Chả cá đỏ mang hương vị Hoàng Sa
Một loài cá có hình dạng nhỏ như củ khoai lang, màu đỏ tươi được khai thác từ Hoàng Sa trở về, chế biến thành món chả cá đỏ, làm nên tên tuổi làng chài nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi
Đến Quảng Ngãi, nhiều du khách sẽ nhớ ngay đến những món đặc sản vốn đã “ăn” vào tiềm thức như mạch nha, kẹo gương, đường phèn, đường phổi… Còn bây giờ, nhiều du khách trước khi rời Quảng Ngãi sẽ không quên mua vài ký chả cá đỏ làm quà tặng người thân.
Ở Quảng Ngãi có 2 nơi chính làm chả cá đỏ là làng chài Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và một số cơ sở làm chả cá đỏ ở huyện đảo Lý Sơn. Nếu xét về độ thơm ngon, làng chả cá Định Tân mang hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng hơn.
Theo nhiều người dân thôn Định Tân, nghề làm chả cá đỏ mới thịnh hành khoảng 15 năm nay và phát triển mạnh nhất trong gần 10 năm, bởi hương vị hết sức đặc trưng của chả cá đỏ do người dân thôn làm ra.
Bà Nguyễn Thị Lý (ngụ thôn Định Tân) đã làm nghề chả cá gần 10 năm. Bà cho biết trước kia, khi các thuyền đi Hoàng Sa trở về mang theo cá đỏ củ, người ta thấy thịt cá rất dai, ngon. Họ lóc lấy thịt cá ra khỏi xương rồi nhào lại cho nhuyễn, dùng để ăn gỏi, làm chả đơn giản. Dần dần món chả cá đỏ trở nên phổ biến, nhiều tàu thuyền ra khơi chuyên đánh bắt cá đỏ củ về bán lại cho các hộ chuyên làm chả cá đỏ củ.
“Muốn làm chả cá ngon thì nhất định cá phải tươi và khi xay ra chế biến, cộng thêm ít nguyên liệu như hành, tỏi ướp vào sao cho vừa miệng. Đặc biệt không dùng chất phụ gia hay cá tạp như một số vùng miền khác, như vậy mới tạo được vị ngọt của cá tươi, vị thơm nồng của tiêu, tỏi, không thể lẫn vào đâu” – bà Lý nói.
Video đang HOT
Cách làm chả cá đỏ cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự tinh tế trong cách chế biến. Cá đỏ củ được lóc thịt ra khỏi xương, sau đó, người làm cho thịt cá vào cối xay, đây là thao tác làm nhuyễn cá. Tiếp đó, người làm đưa chả cá vô máy đánh cho đến khi mềm hẳn thì thêm một ít dầu ăn để chả mềm và không rã. Sau đó, chả cá được đóng gói cẩn thận, cho vào tủ đông bảo quản. Sở dĩ chỉ có cá đỏ củ mới được làm chả vì đây là loài cá có thịt không bị nhão, có thể bảo quản đến hơn 1 tháng.
Những năm trước, chả cá làm ra chủ yếu bán lẻ ngoài chợ. Hiện nay, chả cá được các cơ sở đóng gói, nhãn mác, xuất bán đi nhiều nơi, như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Theo UBND xã Bình Châu, toàn thôn Định Tân có trên 50 cơ sở sản xuất chả cá Đỏ với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 tấn mỗi ngày.
“Xã Bình Châu là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với hơn 400 tàu cá và 80% trong số đó chuyên khai thác xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa… Hiện nay, có những tàu chuyên đi đánh bắt cá đỏ củ về làm chả cá. Đây cũng là hướng khai thác mới cho nhiều tàu thuyền, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương” – ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho biết.
Theo NLD
Về đất sen hồng thưởng thức món nem trứ danh
Vùng đất sen hồng Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với những điểm du lịch miệt vườn hấp dẫn mà còn có các làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng nem Lai Vung chua ngọt đặc trưng
Nem Lai Vung gắn liền với địa danh huyện Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp. Sau nhiều năm thăng trầm, đến nay, nem Lai Vung vẫn tồn tại và trở thành một trong các loại đặc sản của Việt Nam.
Theo các chủ cơ sở làm nem lâu năm, bí quyết làm nên một chiếc nem ngon chính là phần chọn thịt heo, tỉ lệ thịt và da heo, sau đó mới tới gia vị cho chiếc nem. Nem làm ngon và đúng cách phải 8 phần thịt, 2 phần da bì, lót lá vông và buộc dây chuối.
Thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng. Sau đó, thịt và da trộn lẫn gia vị vừa ăn kèm tiêu, ớt và gói lại bằng lá chuối để vài ngày cho lên men.
Trải qua nhiều công đoạn, nem Lai Vung được gia công chủ yếu bằng phương pháp thủ công để giữ hương vị đặc trưng
Ngày nay, hương vị của những chiếc nem Lai Vung có phần thay đổi chút ít nhưng vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống. Nguyên liệu gói nem là lá vông ngày càng nên nhiều lò nem phải thay bằng lá tầm ruột, buộc dây nilong thay dây chuối. Thịt và bì lợn không giã thủ công nữa mà cho vào máy xay nhuyễn. Dù vậy, vị đậm đà thơm ngon của nem không biến đổi là mấy. Khi thưởng thức, người ta sẽ bỏ phần lá chuối, lộ bên trong phần nem đỏ hồng, nổi đủ vị chua cay mặn ngọt, thêm cái giòn sần sật của bì càng thêm khoái khẩu.
Thoạt đầu, người dân Đồng Tháp làm nem với mục đích ăn chơi, nhưng rồi do chinh phục khẩu vị nhiều người, món nem trở thành đặc sản của xứ sen, khiến ai tới đây cũng phải mua đôi ba chục làm quà.
Những chiếc nem gói vuông vức làm nên thương hiệu làng nghề Lai Vung
Nghề làm nem Lai Vung còn giúp mang lại thu nhập cho đội ngũ lao động tại địa phương
Ngày nay tận dụng nguồn lao động tại cơ sở cũng như đa dạng sản phẩm, các cơ sở sản xuất nem không chỉ làm ra một loại sản phẩm mang thương hiệu Lai Vung mà con sản xuất ra nem chua, nem huế, giò chả... Điều đáng quan tâm là hầu hết các sản phẩm đều ngon, giá cả lại bình dân, nhất là trong dịp tết giá cả vẫn không thay đổi.
Có dịp đến Lai Vung thăm làng nem, đừng quên bỏ chút thời gian thử vài miếng nem thơm nồng hương vị đặc trưng để cảm nhận được cái hồn của vùng đất này.
Theo NLD
Ẩm thực Lạng Sơn vương vấn khách phương xa Lạng Sơn được du khách gần xa biết đến không chỉ bởi những địa danh đã đi vào thơ ca như "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh..." mà mảnh đất phía đông bắc Tổ quốc này còn hấp dẫn bởi nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng của núi rừng như...