Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha
Mặc dù khắc phục được một vài điểm yếu của các dòng sản phẩm DSLR, nhưng EOS R vẫn còn những điểm cần phải thay đổi nếu muốn cạnh tranh với Sony
Bài viết là ý kiến cá nhân của Usman Dawood, nhiếp ảnh gia của công ty ảnh kiến trúc Sonder Creative.
Canon EOS R (trái) và Sony A7 III (phải)
Tôi là một nhiếp ảnh gia kiến trúc, và trong bộ môn nhiếp ảnh này thì gần như mọi bức ảnh đều được chụp bằng cách gắn máy vào tripod. Có khá nhiều lí do để làm việc này, nhưng nổi bật là giúp người chụp có thể điều chỉnh hướng chụp một cách chuẩn xác nhất, cũng như giúp bức ảnh sắc nét hơn ở những tốc độ chụp chậm.
Tuy vậy không phải lúc nào tôi cũng có thể sử dụng được tripod. Ở những nơi hẹp, hay có nhiều người đi qua thì việc đặt một vật chiếm diện tích như tripod là điều không thể, mọi người có thể vấp chân và ngã. Chính vì vậy, thiết bị mà tôi sử dụng cũng phải có tính đa dụng cao, có thể tạo ra những bức ảnh đẹp nhất kể cả khi chụp cầm tay, nên tôi lựa chọn Sony A7R III và ống kính Laowa 12mm f2.8 Zero Distortion. Tôi lựa chọn ống kính này vì nó có tiêu cự rất rộng, cũng như khẩu độ lớn giúp thu nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể.
Và đối với tôi, chiếc A7R III hay những sản phẩm đời mới khác của Sony là lựa chọn thông minh hơn so với các sản phẩm DSLR hay thậm chí chiếc Canon EOS R vừa được ra mắt.
Những bức ảnh của tác giả Usman Dawood
Ống ngắm điện tử (EVF)
Khác với DSLR với ống ngắm quang học, máy ảnh không gương lật sử dụng ống ngắm điện tử (EVF), là một màn hình nhỏ với đội phân giải cao
Laowa 12mm là một ống kính lấy nét bằng tay hoàn toàn, vậy nên hệ thống lấy nét tự động của máy trở nên vô dụng. Những nơi tôi chụp thường thiếu ánh sáng, nên việc sử dụng khẩu độ f2.8 cũng là một lợi thế. Điểm hay của chiếc Laowa 12mm đó là kể cả khi mở khẩu độ f2.8, trường ảnh vẫn rất lớn nên có thể chụp được toàn bộ kiến trúc của một tòa nhà.
Chụp ảnh thiếu sáng với một ống kính lấy nét tay quả thực là khó nhằn, nhưng có một tính năng ở các máy Sony nói riêng và máy ảnh không gương lật nói chung có thể giải quyết được vấn đề này, đó là ống ngắm điện tử EVF. EVF giúp tôi có thể chụp đúng tư thế để có điểm tựa vững chắc, mà vẫn có thể sử dụng các tính năng trợ giúp lấy nét tay như peaking (tạo ra những chấm đỏ ở điểm nét) hay zoom. Cả Canon và Nikon cũng đều vừa ra mắt máy ảnh không gương lật Full-frame đầu tay của mình, đáng tiếc là Sony đã có hệ thống của riêng mình từ rất lâu và tôi đã quá quen với chúng để có thể chuyển sang các hãng khác.
Chống rung bằng cảm biến
Canon EOS R không được trang bị công nghệ chống rung cảm biến mà Sony và Nikon đã trang bị cho máy ảnh của mình
Tính tới thời điểm hiện nay thì Sony là hãng duy nhất có máy ảnh Full-frame với khả năng chống rung cảm biến 5.5 bước, cao hơn so với hệ thống 5 bước của bộ đôi Z6 và Z7 đến từ Nikon. Còn Canon thì vẫn đi theo lối mòn, chiếc EOS R mới nhất của hãng không hề được trang bị tính năng này.
Chống rung cảm biến (IBIS) là một công cụ rất đắc lực cho những nhà nhiếp ảnh kiến trúc. Nhiều lúc do thiếu ánh sáng, tôi phải chụp ở tốc độ 1/15, nhưng cuối cùng bức ảnh vẫn không bị mờ do rung lắc. Chiếc Laowa 12mm tôi sử dụng hay bất cứ ống kính dạng lấy nét tay nào cũng không hề có chống rung trên ống kính, nên khi gắn chúng trên các thân máy không có IBIS sẽ rất khó chụp cầm tay, và nhất thiết phải sử dụng tripod.
Hệ thống ống kính
Một trong những điểm yếu của Sony trong quá khứ là hệ thống ống kính không đa dạng, nhưng tới nay thì tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Hiện nay dòng máy ảnh Sony Alpha E-mount đã có rất nhiều ống kính đúng ngàm (Native), người dùng cũng có thể gắn thêm ngàm chuyển để sử dụng các ống kính của ngàm A (DSLR của Sony), của Canon, Nikon và của Leica. Thậm chí người dùng còn có thể sử dụng những ống kính của các máy ảnh có cảm biến Medium format nếu muốn!
Các hãng thứ 3 như Sigma, Samyang và Tamron mới đây cũng thông báo sẽ ra mắt những ống kính dành cho máy ảnh Sony. Điển hình như Sigma, vừa công bố một lúc tới 9 ống kính dòng Art với khẩu độ f1.2 – f1.8 dành cho ngàm E-mount.
Hệ thống ống kính Sigma Art dành cho Sony
Đối với tôi thì lợi thế lớn nhất của Sony đó là tôi có thể sử dụng những ống kính tilt-shift của Canon, mà vẫn có hệ thống chống rung IBIS, một ưu điểm mà không bất cứ chiếc máy ảnh nào của Canon có được.
Khả năng lấy nét
Sony A9 là sản phẩm đầu tiên mà hãng cho thấy được tiềm năng của khả năng lấy nét trên cảm biến trên các máy ảnh không gương lật. Khả năng chụp mà không bị đen màn hình (blackout) cùng tốc độ lấy nét tốc độ cao giúp khẳng định đây là một sản phẩm dành cho giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Video đang HOT
Hệ thống lấy nét của Sony A9 với độ phủ lớn
Hệ thống lấy nét bằng cảm biến ảnh không những có độ chính xác cao hơn DSLR truyền thống với một cảm biến lấy nét riêng, mà còn có nhiều tính năng ‘hay ho’ nữa. Ví dụ như khả năng lấy nét mắt (Eye AF), giúp cho người dùng chụp những bức ảnh chân dung chỉ trong tích tắc mà không cần di chuyển từng điểm lấy nét một. Ở thế hệ máy ảnh thứ 3, hệ thống lấy nét mắt của các máy ảnh Sony đã quá tốt, nên việc trở lại với hệ thống lấy nét truyền thống của DSLR như chuyển từ dùng smartphone xuống điện thoại ‘cục gạch’ vậy. Trong nhiếp ảnh kiến trúc, nhờ có hệ thống lấy nét nhiều điểm và có độ phủ lớn mà tôi có thể chọn đúng điểm nét mà mình cần, không cần phải ‘phá khung hình’ giống với các máy DSLR.
Những tính năng quay phim
Trong 2 hãng mới tham gia thị trường không gương lật, thì chỉ có Nikon mới phát triển thành công tính năng quay phim. Còn Canon có vẻ như vẫn ‘để dành’ những tính năng quay phim tốt nhất cho các sản phẩm Cine cao cấp. Chiếc EOS R mới được ra mắt có thể quay 4K 30p giống với Nikon Z6, Z7 và Sony A7 III, nhưng lại phải crop cảm biến tới 1.8 lần. Chính vì vậy, khi người dùng chuyển từ chụp ảnh sang quay phim, thì khung ảnh của họ sẽ bị zoom lên tới 1.8 lần, nên ta phải đứng xa ra hoặc sử dụng ống kính khác.
EOS R phải crop cảm biến để có thể quay độ phân giải 4K
Sony thì khác, họ cung cấp cho người dùng lựa chọn để quay phim 4K bằng toàn bộ cảm biến hoặc ở chế độ crop Super 35 (1.5 lần), giúp người dùng dễ dàng chọn khung hình, chuyển được nhanh giữa chế độ chụp ảnh và quay phim.
Sony lắng nghe ý kiến của người dùng
Khi so sánh những sản phẩm Full-frame trên thị trường, thì có vẻ như chỉ có Sony là hãng lắng nghe những yêu cầu của người dùng. Hãng trong thời gian vừa qua đã tạo ra những chiếc máy ảnh không gương lật tốt nhất Thế giới, đơn giản vì họ nghe người dùng, và thêm những tính năng mà họ cần nhất.
Ví dụ điển hình là khả năng nhận 2 thẻ nhớ SD cùng một lúc. Đây là một yếu điểm rõ ràng của những dòng máy Sony trước đây, và tới thế hệ 3 của dòng máy Alpha mới nhất họ đã thêm tính năng này, giúp người dùng có thể mở rộng bộ nhớ lên gấp 2, hoặc lưu trữ back-up ngay trong lúc chụp. Nikon, và cả Canon đã có cơ hội để không đi vào vết xe đổ của Sony, nhưng lại tiếp tục mắc sai lầm và chỉ trang bị cho các máy ảnh không gương lật mới nhất của họ chỉ 1 khe cắm thẻ nhứo duy nhất.
Tới chiếc X-H1, một sản phẩm có cảm biến APS-C cũng có 2 khe cắm thẻ SD
Lời kết
Lựa chọn đúng công cụ cho công việc của từng người là một công việc rất quan trọng, và với bản thân tôi thì Canon vẫn là một lựa chọn an toàn. Song, trong những năm gần đây tôi đã sử dụng và rất hài lòng với các sản phẩm không gương lật đến từ Sony vì những tính năng mà Canon không có được.
Sony trong thời gian qua đã rất có cố gắng trong việc phát triển máy ảnh của họ, và mở một ngã rẽ mới cho thị trường máy ảnh: các sản phẩm không gương lật Full-frame. Chính vì vậy mà số nhiếp ảnh gia chuyển sang sử dụng máy ảnh của họ ngày càng nhiều, vì đơn giản những sản phẩm của họ thực sự rất tuyệt vời và có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.
Còn Canon và Nikon thì vẫn ‘đi theo lối mòn’, thể hiện ở những chiếc máy ảnh không gương lật mới được ra mắt của họ. Những sản phẩm mới của họ ‘chỉ đủ tốt’ để giữ chân người dùng ở lại với hệ thống của họ, nhưng không có bất cứ tính năng gì mới để có thể cạnh tranh với một thị trường không gương lật đang phát triển một cách nhanh chóng.
Tới 67.92% người dùng trên diễn đàn Petapixel lựa chọn Sony A7 III thay vì Nikon Z6 và Canon EOS R
Khi một hãng thuyết phục được các hãng thứ 3 làm ống kính cho họ chỉ sau một vài năm bắt đầu ở mảng nhiếp ảnh, thì tức là hãng đó đã thành công trong việc sản xuất thân máy. Máy ảnh không gương lật được sản xuất bởi Sony hiện đã có rất nhiều tính năng mới, và sẽ còn đưa họ lên những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng các hãng máy ảnh trong tương lai. Với rất nhiều nhiều nhiếp ảnh gia thì Sony là lựa chọn hàng đầu khi chọn mua máy ảnh
Theo genk
Trên tay nhanh EOS R, ống kính RF và ngàm EF-EOS R
Trong tuần qua, hình ảnh về chiếc máy ảnh đầu tiên không gương lật của Canon đã xuất hiện khá nhiều từ tin đồn cho đến khi hãng ra mắt chính thức. Hôm nay, Camera Tinhte có cơ hội đến văn phòng Canon và trải nghiệm dòng máy này trên tay.
Tuy thời gian hạn hẹp, nhưng đây cũng là cơ hội làm rõ hơn chiếc máy này hơn khi được cầm nắm trên tay thật sự. Sau đây làm một vài nhận xét của Camera Tinhte sau khi trải nghiệm:
1. Thiết kế và bố trí nút vận hành
Đầu tiên, vẻ bề ngoài của EOS R có thiết kế khá hiện đại với màn hình Dot-matrix LCD vuông, thời thượng và bắt mắt. Các đường nét gọn gàng hơn, giống với thiết kế của các máy EOS M hơn là một máy DSLR. Với báng cầm chứa pin LP-E6 hoặc LP-E6N (dùng để sạc trực tiếp vào máy), nên có độ dày, tạo cảm giác cầm nắm rất tốt, không khác các dòng DSLR của Canon là mấy. Ngoài ra, thiết kế hình giọt nước chỗ nút chụp tạo cảm giác thoải mái khi thao tác chụp ảnh và nút AF-ON tiện dụng vẫn được giữ nguyên.
Màn hình Dot Matrix vuông nhìn rất hiện đại.
Màn hình Dot Matrix giúp thay thế các nút xoay chỉnh với ICON lớn.
Bên cạnh đó, thiết kế màn hình xoay lật trên các dòng DSLR trước đây vẫn được Canon trang bị cho EOS-R. Điểm khác biệt là màn hình cảm ứng này có thể biết thành một dạng "trackpad" để di chuyển điểm lấy nét cực kì thuận tiện.
Màn hình xoay lật thuận tiện đặc trưng của Canon.
Điểm khác biệt của EOS R là độ dày thành máy nhìn từ trái qua mỏng hơn, vì hộp gương lật đã không còn. Khoảng cách mặt bích ngắn 20mm, ngắn hơn của EOS đến 24mm (khoảng cách từ cảm biến đến ngàm). Bên cạnh đó, bánh xe lớn phía sau để hiệu chỉnh khẩu, tốc độ màn trập hay điểm lấy nét không còn nữa mà thay vào đó là thanh cảm ứng đa nhiệm. Một thiết kế hiện đại. Thanh đa nhiệm này giúp cho việc quay phim tốt hơn khi không gây tiếng động như bánh xe xoay. Tính năng này trên EOS 1DX và 1DX mark II đã có, và được gọi là LV Touch Control, nhưng không đa nhiệm như thanh điều khiển này.
Thanh cảm ứng đa nhiệm
Máy mỏng hơn, khoảng cách từ cảm biến đến ngàm ngắn hơn.
Nút xoay điều khiển các chế độ chụp P, Av, Tv, M không còn khắc và sơn biểu tượng trên đó nữa, thay vào đó, người dùng nhấn vào nút mode ở trên và xoay, các chế độ sẽ thể hiện trên màn hình Dot-matrix LCD. Đây là điểm rất hiện đại mà Canon đã giải quyết rất hay việc kích thước. Nếu vẫn giữ các icons trên bánh xe, chắc chắn sẽ lớn như DSLR. Nhưng có một điểm, Canon chưa bao giờ thay đổi, ngay cả trên EOS-hiện đại này, đó là nút ON-OFF nằm riêng hoàn toàn, không chung với các nút khác.
EVF với Eye-cup thiết kế hình thang.
Và điểm mới nhất xuất hiện trên màn hình Dot-matrix LCD của Canon EOS-R là chế độ Fv. Chế độ này được gọi là Flexible Mode (Chế độ Linh hoạt). Ở chế độ này, người dùng có thể thay đổi Khẩu độ, Tốc độ hay ISO thì hai thông số còn lại trong phơi sáng sẽ thay đổi theo để giúp giữ nguyên phơi sáng bạn mong muốn mà không cần phải ra ngoài chuyển chế độ. Đây là một tính năng rất tiện dụng cho người chụp phải giải quyết tình huống nhanh.
Cạnh bên với các cổng giao tiếp và khe thẻ
Màn trập tự động đóng lại khi tắt và mở lên khi bật.
2. Ngàm RF
Có thể thấy rõ, khoảng cách từ cảm biến đến mép ngoài của ngàm RF rất ngắn. Cảm biến rất sát với ngàm bên ngoài, đây là ưu điểm gọn nhẹ khi bỏ gương lật. Ngàm vẫn giữ nguyên kích thước từ ngàm EF ra đời năm 1987 là đường kính 54mm.
Đặc điểm khác biệt khi nhìn vào ngàm RF là màn trập luôn đóng lại, không mở ra như những dòng máy không gương lật của các hãng khác. Có lẽ, Canon muốn tăng khả năng bảo vệ cảm biến lên cao hơn khi thay ống kính với môi trường bên ngoài. Điều này làm cho EOS-R thích hợp với nhiếp ảnh gia chuyên travel hơn.
Ngàm RF có đến 12 chân tiếp xúc để truyền dữ liệu
Điểm khác biệt lớn nhất giữa ngàm RF và EF là chân tiếp xúc giữa ngàm và ống kính. Ngàm RF có đến 12 chân. Canon giải thích cho việc này là nhiều chân tiếp xúc hơn giúp cho truyền tín hiệu nhiều hơn. Điều này làm tăng tốc độ lấy nét AF cũng như ổn định hình ảnh. Bên cạnh đó, Ống kính ngàm RF của Canon còn có thêm tính năng Control Ring. Người dùng có thể gán cho vòng xoay trên đầu ống kính RF các tính năng họ muốn sử dụng rất tiện. Bên cạnh đó, ngàm chuyển từ EF-RF (hai ngàm chuyển còn lại của Canon có ngàm thường và ngàm cho kính lọc phía sau) của Canon cũng có vòng xoay để sử dụng tính năng này. Vì có Control Ring nên có lẽ, trong thời điểm hiện tại Canon chưa chia sẻ thông tin ngàm này cho hãng thứ 3 để sản xuất ống kính RF. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể dùng ngàm chuyển bình thường để sử dụng ống kính bên thứ 3 có ngàm EF.
3. Màn hình EVF và khả năng lấy nét tự động AF
Với người dùng, EVF là điểm mà họ mong muốn được cải thiện hàng đầu trên máy không gương lật. Với số điểm ảnh lên đến 3,65 triệu, EOS R có khả năng tái tạo hình ảnh nét hơn thật hơn. Hiện giờ, thông số độ trễ của cảm biến này chưa có, nhưng cảm nhận thực tế khi ngắm qua EVF.
Với tuyên bố EOS-R có đến 5.650 điểm lấy nét lệch pha khi tinh chỉnh bằng nút điều hướng. Đây là số điểm lấy nét nhiều nhất trong dòng máy ảnh không gương lật có cảm biến full-frame hiện nay. Có thể số điểm ảnh này nhiều hơn điểm lấy nét của các hãng khác một cách đột biến, và điều này, Canon muốn hướng tới việc quay phim nhiều hơn là chụp hình. Khi quay phim, việc chuyển nét nhẹ nhàng trên ống kính chụp ảnh là rất cần thiết.
4. Khả năng quay phim 4K 30p
Canon là hãng đầu tiên đưa ra máy ảnh full-frame có khả năng quay phim khi giới thiệu Canon EOS 5D mark II. Và từ đó đến nay, tính năng này vẫn rất nhiều người dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi các hãng khác đã cho phép quay 4K full-frame như Sony, hoặc cài đặt sẵn các profile màu như S-Log trên Sony hoặc V-log trên Panasonic thì Canon gần đây vẫn thu phí cho C-Log nếu sử dụng 5D mark IV.
Khả năng quay 30p, nhưng khung hình bị crop khoảng x1,7
Lần đầu tiên Canon cài đặt sẵn C-log trên máy ảnh thông dụng (trước đây đã có trên Canon EOS 1DC - chuyên dành cho quay phim) và đã có cải tiến mạnh mẽ với các thông số như sau:
4K/Full HD/HD YCbCr 4:2:0 BT.709 8-bit (Internal Memory)
4K/Full HD/HD YCbCr 4:2:2 BT.709 8-bit (HDMI Output)
4K YCbCr 4:2:2 BT.709/BT.2020 10-bit (HDMI Output)
Với thông số này, hiện nay có Nikon Z là cùng có trên máy ảnh không gương lật có cảm biến full-frame. Tuy nhiên, khi quay 4K trên EOS-R thì tỉ lệ không còn là full-frame mà crop lại. Bù lại, EOS -R có bitrate cao nhất trong dòng máy ảnh không gương lật hiện nay, lên đến 480Mbps, trong khi các hãng còn lại là 100Mbps.
5. Hệ thống ống kính RF và Ngàm chuyển EF-EOS R và báng pin BG-E22
Ra mắt cùng với EOS-R, hệ ống kính mới với ngàm RF cũng được Canon cho ra mắt 4 loại.
1. RF 28-70mm F2 L USM
2. RF 24-105mm F4 L IS USM
3. RF 50mm F1.2 L USM
4. RF 35mm F1.8 Macro IS STM
Có thể thấy các ốnh kính RF của Canon vẫn mang ngôn ngữ thiết kế của hãng với vòng đỏ cho dòng L (Luxury) cao cấp của mình. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên là vòng Control Ring có thể tùy biến các tính năng hiệu chỉnh trên vòng. Vòng control ring không xoay trơn mà có các khớp chắc chắn tạo nên tiếng động.
Điểm khác biệt về ngoại hình dễ thấy nhất là phần đuôi của ống kính RF có màu nòng súng, tách ra với lớp kim loại màu đen vỏ ống truyền thống nhìn hiện đại và chắc chắn.
Ngoài ra, Canon cho phép người dùng chọn chiều xoay vòng lấy nét khi lấy nét thủ công với kính RF. Điều này chưa từng có cho những ống kính trước đây. Canon đưa ra giải pháp cho những người có thể quen thuộc với hướng xoay của riêng họ, bên cạnh đó, giúp các nhà làm phim chuyên nghiệp có thể xoay trở để lắp đặt module lấy nét tay điều khiển từ xa mà không gặp quá nhiều rắc rối.
Ngoài ra, tất cả các ống kính RF sẽ phục phụ riêng cho máy ảnh không gương lật EOS-R, nên ngoài việc màn trập luôn được hạ xuống khi tắt máy, các lá khẩu trên ống kính cũng được tự động khép lại 1-2 khẩu độ khi tắt nguồn để bảo vệ màn trập và cảm biến khi có luồng ánh sáng quá mạnh chiếu vào.
Riêng về ống kính 28-70 f/2, ống kính có tiêu cự thay đổi có khẩu f/2.0 lớn nhất đầu tiên trên thế giới cho máy chụp hình. Do khẩu độ lớn, nên ống kính này khá nặng và to.
Kích thước giữa EOS R với ống kính 24-105 f/4 và 28-70 f/2
Với ống kính RF 24-105 f/4 thì thực sự quá nhỏ gọn về kích thước. Để có kích thước ấn tượng như thế, Canon cho biết đã sử dụng hệ thống lấy nét USM Nano mới cho dòng ống kính này.
EOS R và RF 28-70mm f/2.0 L USM
Canon giới thiệu ống kính RF 50mm f/1.2 L như là biểu tượng của dòng ống kính mới khi gần như thiết kế lại hoàn toàn khác biệt so với EF 50mm f/1.2 L trước đây. Với đường kính trước 77mm so với 72mm và 10 lá khẩu so với 8 lá khẩu, rõ ràng RF 50mm f/1.2 L sẽ cho ra bokeh còn đẹp hơn dòng trước rất nhiều.
Cuối cùng là ống kính nhỏ gọn 35mm f/1.8 không nằm trong dòng L nhưng có giá thành dễ chấp nhận cho người mới sang EOS-R muốn sở hữu ngay ống kính mà không phải trả chi phí quá cao hoặc dùng ngàm chuyển.
Cùng ra mắt EOS R, Canon cũng đã giới thiệu báng pin BG-E22 có thể sử dụng thêm 1 cục pin nữa, có cổng USB-C sạc thẳng.
BG E22 có cổng USB-C để cắm sạc trực tiếp từ PD-E1
3 Ngàm EF-EOS R
Ngàm EF- EOS R bình thường
Ngàm EF-EOS R control ring
Ngàm EF-EOS R Drop in Filter
Trên đây, Camera Tinhte đã ghi lại những trải nghiệm rất nhanh khi có cơ hội được dùng thử và trải nghiệm trong một thời gian ngắn. Và máy EOS-này vẫn là bản sample, chưa có thể kết luận gì hoàn toàn chính xác, nhưng mong rằng bài viết cũng đã mang đến cho các bạn một hình ảnh khá rõ ràng về dòng máy không gương lật có cảm biến full-frame đầu tiên của Canon. Hy vọng, sau bài viết này, các bạn đã có kế hoạch tài chính để chờ ngày máy ảnh được bán ra với phiên bản thương mại hoàn chỉnh.
Theo tinhte
Canon công bố XF705,máy quay "vác vai" đầu tiên trên thế giới quay 4K UHD 4:2:2 10 bit H.265/HEVC Sau khi hết thoả thuận cung cấp ống kính cho các dòng máy quay Sony, Canon đã quay lại thị trường máy quay vác vai chuyên dụng ngoạn mục bằng XF305 "huyền thoại" cách đây cũng đã 8 năm. Sau khi trở lại thị trường handycam thì Canon lại đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc máy quay chuyên dụng cho điện ảnh...