Cay đắng mới ra trường tìm việc: mấy trăm triệu cho vừa?
TTO – Hỏi thử cần bao nhiêu tiền để xin được một công việc có lương bằng 2,34×1,15 triệu, thì số tiền cũng biến thiên khá rộng, một trăm triệu có, bốn năm trăm triệu cũng có.
Tranh minh họa
Mười sáu năm ngồi trên ghế nhà trường cũng không dài bằng gần một năm đi tìm việc.
Đi ứng tuyển cũng khá nhiều, nhưng đa phần là những công việc lương cực thấp, không có cơ hội phát triển, chỉ cần trình độ phổ thông…
Những mong kiếm được một ghế công – viên chức, hoặc một công việc phù hợp với chuyên môn – sở thích của mình sao mà khó quá.
Tự nhiên thấy mình và các bạn mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường sao mà mơ mộng quá.
Video đang HOT
Hồi đó mình được khích lệ đi thi đại học theo sở thích, khích lệ cho cái việc ước mơ và dám thực hiện ước mơ, nhưng lại hầu như không được cho biết sự gian nan, cay đắng, thậm chí cả nhục nhã nếu đi theo cái ước mơ của mình.
Nếu lúc đó biết trước, với hoàn cảnh gia đình, chắc rằng tôi sẽ chọn đi học nghề gì đó để dễ dàng xin việc làm, lại đỡ tốn thời gian và tiền bạc, chứ cũng không mơ đến cái bằng đại học làm gì cho mệt.
Giờ đây khi đã ra trường gần một năm, gặp bất kì ai, người quen, bạn bè thường xuyên gặp, người quen đã lâu không gặp, hầu như đều hỏi tôi “Ra trường chưa? Tìm được việc làm chưa?”. Có khi chưa đợi trả lời họ đã tiếp luôn “Xin việc bây giờ phải là con cháu các cụ, phải tiền cơ”, khiến tôi chỉ biết nín thinh hoặc/và gật đầu.
Còn khi mình nhanh nhảu trả lời là “Chưa” thì câu tiếp theo hầu như cũng với ý như vậy.
Có một vài lần lỡ nói ra cái mục đích của mình, rằng bố mẹ em cũng tính đường chạy việc cho em, nhưng em đang chờ thi công chức, viên chức, đỡ tốn hàng trăm triệu của cha mẹ, thì hầu hết nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, thậm chí là thương hại.
Trong gần một năm ấy, tôi không nhớ đã gặp bao nhiêu “con cò con vạc” béo núc ních: nông dân có, cán bộ xã huyện có, một anh cù bất cù bơ nay việc này mai việc khác có, người có người nhà làm quan chức ở tận đẩu tận đâu có,…
Cũng hỏi thử cần bao nhiêu tiền để xin được một công việc có lương bằng 2,34×1,15 triệu, thì số tiền cũng biến thiên khá rộng, một trăm triệu có, bốn năm trăm triệu cũng có.
Mà sao họ – những anh “cò vạc” này nói chuyện tiền nong thoải mái, công khai đến thế? Chắc chắn số tiền ấy ít nhiều là vào túi anh “cò vạc” ấy, phần còn lại không biết vào túi ai?
Ôi chao ơi, một gia đình nông dân như gia đình tôi làm chỉ đủ ăn, dư giả chẳng bao nhiêu, số tiền bỏ ra nuôi tôi và các em ăn học đã khiến bố mẹ oằn oại, nói gì đến cả trăm, vài trăm triệu để xin việc như thế.
Nhưng các cụ vẫn hay bảo, nếu một đôi trăm thì các cụ cũng cố vay mượn chạy việc cho, thời thế bay giờ nó vậy, biết làm sao hơn…
Ban đầu tôi cũng tưởng thời bây giờ nó vậy thật, nhưng rồi qua những câu chuyện đưa đẩy đâu đó tôi lại nghĩ rằng mười năm, vài chục năm trước đã phải như vậy.
Không ít thầy cô của tôi, bạn bè của bố mẹ, những cô bác tôi quen, lúc bình thường thì giấu nhẹm. Nhưng đến khi được khơi đúng mạch cảm xúc thì họ nói liên miên bất tuyệt, nào là trước đây hàng chục năm, hai chục năm họ đã phải cắn răng vác tiền đi xin việc. Khi chúng tôi còn nhỏ, họ không dám nói, nhưng bây giờ lớn rồi, cũng phải có hiểu biết xã hội…!
Nhưng không phải có tiền mà xin được việc ngay, nếu không phải con cháu các cụ. Nhiều người bạn tôi gia đình có điều kiện, sẵn sàng bỏ ra một vài trăm triệu ngay để có được một công việc trong biên chế mà đợi mấy năm rồi vẫn không được gì. Có nhà vì tin tưởng bạn bè – cò mồi, chưa gì đã chất cho người ta một đống tiền để rồi cay đắng nhận ra có khi mất trắng. Tiền thì có đấy, nhiều đấy, nhưng cổ thì ngắn, nói có ai nghe đâu, nói có được gì đâu.
Hình như con đường tìm việc của chúng tôi bây giờ như leo lên một cái kim tự tháp vậy. Số công việc thì ở cái chóp nhọn của kim tự tháp, còn số bằng cấp thì chất đầy dưới đáy tháp. Có lúc tôi trách rằng tại sao đào tạo ra nhiều bằng cấp quá, để rồi phần lớn số bằng cấp ấy xếp xó.
Có khi tôi lại trách những con “cò”, sao mà đòi số tiền lớn thế, sao không ăn ít thôi, để lại chút phúc đức cho con cháu. Chung quy lại vẫn phải trách mình trước, tại sao không thể học được bằng xuất sắc, hay trở thành thủ khoa để không phải tốn nhiều công sức tìm việc thế này, thậm chí tự mình tạo ra công việc cho mình và nhiều người khác nữa.
Nhưng rồi tôi bỗng giật mình khi nghĩ rằng, nếu mà nhiều bằng xuất sắc quá, nhiều thủ khoa quá, nhiều người làm ông chủ quá thì cũng khác gì bây giờ.
Thời bây giờ không phải là thời buổi thừa thầy thiếu thợ nữa, mà là thời vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ mất rồi.
Trong thâm tâm tôi lúc nào cũng mong muốn chứng minh cho những người “lắm tiền” kia rằng, tôi không cần tốn trăm triệu vẫn được làm một công chức, viên chức nhà nước, vẫn tìm được một công việc như ý. Nhưng không biết cái ước mơ ấy tới chừng nào mới thực hiện được.
Nhiều thầy cô của tôi khi gặp lại vẫn thường thủ thỉ, tìm việc bây giờ cực lắm, không vội được đâu em.
Gần một năm ấy thật dài dài, cay đắng, nhục nhã, một phần là vì không tìm được một công việc như ý, còn 9 phần vì phải cầu cạnh cánh “cò vạc” và còn vì cảm thấy cái bằng đại học từng khiến mình huênh hoang, phồng mũi khi mới ra trường giờ đây như một tờ giấy không biết dùng vào việc gì.
Đọc báo thấy cử nhân, thạc sĩ rủ nhau đi chăn vịt, giấu bằng cấp để mong xin làm công nhân, xót xa quá chừng. Ôi chao ơi, lúc gần tốt nghiệp tôi đã cười thầm vào cái mặt của khối đứa cùng lớp, vì chúng và gia đình chúng đã chuẩn bị sẵn vài trăm triệu cho một cò nào đó, để khi chúng ra trường là có “chỗ ngồi” ngay.
Còn bây giờ thì chúng đang cười và chửi thẳng vào mặt tôi: “Mày thực thà tới phát ngu, không biết thế nào là đồng tiền đi trước hả? Chú mày còn xanh và non lắm. Hà hà!”
Theo TTO