậc làm cha mẹ trong những ngày con thi thì tâm trạng đúng với câu nói "đứng ngồi không yên". Ai cũng lo con không mang đủ dụng cụ, con quên thẻ hay lo con quá áp lực và cuống cuồng khi đọc đề, muôn vàn nỗi lo mà chỉ những người đợi chờ bên ngoài cánh cổng của điểm thi mới thấu hiểu.
Và này, tin tôi đi, dù kết quả cuối cùng có như thế nào thì cha mẹ vẫn sẽ luôn nở nụ cười dịu dàng và ánh mắt trìu mến đón bạn về trong yêu thương. Bởi hơn ai hết, cha mẹ thấu hiểu những áp lực trong những ngày đồng hành cùng con suốt cả mùa thi.
Vì thế hãy cứ làm bài hết sức mình, hãy cứ bình tĩnh để những đêm thức ôn thi không uổng phí, và để sự chờ đợi, quan tâm của cha mẹ được đáp đền một cách xứng đáng.
Thi Thi
Theo Dân trí
Câu chuyện giáo dục: Cậu học trò không nói chuyện, không tắm suốt cả năm vì bị lộ "chat riêng" Người mẹ phát hiện con trai chat "tình cảm yêu đương" với gái học cùng lớp. Quá hoảng loạn, chị kể với cô giáo chủ nhiệm nhờ hỗ trợ. Ngay lập tức, cô gọi hai học sinh lên chất vấn, dạy dỗ... Câu chuyện vô cùng đau lòng và lời cảnh tỉnh với tất cả bậc làm cha mẹ, thầy cô được một...