Cấp 2 chỉ có 3 môn chính, muốn xóa chính-phụ phải thay đổi cách thi vào lớp 10
Chính việc coi trọng “môn chính, môn phụ” dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân.
Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021.
Áp dụng từ năm 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10; từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12.
Một trong những điểm mới, theo người viết, được dư luận hết sức đồng tình ủng hộ đó là sẽ không còn phân biệt “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh.
Đây là một quy định vô cùng đúng đắn được mọi người hoan nghênh, tán dương, giáo viên các môn xưa giờ được coi là “môn phụ” như được giải tỏa áp lực, học sinh sẽ tập trung vào học tất cả các môn, không còn khái niệm học lệch,…
Trong bài viết “Thế là tới đây sẽ không còn môn chính, môn phụ, cảm ơn Bộ Giáo dục!” của tác giả Hồng Nhung được rất nhiều lượt bạn đọc chia sẻ, bình luận đa số đồng tình với quy định mới và hy vọng khi áp dụng sẽ thực chất.
Theo người viết, việc này là vô cùng đúng đắn, mỗi môn học đều có tầm quan trọng, vai trò vị trí khác nhau, không thể một học sinh giỏi môn Lịch sử, Hóa học, Giáo dục công dân lại thua một học sinh học giỏi môn Toán học,…
Một quan niệm sai lầm về “môn chính, môn phụ” đã dẫn đến học lệch, thi lệch, dẫn đến coi thường bộ môn, coi thường giáo viên,… đã tồn tại rất lâu, nay được bãi bỏ là vô cùng đúng đắn.
Chính việc coi trọng “môn chính, môn phụ” dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân.
(Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Trong Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã quy định đánh giá, mỗi học sinh được xếp loại Tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt điểm trung bình từ 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên.
Mức Khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ , điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên,… mà không phân biệt bất kỳ môn nào trong chương trình.
Video đang HOT
Tức là đã chính thức không còn quy định “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới.
Tuy nhiên, khi ban hành vẫn còn nhiều người băn khoăn, chưa yên tâm với quy định mới này khi ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở hầu hết tất cả các địa phương vẫn chỉ là 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Người viết tin rằng đã bỏ khái niệm “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh thì tiến tới sẽ sửa đổi quy chế kỳ thi quan trọng, được đánh giá là thật đó là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng không có “môn chính, môn phụ”, chấm dứt chỉ tập trung dạy và học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở.
Trong bài viết này, người viết xin tập trung phân tích và đề xuất sửa đổi các môn thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng không còn “môn chính, môn phụ”.
Đề xuất quy định các môn thi tuyển sinh 10
Hiện nay đa số các địa phương đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 rất tốt, thực chất, trung thực,… đánh giá thực trạng dạy và học ở các trường trung học cơ sở.
Tuy nhiên về môn dự thi thì hầu hết chỉ dự thi 3 môn Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ dẫn đến ở bậc trung học cơ sở chỉ tập trung vào dạy 3 môn trên, nó được coi là “môn chính” ở bậc trung học cơ sở, tất cả các môn còn lại đều là “phụ”.
Về nội dung thì tôi nghĩ rằng nội dung các môn thi nên đảm bảo nguyên tắc không có “môn chính, môn phụ” người viết đề xuất các môn thi theo 2 phương án sau:
Phương án 1: Học sinh bậc trung học cơ sở học môn nào thi môn đó (các môn năng khiếu kiểm tra riêng), tức là học sinh sẽ được thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (sau này có thêm Ngoại ngữ 2), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Phương án 2: Theo chương trình mới ở bậc trung học phổ thông, ngoài việc học các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn trong Nhóm môn Khoa học tự nhiên, Nhóm môn Khoa học xã hội, Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, nên cũng có thể tổ chức việc thi tuyển sinh lớp 10 theo nhóm môn ở bậc trung học phổ thông mà học sinh sẽ được học.
Về đề thi thì cho trên tinh thần hết sức trọng tâm, nhẹ nhàng nhưng phải nghiêm túc.
Việc này vừa kích thích học sinh học tốt, giáo viên dạy tốt, không phân biệt “môn chính, môn phụ”, đảm bảo học sinh phát triển toàn diện.
Nhằm từng bước, thực hành dạy thật, học thật, nhân tài thật thì rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự điều hành, ban hành chính sách đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự đồng lòng của nhân dân, tạo động lực của các em thông qua việc tổ chức các hoạt động, các kỳ thi thật, nghiêm túc.
Trong thời gian qua, từng bước Bộ trưởng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thấy sự đúng đắn, tầm nhìn lâu dài, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhiều vấn đề về chứng chỉ, đánh giá chuẩn, công văn 5512, quy định đánh giá học sinh,…
Vì vậy, người viết tin tưởng trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chính sách đúng đắn, từng bước thực hiện mục tiêu dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mong muốn của nhân dân cả nước.
Có thể bắt đầu sửa đổi và áp dụng thay đổi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngay từ năm học này, trong quá trình thực hiện sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý, nó là một kế hoạch lâu dài không để việc thi thay đổi liên tục khiến học sinh hoang mang.
Đồng quan điểm với nhiều người, tôi rất mong Thông tư 22 mới này được áp dụng cho tất cả các học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ngay trong năm học này, khi mà việc đánh giá theo Thông tư trên có nhiều điểm mới, hay tiến bộ, phù hợp hạn chế hầu hết những bất cập của Thông tư đánh giá hiện hành.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bỏ tính điểm trung bình tất cả môn học cấp THCS, THPT
Theo thông tư mới về việc đánh giá học sinh THCS và THPT, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học đều được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Việc đánh giá học sinh sẽ không dựa trên điểm trung bình của tất cả các môn học như trước.
Chẳng hạn, trước đây, học sinh phải đạt 8,0 trung bình tất cả các môn học mới được xếp loại là Học sinh giỏi, thì nay chỉ cần 6 môn có điểm tổng kết trên 8,0 sẽ được đánh giá ở mức Tốt, không phân biệt môn chính hay môn phụ.
Nhiều môn đánh giá bằng nhận xét
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định mới về việc đánh giá học sinh THCS, THPT, sẽ thực hiện ngay từ ngày 5/9 năm nay với học sinh lớp 6.
Theo thông tư này, sẽ có hai hình thức đánh giá học sinh là bằng nhận xét và bằng điểm số.
Với hình thức đánh giá bằng nhận xét sẽ áp dụng đối với các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập những môn này sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức Đạt hoặc Chưa đạt.
Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.
Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số áp dụng cho các môn học còn lại.
Thông tư sẽ thực hiện ngay từ ngày 5/9 năm nay với học sinh lớp 6.
Đối với việc đánh giá thường xuyên sẽ thực hiện thông qua nhiều hình thức đánh giá như vấn đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập,...
Với một môn học, học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học.
Với việc đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập. Học sinh trung học sẽ có 4 bài kiểm tra định kỳ mỗi môn học.
Thay đổi cách xếp loại học lực, hạnh kiểm
Quy định mới cũng không tính điểm trung bình tất cả môn học để đưa ra xếp loại học lực như trước mà có sự điều chỉnh. Kết quả của từng học kỳ, năm học được đánh giá theo một trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Trong đó, học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.
Như vậy, với cách tính này, các môn đều được đánh giá công bằng như nhau, không có môn chính, môn phụ.
Tương tự, học sinh được xếp mức Khá khi tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.
Học sinh được xếp mức Đạt khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm.
Các trường hợp còn lại sẽ xếp mức Chưa đạt.
Cũng theo cách đánh giá mới này, sẽ không quy định xếp loại hạnh kiểm như trước, mà cũng được xếp loại theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và sẽ triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 - 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó đến lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.
385 học sinh tại Thừa Thiên Huế được tặng Bằng chứng nhận danh hiệu "Học sinh danh dự toàn trường" Sẽ có 385 học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng chứng nhận đạt danh hiệu "Học sinh danh dự toàn trường" năm học 2020-2021. Ngày 5/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 1870/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 về việc trao tặng...