Canxi, vitamin D và tập luyện làm giảm nguy cơ loãng xương
Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai), bệnh loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.
Tại Hội nghị khoa học thường niên của khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Bạch Mai 2018 diễn ra ngày 12/10 với chủ đề “ Thấp khớp học hướng tới cộng đồng”, PGS Hồng cho biết những ảnh hưởng của bệnh loãng xương với sức khỏe là rất lớn.
PGS Hồng cho biết, loãng xương là một rối loạn của hệ xương do mật độ khoáng xương thấp, giảm chức năng vi cấu trúc xương và/ hoặc giảm sức mạnh xương từ đó làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Nguy cơ này ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương, trong đó với người Việt Nam, khẩu phần ăn thiếu canxi và vitamin D cũng là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng này.
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, giá trị canxi trong khẩu phần ăn của người Việt sau 25 năm không thay đổi, ở mức trung bình 500mg/người/ngày, chỉ đáp ứng 57-64% nhu cầu canxi của mỗi người dẫn đến tình trạng thiếu canxi trường diễn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam rất phổ biến, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở nhóm phụ nữ 40 tuổi tỷ lệ thiếu vitamin D lên đến 50%. Như vậy, cứ trung bình 2 người phụ nữ lại có 1 người thiếu vitamin D. Trong khi đó, thiếu vitamin D khiến cơ thể không tổng hợp được canxi từ thức ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ loãng xương.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.
Theo PGS Hồng, điều trị loãng xương bao gồm có biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, với mục tiêu làm giảm nguy cơ bị gãy xương do loãng xương.
Biện pháp không dùng thuốc bao gồm bổ sung canxi và vitamin D, bài tập tải trọng, dừng hút thuốc lá, giảm tiêu thụ rượu, cà phê và giảm nguy cơ bị trượt ngã.
Video đang HOT
Theo đó, bệnh nhân nam từ 50 – 70 tuổi cần đảm bảo hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày tối đa là 1000 mg và ở phụ nữ trên 51 tuổi lượng canxi tối đa cần đạt 1200 mg.
Bên cạnh đó bệnh nhân cần được bổ sung vitamin D để tăng cường hấp thụ canxi. Hàm lượng vitamin D cẩn bổ sung hàng ngày là 600 UI ở nam và nữ trong độ tuổi từ 51-70 và 800 UI với nam và nữ trên 70 tuổi.
Còn với các thuốc điều trị loãng xương có rất nhiều loại khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định dựa vào từng trường hợp, mức độ loãng xương cụ thể.
PGS Hồng cũng lưu ý với bệnh nhân cao tuổi thường có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, đái tháo đường lại kèm tình trạng loãng xương nặng sẵn có, việc liền xương thường rất khó và lâu, điều trị phải kiên trì.
Để đề phòng loãng xương cần cung cấp đấy đủ dưỡng chất cho xương hàng ngày, nhất là canxi và đảm bảo đủ vitamin D để tăng cường hấp thụ canxi. Cần vận động thể lực thường xuyên, hạn chế lạm dụng Corticoid; Đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe của xương, đặc biệt tại tuyến cơ sở. Chẩn đoán và điều trị loãng xương sớm góp phần giảm tỷ lệ gãy xương, giúp tăng chất lượng sống, và giảm gánh nặng chi phí điều trị.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, các bệnh cơ xương khớp là một trong các nhóm bệnh thường gặp trong cộng đồng, có mức độ ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và xã hội.
Tại Việt Nam, các bệnh lý xương khớp, thoái hóa khớp, loãng xương rất phổ biến, vì thế việc đẩy mạnh chẩn đoán, điều trị sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người bệnh, điều trị hiệu quả nhiều bệnh xương khớp thường gặp.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai) cho biết, với nhiều báo cáo chuyên đề của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Singapore, chuyên gia Việt Nam, các bác sĩ sẽ được trao đổi, cập nhật kiến thức về những tiến bộ trong lĩnh vực thấp khớp học và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành nghề nghiệp.
Ngày 13/10 BV sẽ tổ chức khám sàng lọc cho tất cả bệnh nhân đăng kí về các bệnh cơ xương khớp, tư vấn cho bệnh nhân phát hiện, điều trị sớm các bệnh xương khớp để phòng nguy cơ biến chứng.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Sữa học đường khác gì sữa trên thị trường?
Một trong những điều phụ huynh quan tâm hiện nay là chất lượng sữa học đường như thế nào, có khác gì so với sữa ngoài thị trường?
Mục tiêu chung của các chương trình dinh dưỡng học đường là cung cấp năng lượng, bổ sung vi chất thiết yếu còn thiếu cho trẻ
Hà Nội: Sữa bổ sung 3 vi chất
Theo hồ sơ mời thầu do Sở GD&ĐT phát hành phần "Yêu cầu kỹ thuật" quy định: Sữa dùng cho chương trình sữa học đường được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi, có đường hoặc không đường đáp ứng đúng theo các nội dung về quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng hiện hành (QCVN 5-1: 2010/BYT). Hồ sơ mời thầu cũng yêu cầu sữa học đường được cung cấp phải có nhãn "sữa học đường" dành riêng cho chương trình.
Ngoài yêu cầu như trên, theo bản yêu cầu cập nhật mới nhất về hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội (ngày 21/9/2018), sữa được cung cấp cho chương trình phải được bổ sung các vi chất. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). Như vậy, đây là sự "chuyên biệt" của sữa học đường so với sữa trên thị trường mà ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi gần đây.
Theo một chuyên gia dinh dưỡng, các chất bổ sung như trên cũng rất dễ tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa có trên thị trường. Vấn đề là ở chỗ, các sản phẩm trên thị trường có thể bổ sung chất này nhưng thiếu chất kia; còn sữa học đường tập trung vào một sản phẩm. Và điều quan trọng hơn, theo vị này, sữa học đường là sản phẩm được triển khai cho số đông học sinh sử dụng nên giúp trẻ em phát triển đồng đều.
Khi nào có quy chuẩn sữa học đường quốc gia?
Như Tiền Phong đã phản ánh, một trong những bất cập là ngành Y tế chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường quốc gia, khiến cho các địa phương lúng túng trong việc lựa chọn loại sữa áp dụng cho chương trình.
Cụ thể, tại Quyết định 5450/QĐ-BYT (Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020), Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng quốc gia hoàn thành bộ vi chất bổ sung vào sữa học đường vào tháng 6/2017 để làm cơ sở ban hành quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn chung.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, Viện đã hoàn thành báo cáo lên Y tế về bộ vi chất cần bổ sung cho sữa học đường. "Chúng tôi đã báo cáo lên Bộ, Bộ họp nhiều lần xem xét và sẽ ban hành trong những ngày tới", bà Mai nói.
Bộ vi chất bổ sung cụ thể cho chương trình sữa học đường quốc gia chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bộ vi chất này trước hết phải bám sát mục tiêu can thiệp dinh dưỡng được Chính phủ đặt ra cho sữa học đường.
Cụ thể, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) đặt mục tiêu về dinh dưỡng như sau: Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, việc trẻ em Việt Nam thiếu vi chất gì là kết quả thống kê, nghiên cứu trong nhiều năm.
Vì sao không thực hiện chương trình phổ cập các thực phẩm khác như thịt hay cá ở học đường mà triển khai sữa học đường, chuyên gia thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, với mục tiêu cung cấp năng lượng, vai trò của sữa hay thịt, cá... có sự tương đồng. Tuy nhiên, mục tiêu bổ sung vi chất là lý do để Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường.
"Ngoài vai trò là thực phẩm bổ dưỡng, sữa còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học thuận lợi hơn nhiều việc bổ sung khi chế biến thịt, cá, cơm hay rau... Sữa học đường trước hết là vấn đề khoa học", vị này nói.
SỸ LỰC
Theo Tiền phong
4 cách để tăng cường sức khỏe của xương Sức khỏe xương kém có thể dẫn đến loãng xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Chăm sóc xương và tạo một khung xương chắc khỏe trước khi bước vào tuổi già là rất quan trọng, đặc biệt là với phụ nữ. Các môn thể thao tăng cường sức mạnh như tennis có thể giúp tăng cường sức khỏe của xương -...